Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Được lập ra để chăm sóc những người bị bỏ rơi, bệnh viện này đang dẫn đầu

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “The People’s Hospital” (“Bệnh viện Vì dân”), Ricardo Nuila thực hiện cuộc khảo sát tỉ mỉ những phương thức mà theo đó một nơi chốn dành cho những người bị hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ bỏ rơi sẽ phục vụ họ như một mô hình vô tiền khoáng hậu.

Năm 1963, nhà văn người Hà Lan là Jan de Hartog chuyển đến sống ở Mỹ để giảng dạy một khóa học tại Đại học Houston và bắt đầu công việc tình nguyện viên tại Jefferson Davis, bệnh viện từ thiện công ở Fourth Ward, khu vực đa phần là Người da đen của thành phố này.

Những gì de Hartog nhìn thấy ở đó đã làm nền tảng cho “The Hospital” (“Nhà thương”), cuốn sách chỉ trích gay gắt xuất bản năm 1964 của ông. Cùng với sự xúc phạm đáng kinh ngạc đối với những người dân Da đen cư trú ở đây buộc phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế tại một nhà thương mang tên vị Tổng thống của Liên minh miền Nam [Jefferson Davis], nơi này, theo lời de Hartog, là “điển hình của sự khốn cùng”. Khi đi dọc theo những hành lang đông nghẹt của nhà thương này, trên sàn nhà trơn trượt vì những bãi nôn và máu, ông nhìn thấy những bệnh nhân trong những tình trạng trần truồng khác nhau, một số ngồi trên xe lăn, một số đông “những con người tàn phế, còng xuống, những hiện thân vô vọng của sự khốn khổ đến cùng cực”. Nhưng mùi nơi đó mới là thứ làm ông sốc nhất. Ông so sánh nó với mùi hôi hám sộc vào mũi ông khi ông gặp những tù nhân trở về từ các trại tù của Đức Quốc xã sau Thế chiến II, cuộc thế chiến mà ông tham gia lực lượng kháng chiến của Hà Lan: “cái mùi khăm khẳm đó tràn ngập khắp nơi, át lên tất cả, cái mùi của nghèo đói, bệnh tật, bị bỏ mặc, mùi của những bàn chân không được rửa ráy, quần áo không được giặt giũ, hơi thở hôi hám, mùi của nôn mửa và tiêu chảy”. Ông nghe nói ở Houston mùi này có tên hẳn hoi: “mùi J.D." [mùi Nhà thương Jefferson Davis].


Trong “The People’s Hospital”, tác giả Ricardo Nuila – vị bác sĩ thực hành đồng thời là phó giáo sư tại Đại học Y Baylor – tập trung vào Ben Taub, bệnh viện kế tục nhà thương Jefferson Davis như lá cờ đầu, nhận được tài trợ công của thành phố Houston. Nhưng thay vì đay đi đay lại về nỗi kinh hoàng của một bệnh viện, Nuila phân tích có phê phán sự bất bình đẳng đáng hổ thẹn, mà bản thân nó tạo ra nhu cầu về bệnh viện lớn nhất của loại bệnh-viện-mạng-lưới-an-toàn này tại nơi trở thành một trong những thành phố lớn nhất và đa dạng nhất nước Mỹ, ở tiểu bang có số dân không được bảo hiểm cao nhất nước.

Ben Taub là một trong 31 đơn vị cấu thành Trung tâm Y tế Texas, điểm hội tụ lớn nhất thế giới của các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhưng là trung tâm y tế hàng đầu nơi việc chăm sóc sức khỏe dứt khoát được coi là quyền con người – nơi bất kỳ ai cũng có thể bước qua ngưỡng cửa và nhận được sự chăm sóc y tế, bất kể khả năng chi trả.

