Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Khi xã hội sụp đổ, những nhà giao dịch này vớ bẫm

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Chaos Kings” (“Những ông vua thời hỗn loạn”), Scott Patterson tóm lược tiểu sử các nhà tài chính xây dựng danh mục đầu tư dựa trên những khoản lỗ hằng ngày, và – khi thảm họa xảy đến – gặt hái những khoản lãi khủng.

Đa phần mọi người đều biết có những người dường như cảm thấy thích thú một cách tai quái khi tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. Trong cuộc sống, đây thường là chiến thuật đối phó được tạo ra để xoa dịu những cú choáng váng vì thất vọng. Trên thị trường, đó là một cách để kiếm hàng tỷ đô la.

Nhưng biến sự lo lắng của thị trường thành lợi ích cá nhân một cách ngoạn mục – bằng cách bán khống cổ phiếu đề phòng trường hợp nền kinh tế chao đảo – có thể là một chiến lược đáng ghê tởm, và chẳng phải chỉ vì nó có nghĩa là thu lợi từ những thảm họa như Ngày 11/9 và đại dịch Covid. Theo quan điểm của Nassim Taleb, nguyên là nhà giao dịch chứng khoán phái sinh và là tác giả của thuyết “Black Swan” (“Thiên nga đen”), việc đặt cược vào thảm họa đòi hỏi phải chấp nhận thực tế là chúng ta không bao giờ biết được khi nào nó sẽ ập đến. Mặc dù điều này nghe có vẻ như một chân lý hiển nhiên chả có gì là thú vị, song nó hầu như đối nghịch với sự thông thái truyền thống ở Phố Wall, sự thông thái vẫn luôn cho rằng với những mô hình thống kê phù hợp, hầu như mọi kết quả đều có thể định lượng được. Giải pháp thay thế đáng sợ sẽ là thừa nhận rằng sự hỗn loạn đang ngự trị.

Dĩ nhiên, đó là sự hỗn loạn mà nhờ vào đó Taleb tận hưởng thành công. Ông ta không biết mình là nhân vật chính trong cuốn sách “Chaos Kings” của Scott Patterson phóng viên tờ The Wall Street Journal, biên niên sử được quan sát chặt chẽ về những kẻ săn-bão chúa hay khoe mẽ trong làng tài chính và những nhà phê bình họ thường đụng độ.

Tấn kịch này mở màn trên những giảng đường, trong những phòng hội nghị và trên những sàn giao dịch, những nơi cố nhiên là phù hợp với kịch tính. Trong màn mở đầu, chàng Taleb trẻ tuổi thấy “đôi bàn tay núc ních” của một giao dịch viên nóng nảy trên sàn chứng khoán quấn quanh cổ anh ta. Những người đàn ông hợp thành dàn diễn viên cho màn này đều táo bạo và lập dị. Họ lái mô-tô với “tốc độ tự sát”, và thuê những võ sư kung fu để học tán thủ [qinna], kỹ thuật võ thuật phức tạp nhằm tiêu hao năng lực thể chất của đối thủ. Và họ học cách yêu thích việc thua lỗ mỗi ngày, để sau này họ có thể thắng lớn.

Britney Spears mạnh miệng chưa từng thấy trong cuốn hồi ký của cô

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn hồi ký “The Woman in Me” (“Người đàn bà trong tôi”) tiết lộ vô số thứ về cuộc đời cô dưới ánh đèn sân khấu, đồng thời làm dịu đi nỗi cay đắng đáng phải có bằng một tinh thần lạc quan bền bỉ, kiên định.

Hoặc là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc là sự tri ân khi cuốn hồi ký mới “The Woman in Me” của Britney Spears có cùng tựa đề với một trong những album bán chạy nhất của Shania Twain; xét cho cùng, cô là một cô gái miền Nam, và Twain đã giúp cô viết “Don’t Let Me Be the Last to Know” (“Đừng để tôi biết sau cùng”) – một trong những bản hit đầu tiên của cô. Cuốn “Woman” mời chúng ta đọc câu chuyện quen thuộc về cuộc đời minh tinh đầy trắc trở, quay cuồng, được viết nên bằng những đĩa bạch kim và những bóng đèn flash. Nhưng ở đây nó có nhịp điệu và nghệ thuật dàn dựng của bài nhạc đồng quê: gắng gỏi, can trường, đầy rẫy những sự phản bội và bất hạnh gần như kịch tính. Đây cũng là câu chuyện chiến thắng vừa tầm, tuy đi kèm phần lời bạt xui xẻo. (Cuốn sách The New York Times có trên tay trước khi nó được phát hành chính thức đã không được biên tập kịp thời để đưa thêm vụ ly hôn đang trong quá trình thụ lý của cô với người chồng thứ ba là Sam Asghari.)

