Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Những kẻ nổi loạn bất đắc dĩ, với động cơ rất chính đáng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The Exceptions” (“Những biệt lệ”) của Kate Zernike kể lại câu chuyện đáng phẫn nộ và thú vị về sự phân biệt giới tính mà các nhà khoa học nữ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phải đương đầu – và họ đã chống trả ra sao.

Từ “biệt lệ” hàm ý các quy tắc, và như chúng ta biết, các quy tắc được đặt ra là để bị vi phạm. Nhưng trong đời thực, đó có thể là một việc khó chịu – đặc biệt nếu bạn là phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là trong những thập kỷ trước thềm thế kỷ 21 và đặc biệt là nếu bạn không phải kiểu người vi phạm quy tắc.

Trong khoa ấy của Viện Công nghệ Massachusetts có 16 người vi phạm quy tắc. Và nói một cách chính xác, các phụ nữ này đã phải chịu đựng những gì để được quyền làm công việc của mình là chủ đề trong cuốn sách mới xuất sắc và gây phẫn nộ của Kate Zernike.

Lấy cảm hứng từ một câu chuyện mà Zernike (hiện là phóng viên của tờ The New York Times) tiết lộ cho tờ The Boston Globe hồi năm 1999, “The Exceptions” là câu chuyện hậu trường bí mật về cách các nhà khoa học này tiến hành nghiên cứu kéo dài bốn năm dẫn đến kết quả là MIT phải thừa nhận có lịch sử lâu dài về phân biệt giới tính ra sao.

Người lãnh đạo không ai ngờ tới của nhóm 16 nhà khoa học này là Nancy Hopkins, một người không có căn cốt gây kích động trong mình. Là nhà sinh học phân tử và nhà nghiên cứu ung thư được đào tạo tại Đại học Harvard, Hopkins là mẫu người cực kỳ thông thái – từ một đứa trẻ được nhận học bổng đã nhảy cóc lớp 10, lên học ở Đại học Radcliffe và tin rằng – vì chỉ duy có điều này là hợp lý – chỉ cần cô chuyên tâm với toàn bộ trí tuệ, sự tò mò và niềm đam mê của mình, cô sẽ thành công.


Song đó là vào đầu thập kỷ 1960; phụ nữ có trình độ khoa học cao cũng hiếm hoi như loài báo tuyết. Hopkins đặt ra một mốc thời gian: Cô muốn làm điều gì đó để làm giảm nỗi đau của con người trong vòng 10 năm. Rồi cô sẽ chuyển sang Giai đoạn 2: hôn nhân và con cái. Nếu không có kế hoạch đầy kỷ luật như vậy, Hopkins biết rằng, giống như rất nhiều phụ nữ sáng láng cùng thế hệ, cô rất có thể “sau khi tốt nghiệp đại học dễ dàng sa vào hôn nhân, một con chó, con cái, vùng ngoại ô. Một số phận mà cô coi như một kiểu chết do đặc quyền”, theo lời Zernike.

Cô nhận thấy thiên hướng của mình trong khóa học nhập môn sinh vật học của James Watson. Đó chính là nơi lần đầu tiên cô được làm quen với chuỗi xoắn kép, “thứ mật mã đã mang lại hình dạng và chức năng cho mọi vật trong tự nhiên”. Năm tiếp theo, Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins đoạt giải thưởng Nobel cho sự phát hiện ra DNA của họ.

Song phát hiện mang tính đột phá của họ đã được thực hiện từ trước bởi ai đó khác; chính phương pháp tinh thể học tia X của Rosalind Franklin mới là phương pháp đầu tiên phát lộ chuỗi xoắn kép. Và Watson biết điều đó – ông ta đã được xem bức ảnh của Franklin mà không có sự cho phép của bà.

Theo lời Watson, Franklin là “người có vẻ độc đoán”: khó ưa, không có nữ tính, bướng bỉnh và không có cả son môi. Ông này sau đó vẫn tiếp tục khẳng định rằng bà chẳng biết bức ảnh của mình chứa đựng điều gì – ngụ ý rằng bà không đủ thông minh để hiểu được tác phẩm của chính mình. Trong nhiều năm ròng, Franklin không nhận được lời khen ngợi nào.