Tại tâm điểm của cuốn “The People’s Hospital”, Nuila, một người Houston gốc đã dành hơn một thập kỷ học đại học y, làm bác sĩ nội trú và hiện là bác sĩ nội khoa tại Ben Taub, hỏi một câu đơn giản nhưng thâm thúy: “Vì sao ở Mỹ một số người được hưởng phúc lợi chăm sóc sức khỏe, trong khi những người khác lại bị loại trừ?” Câu trả lời của anh cũng không kém phần đơn giản: Vì mục tiêu hàng đầu của hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ là kiếm tiền. Những việc khác, như ngăn ngừa bệnh tật và trao quyền hợp pháp cho mọi người, có thể – và thực tế là có – xảy ra, nhưng chỉ sau khi đạt được mục tiêu hàng đầu kia. Anh cũng đưa ra ý tưởng có vẻ táo bạo: rằng bệnh viện Ben Taub nên làm mẫu mực cho sự thay đổi.

Nuila nhấn mạnh vào luận điểm trọng tâm này từ đầu đến cuối tác phẩm “The People’s Hospital”. Anh gỡ tung các đầu dây mối dợ nhằng nhịt giữa bệnh viện, công ty bảo hiểm y tế, các hãng dược lớn và các bác sĩ quan tâm đến lợi nhuận – những thứ mà anh gọi là “Medicine, Inc.” [“Ngành Y, Công ty hợp nhất] – tất cả hợp nhất với mục đích giải quyết bệnh tật thông qua cơ chế kinh doanh.

Anh nhân tính hóa những luận điểm của mình bằng những chi tiết tỉ mỉ và giàu lòng trắc ẩn thông qua việc tập trung chủ yếu vào những câu chuyện về năm bệnh nhân ở Ben Taub. Rất nhiều câu chuyện y học tập trung vào cái kết tồi tệ: những người bệnh nặng ở tình trạng xấu nhất – sợ hãi và cô đơn, trong chiếc áo choàng bệnh viện bằng giấy [loại sử dụng một lần], cơ thể họ suy sụp, đôi khi mắc chứng mất trí nhớ do nỗi sợ và tổn thương vì phải nhập viện. Chúng giống như nghiên cứu trường hợp điển hình, không có câu chuyện làm nền, cộng đồng hoặc gia đình nào cả. Nuila – nhà văn tài năng có tiểu thuyết hư cấu được xuất bản trong hợp tuyển của nhà xuất bản McSweeney's, tạp chí Guernica và trong hợp tuyển "Truyện ngắn hay nhất của Mỹ" – thay vì viết truyện hư cấu, cố gắng làm ngược lại khi anh miêu tả cảnh ngộ khốn cùng của những người mà anh chăm sóc.

Anh mở đầu với Stephen, là quản lý tại chuỗi cửa tiệm burger đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm của công ty ở mức tối thiểu đến nỗi phải trả tiền trước cho phòng cấp cứu nơi anh này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Có cả Ebonie, bà mẹ da đen có bảy đứa con, việc mang thai có nguy cơ cao suýt nữa biến chị thành một con số thống kê trong cuộc khủng hoảng những người tử vong khi làm mẹ ở đất nước này. Christian, sinh viên đại học khỏe mạnh, quyết định không mua bảo hiểm y tế được chào mời tại nơi anh làm công việc bán lẻ, rồi sau đó phải dành hàng tháng trời để kiếm cách chẩn đoán chứng đau đầu gối khiến anh khập khiễng, rốt cuộc phải tới Mexico để điều trị. Geronimo là người đàn ông 36 tuổi bị suy gan do viêm gan C và bệnh tiểu đường, khoản chi trả cho người bị bệnh tật không thể làm việc quá bủn xỉn khiến anh không đủ điều kiện được vào chương trình bảo hiểm y tế miễn phí cho người thu nhập thấp của chính phủ [Medicaid] – và đặt ca phẫu thuật cấy ghép để cứu mạng chính xác là ra ngoài tầm với của anh. Cuối cùng, Nuila cho chúng ta làm quen với Roxana, người nhập cư từ El Salvador, chị tỉnh dậy sau cơn hôn mê liên quan đến ung thư và bị hoại tử nặng đến nỗi tứ chi của chị trông chẳng khác gì khúc củi khô khẳng, bị đốt thành than. Không có bảo hiểm hay thẻ xanh, chị mất hàng tháng trời cố gắng tìm một bác sĩ để cắt bỏ chân tay.

