Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Là những đồng minh “khó tin”, họ truyền bá Phúc âm Bảo-vệ-môi-trường

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Guardians of the Valley” (“Những người bảo vệ Thung lũng Yosemite”), Dean King kể lại câu chuyện lich sử về tình bạn giữa nhà tự nhiên học John Muir và nhà báo Robert Underwood Johnson.

Phải rất can đảm mới dám viết về John Muir.

Trước nhất, bạn có nguy cơ tác phẩm của mình bị đối chiếu với tác phẩm của ông, và thứ nữa là tác phẩm của ai có thể đem so sánh với tác phẩm của ông kia chứ? Muir phát triển từ ngữ của ông thành thứ văn xuôi trữ tình, thâm thúy về mọi thứ, từ những đồng cỏ đầy hoa dại cho đến những con lừa thồ đi San Francisco. Hơn một thế kỷ sau, tác phẩm của ông vẫn làm say đắm lòng người: Khi đến California, sau khi rời khỏi nhà và rời bỏ công việc ở nhà máy gỗ ở Wisconsin, Muir viết rằng chuyến đi bộ qua Thung lũng Yosemite của ông là “cả một biển hoa đang nở màu vàng và đỏ tía, tươi thắm và rậm rạp đến mức khi đi qua nó, mỗi bước đi ta có thể dẫm đè lên hơn một trăm bông hoa”.

May thay, chất thơ của Dean King rất hợp với chất thơ của Muir: “Ông đã nhìn thấy Chúa trong dòng suối vỡ ra từng mảnh và trong những tia nắng xuyên qua để tạo nên những hạt cầu vồng lung linh”, ông viết về Muir. “Ông đã nhìn thấy Chúa trong sự tái sinh của dòng suối đột nhiên trào ra từ mặt đất, khi cái chết và sự sống mới, cuộc hành trình mới, đồng thời hiển hiện.”

Và cũng thật bạo gan khi dấn thân vào chủ đề Muir vì rất nhiều sách về chủ đề này đã được xuất bản; còn có thể nói thêm bao nhiêu nữa về các chiến tích và sự ủng hộ của nhà bảo tồn môi trường thiên nhiên được kính trọng nhất nước Mỹ này? Song cuốn “Guardians of the Valley” cho ta thêm góc nhìn hấp dẫn: nghiên cứu về mối quan hệ và tình bạn của Muir với nhà biên tập Robert Underwood Johnson, người đưa tác phẩm của Muir đến với đại chúng.

Đây cũng là cuốn sách về sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện theo đúng nghĩa. Suốt từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, Muir viết về Thung lũng Yosemite và Johnson đem tác phẩm đó đến với độc giả (chủ yếu là người thành thị, ở Miền Đông) của tạp chí Century nơi ông làm việc. Theo câu chuyện của King, chính Johnson là người cùng với Muir “châm ngòi cho hoạt động tuyên truyền tích cực về luật pháp và môi trường kéo dài 1/4 thế kỷ, hoạt động làm thay đổi hình thế quốc gia và sự quản lý thiên nhiên ở khắp mọi nơi.”

King cho rằng mối quan hệ của Johnson và Muir là “khó tin” – Johnson là cư dân “tao nhã” ở Manhattan, xuất thân từ gia đình quyền thế, dẫu giao tiếp xã hội vụng về và thường bị “nôn nao trong dạ”. Muir, tuy có nhiều bạn bè, song lại thích cô đơn trong rừng thẳm, ăn chế độ ăn kiêng khổ hạnh đến tức cười và ghét thành phố. Khi Johnson làm việc cho tạp chí Century (trước đây là Scribner's Monthly), ông được giao nhiệm vụ thuyết phục Ulysses S. Grant viết cho tạp chí (mà ông đã thuyết phục được) và luôn “theo sát John Muir”.

Mối quan hệ của họ mang đến một câu chuyện rất thuyết phục, nó dẫn dắt người đọc qua những thập kỷ đã diễn ra những gì mà về mặt khác có thể được coi là lịch sử lập pháp và nghệ thuật quản lý nhà nước phức tạp. King không đi theo hướng đó, ông khéo léo đối chiếu việc vận động hành lang của Johnson với chiến công của Muir để làm nổi bật những điểm tương phản. Chúng ta cùng Muir đi đến các nhà máy gỗ và thực hiện những chuyến đi bộ đường dài đến những túp lều hẻo lánh trong rừng; chúng ta cùng đứng với Johnson khi Chicago bị cháy năm 1871. Chúng ta lội suối cùng Muir khi ông đi lùa bầy cừu; chúng ta viết thư cho Muir từ văn phòng tạp chí New York City.

Chúng ta bắt gặp Muir là nhà thám hiểm và nhà điều tra khoa học táo bạo, đang đóng cọc vào Sông băng Nisqually và vượt qua những cơn bão trên Núi Shasta. Nhưng khi Johnson di chuyển về phía tây để phát triển số đặc biệt của tạp chí Century về Cơn sốt vàng California, Muir bị cuốn vào thế giới của nhà biên tập này, mở màn bằng cuộc gặp đầu tiên với Johnson tại một khách sạn hoa lệ ở San Francisco. Muir, người vẫn thường viết bài cho các báo như The Oakland Ledger, The San Francisco Daily Evening Bulletin và thậm chí cả The San Francisco Real Estate Notice, về phần mình sẽ đưa Johnson đi thăm thú Thung lũng Yosemite. Những câu chuyện Muir kể trên đường đi khiến Johnson coi việc bảo tồn thung lũng đó là đại nghiệp của mình.