Cho đến lúc ấy Hopkins vẫn chưa được nghe câu chuyện này từ phía Franklin. Cô say mê Watson; ông ta không chỉ cho cô một vị trí trong phòng thí nghiệm của ông mà còn khuyến khích cô theo đuổi bằng tiến sĩ. Năm tháng trôi đi, Zernike cho chúng ta thấy Hopkins đang đếm những ngày của cô trong phòng thí nghiệm với sự cam chịu rõ ràng. Mặc dù cô yêu thích công việc của mình nhưng công việc đó chẳng thiếu gì những sự sỉ nhục thường xuyên. Cô được giới thiệu với Francis Crick không phải bằng một cái bắt tay mà bằng việc anh ta đặt tay lên ngực cô. “Em đang miệt mài làm gì đấy?” anh ta hỏi. Sau này, cô bị một đồng nghiệp tấn công tình dục.

Thế nhưng Hopkins tin rằng mọi việc đang thay đổi, có lẽ đủ nhanh để cho phép cô vừa làm một nhà khoa học, vừa làm một người vợ và một người mẹ. Lúc bấy giờ cuốn “The Feminine Mystique” (“Sự bí ẩn của nữ tính”) của Betty Friedan vừa mới được xuất bản, định nghĩa rất chính xác sự xung đột này là “vấn đề không có tên gọi”. Hopkins cho rằng “bằng cách chẩn đoán vấn đề đó, những cuốn sách đã giải quyết được nó – chúng giúp cô và những phụ nữ trẻ khác của năm 1964 có thể có những sở thích và hoạt động khác bên ngoài cuộc sống gia đình”.

Không phải ai cũng nhìn vấn đề này theo cách ấy. Năm 1969, vị hiệu phó Đại học Harvard là Francis “Skiddy” von Stade viết: “Tôi không thấy những phụ nữ có trình độ học vấn cao đạt được những tiến bộ đáng kể trong sự nghiệp đóng góp cho xã hội của chúng ta ở tương lai gần. Theo tôi, họ sẽ không ngừng kết hôn và/hoặc sinh con. Họ sẽ thất bại trong vai trò phụ nữ hiện tại của họ nếu họ ngừng việc đó.”

Song Hopkins cũng tin vào triển vọng của hành động tích cực. Năm 1964, chính quyền Johnson cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo hoặc nguồn gốc dân tộc trong việc tuyển dụng. Năm 1967, Tổng thống Johnson sửa đổi luật này để đưa thêm từ "giới tính" vào. Với những phụ nữ như Hopkins, đó là tín hiệu cho thấy sân chơi đã được bình đẳng hóa. Hãy mặc đồng phục vào hỡi các quý bà quý cô! Các bạn đã thành một đội. Hoặc ít nhất là đội ngũ dự bị.

Vì bất chấp niềm tin của Hopkins rằng khoa học phải là nơi trọng dụng nhân tài, nó lại chẳng phải. Ngay cả khi cô phải lựa chọn giữa khoa học và hôn nhân (tiết lộ trước kết quả: Khoa học đã thắng), cô vẫn thấy mình đang đổ mồ hôi sôi nước mắt trong một hệ thống phân biệt giới tính. Đọc cái danh sách dài những sự sỉ nhục mà cô đã phải chịu đựng – không gian làm việc bé tí trong phòng thí nghiệm, mức lương thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam, tên cô bị bỏ ra khỏi giấy tờ văn bản – bạn chắc sẽ băn khoăn tự hỏi không những “vì sao” cô ở lại đó hàng thập kỷ mà còn “làm thế nào”.

Thế rồi, theo lời kể của Zernike, lại thêm một tai họa khác nữa xảy đến. Khóa Nhập môn Sinh vật học yêu thích của cô bị một người đồng phát triển đáng tin cậy của lớp học chiếm quyền kiểm soát. Ông ta và một nhà khoa học khác đã lên kế hoạch kiếm hàng triệu đô-la từ các cuốn sách giáo khoa, video và đĩa CD, tất cả những thứ dựa trên bảy năm làm việc hợp tác. Và để bạn đừng nghĩ rằng chúng ta vẫn đang mắc kẹt ở thập kỷ 1960, đây đã là năm 1992 – “Năm của Phụ nữ”.