Cụm từ “hãy nói thật lòng mình” từ lâu trở thành câu nói sáo rỗng khiến người nghe bực mình, là chất liệu cho những lời thú tội ngạo nghễ trên TikTok và những món đồ khiến người ta khao khát trên website của hãng thương mại điện tử Etsy. Thế nhưng Spears có lý do đích thực để sử dụng nó: Cô ấy vẫn đang nổi dần lên, mà ai cũng biết đấy, từ hố đen của tình trạng bị giam cầm rõ ràng một cách kỳ lạ mà những điều kiện của nó, được tiết lộ trong các phiên tòa gần đây, có vẻ vô nhân đạo và nói thẳng ra là phi lý trong thế kỷ 21 này. Suốt 13 năm dưới sự giám hộ nghiêm ngặt do cha cô là ông Jamie Spears trông nom, cô không được gặp hai con trai nếu không được phép hoặc không được tự chọn đồ ăn; cô bị cấm lái xe, uống cà phê hoặc tháo vòng tránh thai. Có lẽ điều kinh khủng nhất là cô bị ép buộc phải duy trì lịch trình biểu diễn nghiêm ngặt – gồm cả một loạt buổi biểu diễn ở Las Vegas thu về hàng chục triệu USD, từ khoản này cô được phép chi tiêu tối đa 2.000 USD mỗi tuần. (Chẳng ngạc nhiên gì khi cha cô và một số cộng sự của ông ta lĩnh mức lương cao hơn thế nhiều.)

Lúc này đa số những người hâm mộ và thậm chí cả những người tình cờ theo dõi tin tức đều biết những chi tiết luôn gây phẫn nộ về những sự việc đó, hoặc có thể dễ dàng tìm thấy chúng trên mạng. Chắc họ cũng biết những nét chính về cách Spears được nuôi dạy ở thị trấn Kentwood thôn dã thuộc tiểu bang Lousiana, nơi cô nuôi dưỡng tình yêu ca hát và khiêu vũ từ rất sớm, cái tình yêu đã dẫn dắt cô, ở lứa tuổi 11, trở thành diễn viên chính thức trong phiên bản mới của bộ phim “The Mickey Mouse Club” hồi thập kỷ 1990 cùng với dàn minh tinh tương lai gồm Christina Aguilera, Justin Timberlake, Keri Russell và Ryan Gosling. Những gì Spears thêm vào cho đủ, bằng giọng văn trò chuyện tâm sự và đôi khi sắc sảo, là nỗi sợ hãi và sự hỗn loạn trong gia đình diễn ra đều đều – cha cô là người nghiện rượu đang chật vật vì tiền bạc, và bà Lynne Spears mẹ cô thường xuyên nổi khùng khi ông ta uống rượu và thường xuyên biến mất – hoàn cảnh đó khiến cô phải tìm chốn nương thân trong nghiệp diễn.

Khi cái tôi gặp phải sự dối trá, hậu quả có thể là mất mạng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn sách “His Majesty’s Airship” (“Khí cầu của Đức ngài”), S.C. Gwynne kể câu chuyện về định mệnh thảm khốc của chiếc khí cầu có điều khiển R101 và người đàn ông là nguyên nhân của thảm họa đó.

Chiếc khí cầu khổng lồ của Anh quốc là một thứ tuyệt đẹp để ngắm. Dài hơn 214 mét, R101 là cỗ máy biết bay lớn nhất thời đó, với phòng ăn có chỗ cho 60 người ngồi, những lối đi dạo có cửa sổ và thậm chí có cả phòng hút thuốc, một lựa chọn thiết kế kỳ lạ đối với một chiếc khí cầu chứa đầy khí hydro dễ nổ. Tuy vậy đâu cần phải lo lắng – căn phòng được bọc lót bằng amiăng, một trong rất nhiều lý do khiến người ta cho rằng đây là chiếc khí cầu an toàn nhất từng được chế tạo.

Chừng đó dĩ nhiên chưa nói lên gì mấy. Những mối nguy hiểm cố hữu của những chiếc khí cầu có khung vỏ cứng được gọi là khí cầu có điều khiển đã được biết đến rộng rãi vào năm 1930, khi chiếc R101 cởi cột neo của nó tại Cardington, Anh quốc, và khởi chuyến hành trình đầu tiên đến Karachi lúc đó còn là đất của Ấn Độ dưới quyền cai trị của Anh quốc. Chỉ cần nói là chuyến đi ấy đã kết thúc rất thê thảm, như những chuyến bay khí cầu có điều khiển thường vẫn thế. Mặc dù vậy cũng phải còn sáu năm rưỡi nữa mới đến sự cáo chung hoành tráng của kỷ nguyên khí cầu, khi chiếc Hindenburg chìm trong biển lửa trong lúc cố gắng hạ cánh ở New Jersey. Chiếc R101 nhanh chóng bị lãng quên, chí ít là ở Mỹ.

Chúng ta có thể biết ơn S.C. Gwynne khi hồi sinh chiếc khí cầu đó trong cuốn sách mới “His Majesty’s Airship” rất cuốn hút và được nghiên cứu tỉ mỉ. Là nhà báo trở thành nhà văn, tác giả của cuốn sách “Empire of the Summer Moon” (“Đế chế Trăng mùa hạ”) xuất bản năm 2010 lọt vào vòng chung kết Giải Pulitzer, Gwynne dệt nên câu chuyện phong phú về công nghệ, về sự táo bạo và điên rồ vượt xa chủ đề giả định của nó. Giống như bất kỳ câu chuyện lịch sử cực hay nào khác được nhiều người ưa chuộng, nó cũng là bức chân dung của một thời đại – trong trường hợp này là thời đại của một đế chế trên bờ vực suy tàn.

