nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn sách tỉ mỉ và thâm thúy của Claire Dederer phát lộ “tình thế tiến thoái lưỡng nan của người hâm mộ” đối với những nhân vật như Vladimir Nabokov, Woody Allen, Willa Cather và Roman Polanski.
Những bậc thềm của những ngôi nhà bằng sa thạch ở khu Brooklyn, trên đó cư dân thường để những món quà tặng miễn phí cho người qua đường, là một thước đo xác thực cho sự yêu thích văn chương hiện thời – và cả sự chán ghét nữa. Vào mùa hè cuồng nhiệt năm 2018 đó, khi khắp nơi nơi người ta công khai cáo buộc những người đàn ông lỗi lạc là có hành vi bỉ ổi, tôi thấy trên những bậc thềm đó được đặt kề bên nhau là cuốn “Side Effects” (“Hiệu ứng phụ”) của Woody Allen và “Lake Wobegon Days” (“Những tháng ngày ở Lake Wobegon”) của Garrison Keillor, khiến người ta bật cười theo cách mà những nhà văn hài hước đó không bao giờ chủ định. Ngay gần đó, ai đó đã giận dữ vứt bỏ cuốn sách dạy nấu ăn “Molto Italiano” của Mario Batali. Kệ sách vụ-bê-bối của tôi đang bị nhồi chặt hơn một trong những con sò origano nướng ngon lành của ông này.
Bên phía Bờ Tây, ở Seattle, tác giả Claire Dederer phát hiện ra hiện tượng tương tự: một Thư viện Nhỏ Miễn phí “ních chặt đến tận nóc những cuốn sách của và về” Allen, mà bà quyết định thu thập làm nghiên cứu. “Một cuốn sách của Woody Allen kiếm chác được là cuốn sách mà tôi không trả tiền để mua – cách hoàn hảo để hủy hoại tài nghệ của một người mà ta nghi ngờ về đạo đức,” bà viết trong cuốn sách mới của bà là “Monsters: A Fan's Dilemma” (“Những kẻ quái vật: Tình thế tiến thoái lưỡng nan của người hâm mộ”), một sự xem xét liên-ngành về những nhân vật phân cực như vậy, và về đạo đức của một cuộc đời sáng tạo.
“Tất cả những người còn đang sống,” Dederer viết, “đều bị xóa sổ hoặc sắp bị xóa sổ.” Nhưng bà rất không thích dùng thuật ngữ “xóa sổ văn hóa”, nó thiên vị, như thực tế là thế, cái người bị ô danh bởi dấu ấn chính thức của sự buộc tội, thay vì người lên tiếng về những hành vi sai trái. Và dẫu rằng như vậy bà vẫn muốn tìm cách dung hòa lòng ngưỡng mộ thứ nghệ thuật tuyệt vời đó của bà với những hành vi sai trái trong đời thực của những người sáng tạo ra nó.
Mở rộng bài tiểu luận nổi tiếng đăng trên tạp chí The Paris Review một tháng sau khi sự bạo lực tình dục của Harvey Weinstein bị phơi bày, “Monsters” duy trì giọng văn tiểu luận, đôi khi mang tính cách ngôn trong suốt 250 trang có lẻ. Điểm xuyết những chi tiết về cảnh vật cụ thể của bà – chiếc phà, tiệm bánh crepe, buổi biểu diễn nhạc rock khiến những hàng mi lấp lánh – “Monsters” một phần là hồi ký, một phần là chuyên luận và toàn bộ là sự thú vị. Dederer liên tục cố thử – không phải theo nghĩa tính từ của từ này, mà theo nghĩa phân từ hiện tại của nó: cho chúng ta thấy quá trình tư duy của bà, đồng thời hiệu chỉnh trong khi bà tiến hành và thử nghiệm các hình thức khác nhau.
Ví dụ, bà miêu tả cuộc tranh luận với một “nam văn sĩ” hàn lâm mà bà không nêu tên về bộ phim “Manhattan” năm 1979 của Allen, như một “vở kịch nhỏ” lấy bối cảnh trong nhà hàng lát đá cẩm thạch ở viện bảo tàng Met Breuer (bản thân nó là một bối cảnh “Manhattan” thực thụ), quan sát “tiếng lanh canh của đồ ăn bằng bạc xung quanh căn phòng, như thể những con dao và những chiếc dĩa đang có cuộc trò chuyện khác, cuộc trò chuyện rõ ràng hơn và lành mạnh hơn, ở bên dưới hoặc bên trên tiếng ồn ào xôi thịt của con người.”
