Search This Blog

Thursday, October 10, 2024

'Hồi ký' của David Rockefeller: Sinh ra đã ôn hòa

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Ngày nay, chúng ta thấy nhiều hồi ký của những người có tính cách
lưỡng cực, nhưng đã có thời, trước khi chúng ta để tính tự ái lan ra khắp nơi, thì những người Mỹ nổi bật nhất thường có tính cách hoàn toàn tương phản. Đây là những người tâm tình thường ở nhiệt độ phòng và hiếm khi nổi nóng tới mức lãnh đạm, những người không bao giờ mất bình tĩnh, hay thậm chí lên giọng cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu. Nếu những điều viết trong tự truyện ''Hồi ký'' là đúng sự thật, thì David Rockefeller chính là một con người như vậy, như là Mozart của loại âm nhạc ôn hòa.

Ông không bao giờ tức giận, mặc dù thi thoảng có lúc ''căng thẳng.'' Một sự việc với ông không bao giờ là kinh khủng, nó là ''không chấp nhận được''. Khi chứng kiến cuộc biểu tình của Đức Quốc xã tại nước Đức thời trước chiến tranh, ông ghi chú trong cuốn tự truyện rằng ông cảm thấy ''một cảm giác khó chịu chế ngự.'' Đối mặt với đám đông giận dữ biểu tình năm 1960, ông buồn bã nhận xét họ là ''không đúng mực.''

Dưới đây là đoạn mở đầu đầy cảm xúc của David Rockefeller. Để mô tả một chuyến thăm sớm tới biển Galilee: ''Sự liên kết của vùng đất này tới Kinh Thánh và đoàn mục sư của Chúa Giêsu Kitô khiến đây là phần sâu sắc trong chuyến đi của Đức Cha và, tôi thú nhận, cũng là đối với tôi.'' Để mô tả tình cảm của ông với vợ: ''Tán tỉnh Peggy McGrath cho tôi sự lãng đãng rất dễ chịu và cuối cùng là mối quan hệ quan trọng nhất cuộc đời tôi.'' Để mô tả cuộc đối đầu với đối thủ cay đắng nhất của ông tại ngân hàng Chase Manhattan: "Nếu bất đồng lên đến đỉnh điểm thì chúng tôi có thể đã tiến rất gần tới mức bất lịch sự với nhau."

Rất gần tới mức bất lịch sự! Đây không phải thế giới theo kiểu người Ý hay người Do Thái thường lớn giọng nói chuyện trong bàn ăn. Đây không phải thế giới của Oprah hoặc Camille Paglia hay Elizabeth Wurtzel. Đây là tiếng nói từ thế giới đã mất của sự trầm mặc. Hay nói cách khác, đây là tiếng nói từ thế giới đã mất của Hội Tin Lành.

Mặc dù gia đình ông là mới giàu so với nhiều người, David Rockefeller lớn lên theo đạo lý và cách cư xử của tầng lớp thượng lưu khu vực Bờ Đông. Sinh năm 1915, ông sống trong tư gia lớn nhất thành phố New York, được hầu hạ bởi cả một đội quân đầy tớ, người hầu, bảo mẫu và hầu phòng. Ông và các anh em thường trượt pa-tanh đi học ở Đại lộ số 5, với một chiếc limousine tháp tùng phía sau để đón họ lên khi mệt. Khi David đi từng nhà tặng giỏ đồ ăn lễ Tạ ơn cho người nghèo, có một tài xế riêng mặc chế phục ở bên cạnh giúp ông xách đồ. Gia đình ông vẫn theo phong tục cũ. Cha của Rockefeller đeo cà vạt đen ăn tối mỗi ngày, còn mẹ ông mặc một chiếc váy lịch sự.

Đúng điển hình theo tầng lớp của ông, thời thơ ấu David Rockefeller có nhiều bất động sản hơn là bạn bè. Ngày nghỉ cuối tuần ở biệt thự Pocantico ở Westchester và nghỉ hè ở Maine. Hầu như cả ngày ông ở một mình giữa những vùng đất tuyệt vời. Như thể để hoàn thành hình mẫu cậu bé giàu có đáng thương, cậu David nhỏ sưu tập bọ cánh cứng và vui thích nhất với những con bọ của mình.

