nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn “The Big Time” (“Thời khắc huy hoàng”) của Michael MacCambridge lật lại [trang lịch sử thể thao] thập kỷ 1970, khi những nhân vật nổi tiếng thích phô trương và những cuộc ganh đua ngoạn mục đã biến thể thao thành trò giải trí đại chúng.
Hệ thống hóa lịch sử nước Mỹ theo từng thập kỷ là việc ngớ ngẩn và tùy tiện – và ngày càng lỗi thời. Nhưng kỳ lạ thay việc ấy cũng đem lại sự thỏa mãn, giống như sắp xếp lại một ngăn kéo toàn đồ vớ vẩn.
Những năm 1970, hiện đã hoặc đang tiến gần đến con số 50 năm tròn trĩnh đáng ngẫm ngợi, đặc biệt tràn ngập những thứ tạp nham: chiến tranh, lạm phát đình đốn, mốt nuôi thú cưng là viên đá. Các nhà văn, bao gồm cả David Frum và Bruce J. Schulman, cố gắng động chạm tới toàn bộ mớ bòng bong này. Trong cuốn sách mới “The Big Time” của mình, Michael MacCambridge bám vào những môn thể thao theo cách thận trọng, và thường là làm sáng tỏ, những môn thể thao mà ông lập luận rằng đã trở thành lực lượng sinh lợi áp đảo trong thời kỳ polyester thịnh hành đó mà ngày nay chúng ta được biết.
Tuy vậy, cuốn sách này khá lan man, gồm nhiều phân đoạn chồng chéo như quần vợt, bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, quyền Anh, golf, khúc côn cầu, và những cuộc thi đấu ít được biết đến hơn được trình diễn tại Thế vận hội Olympics. “Anh ấy thực sự có thể xuất hiện rất ấn tượng,” nhà sản xuất chương trình truyền hình Roone Arledge dự đoán về vận động viên mười môn điền kinh phối hợp mà lúc đó được biết đến với tên Bruce Jenner (1) tại Thế vận hội Montreal mùa hè năm 1976. “Anh ấy có sức hút rất mạnh. Tôi nghĩ anh ấy có thể là một Dorothy Hamill (2) khác.”
Cuốn “The Big Time” đầy sinh động với những tính cách như vậy và khơi gợi nỗi nhớ mong về thời mà các sự kiện thể thao ít phải theo kịch bản, ít bị săm soi và ít bị tư nhân hóa hơn. Những người đàn ông có ảnh hưởng đến mọi thứ là những kẻ vênh vang khoe mẽ, ồn ào với cái tôi: tiền vệ bóng bầu dục Joe Namath và chiếc áo khoác lông chồn của anh; trung vệ bóng bầu dục John Fuqua và con cá vàng ta có thể nhìn thấy đang tung tăng bơi bên trong đôi gót giày trong suốt của anh; golf thủ Jack Nicklaus và sự giảm cân của anh; tay vợt tennis Jimmy Connors và những cú túm đũng quần của anh; cầu thủ bóng chày Reggie Jackson và thanh kẹo mang tên anh. (“Khi bạn bóc một thanh kẹo Reggie! Bar,” cầu thủ ném bóng chày Catfish Hunter nói đùa, “nó sẽ nói cho bạn biết nó ngon đến thế nào”.)
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính tràn lan trong thời đại này hầu như chẳng phải là mới mẻ, nhưng những đoạn phim nổi bật được cắt ghép khéo léo của MacCambridge dù sao cũng rất thuyết phục. Các phương tiện truyền thông chậm chạp chấp nhận việc Muhammad Ali từ bỏ “họ tên mang dấu tích nô lệ” Cassius Clay của mình. Hank Aaron, ngôi sao thuộc đội bóng chày Braves của Atlanta, nhận được hàng đống lá thư thù địch khi nhanh chóng tiến sát nút kỷ lục 714 cú ăn điểm trực tiếp của Babe Ruth. Các vận động viên da đen phải đấu tranh để được chấp thuận vào đội – “Tôi chưa từng thực hiện một quảng cáo thức ăn cho chó nào,” tiền đạo bóng bầu dục Otis Taylor phát biểu hồi năm 1971, “và thật đáng tiếc cho một anh chàng sẽ lấy làm vui sướng khi thực hiện một quảng cáo mà trong đó anh ta sẽ ăn thức ăn cho chó."
Thực sự đáng kinh ngạc là sự khác biệt về mức tài trợ cho các đội nam và nữ tại Đại học Texas ở Austin khi người bảo vệ trung thành của Tiêu đề IX (2) là Donna Lopiano khởi nghiệp ở đó với tư cách là giám đốc thể thao nữ (đội nam là 2,4 triệu USD và đội nữ là 128.000 USD). Ban tổ chức giải Boston Marathon bảo nữ vận động viên marathon Roberta Gibb rằng “phụ nữ về mặt sinh lý học không có khả năng chạy 26,2 dặm”.
Vô khối giai thoại trong số này khiến bạn chỉ muốn đập đầu vào tường, giống như một nhân vật trong mục tranh vui của Charles Schulz (“Aaugh!”). Biết bao phấn khích, và thật đúng kiểu thập kỷ 1970 biết bao, khi được nhắc nhớ rằng chính họa sĩ hoạt hình này đã đấu tranh cho quyền bình đẳng trong thể thao khi ông đưa các nhân vật nữ vào sân bóng chày, đặc biệt là nhân vật Peppermint Patty, và dùng chú chó Snoopy trong mục tranh vui này để kêu gọi sự chú ý đến thành kiến đê hèn mà Aaron phải đối mặt.