Dederer, “nữ văn sĩ” – và là nữ văn sĩ tinh nhanh, hóm hỉnh – tin rằng sự lãnh đạm vô tình khi nhân vật của Allen hẹn hò với một học sinh trung học làm hỏng bộ phim, điều luôn khiến bà ít nhiều khó chịu, đặc biệt là kể từ khi nhà đạo diễn này bỏ nữ minh tinh Mia Farrow để lấy cô con gái Soon-Yi Previn của chị. Nam văn sĩ kia giữ quan điểm của trường phái Phê bình Mới (New Criticism) cho rằng bà nên đánh giá “Manhattan” chỉ về mặt thẩm mỹ học thôi, và đó là một kiệt tác.
Woody Allen đã chiếm quá nhiều chỗ trong sự đánh giá này. Kẻ được gọi là quái vật – một từ mà, rất tiện lợi, có thể biểu thị sự thành công, tầm cỡ cũng như sự biến thái – có cách để làm điều đó.
Dederer lướt qua cả một dàn những kẻ không đáng tin cậy, gồm vô số đàn ông nhưng cũng có một số lượng đáng kinh ngạc là phụ nữ: J.K. Rowling, dĩ nhiên, bộ truyện Harry Potter của bà này đã khiến cả gia đình Dederer thích mê trước khi bà phát biểu về vấn đề chuyển giới; nhưng còn có Virginia Woolf, nhật ký của bà này “lỗ chỗ” những “lời nhận xét khiếm nhã bài Do Thái” mặc dù bà kết hôn với một người Do Thái; có Willa Cather, người biến những người Da đen thành những kẻ không có tính người trong cuốn tiểu thuyết “My Ántonia”; có Laura Ingalls Wilder, người biến người Mỹ bản địa thành những kẻ không có tính người trong bộ truyện “Little House” (“Ngôi nhà nhỏ”); và Doris Lessing, người bỏ lại hai đứa con khi chuyển từ Rhodesia đến London sống cùng đứa con thứ ba.
“Đây là điều mà tính quái vật của phụ nữ có vẻ rất giống: bỏ rơi con cái. Bao giờ cũng vậy,” là lời tuyên bố của Dederer, bà mẹ hai con vẫn cảm thấy có lỗi về việc uống rượu cả một thập kỷ và một cuộc ẩn dật suốt năm tuần lễ ở Marfa, bang Texas. Ở điểm này tôi muốn tranh luận với bà (và tôi không nghĩ bà sẽ phiền lòng: bà vẫn đang liên tục tranh luận với chính mình). Trừ phi việc không có con, như Virginia Woolf, là một kiểu bỏ rơi?
“Quái vật” té ra chỉ là một trong số nhiều từ mà tác giả thăm khám một cách kỹ lưỡng, phát hiện ra nó là “nam giới, tinh hoàn, thế giới cũ. Đó là một từ có lông lá, và có răng”. Nó gợi lên nỗi sợ hãi và hình ảnh tưởng tượng thời thơ ấu, giống như những sinh vật trong cuốn truyện tranh “Where the Wild Things Are” (“Nơi có những loài vật hoang dã”), tác giả của nó là Maurice Sendak bị một số người coi là quỷ quái một cách lố bịch, hoặc các tác phẩm của Roald Dahl: ít bị coi là quỷ quái một cách lố bịch hơn, vì chủ nghĩa bài Do Thái không đến nỗi khiếm nhã. (“Nếu chúng ta từ bỏ những người bài Do Thái,” một trong những người bạn của Dederer nhận xét bằng câu thực chất giống như câu khôi hài kiểu Woody Allen, “chúng ta sẽ phải từ bỏ tất thảy mọi người”.)
“Tôi có phải là một kẻ Quái vật không?” là tiêu đề Dederer đặt cho một chương sách, để đánh giá thái độ đúng đắn một cách tương đối của bà. Nhưng liền sau đó, bà đánh giá sự nghiệp của chính mình – bà đã xuất bản những cuốn sách về yoga và tình dục được đón nhận nồng nhiệt – "có lẽ tôi không đủ tính quái vật." Nghệ thuật đòi hỏi sự ích kỷ; những thiên tài được “cho phép vi phạm quy tắc ứng xử” khi phải tuân theo những kỳ vọng của xã hội. Giá như con người ta có thể giữ được phần nóng nảy, háu đói của trạng thái quái vật mà không để lại dấu răng trên người khác.
“Vết nhơ” là một từ khác thuộc ngữ vựng mà Dederer thấy là hữu ích, mặc dù cuốn “The Human Stain” (“Vết nhơ của nhân loại”) của Philip Roth không nằm trong số rất nhiều tác phẩm được phân tích ở đây, và Roth chỉ được đề cập thoáng qua, bất chấp vụ việc rất thú vị về những cáo buộc hành vi tình dục sai trái chống lại người viết tiểu sử của Roth đã gây nguy hại cho di sản của ông.
