nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trong cuốn “Lincoln’s God” (“Đức Chúa Trời của Lincoln”), Joshua Zeitz nghiên cứu phong cách thực hành Cơ đốc giáo dị thường mang tính cá nhân của vị Tổng thống Mỹ thứ 16 này.
Bất kỳ ai từng được đặc ân xem cuốn Kinh thánh của Lincoln – cuốn kinh thánh mà cho đến nay đã có ba vị tổng thống đặt tay lên trong lễ tuyên thệ nhậm chức, bao gồm cả Abraham Lincoln – đều biết rằng các trang kinh sách này không tì vết, như thể chưa từng được mở ra và đọc. Trên thực tế, vào phút cuối Lincoln mượn cuốn kinh thánh này từ một viên lục sự của Tòa án Tối cao cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của mình năm 1861, và chi tiết này gây ấn tượng mạnh, phù hợp với thái độ cách biệt đáng kể của Lincoln với tôn giáo có tổ chức.
Thời trai trẻ, Lincoln hầu như không phải là một tín đồ Cơ đốc theo nghĩa truyền thống. Ông nghi ngờ những phép màu trong Kinh thánh, đọc tác phẩm của những người có tư tưởng tự do như Thomas Paine và thậm chí có lẽ từng là tác giả của một bài tiểu luận công kích tôn giáo. (Chúng ta không biết chính xác, vì nếu nó có từng tồn tại thì một người bạn của ông đã đốt nó rồi.) Nếu nó xuất hiện hồi năm 1860, khi Lincoln lần đầu tiên tranh cử tổng thống, có lẽ giờ đây chúng ta đang sống ở hai quốc gia. Như thực tế cho thấy, ông mất phiếu bầu của một khu vực bầu cử – chỉ có ba trong số 23 mục sư của Springfield bỏ phiếu cho ông.
Song một Lincoln khác hẳn đã chiếm lĩnh Nhà Trắng. Nếu chẳng phải là một tín đồ giáo điều (ông chưa từng tham gia một nhà thờ nào), thì rõ ràng ông cũng đã cảm thấy mối gắn kết sâu sắc với cuốn Kinh thánh mà ông đã đọc kỹ càng. Ông nói về Chúa, và với Chúa, và những bài phát biểu và bài viết vĩ đại nhất của ông được làm phong phú thêm bởi cảm giác rằng chúng ta đang tình cờ nghe được cuộc trò chuyện đặc biệt giữa một người đàn ông và Đấng Sáng tạo ra mình.
Diễn văn Nhậm chức lần thứ hai của ông hiện vẫn là một đỉnh cao chót vót. Nỗ lực của Lincoln để nhận thức thấu đáo mục đích thiêng liêng trong tấn bi kịch “Chế độ nô lệ ở Mỹ” và cuộc chiến kết liễu chế độ đó vẫn là một tác phẩm khiến tính chân thật của tôn giáo thêm vững mạnh, thậm chí càng đáng ngạc nhiên hơn khi tác giả của nó từng có lúc phải in một tờ rơi để cam đoan với công chúng rằng ông không phải là "kẻ công khai phỉ báng" tôn giáo.
Xử trí nghịch lý này là thách thức đối với Joshua Zeitz, người viết tiểu sử của hai vị bộ trưởng dưới thời Lincoln là John Hay và John Nicolay, và là người hiện đang hướng ống kính của mình vào chính vị tổng thống này.
Tôn giáo của Lincoln trước đây từng được bàn đến trong các cuốn tiểu sử được thần thánh hóa sau vụ ám sát ông, khi “người Mỹ cần tưởng niệm Lincoln như một người tử vì đạo Cơ đốc”, như Zeitz viết, cũng như trong những tác phẩm của vị luật sư cộng sự cũ của Lincoln là William Herndon, người cố gắng xác định ông là một người “vô tín ngưỡng”. Zeitz len lách giữa các giáo điều đó, để phát lộ ra một nhà tư tưởng phức tạp, người kết hợp hết sức khéo léo giữa ngôn ngữ tôn giáo với các mục tiêu chính trị và trải qua cuộc “tái tạo tinh thần” trong Nội chiến, đặc biệt là sau cái chết của con trai ông là Willie năm 1862.