Ông đi học ở Harvard, hẳn nhiên, nơi mọi người có cảm giác ông là người ít nói và rụt rè ở các buổi vũ hội sôi nổi chiếm phần lớn thời gian đời sống xã hội của ông. Ông không bao giờ được một điểm A nào ở trường (dù ông được một điểm A- môn côn trùng học (entomology)), nhưng ông là một thanh niên rất nghiêm túc, rồi ông có bằng tiến sĩ kinh tế trước khi bắt đầu sự nghiệp tại Chase, là ngân hàng có quan hệ với gia đình ông từ lâu đời.

Ông đã chứng minh bản thân, theo cách nói của tầng lớp ông, là "ngon lành". Và ông rất giỏi ở hình thức giao lưu đúng mực tại các phòng họp thường được lát gỗ sẫm màu và các khuy măng-sét tinh tế. Với tên tuổi, tài sản và thái độ của mình, ông có thể thân quen với những nhân vật vĩ đại và tử tế, như George C. Marshall, Henry Kissinger, Anwar el-Sadat, v.v. Qua thời gian Rockefeller biến mình thành chính khách doanh nhân hàng đầu thời đại ông. Bất kỳ nơi nào tổ chức thảo luận, với những chai nước được xếp thật đều nhau và những bài thuyết trình đáng nghe về sự cần thiết tăng cường đối thoại quốc tế, Rockefeller đều có mặt. Ông đã có có mặt tại buổi thành lập Ủy ban ba bên, Hội Bilderberg, và Nhóm Pesenti. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế. Khả năng chịu đựng sự nhàm chán của ông chắc hẳn chưa từng có trong lịch sử.

Phần hay nhất của cuốn sách này lần theo con đường Rockefeller đi từ sự cô đơn và thiếu tự tin lên đỉnh cao giới kinh doanh, và vị trí đứng đầu gia tộc. Ông lớn lên không chỉ dưới cái bóng tiền tài và danh tiếng của gia đình mà còn dưới cái bóng của anh trai ông là Nelson. "Tôi thần tượng Nelson,'' ông viết về bản thân khi còn là cậu bé. ''Vào những dịp hiếm hoi khi anh tôi nhớ tới sự tồn tại của tôi và rủ tôi tham gia vào một trong những cuộc phiêu lưu của anh, cuộc đời tôi ngay lập tức biến thành một cái gì đó lớn hơn, tốt hơn và thú vị hơn.''

Nhưng qua sự kiên trì tuyệt đối, qua sự tích lũy không ngừng các mối quan hệ và ảnh hưởng, David đã đạt được thành công sánh ngang với anh trai mình. Không giống Nelson, ông không bao giờ đi lạc khỏi lối sống không thể chê trách, không bao giờ đi một bước nào thiếu thận trọng. Khi Nelson đi lệch đường, qua việc ly dị vợ và kết hôn với Happy, David đã không hề tha thứ. ''Tôi không còn coi anh tôi là người hùng không bao giờ làm điều gì sai, mà là một người đàn ông sẵn sàng hy sinh gần như tất cả mọi thứ cho tham vọng lớn của bản thân.'' David nói rõ, khi cả hai gần đến tuổi nghỉ hưu, ông đã thay thế Nelson đứng đầu gia tộc.

