Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Khi cái tôi gặp phải sự dối trá, hậu quả có thể là mất mạng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn sách “His Majesty’s Airship” (“Khí cầu của Đức ngài”), S.C. Gwynne kể câu chuyện về định mệnh thảm khốc của chiếc khí cầu có điều khiển R101 và người đàn ông là nguyên nhân của thảm họa đó.

Chiếc khí cầu khổng lồ của Anh quốc là một thứ tuyệt đẹp để ngắm. Dài hơn 214 mét, R101 là cỗ máy biết bay lớn nhất thời đó, với phòng ăn có chỗ cho 60 người ngồi, những lối đi dạo có cửa sổ và thậm chí có cả phòng hút thuốc, một lựa chọn thiết kế kỳ lạ đối với một chiếc khí cầu chứa đầy khí hydro dễ nổ. Tuy vậy đâu cần phải lo lắng – căn phòng được bọc lót bằng amiăng, một trong rất nhiều lý do khiến người ta cho rằng đây là chiếc khí cầu an toàn nhất từng được chế tạo.

Chừng đó dĩ nhiên chưa nói lên gì mấy. Những mối nguy hiểm cố hữu của những chiếc khí cầu có khung vỏ cứng được gọi là khí cầu có điều khiển đã được biết đến rộng rãi vào năm 1930, khi chiếc R101 cởi cột neo của nó tại Cardington, Anh quốc, và khởi chuyến hành trình đầu tiên đến Karachi lúc đó còn là đất của Ấn Độ dưới quyền cai trị của Anh quốc. Chỉ cần nói là chuyến đi ấy đã kết thúc rất thê thảm, như những chuyến bay khí cầu có điều khiển thường vẫn thế. Mặc dù vậy cũng phải còn sáu năm rưỡi nữa mới đến sự cáo chung hoành tráng của kỷ nguyên khí cầu, khi chiếc Hindenburg chìm trong biển lửa trong lúc cố gắng hạ cánh ở New Jersey. Chiếc R101 nhanh chóng bị lãng quên, chí ít là ở Mỹ.

Chúng ta có thể biết ơn S.C. Gwynne khi hồi sinh chiếc khí cầu đó trong cuốn sách mới “His Majesty’s Airship” rất cuốn hút và được nghiên cứu tỉ mỉ. Là nhà báo trở thành nhà văn, tác giả của cuốn sách “Empire of the Summer Moon” (“Đế chế Trăng mùa hạ”) xuất bản năm 2010 lọt vào vòng chung kết Giải Pulitzer, Gwynne dệt nên câu chuyện phong phú về công nghệ, về sự táo bạo và điên rồ vượt xa chủ đề giả định của nó. Giống như bất kỳ câu chuyện lịch sử cực hay nào khác được nhiều người ưa chuộng, nó cũng là bức chân dung của một thời đại – trong trường hợp này là thời đại của một đế chế trên bờ vực suy tàn.

Tại tâm điểm cuốn sách của Gwynne là câu chuyện ngắn gọn, tập trung mật thiết vào chuyến bay đầu tiên và cũng là cuối cùng của chiếc khí cầu R101, khiến mạch truyện liên tục sang trang khi ông phóng to góc nhìn để kể câu chuyện bao quát hơn về những chiếc khí cầu và những giấc mơ đế quốc. Anh quốc trong thập kỷ 1920 cai trị nhiều thần dân trên thế giới hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, tuy nhiên cai trị bao lâu nữa thì chẳng ai biết được.

Mặc dù có tầm ảnh hưởng không quốc gia nào sánh được, đế chế này bắt đầu bị áp lực từ các phong trào dành độc lập ở Ấn Độ và những nơi khác. Khoảng cách quá xa khiến việc cai trị càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, năm 1924, Anh quốc khởi động “Kế hoạch khí cầu đế quốc”, kế hoạch mường tượng ra mạng lưới tuyến đường cho khí cầu có điều khiển để liên kết quốc gia này với những xứ thuộc địa xa xôi.

Đây là viễn cảnh làm say đắm lòng người: Thay vì mất cả tháng trời trên biển, một người đi từ Úc sang Anh có thể hoàn tất cuộc hành trình trong 11 ngày, thưởng thức rượu vang đỏ và xì gà hảo hạng trong khi bồng bềnh bên trên đại dương, núi non và rừng rậm. Với những người ủng hộ kế hoạch này, khí cầu là dự đoán về lâu về dài tốt hơn so với máy bay, thứ phương tiện vào thời điểm đó chỉ có thể bay những quãng đường ngắn trước khi hạ cánh để tiếp nhiên liệu, với giả định là thời tiết hoặc lỗi động cơ không buộc chúng phải tiếp đất trước.

Logic của dự đoán này là một trong nhiều giả định sai lầm làm nền tảng cho câu chuyện của Gwynne. Một giả định sai lầm nữa là những chiếc khí cầu có điều khiển bằng cách nào đó có thể được chế tạo đảm bảo an toàn. Trong một chương có tựa đề “Lược sử về một ý tưởng tồi”, Gwynne kể câu chuyện quen thuộc nhưng thiết yếu về Bá tước Ferdinand von Zeppelin, nhà quý tộc Đức có phát minh được đặt theo tên mình và được sử dụng làm vũ khí khủng bố trong Thế chiến I, khi những chiếc khí cầu zeppelin được triển khai như máy bay ném bom lên khắp lãnh thổ Anh quốc.