Zeitz thêm bối cảnh đầy ý nghĩa vào câu chuyện đó, xem xét cách thức những người lính trải nghiệm tôn giáo trên trận địa; cả hai bên chiến tuyến tổ chức những cuộc hội họp để thức tỉnh đức tin tôn giáo. Phía trên và phía dưới phòng tuyến Mason-Dixon, các nhà lãnh đạo tôn giáo tập trung nỗ lực vào cuộc xung đột và tìm ra lý lẽ để tin rằng họ được hân hưởng mối quan hệ đặc biệt với Đấng Toàn năng. Liên minh miền Nam tuyên bố có được sự ủng hộ của Chúa trong Hiến pháp và trong khẩu hiệu của mình (“Deo vindice”- “có Chúa bảo vệ cho chúng ta”). Các nhà lãnh đạo miền Nam tố cáo người miền Bắc là “những kẻ vô đạo”, một từ đôi khi được dùng để gọi Lincoln, và khẳng định rằng Kinh thánh biện minh cho chế độ nô lệ.
Lẽ dĩ nhiên, Lincoln không đồng tình với cách lý giải chọn nghĩa đó, và trong khi ông kiên quyết hành động chống lại chế độ nô lệ trong những năm cuối của cuộc chiến, ông thường tuyên bố một sự công bình chính trực về mặt tinh thần. Các bài phát biểu của ông trích dẫn rất nhiều từ Kinh thánh, bao gồm “ngôi nhà bị chia rẽ”(1) (Ma-thi-ơ 12:25) hồi năm 1858; sau đó, tại Gettysburg, “tám mươi bảy năm trước” (diễn giải Thánh vịnh 90); Diễn văn Nhậm chức lần thứ hai với những lời được trích từ câu 7 chương 18 trong sách Ma-thi-ơ (2) (“khốn thay cho thế gian vì phạm tội…”); và Thánh vịnh 19 (“các phán quyết của Chúa đều đúng đắn và công bình” (3)). Frederick Doulass, người có mặt tại lễ nhậm chức lần thứ hai này, cho rằng diễn văn đó “giống bài thuyết giáo hơn là văn bản cấp nhà nước.” Một học giả ước tính rằng “có 266 trong số 702 từ trong diễn văn đó được trích dẫn nguyên văn từ lời của Đức Chúa Trời”.
Điều quan trọng là Zeitz bao gồm cả quan điểm của người Mỹ da đen, những người có quan điểm riêng mà quan điểm đó thường mâu thuẫn với xu hướng coi Mỹ là miền đất hứa, hay Canaan.(4) Thay vì thế, họ ví nó như Ai Cập. Một câu chuyện cảm động được kể lại ở đâu đó về một phái đoàn người Mỹ gốc Phi trao tặng cuốn Kinh thánh cho vị tổng thống này năm 1864 và câu trả lời của ông là: “Tất cả những điều tốt lành mà Đấng Cứu thế ban cho thế gian đều được truyền đạt qua cuốn sách này”.
Zeitz kém tự tin hơn khi cố sức tranh luận rằng Lincoln đang đóng một vở kịch kiểu Oedipus vì ông “phẫn nộ” với các quy tắc của cha mình và đức tin Baptist kiểu cũ của ông. Thật thiếu tế nhị nếu gọi người con trai lớn nhà Lincoln là “người theo chủ nghĩa Calvin quá khích” khi mà chúng ta biết quá ít về suy nghĩ của ông. Và có những cách Lincoln tiếp thu những bài học từ cha mình (và chắc chắn là từ mẹ ông nữa). Thật vậy, một trong những lý do khiến gia đình Lincoln chuyển từ bang Kentucky đến bang Indiana, như chính Lincoln viết, là vì cha ông cùng với các đạo hữu của mình trong Nhà thờ Little Mount Baptist phản đối chế độ nô lệ. Đây có lẽ là mảnh đất phì nhiêu để khảo sát thêm.