Tại tâm điểm cuốn sách của Gwynne là câu chuyện ngắn gọn, tập trung mật thiết vào chuyến bay đầu tiên và cũng là cuối cùng của chiếc khí cầu R101, khiến mạch truyện liên tục sang trang khi ông phóng to góc nhìn để kể câu chuyện bao quát hơn về những chiếc khí cầu và những giấc mơ đế quốc. Anh quốc trong thập kỷ 1920 cai trị nhiều thần dân trên thế giới hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, tuy nhiên cai trị bao lâu nữa thì chẳng ai biết được.

Mặc dù có tầm ảnh hưởng không quốc gia nào sánh được, đế chế này bắt đầu bị áp lực từ các phong trào dành độc lập ở Ấn Độ và những nơi khác. Khoảng cách quá xa khiến việc cai trị càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, năm 1924, Anh quốc khởi động “Kế hoạch khí cầu đế quốc”, kế hoạch mường tượng ra mạng lưới tuyến đường cho khí cầu có điều khiển để liên kết quốc gia này với những xứ thuộc địa xa xôi.

Đây là viễn cảnh làm say đắm lòng người: Thay vì mất cả tháng trời trên biển, một người đi từ Úc sang Anh có thể hoàn tất cuộc hành trình trong 11 ngày, thưởng thức rượu vang đỏ và xì gà hảo hạng trong khi bồng bềnh bên trên đại dương, núi non và rừng rậm. Với những người ủng hộ kế hoạch này, khí cầu là dự đoán về lâu về dài tốt hơn so với máy bay, thứ phương tiện vào thời điểm đó chỉ có thể bay những quãng đường ngắn trước khi hạ cánh để tiếp nhiên liệu, với giả định là thời tiết hoặc lỗi động cơ không buộc chúng phải tiếp đất trước.

Logic của dự đoán này là một trong nhiều giả định sai lầm làm nền tảng cho câu chuyện của Gwynne. Một giả định sai lầm nữa là những chiếc khí cầu có điều khiển bằng cách nào đó có thể được chế tạo đảm bảo an toàn. Trong một chương có tựa đề “Lược sử về một ý tưởng tồi”, Gwynne kể câu chuyện quen thuộc nhưng thiết yếu về Bá tước Ferdinand von Zeppelin, nhà quý tộc Đức có phát minh được đặt theo tên mình và được sử dụng làm vũ khí khủng bố trong Thế chiến I, khi những chiếc khí cầu zeppelin được triển khai như máy bay ném bom lên khắp lãnh thổ Anh quốc.

Song khí cầu zeppelin lại có những khiếm khuyết chết người. Một tia lửa mồi duy nhất có thể biến một khí cầu này thành quả cầu lửa, như các phi công lái máy bay chiến đấu của Anh đã phát hiện ra khi họ bắt đầu trang bị cho máy bay của mình những viên đạn gây cháy. Ngoài đặc tính dễ nổ ra, các khí cầu có điều khiển hầu như không thể kiểm soát được trong những cơn gió mạnh và phải vật lộn để trụ được ở trên không khi mưa ngấm ướt lớp vỏ bằng vải của chúng, làm tăng thêm hàng tấn trọng lượng.

Cách tiếp cận tôn giáo phi truyền thống giúp định hướng một dân tộc bị chia rẽ ra sao?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Lincoln’s God” (“Đức Chúa Trời của Lincoln”), Joshua Zeitz nghiên cứu phong cách thực hành Cơ đốc giáo dị thường mang tính cá nhân của vị Tổng thống Mỹ thứ 16 này.

Bất kỳ ai từng được đặc ân xem cuốn Kinh thánh của Lincoln – cuốn kinh thánh mà cho đến nay đã có ba vị tổng thống đặt tay lên trong lễ tuyên thệ nhậm chức, bao gồm cả Abraham Lincoln – đều biết rằng các trang kinh sách này không tì vết, như thể chưa từng được mở ra và đọc. Trên thực tế, vào phút cuối Lincoln mượn cuốn kinh thánh này từ một viên lục sự của Tòa án Tối cao cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của mình năm 1861, và chi tiết này gây ấn tượng mạnh, phù hợp với thái độ cách biệt đáng kể của Lincoln với tôn giáo có tổ chức.

Thời trai trẻ, Lincoln hầu như không phải là một tín đồ Cơ đốc theo nghĩa truyền thống. Ông nghi ngờ những phép màu trong Kinh thánh, đọc tác phẩm của những người có tư tưởng tự do như Thomas Paine và thậm chí có lẽ từng là tác giả của một bài tiểu luận công kích tôn giáo. (Chúng ta không biết chính xác, vì nếu nó có từng tồn tại thì một người bạn của ông đã đốt nó rồi.) Nếu nó xuất hiện hồi năm 1860, khi Lincoln lần đầu tiên tranh cử tổng thống, có lẽ giờ đây chúng ta đang sống ở hai quốc gia. Như thực tế cho thấy, ông mất phiếu bầu của một khu vực bầu cử – chỉ có ba trong số 23 mục sư của Springfield bỏ phiếu cho ông.

Cuộc khảo sát mới xóa tên các nam nghệ sĩ ra khỏi danh sách kinh điển phương Tây

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The Story of Art Without Men” (“Câu chuyện mỹ thuật thiếu vắng đàn ông”) của Katy Hessel là hợp tuyển về các nữ nghệ sĩ từ những năm 1500 cho đến ngày nay.