Nuila xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm bác sĩ. Ông nội anh có lẽ là bác sĩ người Salvador đầu tiên có bằng y tế công cộng tại Đại học Harvard. Nhưng sau khi tốt nghiệp, ông trở lại El Salvador để bắt đầu hành nghề bác sĩ nhi khoa. Con trai ông, cha của tác giả, di cư sang Houston và mở phòng khám sản phụ khoa tại đây, chia sẻ chi phí văn phòng với người anh trai của mình.

Ngay từ khi còn nhỏ, Nuila chứng kiến trạng thái cân bằng thường nhật giữa việc phục vụ nhu cầu của bệnh nhân và điều hành một doanh nghiệp mà cha anh đạt được. Thời điểm Nuila bắt đầu học y khoa năm 2002, cha anh không còn đủ khả năng tài chính để điều trị cho những bệnh nhân không có bảo hiểm nên ông ngày càng từ chối họ nhiều hơn. Để trở về cội nguồn chữa bệnh của mình, anh trai Nuila làm tình nguyện mỗi tháng một lần tại Ben Taub.

Thoạt đầu, tác giả cuốn sách cân nhắc việc tham gia hành nghề y với gia đình, và sự xung đột giữa người cha thực dụng có một doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh với người con trai làm việc cùng những bệnh nhân bị bần cùng hóa, không có bảo hiểm tạo ra chủ đề tranh luận đôi khi căng thẳng. Chẳng phải điều gì lạ lùng khi những sinh viên y khoa đầy tham vọng và các bác sĩ trẻ tạm dừng chân ở những nơi như bệnh viện Ben Taub – “một lớp học ưu tú”, nơi họ được mục sở thị những căn bệnh được miêu tả trong giáo trình. Nuila giải thích rằng trải nghiệm tại Ben Taub thời còn là sinh viên giúp anh trở thành bác sĩ giỏi hơn và làm đẹp CV của anh Nhưng thay vì tiến tới Harvard hay Viện Y tế Quốc gia hoặc cơ sở hành nghề y của cha, Nuila ở lại – và biến việc điều trị cho những bệnh nhân bị gạt sang bên lề xã hội nhiều nhất thành công việc chung thân của mình.

Anh đưa ra lập luận khác thường về việc coi Ben Taub đang bí bách nguồn lực như một hình mẫu cho hệ thống chăm sóc sức khỏe công bằng hơn. Nếu y học – và nói rộng hơn là chữa bệnh – là phương trình giữa khoa học, chi phí và con người, thì Nuila coi Ben Taub, ngay cả khi nó bị những hạn chế mà không một bệnh-viện-mạng-lưới-an-toàn nào có thể vượt qua, là sự kết hợp thành công giữa khoa học và con người, mà không có sự ưu tiên tiền bạc, nơi không có người nào không xứng đáng được chăm sóc và là nơi các nhà cung cấp [dịch vụ chăm sóc sức khỏe] đưa ra quyết định dựa trên sự cần thiết về y học hơn là về chi phí.

Là nhà văn kiêm bác sĩ, Nuila tìm thấy nguồn cảm hứng từ Anton Chekhov, người vừa làm bác sĩ vừa sáng tác truyện ngắn và kịch. Ít người biết rằng Chekhov đã chữa trị cho một số người nghèo nhất, đau ốm nhất ở Nga. Trước khi qua đời năm 1904 – vì bệnh lao có khả năng bị lây từ một bệnh nhân – Chekhov ủng hộ việc phải thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe đã phớt lờ nỗi đau khổ của con người. Nuila cho ra mắt cuốn “The People’s Hospital” như sự tiếp nối của lời kêu gọi hành động này, anh khẩn khoản kêu gọi nhiều người tham gia hành động hơn để giảm bớt nỗi đau đớn của con người – cùng với việc chính phủ, chứ không phải tổ chức từ thiện, chấp nhận hỗ trợ công việc này.

THE PEOPLE’S HOSPITAL: Hope and Peril in American Medicine | By Ricardo Nuila | 370 pp. | Scribner | $24.99

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...