Cuộc thâm nhập của Zeitz vào lịch sử tôn giáo trước thời kỳ này, bao gồm cả lịch sử của Thanh giáo, cho ta cảm giác vội vàng, với những thuật ngữ như “người theo phái Phúc âm” và “người theo chủ nghĩa Calvin” được rải khắp một cách ngẫu hứng. Trong khi nhiều giáo phái được đề cập đến, những giáo phái khác, như những người theo thuyết Nhất thể, hầu như hoàn toàn bị bỏ quên. Đó là một cơ hội bị bỏ lỡ; một trong những người bạn của Lincoln là Jesse Fell viết rằng tư tưởng của Lincoln giống mục sư phái Nhất thể theo chủ nghĩa bãi nô Theodore Parker. (Parker viết về nền dân chủ theo cách hình dung ra trước Bản Diễn văn Gettysburg(5).)
Song Zeitz đã chọn một yếu tố quan trọng trong cuộc đời của Lincoln để khám phá, đặc biệt là trong thời đại mà mầm mống của sự chắc chắn trong tôn giáo dẫn dắt rất nhiều tư duy độc đoán, ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Triết lý của Lincoln là bất kỳ điều gì ngoại trừ điều chắc chắn; ông hy vọng rằng ông là người công chính trước Thiên Chúa (6), và thế là đủ. Như ông đã nói bằng cách trích dẫn Ma-thi-ơ: “đừng đoán xét ai, để chúng ta khỏi bị xét đoán”.(7)
Đức tin của ông sẽ chẳng dễ gì mà giải mã được, và đó là cách nó phải thế; như những nhà lập quốc đã định trước, đó là một vấn đề riêng tư. Có lần khi được yêu cầu xác định đức tin tôn giáo của mình, Lincoln dẫn lời một ông già mà ông từng nghe được: “Khi làm điều tốt, tôi cảm thấy tốt, khi làm điều xấu, tôi cảm thấy tồi tệ, và đó là tôn giáo của tôi.”
Trong thời đại mà tính từ “vô thần” được phóng ra khắp nơi để ghi điểm chính trị, việc nhớ lại con người nguyên là “kẻ vô thần” này đã suy nghĩ thâm thúy đến thế nào về vị trí của mình trong sự Sáng thế của Chúa là một phương pháp phục hồi lành mạnh. Bởi vì vậy, ông tiếp tục nói chuyện với tất cả chúng ta.
(1) Ngài biết ý tưởng họ, nên phán: “Nước nào tự chia rẽ sẽ bị hủy diệt. Thành nào hay nhà nào chia rẽ cũng không thể đứng vững.
(2) Đoạn 18:7 Khốn cho người trong thế gian vì nguyên nhân khiến họ phạm tội. Những điều ấy phải xảy ra nhưng khốn cho ai gây ra nguyên nhân ấy.
(3) Câu này được nhà thờ VN dịch thành thơ: Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
(4) Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ Ca Na An, STKý 17:8 (STKý 28:13).
(5) Bản Diễn văn Gettysburg (Gettysburg Address) là diễn văn Tổng thống Abraham Lincoln đọc trong thời kỳ Nội chiến Mỹ tại lễ khánh thành Nghĩa trang Binh lính Quốc gia ở Gettysburg, Pennsylvania ngày 19/11/1863. Cho đến nay, Diễn văn này vẫn là một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
(6) Đức Chúa Trời đã làm cho Chúa Cứu Thế, Đấng vốn chẳng biết tội lỗi, trở nên tội lỗi vì chúng ta để nhờ ở trong Chúa Cứu Thế chúng ta trở nên công chính trong Đức Chúa Trời.
(7) “Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán. Vì các con xét đoán người ta thể nào thì các con cũng sẽ bị xét đoán thể ấy, các con lường cho người ta mực nào thì các con cũng sẽ bị lường lại mực ấy.
LINCOLN’S GOD: How Faith Transformed a President and a Nation | By Joshua Zeitz | 313 pp. | Viking | $30
No comments:
Post a Comment