Georgia O'Keeffe có lần từng nói: “Đàn ông đánh giá tôi là nữ họa sĩ tài năng nhất. Tôi cho rằng tôi là một trong những họa sĩ tài năng nhất.” Câu nói nổi tiếng đó của nữ họa sĩ trường phái hiện đại Mỹ là đề từ cho Phần 2 cuốn sách đầu tay rất bao quát “The Story of Art Without Men” của Katy Hessel, nhà báo chuyên mục của tờ Guardian. “Đàn bà làm nghệ sĩ không phải là một xu hướng,” Hessel khẳng định; thế nhưng vẫn tồn tại một típ nữ nghệ sĩ gây tranh cãi, không phải là một sự tương phản có ý nghĩa mà đúng hơn là hậu quả của chế độ phụ hệ, một típ nữ nghệ sĩ luôn bị thế giới nghệ thuật do nam giới thống trị hạ thấp giá trị, theo lời O'Keeffe.

Vừa là thể loại xét lại lịch sử, vừa là loại sách có tranh ảnh để trưng bày, vừa là bức chân dung tập thể, vừa là săn lùng kho báu lưu trữ, cuốn chuyên khảo của Hessel bao quát từ giai đoạn những năm 1500 cho đến nay với nỗ lực hiện thực hóa trọn vẹn tiêu đề của nó. Song bất chấp những nỗ lực hết mình của cô, đàn ông vẫn không thể đừng xuất hiện xuyên suốt cuốn sách này với tư cách là những ông chồng giàu có, những gã bạn trai bạo hành, những người cha nghệ sĩ, những đứa con trai túng thiếu, những họa sĩ khao khát nàng thơ, những thể chế và thậm chí là cả cái nhìn chằm chằm của đấng nam nhân tối cao: Đức Chúa trời.

Trong cuốn sách 500 trang này, Hessel – người có tài khoản Instagram @thegreatwomenartists được dẫn nguồn như một phần khởi nguồn của cuốn sách – khéo léo giới thiệu cho chúng ta bức tranh tổng hợp về các họa sĩ, từ những người nổi tiếng như Artemisia Gentileschi, Frida Kahlo, Hilma af Klint, Tracey Emin và Kara Walker cho đến những người ít nổi tiếng hơn như Elisabetta Sirani, Marie Denise Villers và Lady Butler, và thậm chí còn chỉ ra vô số những cái tên mà có lẽ chúng ta chưa từng nghe đến.

Phải chăng đã đến lúc thu dọn đồ đạc và tiến lên sao Hỏa?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Hẳn là chưa đến lúc, Kelly và Zach Weinersmith tranh luận như vậy trong cuốn “A City on Mars” (“Thành phố trên Hỏa tinh”).

Hãy đối mặt với điều này, hỡi con người. Trái đất đã tận số. Nó đã nóng lên quá mức, chật chội quá mức, nặng gánh vì các quy chế quy định quá mức. Đó là ngôi nhà phải sửa chữa nhiều nhất, một bãi rác chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ mà chúng ta sẽ là những kẻ nhẫn tâm nếu để lại cho con cháu mình. Đã đến lúc thu dọn đồ đạc. Đã đến lúc tiến lên sao Hỏa.

Hoặc có thể là chưa.

Mau chóng chạy trốn đến hệ mặt trời là sự tưởng tượng thú vị, song cuốn “A City on Mars”, tác phẩm mới rất đặc sắc về khoa học phổ thông của các tác giả đã viết cuốn “Soonish” (“Sớm thôi”) Kelly và Zach Weinersmith, đề xuất rằng chúng ta không nên rời bỏ Trái đất mau chóng đến thế. Đầy sức thuyết phục, hấp dẫn và hài hước, cuốn sách này là bài kiểm tra thực tế cần thiết cho bất kỳ ai từng tìm kiếm một ngôi nhà trên bầu trời đêm.

“A City on Mars” phân loại các lập luận ủng hộ việc thuộc địa hóa ngay lập tức thành hai phạm trù. Phạm trù thứ nhất là ý tưởng cao cả rằng nhân loại phải tản ra các hành tinh khác “trước khi nền văn minh sụp đổ”, như Elon Musk nói với Walter Isaacson. Phạm trù thứ hai là “lập luận ‘nói có sách mách có chứng’”: Du hành vào không gian rất đáng đồng tiền bát gạo vì việc đó thật tuyệt.

Các tác giả triệt phá luận thuyết thứ nhất một cách tài tình. Tự nhận mình là “những kẻ đam mê khoa học”, vợ chồng nhà Weinersmith bắt tay vào cuốn sách này với hy vọng viết nên “một lộ trình xã hội học” dành cho công cuộc xây dựng các thuộc địa trên vũ trụ trong tương lai gần. Song khi đi sâu vào nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng những người ủng hộ nhiệt liệt nhất cho việc định cư trong không gian bị lóa mắt bởi vẻ đẹp của những phương tiện di chuyển có động cơ tên lửa đến nỗi họ gạt phăng sang một bên “những thứ tạo nên cuộc sống bình thường” như ăn uống và sinh đẻ, dân chủ và luật pháp. Vấn đề quan trọng nhất, theo miêu tả của vợ chồng Weinersmith, là “Không gian vũ trụ thật khủng khiếp. Toàn bộ không gian ấy. Thật khủng khiếp”, họ viết thêm:

Mặt trăng không chỉ là một loại sa mạc Sahara xám xịt không có không khí. Bề mặt của nó được cấu tạo từ tinh thể kính và đá lởm chởm tích điện, chúng bám dính vào những bộ quần áo chịu lực và các phương tiện hạ cánh. Sao Hỏa cũng vậy, nó không chỉ là một Thung lũng Chết trong vũ trụ – đất trên đó chứa đầy những hóa chất độc hại, và bầu khí quyển carbon mỏng của nó gây ra những cơn bão bụi khắp thế giới khiến mặt trời bị mờ mịt hàng tuần lễ mỗi lần. Và những hành tinh đó lại là những nơi đủ điều kiện để hạ cánh.

