Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Britney Spears mạnh miệng chưa từng thấy trong cuốn hồi ký của cô

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn hồi ký “The Woman in Me” (“Người đàn bà trong tôi”) tiết lộ vô số thứ về cuộc đời cô dưới ánh đèn sân khấu, đồng thời làm dịu đi nỗi cay đắng đáng phải có bằng một tinh thần lạc quan bền bỉ, kiên định.

Hoặc là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc là sự tri ân khi cuốn hồi ký mới “The Woman in Me” của Britney Spears có cùng tựa đề với một trong những album bán chạy nhất của Shania Twain; xét cho cùng, cô là một cô gái miền Nam, và Twain đã giúp cô viết “Don’t Let Me Be the Last to Know” (“Đừng để tôi biết sau cùng”) – một trong những bản hit đầu tiên của cô. Cuốn “Woman” mời chúng ta đọc câu chuyện quen thuộc về cuộc đời minh tinh đầy trắc trở, quay cuồng, được viết nên bằng những đĩa bạch kim và những bóng đèn flash. Nhưng ở đây nó có nhịp điệu và nghệ thuật dàn dựng của bài nhạc đồng quê: gắng gỏi, can trường, đầy rẫy những sự phản bội và bất hạnh gần như kịch tính. Đây cũng là câu chuyện chiến thắng vừa tầm, tuy đi kèm phần lời bạt xui xẻo. (Cuốn sách The New York Times có trên tay trước khi nó được phát hành chính thức đã không được biên tập kịp thời để đưa thêm vụ ly hôn đang trong quá trình thụ lý của cô với người chồng thứ ba là Sam Asghari.)

Cụm từ “hãy nói thật lòng mình” từ lâu trở thành câu nói sáo rỗng khiến người nghe bực mình, là chất liệu cho những lời thú tội ngạo nghễ trên TikTok và những món đồ khiến người ta khao khát trên website của hãng thương mại điện tử Etsy. Thế nhưng Spears có lý do đích thực để sử dụng nó: Cô ấy vẫn đang nổi dần lên, mà ai cũng biết đấy, từ hố đen của tình trạng bị giam cầm rõ ràng một cách kỳ lạ mà những điều kiện của nó, được tiết lộ trong các phiên tòa gần đây, có vẻ vô nhân đạo và nói thẳng ra là phi lý trong thế kỷ 21 này. Suốt 13 năm dưới sự giám hộ nghiêm ngặt do cha cô là ông Jamie Spears trông nom, cô không được gặp hai con trai nếu không được phép hoặc không được tự chọn đồ ăn; cô bị cấm lái xe, uống cà phê hoặc tháo vòng tránh thai. Có lẽ điều kinh khủng nhất là cô bị ép buộc phải duy trì lịch trình biểu diễn nghiêm ngặt – gồm cả một loạt buổi biểu diễn ở Las Vegas thu về hàng chục triệu USD, từ khoản này cô được phép chi tiêu tối đa 2.000 USD mỗi tuần. (Chẳng ngạc nhiên gì khi cha cô và một số cộng sự của ông ta lĩnh mức lương cao hơn thế nhiều.)

Lúc này đa số những người hâm mộ và thậm chí cả những người tình cờ theo dõi tin tức đều biết những chi tiết luôn gây phẫn nộ về những sự việc đó, hoặc có thể dễ dàng tìm thấy chúng trên mạng. Chắc họ cũng biết những nét chính về cách Spears được nuôi dạy ở thị trấn Kentwood thôn dã thuộc tiểu bang Lousiana, nơi cô nuôi dưỡng tình yêu ca hát và khiêu vũ từ rất sớm, cái tình yêu đã dẫn dắt cô, ở lứa tuổi 11, trở thành diễn viên chính thức trong phiên bản mới của bộ phim “The Mickey Mouse Club” hồi thập kỷ 1990 cùng với dàn minh tinh tương lai gồm Christina Aguilera, Justin Timberlake, Keri Russell và Ryan Gosling. Những gì Spears thêm vào cho đủ, bằng giọng văn trò chuyện tâm sự và đôi khi sắc sảo, là nỗi sợ hãi và sự hỗn loạn trong gia đình diễn ra đều đều – cha cô là người nghiện rượu đang chật vật vì tiền bạc, và bà Lynne Spears mẹ cô thường xuyên nổi khùng khi ông ta uống rượu và thường xuyên biến mất – hoàn cảnh đó khiến cô phải tìm chốn nương thân trong nghiệp diễn.