Mặc dù tại điểm này bạn có thể cảm thấy cần phải nghỉ lấy hơi và phá một lỗ xuyên qua bức tường, nhưng cách thuật chuyện xuất sắc của Zernike buộc bạn phải đọc tiếp. Chị kể câu chuyện của mình với nhịp độ được tiết chế và chi tiết chính xác, minh họa từng sự bất công bằng những câu trích dẫn đáng kinh ngạc và những sự kiện có cơ sở chắc chắn. Khi tôi đọc, có cảm giác như tôi đang ở trong cái phòng thí nghiệm ấy, đối phó với những đồng nghiệp trơn như trạch – tôi có thể cảm nhận được tình trạng bị cô lập và nỗi tuyệt vọng của Hopkins. Có lúc (trên máy bay), tôi thấy mình gần như kêu lên: “Nancy, chớ có tin gã đó!”

Nhưng rồi điều kỳ diệu đã xảy ra: rốt cuộc các nữ giảng viên của MIT đã nói với nhau về những điều họ gặp phải. (“Tôi tưởng chỉ mình tôi thôi,” tôi mường tượng cảnh họ nói chuyện với nhau). Họ nói về mức lương và không gian làm việc trong phòng thí nghiệm, con đường thăng tiến và nhiệm vụ được phân công giảng dạy, đồng thời nhận ra rằng họ không phải là những người – như những kẻ khác đã ngụ ý – điên rồ, quá nhạy cảm, ít thông minh hơn, cũng không thuộc loại “hormone” luôn được ưa chuộng. Họ cũng không đơn độc nữa.

Là những nhà khoa học, họ lấy thước dây ra và tính toán không gian làm việc của mình; lên danh sách xem ai nhận được thiết bị gì, so sánh mức lương như thế nào, các khoản trợ cấp được cấp ra sao, ai ngồi trong hội đồng nào và họ đã nhận được bao nhiêu lời đề nghị từ bên ngoài so với các đồng nghiệp nam của họ. Một mô hình đã nhanh chóng xuất hiện. Năm 1994, sáu phân ban cấu thành Trường Khoa học [của MIT] đã tuyển dụng có nhiệm kỳ 15 phụ nữ và 194 nam giới.

Vị Hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ là Charles Vest đồng ý rằng bằng chứng đó là không thể bác bỏ và cam kết sẽ thay đổi, và các trường đại học khác trên toàn quốc cũng noi theo. Hiện nay Hopkins là giáo sư sinh vật danh dự của Amgen tại MIT, bà tập trung vào việc vận động cho hoạt động nghiên cứu và phòng ngừa ung thư, đồng thời bà cùng với Sangeeta Bhatia và Susan Hockfield khởi lập chương trình Future Founders Initiative (Sáng kiến Những nhà khởi nghiệp Tương lai) nhằm tăng số lượng giảng viên nữ khởi nghiệp thành lập các công ty công nghệ sinh học.

Nhờ có Zernike, chúng ta mới thấy được những thiệt hại cá nhân do thành kiến vô thức gây ra – không chỉ về thời gian bị mất đi hay tài năng bị vùi dập mà còn về lợi ích của công chúng. Có lẽ lý do chúng ta vẫn đang vội vã tìm cách khắc phục là vì tình trạng phân biệt đối xử có hệ thống vẫn tiếp tục diễn ra nhanh hơn.

Tin vui là cuốn sách của Zernike sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người không-nổi-loạn làm điều gì đó để khắc phục tình trạng này. Trên thực tế, các quy tắc được đặt ra là để bị vi phạm. Bắt tay vào việc thôi.

THE EXCEPTIONS: Nancy Hopkins, MIT, and the Fight for Women in Science | By Kate Zernike | 421 pp. | Scribner | $30

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...