Nó lên đến đỉnh cao tuyệt đối ở trường trung học

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Empire of the Sum” (“Đế chế số học”) sinh động của mình, Keith Houston điểm lại những năm tháng tốt đẹp nhất – và tồi tệ nhất – trong vòng đời của chiếc máy tính bỏ túi.

Đầu năm nay, cậu con trai 7 tuổi của tôi tha về nhà chiếc máy tính bỏ túi TI-89 có chức năng vẽ đồ thị, phiên bản mới nhất của các mẫu huyền thoại do Texas Instruments sản xuất, mà một thời từng là thiết bị phải có của mọi học sinh trung học a-ma-tơ đáng gờm về môn giải tích ở Mỹ. Nó từ đâu đến thì tôi chẳng biết.

Theo chỗ tôi biết, thằng con tôi chưa một lần rút cái thứ ấy ra khỏi hộp, chưa thoáng liếc qua cái màn hình pixel hay cái dãy gồm 50 phím dễ sợ bên dưới. Loại máy tính bỏ túi TI đó đã đánh dấu đỉnh cao nhất trong nỗ lực làm chủ khả năng tính toán của con người đến tận gần đây. (Bạn cũng có thể chơi các game như Astrosmash trên đó.) Thế nhưng chúng đang trở thành di tích trong thời đại kỹ thuật số.

Khi niềm hân hoan chiến thắng cho cảm giác thực sự hân hoan

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The Big Time” (“Thời khắc huy hoàng”) của Michael MacCambridge lật lại [trang lịch sử thể thao] thập kỷ 1970, khi những nhân vật nổi tiếng thích phô trương và những cuộc ganh đua ngoạn mục đã biến thể thao thành trò giải trí đại chúng.

Hệ thống hóa lịch sử nước Mỹ theo từng thập kỷ là việc ngớ ngẩn và tùy tiện – và ngày càng lỗi thời. Nhưng kỳ lạ thay việc ấy cũng đem lại sự thỏa mãn, giống như sắp xếp lại một ngăn kéo toàn đồ vớ vẩn.

Những năm 1970, hiện đã hoặc đang tiến gần đến con số 50 năm tròn trĩnh đáng ngẫm ngợi, đặc biệt tràn ngập những thứ tạp nham: chiến tranh, lạm phát đình đốn, mốt nuôi thú cưng là viên đá. Các nhà văn, bao gồm cả David Frum và Bruce J. Schulman, cố gắng động chạm tới toàn bộ mớ bòng bong này. Trong cuốn sách mới “The Big Time” của mình, Michael MacCambridge bám vào những môn thể thao theo cách thận trọng, và thường là làm sáng tỏ, những môn thể thao mà ông lập luận rằng đã trở thành lực lượng sinh lợi áp đảo trong thời kỳ polyester thịnh hành đó mà ngày nay chúng ta được biết.

Tuy vậy, cuốn sách này khá lan man, gồm nhiều phân đoạn chồng chéo như quần vợt, bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, quyền Anh, golf, khúc côn cầu, và những cuộc thi đấu ít được biết đến hơn được trình diễn tại Thế vận hội Olympics. “Anh ấy thực sự có thể xuất hiện rất ấn tượng,” nhà sản xuất chương trình truyền hình Roone Arledge dự đoán về vận động viên mười môn điền kinh phối hợp mà lúc đó được biết đến với tên Bruce Jenner (1) tại Thế vận hội Montreal mùa hè năm 1976. “Anh ấy có sức hút rất mạnh. Tôi nghĩ anh ấy có thể là một Dorothy Hamill (2) khác.”

Cuốn “The Big Time” đầy sinh động với những tính cách như vậy và khơi gợi nỗi nhớ mong về thời mà các sự kiện thể thao ít phải theo kịch bản, ít bị săm soi và ít bị tư nhân hóa hơn. Những người đàn ông có ảnh hưởng đến mọi thứ là những kẻ vênh vang khoe mẽ, ồn ào với cái tôi: tiền vệ bóng bầu dục Joe Namath và chiếc áo khoác lông chồn của anh; trung vệ bóng bầu dục John Fuqua và con cá vàng ta có thể nhìn thấy đang tung tăng bơi bên trong đôi gót giày trong suốt của anh; golf thủ Jack Nicklaus và sự giảm cân của anh; tay vợt tennis Jimmy Connors và những cú túm đũng quần của anh; cầu thủ bóng chày Reggie Jackson và thanh kẹo mang tên anh. (“Khi bạn bóc một thanh kẹo Reggie! Bar,” cầu thủ ném bóng chày Catfish Hunter nói đùa, “nó sẽ nói cho bạn biết nó ngon đến thế nào”.)