Thật ngạc nhiên khi Spears tiết lộ bà Lynne bắt đầu cho cô uống rượu từ năm 13 tuổi, chia sẻ những ly cocktail daiquiris mà họ gọi là “toddies” trong những chuyến đi đến bãi biển ở thành phố Biloxi tiểu bang Mississipi; đến năm lớp 9 cô đã trở thành người thường xuyên hút thuốc và đã mất trinh. Có những câu chuyện được tiết lộ khác thuộc loại khiến thuật toán của những website lá cải bị quá tải: đáng kể nhất là mối tình của cô với Timberlake, người mà cô yêu “một cách lâm ly bi đát”, và việc anh chàng về căn bản yêu cầu cô phá thai khi cô mới mang thai, thậm chí trong khi thực tế là họ có quan hệ tình dục vẫn còn đang được giấu nhẹm với giới báo chí. Cuốn sách cũng thuật lại chi tiết cuộc giăng mắc ngắn ngủi với nam diễn viên Colin Farrell, mà cô trìu mến miêu tả là cuộc tình bốc đồng kéo dài hai tuần (“chúng tôi vần vò nhau, vật lộn cuồng nhiệt đến nỗi giống như chúng tôi đang đánh nhau trên đường phố”), và sự ham thích của cô với loại thuốc kích thích hưng phấn Adderall.

Ở cuốn sách này có một số nhân vật phản diện công khai, một khung cảnh đầy rẫy những kẻ lạm dụng và những kẻ cơ hội, trong số đó hiện ra rõ nét Jamie Spears – kẻ có thể lẩn như trạch, hành xử thất thường và luôn hà khắc về cân nặng của cô cũng như những yêu cầu của cô về những đặc ân nho nhỏ, chẳng hạn như biên đạo lại một động tác nhảy mà cô cảm thấy không an toàn. Cái cảnh ông ta thông báo với cô rằng ông ta được quyền pháp lý tiếp quản sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của cô bằng câu nói “Từ nay ta là Britney Spears” thật ớn lạnh. Cô ca sĩ này thiện chí hơn với Timberlake, nhưng anh chàng cũng nổi lên như một kẻ vô lại tầm thường – chia tay với cô qua tin nhắn, sau đó vui vẻ chọn một diễn viên khác giống cô vào vai một ma cà rồng lừa dối và là nhân vật tương phản với cô cho màn ra mắt album solo “Justified” đột phá của anh chàng vào năm 2002.

Cũng thế, những giai thoại của các phương tiện truyền thông lan truyền vô tội vạ và vô ý thức có thể thấy trước được là rất độc địa: Ed McMahon trên chương trình TV “Star Search” đùa bỡn hỏi cô bé Britney 10 tuổi rằng ông ta có xứng làm bạn trai của cô không; Diane Sawyer nhiếc móc cô trong cuộc phỏng vấn lên sóng trực tiếp hậu chia tay với Timberlake: “Em đã làm điều gì đó khiến cậu ấy vô cùng đau khổ. Cực kỳ khốn khổ. Em đã làm gì vậy?" Cô bị những người dẫn chương trình trò chuyện hỏi về bộ ngực và chế độ ăn uống của mình nhiều đến mức cô không đếm xuể.

Và dĩ nhiên, Spears bị tấn công dồn dập vì âm nhạc của cô, các tập đoàn nhạc pop tâng bốc đã đưa cô lên đỉnh cao nhất trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của nền văn hóa đại chúng trước thềm thiên niên kỷ mới. “Tôi chưa bao giờ biết chắc rằng tất cả những nhà phê bình này nghĩ tôi sẽ phải làm gì – nhái lại Bob Dylan chăng?” cô viết với sự thất vọng rõ mồn một. “Tôi là một thiếu nữ miền Nam. Tôi ký tên với trái tim bên cạnh. Tôi thích ngoại hình của mình xinh xắn đáng yêu. Vì sao mọi người lại đối xử với tôi như thể tôi là con người nguy hiểm, thậm chí khi tôi mới chỉ là thiếu nữ?”