Johnson quay trở lại New York và bắt đầu nỗ lực vận động hành lang Quốc hội trên Đồi Capitol. Và ông này bắt đầu nài nỉ Muir gửi thêm những bài báo mà ông dùng như công cụ để gây ảnh hưởng đến các chính trị gia hòng thành lập công viên quốc gia bao quanh thung lũng Yosemite. Muir là người hay lần lữa, phải bị nhắc nhở nhiều lần mới gửi bài, thư từ và bản đồ. Dựa trên văn phong hùng hồn của Muir, các nhà báo miền Đông khác tại các báo chí lớn hơn nhập cuộc để ủng hộ việc bảo tồn thung lũng đó. Johnson mau chóng thành thạo việc thao túng luật pháp và quyền lực, trong việc này giới truyền thông đóng vai trò quan trọng.


Cuốn sách của King bổ sung thêm góc nhìn cực kỳ cần thiết về sức mạnh của báo chí trong việc vận động hành lang vì sự nghiệp bảo tồn. Báo chí trở thành chiến địa của vấn đề này, với các tờ báo ở California (một số tờ thuộc sở hữu của các ông trùm khai thác gỗ) phản đối những khẳng định của Muir và việc Johnson vận động hành lang để chính phủ can thiệp. Sự chia rẽ Đông-Tây được châm ngòi trên các trang báo này – và không lụi tắt khi Vườn Quốc gia Yosemite được công nhận chính thức năm 1890.

Thật vậy, King giải thích rằng việc bảo vệ thành quả của Muir và Johnson đòi hỏi sự cảnh giác thường trực. Chúng ta dõi theo khi Johnson và Muir trở thành thành viên sáng lập Câu lạc bộ Sierra, chiến dịch đầu tiên của câu lạc bộ là nhằm phản công lại các chủ trang trại sống xung quanh công viên đó đang vận động hành lang để vẽ lại ranh giới công viên nhằm tăng thu nhập của họ từ gỗ, khai thác mỏ và chăn thả gia súc. Một dự luật ủng hộ người dân địa phương được một nghị sĩ California đưa ra và Johnson đã, theo lời King, “tác động báo chí” khi đăng lên những câu chuyện để thành công trong việc phản đối việc thu hẹp công viên. “Chắc anh đã biết toàn bộ đường lối hành động này phát triển từ ba bài báo của anh được đăng trên tạp chí Century, những bài báo này về phần chúng lại phát triển từ cuộc chuyện trò của chúng ta bên đống lửa trại ở thượng nguồn sông Tuolomne,” Johnson viết cho Muir như vậy.

Những trận chiến này vẫn tiếp diễn trong lúc Câu lạc bộ Sierra tranh đấu để bảo vệ những cánh rừng gỗ đỏ của California. King theo sát bước chân Muir và Johnson trong cuộc phản đối xây con đập ở thung lũng Hetch Hetchy ngoại vi San Francisco, con đập này nổi tiếng là một trong những cuộc luận chiến về môi trường đầu tiên của nước Mỹ. Các quan chức thành phố viết cho các tòa soạn, họ đưa ra giả thuyết rằng những người yêu thiên nhiên kiểu lý tưởng hóa sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống thường nhật của cư dân thành phố – chứ chẳng phải khách du lịch từ miền Đông. Về phần mình, Câu lạc bộ Sierra phát hành những tờ rơi quảng cáo sử dụng nhiều chữ viết hoa toàn bộ; Johnson công khai chỉ trích vụ “cưỡng đoạt Hetchy” trước khi ông bị sa thải vì hoạt động tuyên truyền tích cực của mình.

Những trận chiến này còn lâu mới kết thúc. Hơn một thế kỷ sau, King lập luận rằng giờ đây khi chắc chắn đang ở trong cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta có thể rút ra được động lực và sức mạnh từ tác phẩm và hoạt động tuyên truyền tích cực của Muir. Những người theo đuổi hoạt động chính trị về bảo tồn sẽ nhận thấy rằng trong những năm gần đây đã có cuộc tranh luận sôi sục xung quanh di sản của Muir. Hồi năm 2020, Câu lạc bộ Sierra bài bác những tuyên bố phân biệt chủng tộc của ông và thừa nhận lịch sử đầy thành kiến đáng quan ngại của chính họ. Đề cập đến những cuộc thảo luận sâu rộng hơn này, King chỉ ra rằng mặc dù Muir tỏ ra tôn kính và trân trọng kiến thức của người Mỹ bản địa về vùng đất đó, nhưng ông hiếm khi thừa nhận việc quốc gia này dùng bạo lực để di dời những tộc dân bản địa.

Qua cuốn sách này, chúng ta nhận thấy sức mạnh cực kỳ to lớn của ngôn ngữ để xoay chuyển, khả năng của những từ ngữ được chọn lọc kĩ càng để truyền tải nỗi kính sợ và quyền lực, nỗi uất ức vì bất công và lòng căm hận đến thấu xương, để thay đổi lối suy nghĩ của các nhà lập pháp cũng như của khách du lịch. Để thực sự rút ra được sức mạnh từ bài viết của Muir, như King gợi ý cho chúng ta, ta có thể xem xét lại những câu chuyện nào nên được kể quanh đống lửa trại.

GUARDIANS OF THE VALLEY: John Muir and the Friendship That Saved Yosemite | By Dean King | Illustrated | 437 pp. | Scribner | $30

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...