Song khí cầu zeppelin lại có những khiếm khuyết chết người. Một tia lửa mồi duy nhất có thể biến một khí cầu này thành quả cầu lửa, như các phi công lái máy bay chiến đấu của Anh đã phát hiện ra khi họ bắt đầu trang bị cho máy bay của mình những viên đạn gây cháy. Ngoài đặc tính dễ nổ ra, các khí cầu có điều khiển hầu như không thể kiểm soát được trong những cơn gió mạnh và phải vật lộn để trụ được ở trên không khi mưa ngấm ướt lớp vỏ bằng vải của chúng, làm tăng thêm hàng tấn trọng lượng.


Những bài học này đã bị phớt lờ. Ở Đức, khí cầu có điều khiển là biểu tượng hùng mạnh của niềm tự hào dân tộc, “kỹ thuật và hệ tư tưởng sánh ngang nhau”, như Gwynne nhận định. Sau Thế chiến I, và với động cơ chủ nghĩa dân tộc tương tự, Anh quốc đã nắm lấy công nghệ mà Đức buộc phải xếp xó theo điều khoản chiến bại của nước này.

Nỗ lực này thành ra hỏng bét ngay từ khi cử sự. Ở một màn vô cùng sửng sốt, Gwynne miêu tả những khoảnh khắc cuối cùng đầy kinh hoàng của chiếc khí cầu tiền thân của R101 “nứt toác ra như một quả trứng” trong quá trình diễn tập thử nghiệm trên bầu trời thành phố Hull năm 1921. “Chiếc khí cầu bị vỡ đó bắt đầu rơi chầm chậm, bắn tóe ra những dòng xăng và nước, trong khi những con người, những thùng nhiên liệu và các trang thiết bị khác rơi ra khỏi chỗ thủng.” Tiếp theo sự nứt vỡ đó là hai vụ nổ mạnh đến mức khiến nhiều người trên đường phố ngã xuống.

Việc Anh quốc một mực theo đuổi chương trình khí cầu của mình phần lớn là nhờ vào nhân vật chính của cuốn sách, Đức ngài Christopher Thomson, vị Chuẩn tướng về hưu đồng thời là chính trị gia của Đảng Lao động, người được bổ nhiệm để điều hành Bộ Hàng không Anh quốc năm 1923. Là người hóm hỉnh, văn hóa cao, đẹp trai, sinh ra tại Ấn Độ, ngài Thomson có tầm nhìn lãng mạn về một “thế giới hòa bình, liên kết với nhau bằng đường hàng không”, cái thế giới gắn chặt với sự lãng mạn kiểu khác. Đã nhiều năm ngài Thomson có mối dan díu từ xa với Marthe Bibesco, nàng công chúa Romania đẹp mê hồn (và đã có chồng) và là một tác giả nổi tiếng. Đến năm 1930, trong nhiệm kỳ thứ hai làm Bộ trưởng Hàng không, có khả năng ngài sẽ được bổ nhiệm làm Phó vương tiếp theo của Ấn Độ, một công việc sẽ đưa ngài càng xa người yêu dấu hơn. Theo lời kể đầy thuyết phục của Gwynne, ngài Thomson tin rằng khí cầu có thể cứu cả đế chế lẫn cuộc đời tình ái của mình.

Thomson trong con mắt mọi người là người đáng kính nhưng ngây thơ đến vô vọng, niềm tin của ngài vào khí cầu R101 một phần dựa trên thông tin sai lệch từ các thuộc cấp chịu trách nhiệm chế tạo nó. Họ biết chiếc khí cầu này quá nặng và túi khí – được làm từ ruột bò – dễ bị rò rỉ. Nhưng trừ vài trường hợp ngoại lệ, họ giữ kín điều họ biết đó vì sợ làm sếp phật ý.

Việc Thomson đang có một lịch trình kín đặc khiến tình hình càng thêm tệ. Sau khi giành được một chỗ trong hành trình khứ hồi đầu tiên của khí cầu R101 tới Ấn Độ, ngài quyết tâm quay trở lại London kịp lúc hội nghị của các thủ tướng thuộc địa diễn ra, có lẽ ngài đang tưởng tượng ra cách xuất hiện đầy kịch tính theo kiểu Phileas Fogg* sẽ nhấn mạnh sự xuất sắc trong kế hoạch của mình. Để điều chỉnh cho khớp với kế hoạch của ngài, các chuyến bay thử nghiệm bị cắt ngắn, và chiếc khí cầu đó cất cánh bất chấp những báo cáo về thời tiết xấu dọc theo tuyến đường qua Pháp. Có lý do để tin rằng phi trưởng của khí cầu này có thể đã say bí tỉ vào thời điểm đó.

Gwynne tận dụng tối đa chuyến bay định mệnh ngắn ngủi và thảm khốc của R101 mà ông khéo léo tái hiện từ các cuộc khám nghiệm tử thi chính thức, từ lời kể của một số ít người sống sót, và từ nghiên cứu học thuật gần đây đã chỉ ra nguyên nhân chính xác dẫn đến kết cục khí cầu này bị nổ vỡ. Cái kết dù chẳng có gì bất ngờ cũng không làm sức mạnh trong câu chuyện của ông giảm sút mảy may.

HIS MAJESTY’S AIRSHIP: The Life and Tragic Death of the World’s Largest Flying Machine | By S.C. Gwynne | 302 pp. | Scribner | $32

* Phileas Fogg: nhân vật chính trong tiểu thuyết “80 ngày vòng quanh thế giới” của văn hào Pháp Jules Verne.

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...