Có lẽ là do “tiểu sử”, đối với Dederer, dường như không phải là một thể loại ưu tú mà đúng hơn là mối phiền toái hiện diện khắp nơi, “thứ phá hoại niềm vui của chính tôi”: chỉ là tập hợp các chi tiết về cá nhân mà ta có thể tìm kiếm trên thực thể quái vật hiện đại nhất kia, internet. “Chúng ta ngập trong tiểu sử; chúng ta phát ốm vì tiểu sử,” bà viết. Nó “từng là thứ bạn tìm kiếm, khát khao và hăng hái đeo đuổi. Giờ đây nó đổ xuống đầu bạn suốt ngày”.
Hậu quả tất yếu đối với “kẻ quái vật”, ở thể thụ động hơn, là “vết nhơ”: một tính xấu nào đó tô điểm cho cuộc đời của ai đó mà ta không muốn biết, tuy nhiên nó vẫn lan truyền và có thể làm xấu đi nhận thức về tác phẩm của người đó. Vết nhơ thẩm thấu qua thời gian, đến những người đã làm tổn thương nghệ sĩ đó và những người mà nghệ sĩ đó đã làm tổn thương, và trong thời buổi này khi các mối quan hệ xã hội ảo được đề cao, những người mà anh ta hoặc chị ta làm tổn thương bao gồm cả chúng ta: những người hâm mộ biết quá nhiều.
Kệ sách vụ-bê-bối của mỗi người hâm mộ, những cuốn sách được len lén cầm đi từ bậc thềm, không có vẻ giống nhau. Kệ sách của Dederer: nhẹ về sách của Roth, nặng về sách của Vladimir Nabokov. Lời biện minh sắc sảo một cách tinh tế của bà về tác phẩm “Lolita” đã khiến tôi nhỏ lệ biết ơn.
Song tôi cũng thấy mình không đồng tình với hoặc rất hồ nghi, đồng thời phản kháng cái “chúng ta” chung chung của bà (một đại từ mà chính bà cũng tự vấn). Tôi không nghĩ đến bài phát biểu phân biệt chủng tộc năm 2006 của diễn viên hài Michael Richards mỗi khi tôi thoáng thấy anh ta lao qua cửa trong bộ phim dài tập “Seinfeld”. (Tôi có nên nghĩ đến không?) Ắt hẳn cũng không với diễn viên hài trẻ vui nhộn Troy Bond, người thường xuyên thực hiện một chương trình nhại kiểu hiện đại trên TikTok.
Tôi không còn nghĩ từ “tham vọng” gắn với phụ nữ là miệt thị nữa. Tôi không nghĩ những phụ nữ hoàn thành công việc của mình – Dederer gọi họ là “những người về đích” – lại là quái vật hoặc có thể so sánh với những gã đàn ông quái vật theo bất kỳ cách nào. Họ là học sinh hạng A! Hoặc chỉ đơn giản là chuyên nghiệp.
Và tôi chắc chắn không nghĩ, như bà khẳng định, rằng “có thai là hết chuyện”. Câu này từ một người dành nhiều trang sách chìm đắm một cách tội lỗi vào cuốn “Rosemary's Baby” (“Hài nhi của Rosemary”), cố gắng giải quyết “vấn đề của Roman Polanski”. Thế còn “Couples” (“Những cặp vợ chồng”) của John Updike thì sao? (Đừng bắt tôi phải mở đầu bằng bài Tạp chí London Review of Books đã quái vật hóa Updike ra sao, phía trên bài luận của Patricia Lockwood, như một “robot tình dục hỏng hóc”.)
Đối với một tác giả rùng mình một cách chân thực trước sự bị rẻ rúng của từ “bị ám ảnh” để sử dụng cụm từ “làm việc” – cụm từ “làm tình” mới? – và “chủ nghĩa tư bản mới đây” khiến tôi cảm thấy, theo cách diễn đạt của chính Dederer, “hơi buồn nôn”.
Nhưng, nhưng… đây là cuốn sách mạnh dạn từ vách đá nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn bên dưới và nhảy ngay xuống, làm bắn tóe ra xung quanh một cách vui thích, không sợ ướt. Thật hào hứng biết bao.
MONSTERS: A Fan’s Dilemma | By Claire Dederer | 288 pp. | Alfred A. Knopf | $28
Alexandra Jacobs is a book critic and the author of “Still Here: The Madcap, Nervy, Singular Life of Elaine Stritch.”
https://www.nytimes.com/2023/04/23/books/monsters-review-claire-dederer.html