Nhưng cũng có mặt xấu xí trong sự đi lên của Rockefeller. Ông dành cuộc đời mình trong câu lạc bộ giai cấp thống trị và vẫn luôn trung thành với các thành viên của câu lạc bộ, bất chấp những việc họ đã làm. Ông cố gắng bao che cho Alger Hiss khỏi rắc rối khi ông này bị cáo buộc là điệp viên Cộng sản. Ông cũng cố gắng tìm nơi trú ẩn cho vị Shah của Iran sau khi ông ta bị lật đổ. Đôi khi lòng trung thành của ông với các thành viên cùng câu lạc bộ là rất đáng ngưỡng mộ, nhưng ông thường lạnh lùng lánh xa những chuyện kinh hoàng mà bạn bè và những mối quen biết của ông gây ra bên ngoài cánh cổng cung điện kia. Ông dành phần lớn sự nghiệp tại Chase làm ăn với các bạo chúa -- tỏ lòng tôn kính với các nhà độc tài giàu dầu mỏ, ngồi qua các cuộc họp lê thê với những người Trung Quốc gây ra Cách mạng Văn hóa (có người từng giao chiếc vali chứa 50.000 đô-la tiền mặt cho người Trung Quốc để Rockefeller có thể họp với đại sứ của họ), và gặp gỡ với những người đứng đầu đảng Cộng sản Liên Xô. Những mối quen biết này thường dẫn đến các thỏa thuận có lợi cho Chase. Và các thỏa thuận ấy thường đem lại lợi ích cho bè phái cầm quyền ở các quốc gia đó. Nhưng theo cách mà ngày nay chính ông đã lãng quên, Rockefeller đã bị vấy bẩn bởi sự thân thiết của ông với những kẻ bạo chúa côn đồ ấy. Khi các lực lượng dân chủ chiến đấu với các lực lượng độc tài chuyên chế, Rockefeller luôn cùng phe với bất kỳ ai đang nắm được quyền lực.

Cuối cùng, cuốn sách này không đưa ra lời giải cho một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 20: điều gì xảy ra với Hội Tin Lành? Trong 200 năm qua một số loại người nhất định thuộc một nền văn hóa nhất định chiếm những đỉnh cao chỉ huy của xã hội Mỹ. Sau đó, đột nhiên vào khoảng những năm 1960. . . bụp! . . . họ biến mất. Chỉ trong một chớp mắt lịch sử hầu hết các mạng lưới quyền lực, quy tắc ứng xử và các tổ chức mà Hội Tin Lành đã xây dựng đều bị loại bỏ hoặc chuyển đổi không thể nhận ra nổi. Và điều đáng kinh ngạc là thành viên của hội thậm chí không hề chống lại.

Cuộc cách mạng diễn ra trong gia đình của Rockefeller cũng như toàn xã hội. Tất cả con ông đều bác bỏ giáo hội ông từng tham gia. Một người con của ông trở thành người ''phân biệt giới tính'' (theo lời tạp chí New York); người khác thì giúp tài trợ cho The Real Paper, tờ tuần báo khác ở Boston. Rockefeller không thể tự bảo vệ mình chống lại các cuộc tấn công, không thể bảo vệ đạo lý sống, dịch vụ công và văn hóa doanh nghiệp vốn đã tạo dấu ấn riêng lên cuộc đời ông.

Và lý do ông không thể tự bảo vệ mình, trước hết, là cảm giác mãnh liệt tránh xung đột. Chống lại không phải cách cư xử tốt. Nhưng cơ bản hơn, mặc dù Rockefeller với thế giới có vẻ là một ông chủ ngân hàng bảo thủ, ông tự xem bản thân, cuốn sách đã cho thấy rõ điều này, như một tác nhân tiến bộ cho sự thay đổi. Không hề gắn bó với quá khứ và đạo lý cũ, David Rockefeller, và thực sự là tất cả người họ Rockefeller, luôn thích những điều mới. Họ chấp nhận mọi lý thuyết giáo dục mới, mọi phong cách nghệ thuật mới, từng xu hướng kiến trúc mới, từng mốt kinh doanh mới. Và thế nên khi thập kỷ 1960 đến và dường như lại đại diện cho một tương lai mới tươi sáng, nhiều người nhà Rockefeller trẻ cũng nắm lấy cơ hội, thậm chí ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc hủy diệt vị trí của mình trong xã hội, và những người lớn tuổi không nói gì.

Theo đoạn hồi ký điềm tĩnh chưa tiết lộ này cho thấy, sẽ không bao giờ có một người như David Rockefeller, người đại diện đạo lý của Hội Tinh Lành và thu hút nhiều nhất các thuyết âm mưu. Vào những năm 1960, một thế hệ mới xuất hiện phá vỡ thế giới của ông, và để đáp lại, ông sẵn sàng gần như tiến tới mức bất lịch sự.

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...