Xuyên suốt cuốn sách, Spears nhiều lần miêu tả mối liên hệ của cô với sự sáng tạo như một kiểu kết nối tâm hồn thuần khiết, một sự giao tiếp riêng tư với lòng ngoan đạo không phụ thuộc vào các thế lực và quan điểm bên ngoài. Dẫu vậy, những chi tiết về quá trình sáng tác âm nhạc thực tế đáng chú ý nhất lại rất thưa thớt: mẩu thông tin ban đầu về việc cô nghe bản “Tainted Love” của ban nhạc Soft Cell đêm trước khi thu âm bài “…Baby One More Time”; những lời ca tụng lên tận mây xanh về lòng tốt của những người cộng tác như Elton John và nhà sản xuất Max Martin người Thụy Điển.

Cách kể chuyện đa phần là tuyến tính trong “The Woman In Me” có xu hướng coi những khoảnh khắc này và nhiều điểm nổi bật khác có đủ tư liệu dẫn chứng trong sự nghiệp của cô chỉ là thoáng qua hoặc phụ trợ, một tạp âm xa xôi bị bóp nghẹt bởi tiếng ồn ầm ĩ hơn nhiều trong những cuộc tranh đấu cá nhân của cô. Thế nhưng sự thật trong cuốn sách này được trình bày một cách trung thực và thẳng thắn đến mức “Người đàn bà” đó dường như được dành để đọc liền một mạch. Hầu như không thể đọc qua nó mà không có sự đồng cảm và thực sự phẫn nộ thay cho Spears: nỗi cay đắng mà cô nhận về mình liên quan đến những thảm cảnh trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua của cuộc đời mình – cô không chuyện trò với gia đình mình nữa, và cho biết trước mắt cô không có kế hoạch quay lại với việc thu âm – được làm dịu đi bằng một tinh thần lạc quan bền bỉ, kiên định.

Lần này cô có lý do nào đó để trông đợi những kết cục có hậu hơn. Vài năm gần đây đã thấy một kiểu phán xét tập thể đối với những hành vi phản cảm trong quá khứ gần đây – sự thừa nhận nỗi phấn khích gần giống nỗi phấn khích của nhà bút chiến mà bằng vào đó những người nổi tiếng, đặc biệt là phụ nữ nổi tiếng, bị lột trần theo nghi lễ và bị tấn công dồn dập vì kích cỡ cặp đùi của họ hoặc những chi tiết rắc rối về tình ái trong đời họ. Một số ngôi sao, như Sinead O'Connor và Janet Jackson, chứng kiến toàn bộ sự nghiệp của họ bị chệch hướng chỉ vì khoảnh khắc duy nhất mang tiếng xấu và không bao giờ được khôi phục hoàn toàn trong mắt công chúng. (Rằng Timberlake quá tay trong việc làm Janet Jackson mất thể diện cũng cho cảm giác giống như một sự đối xứng chẳng may xảy ra.) Ngày nay, những câu khôi hài về cân nặng được loại bỏ cẩn thận khỏi tiết mục của hầu hết những người dẫn chương trình đêm khuya và các tờ báo lá cải, và sức khỏe tâm thần thường được coi là cuộc trò chuyện nguồn-mở, không phải là điểm gút của câu chuyện khôi hài.

Mang tính xưng tội một cách thoải mái và thường giận dữ như cuốn sách này vốn thế, “The Woman in Me” không hẳn là một tuyên ngôn rực rỡ về nữ quyền mà một số nhân chứng lịch sử có thể muốn Spears viết, cũng chẳng phải là kiểu tự truyện vẽ nên bức chân dung chi tiết, hoàn chỉnh về một nghệ sĩ mà những người khác đã cung cấp một cách nghiêm túc trong quá khứ. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng cô không ngừng cho chúng ta biết cô là ai – trong các video điên rồ được quay bằng máy cầm tay trên Instagram và, dĩ nhiên, trong danh mục bài hát dài vô tận của cô, với những ca từ về nỗi cô đơn và sự giải phóng, nỗi ham muốn và sự thách thức. Rốt cuộc, đó chỉ là nhạc pop, và Britney đã làm nhiều hơn hầu hết những người khác để khiến nó trở nên vĩ đại hơn, chói sáng hơn và rực rỡ hơn – một siêu tân tinh tóc vàng đang nhảy múa trên rìa của thứ cho ta cảm giác trông, từ cao điểm khống chế này, rất giống hơi thở cuối cùng của nền văn hóa đồng nhất. Có lẽ bây giờ chúng ta có thể để cho cô sống theo cách của cô.

THE WOMAN IN ME: Britney Spears

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...