Schulz là một trong số 45 triệu người Mỹ hồi năm 1973 chứng kiến tay vợt Billie Jean King đánh bại Bobby Riggs, từng là nhà vô địch Wimbledon và là “kẻ thủ cựu tự hào về các vấn đề phân biệt giới tính”, trong trận đấu phô trương nhưng vô cùng quan trọng có tên Battle of the Sexes (“Trận chiến Giới tính”). (Phiên bản điện ảnh năm 2017 không thể hiện được tinh thần phấn khích của nguyên mẫu, vai chính trong phiên bản sinh động hồi đó được gọi là Người đấu tranh đòi giải phóng đấu với Kẻ vận động hành lang.)
Đây là một trong những thời điểm quyết định nổi tiếng hơn mà MacCambridge xem xét lại ở góc độ khác, đồng thời thu thập bằng chứng về việc các môn thể thao bắt đầu trở thành loại hình giải trí đại chúng và ngành kinh doanh lớn. Cuộc thi úp rổ (4) giữa giờ giải lao mà Julius Erving giành chiến thắng hồi giữa thập kỷ này, dù rất ít người xem, lại là một cuộc thi khác. Sự nổi lên của truyền hình màu, chỉ có tính quyết định vào năm 1972, tạo nên những trang phục đồng phục. Đội cổ vũ của đội bóng bầu dục Dallas Cowboy bước vào kỷ nguyên những chiếc quần short vải thun trắng cực ngắn của họ, đội bóng mà họ cổ vũ “được coi là một 'thương hiệu' quốc gia như McDonald's hay Coca-Cola."
Là phóng viên dày dạn kinh nghiệm, MacCambridge đã viết nhiều cuốn sách khác mà một số cuốn là sách giáo khoa, trong đó có câu chuyện lịch sử về tạp chí Sports Illustrated; ông muốn nhấn mạnh với độc giả về tầm quan trọng trước đây của báo in – người ta thường phải đợi đến số báo ra ngày hôm sau mới có kết quả thi đấu ra sao. Ông nồng nhiệt viện dẫn những sản phẩm công nghệ chóng tàn như máy ghi âm cassette xách tay đang phát bài quốc ca đến chói tai, và dịch vụ Sports Phone: “loại phương tiện cứu sinh cho những người bị ám ảnh,” ông viết, tất nhiên là cùng với cả những kẻ cá độ. Đôi khi – nào Bud Collins (5)! Nào Dick Button (6)! Nào Frank Gifford (7)! – cuốn sách giống như cuộc đoàn tụ gia đình của những ông chú vui nhộn trên TV.
Tuy văn phong của MacCambridge có lẽ đôi khi không tránh khỏi tràn ngập những số liệu thống kê và chữ viết tắt – trong thời kỳ hay xảy ra tranh chấp, trò chơi chữ ở đây là NBA [Hiệp hội bóng rổ Mỹ] chỉ là tên viết tắt của các Luật sư chứ chẳng phải cái gì khác – ông có tài dùng từ duyên dáng thế đấy. Tôi nhặt vội ra một số cụm từ: “Sự táo bạo của chầu rượu thứ tư.” “Những nhà tuyển dụng miệng trơn như mỡ.” “Những giọng nói miền Trung Tây thiếu âm sắc, nhã nhặn.” (Để miêu tả bất kỳ ai ngoại trừ phóng viên kiêm phát thanh viên thể thao Howard Cosell.) “Một vầng hào quang chói lọi đầy lông lá.” Lần này tất cả tập hợp lại nhanh như những chiếc áo vét thể thao của nhân vật Ron Burgundy.
“The Big Time” có lẽ không dành cho những người bị ám ảnh đã biết quá nhiều về những gì MacCambridge miêu tả, mà đúng hơn là dành cho những người hiểu biết đa dạng nhưng không chuyên có óc tò mò muốn trượt băng nhanh theo dòng ký ức về với bản nhạc viết riêng cho chương trình truyền hình “Wide World of Sports”. Điều không thể tránh khỏi là có những mảnh vỡ trong băng. Điều đáng tiếc là chúng ta không có được câu chuyện quá khứ nào về vận động viên trượt tuyết nhảy cầu Vinko Bogataj được mệnh danh là “nỗi đau thất bại”. Trong trường hợp đó, ơn trời vì đã có YouTube.
(1) Bruce Jenner: nam vận động viên mười môn điền kinh phối hợp của Mỹ, đoạt huy chương vàng Olympics mùa hè năm 1976; năm 2015 công khai là người chuyển giới với tên mới là Caitlyn Marie Jenner.
(2) Dorothy Hamill: nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật của Mỹ đoạt giải vô địch Olympics 1976 và vô địch thế giới 1976.
(3) Nguyên văn: “Title IX”: một tiêu đề trong các Tu chính án Giáo dục năm 1972 của Mỹ, quy định cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính ở bất kỳ trường học hay bất kỳ chương trình giáo dục nào khác nhận tài trợ từ chính phủ liên bang.
(4) Nguyên văn: slam-dunk contest, cuộc thi thường niên do Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) tổ chức.
(5) Tức Arthur Worth "Bud" Collins Jr. (1929 – 2016): nhà báo và bình luận viên thể thao truyền hình của Mỹ.
(6) Tức Richard Totten Button (sinh năm 1929): cựu vận động viên trượt băng nghệ thuật và là nhà phân tích trượt băng người Mỹ.
(7) Tức Francis Newton Gifford (1930 – 2015): cầu thủ bóng bầu dục, diễn viên và bình luận viên thể thao truyền hình người Mỹ.
THE BIG TIME: How the 1970s Transformed Sports in America | By Michael MacCambridge | Grand Central | 497 pp. | $32.50
No comments:
Post a Comment