Trong cuộc chiến hiểm nghèo của Facebook giữa tính liêm chính và sự tham gia [của người dùng]

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “Broken Code” (tạm dịch “Mật mã bị phá giải”) của Jeff Horwitz sử dụng 25.000 trang tài liệu nội bộ để khám phá những hoạt động nội bộ náo nhiệt của tập đoàn này – và tác động hủy hoại của chúng đối với nhân loại.

Với sự chuyển hướng thú vị từ những câu chuyện thể loại phụ về Facebook, cuốn sách “Broken Code” của Jeff Horwitz không mở đầu bằng cảnh trong căn phòng ký túc xá của trường Harvard. Khai triển những khám phá trong loạt phóng sự bom tấn “Hồ sơ Facebook” trên tờ The Wall Street Journal, cuốn sách tập trung trực tiếp vào thập kỷ vừa qua. Nó mở đầu khi Facebook đã là một tập đoàn khổng lồ toàn cầu với số lượng người dùng lên tới hàng tỷ người – và với một giá trị tinh thần đặc trưng của công ty, cái giá trị còn chưa bao gồm khả năng tạo ra sự thay đổi chính trị và xã hội vô cùng to lớn.

Một vị cựu phó chủ tịch của Facebook nói với Horwitz: “Xây dựng thứ gì đó thì thú vị hơn nhiều so với đảm bảo an ninh và an toàn cho thứ đó. Ta sẽ không phải động chạm gì đến nó cho đến khi bị cơ quan quản lý hoặc báo chí chỉ trích.”

Là một câu trình bày luận điểm, nó thật rõ ràng hết mức. Hết lần này đến lần khác, bất chấp sự phản đối của những nhân viên được tuyển dụng để khiến Facebook thành một nơi an toàn cho người dùng, vị CEO Mark Zuckerberg và những phụ tá thân cận nhất của anh ta quyết ưu tiên tăng trưởng và sự tham gia hơn bất kỳ mục tiêu nào khác. Điều đó là sự thật hiển nhiên ngay cả khi chẳng ai lạ gì rằng những quyết định đó gây hại cho người dùng. Horwitz dựa trên vô số bằng chứng để chứng minh rằng, xét về mặt chính sách nhất quán, Facebook thà đi dọn dẹp sau những thảm họa thậm chí là nghiêm trọng nhất còn hơn ngăn chặn chúng.

Chi tiết kiểu báo chí trong cuốn sách này ở mức độ đáng khâm phục. “Broken Code” được phát triển dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ của Facebook, phần lớn trong số đó được chia sẻ bởi một nhân viên duy nhất: giám đốc sản phẩm Frances Haugen. Sự hợp tác của cô với cuộc điều nghiên của Horwitz rất phi thường: Trước khi rời khỏi tập đoàn này hồi tháng 5.2021, Haugen dành nhiều tháng trời gửi cho Horwitz những bức ảnh chụp màn hình lờ mờ từ chiếc điện thoại rác chụp các tập tin được lấy trên chiếc laptop ở nơi làm việc của cô.

Tài liệu mà cô và những người khác cung cấp là những tài liệu thiết yếu để đảm bảo độ chính xác mà “Broken Code” dùng để mổ xẻ những thất bại chiến lược của Facebook khi đề cập đên vai trò của tập đoàn này trong việc truyền bá thông tin sai lệch, sự rạn nứt chính trị và thậm chí là nạn diệt chủng. Cuốn sách chứa đầy những số liệu thống kê và giai thoại khiến người đọc mắt tròn mắt dẹt, đôi khi tàn khốc như George Orwell đã miêu tả trong cuốn tiểu thuyết “Nineteen Eighty-Four” (“Năm 1984”) của ông, những thứ mà chỉ có thể từ nội bộ đưa ra. Chẳng hạn, ta có thể hả hê với sự trớ trêu này: khoảng năm 2018, tập đoàn này thực hiện hơn 140 thay đổi khác nhau đối với hệ thống xác định bài đăng được hiển thị trên News Feed của bạn, nó đã thành công trong việc loại trừ tận gốc rễ những nhà xuất bản tin tức giả mạo trắng trợn nhất – thế nhưng Facebook không nhận được sự khen ngợi nào của công chúng về chiến thắng này sau khi Zuckerberg khăng khăng một mực rằng vấn đề do những kẻ chơi khăm đó gây chẳng có gì to tát.

“Broken Code” đôi khi cho cảm giác phức tạp chẳng kém gì bộ máy quan liêu của tập đoàn mà nó miêu tả. Đa phần cuốn sách nhảy từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và từ tính cách này sang tính cách khác – có thể kể ra một số trong những điểm rắc rối nhất là vai trò của nền tảng này trong việc quảng bá chứng biếng ăn, phổ biến nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, khích động cuộc bạo loạn ở Điện Capitol Ngày mùng 6.1.2021, khơi mào cuộc thanh lọc sắc tộc ở Myanmar và mở đường cho tình trạng nô lệ trong gia đình – mà không có cốt truyện rõ ràng hoặc thậm chí không có đến cả tiêu đề chương để làm cho văn bản bớt phức rối hơn. Facebook là tập đoàn khổng lồ, và những cuộc chiến Horwitz miêu tả thường liên quan đến các ưu tiên cạnh tranh của các nhóm khác nhau mà mối quan hệ giữa chúng khó có thể tránh khỏi tình trạng rối ren. Rõ ràng là sau một số năm viết những bài báo về Facebook, Horwitz đã có sẵn sơ đồ tổ chức kiểu ống kính vạn hoa rất ấn tượng trong đầu mình; nếu làm ghi chú cho nó thì sẽ rất hữu ích cho người đọc, như những bản đồ vùng Trung Địa trong các tiểu thuyết của Tolkien ấy.

Bị đánh giá thấp chính là vũ khí bí mật của cô

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong “Flirting With Danger” (“Đùa giỡn với hiểm nguy”), Janet Wallach kể câu chuyện về Marguerite Harrison, người đánh đổi cuộc sống nhiều đặc quyền để trở thành nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ.

Bất kỳ ai phàn nàn về một chuyến bay của hãng hàng không Delta bị hủy sẽ phải thận trọng hơn khi nhìn vào tấm gương Marguerite Harrison. Là nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ, Harrison dọc ngang khắp thế giới bằng xích lô, máy bay cánh quạt, lạc đà, bè làm bằng da dê thổi căng và toa chở hàng trên tàu hỏa, và từng có lần miêu tả sinh động về chuyến hành trình xuyên Siberia mà cô bị lèn vào giữa những bao trà và yến mạch trên cỗ xe tam mã trong trận bão tuyết, như “một trải nghiệm hiếm có và thú vị”.

Là con gái của ông trùm vận tải biển Thời Phồn vinh giả tạo [1877-1900], Harrison làm tan vỡ những tham vọng xã hội cao ngất của mẹ mình (bà mẹ đã hy vọng có một tước hiệu), đầu tiên là bằng cách kết hôn với chủ ngân hàng địa phương, rồi sau đó – khi cô đột ngột góa chồng ở tuổi 37 – bằng cách thuyết phục để có được chân phóng viên chuyên về sự kiện xã hội và phê bình văn hóa cho tờ The Baltimore Sun. Cuối Thế chiến I, được lòng yêu nước và niềm đam mê du lịch thúc đẩy, cô nhiều lần nộp đơn xin vào Hải quân, rồi Quân đội, để được xem xét bổ nhiệm vào cơ quan tình báo quân sự, dù biết rằng rốt cuộc khi được tuyển dụng, cô sẽ dấn thân vào “sự nghiệp chẳng hứa hẹn gì ngoài nguy hiểm và bấp bênh.”

Do tuổi thơ sống qua những mùa hè ở châu Âu lục địa và được các nữ gia sư châu Âu dạy dỗ, Harrison nói tiếng Đức và tiếng Pháp hoàn hảo; sau này cô học tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng không kém phần quan trọng là việc một gia sư đặc biệt dạy cô cách tán chuyện xã giao: “Hãy cứ ra vẻ trí thức nếu cần thiết, song em phải học cách trở nên quyến rũ. Nó sẽ đưa em đi xa hơn nhiều.”

Là điệp viên, nhà báo, nhà làm phim và nhà thám hiểm dày dạn, Harrison hiện diện trong nhiều thời khắc then chốt của thời kỳ đầy biến động và đầy ý nghĩa giữa hai cuộc thế chiến. Janet Wallach, người viết những cuốn tiểu sử về nhà thám hiểm Gertrude Bell và ông trùm bất động sản Hetty Green, kể lại những chiến tích đáng chú ý của nhân vật chủ đề của mình với sự hồi hộp, nhiệt huyết và khá nhiều sự mê hoặc huyền bí: Hãy nghĩ đến nhân vật điệp viên George Smiley trong chiếc áo khoác cổ lông chồn.

Wallach chủ yếu dựa vào tư liệu do chính Harrison viết, nó cho ta những miêu tả trực tiếp rất thú vị về một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nghiên cứu sâu rộng của Wallach cũng được sử dụng một cách hiệu quả, cho dù bà đang đề cập đến sự nổi lên của binh đoàn lê-dương Freikorps ở Berlin thời hậu chiến hay miêu tả chi tiết việc lựa chọn những con hàu và rượu sâm-panh tại các hộp đêm mờ ám ở thành phố đó.

Trang phục cũng không kém phần quan trọng: Đối với chuyến vượt qua sa mạc Gobi vất vả của Harrison, cô xếp vào va li chiếc áo khoác lông và những đôi tất lụa, và trong chuyến tìm kiếm các bộ lạc du mục ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cô mặc chiếc áo khoác kiểu đi săn bằng nhung kẻ và đội chiếc mũ cát trên vành buộc hờ chiếc khăn phất phới để ăn bữa tối với những người buôn lạc đà, theo lời tác giả kể cho chúng ta.

Một trận chiến quyết liệt [Battle Royale] nữa trong Cuộc chiến Windsor

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Endgame” (“Cuộc cờ tàn”), nhà viết tiểu sử đầy thiện cảm với Harry và Meghan là Omid Scobie đã đối đầu với phía nhà chồng – và cực kỳ quyết liệt.

Mở đầu cuốn “Endgame”, nhà báo và phóng viên chuyên bình luận về hoàng gia Omid Scobie đưa ra hứa hẹn hấp dẫn.

“Trước kia, cũng như ai khác, tôi dè chừng khi tiết lộ một số sự thật ám muội hơn trong bản chất thể chế của chế độ quân chủ Anh”, anh ta viết. “Một phần của cuốn sách này sẽ khiến tôi vĩnh viễn không còn đường lui. Nhưng để kể toàn bộ câu chuyện, thì không thể dè chừng. Không dè chừng được nữa. Chúng ta đang vào lúc cuộc cờ tàn.”

Tuy vậy, những độc giả hy vọng vào một đòn chí mạng cuối cùng của tin tức vỉa hè thì sẽ thất vọng. Trước đây chúng ta không ít lần nghe nói về điều đó. Từ Fergie, từ Diana, từ Charles, từ Harry, từ Harry, từ Harry, lại lần nữa từ Harry.

Ăn thịt bọn nhà giàu ư? Thay vì thế, cùng dùng bữa với họ được không?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Flight of the WASP*” (“Sự bay bổng của WASP”), nhà văn sừng sỏ chuyên bới móc Michael Gross dành cho những gia đình ưu tú của nước Mỹ sự đối xử đặc biệt tận tình.

Phương tiện truyền thông xã hội đã khai tử Danh sách Giới thượng lưu chưa? Hay giới WASP vẫn có thứ gì đó để hiến tặng cho những người còn lại chúng ta?

Do quyền lực và tầm ảnh hưởng của họ ở Mỹ cho dù có đang suy giảm vẫn là cực kỳ to lớn, giới tinh hoa da trắng theo đạo Tin lành [WASP] là một trong số ít nhóm sắc tộc mà người ta cảm thấy có thể chế giễu được. Sự thể đó bắt đầu bằng chính cụm từ viết tắt WASP, có nguồn gốc mơ hồ – một phóng viên của tờ New York Times tìm thấy nó trên tờ The New York Amsterdam News hồi năm 1948 – nhưng nhờ nhà xã hội học E. Digby Balltzell nó đã in sâu vào cách sử dụng thông thường.

Cuốn “The Official Preppy Handbook” (“Cẩm nang chính thức cho sinh viên dự bị”– xuất bản năm 1980), do Lisa Birnbach biên tập, là tác phẩm kinh điển đúng nghĩa về óc hài hước trong quan sát, nhận diện trang phục, đồ vật và tập quán của WASP chẳng hạn như các họa tiết hoa nhí, trang trí hình con vịt và trường nội trú. Cuốn “The WASP Cookbook” (“Sách dạy nấu ăn của WASP” – xuất bản năm 1997) của Alexandra Wentworth đặt công thức chế biến những món tầm tầm như thịt bò thái mỏng phủ kem và cocktail rượu mạnh trong những trang bìa bằng nhung xanh.

Tôi những mong “Flight of the WASP” của nhà báo và tác giả Michael Gross sẽ là tác phẩm mới nhất bước vào đền thờ sự nhạo báng kiểu Muffy này, nhưng không phải. Cuốn sách là phòng trưng bày chân dung trang trọng, chân thật và khá đông đúc gồm hơn chục những cái tên cổ kính quan trọng – những Biddle, Peabody, Whitney, và những cái tên khác – những cái tên lạnh lùng giải thích cho những hành động tệ hại của họ đồng thời cũng liệt kê những hành động cao quý của họ.

Chẳng hạn như người thừa kế ngành đường sắt và nhà cổ sinh vật học Henry Fairfield Osborn, vị chủ tịch lâu năm của Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, là người nhiệt thành ủng hộ thuyết ưu sinh. Vị chính khách đầu thế kỷ 19 Lewis Cass là người tận tâm khởi xướng điều mà ông ta gọi là “di dời dân da đỏ”. (Thoáng chút hả lòng khi đọc đoạn nói về ông ta “mất mặt khi một con đường đắp cao bị sụt xuống tại một sự kiện và ông ta bị rơi tõm xuống sông Hudson, rồi ngoi lên mặt nước mà thiếu mất mớ tóc giả.”) Và “giai cấp thống trị đầu tiên của nước Mỹ”, như tiêu đề phụ của Gross gọi nó, dĩ nhiên cũng phạm phải và duy trì “tội lỗi nguyên bản của nước Mỹ”: chế độ nô lệ.

Bất chấp những điều này, tác giả lập luận rằng tầng lớp quý tộc WASP đã tiến tới chỗ ủng hộ những lý tưởng nhất định – “sự khiêm tốn, tinh thần trách nhiệm, phép lịch sự đơn thuần,” ông liệt kê, hai lần – là những lý tưởng đáng được hồi sinh, cho dù Donald Trump “biểu trưng cho vận bĩ của thị tộc” và Joe Biden, “mẫu mực của sự đứng đắn,” tình cờ lại là người theo Công giáo.

Những hành tinh dị thường của vũ trụ lấp lánh sao và những điều chúng phát lộ

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Things That Go Bump in the Universe” (“Những thứ dị thường trong vũ trụ”, nhà thiên văn học C. Renée James viết về những điều chúng ta có thể học được từ những hình dạng và âm thanh kỳ lạ hơn trong vũ trụ.

Có một ẩn tinh đặc biệt, một loại tử tinh quay nhanh đang giữ kỷ lục về tốc độ quay nhanh nhất so với bất kỳ thiên thể nào trong vũ trụ mà ta đã biết: nó quay 716 lần mỗi giây. Để dễ hình dung, lưỡi dao của máy xay sinh tố Vitamix có thể quay 333 lần mỗi giây, nhưng chiếc máy xay thì khá nhỏ có thể đặt trên bàn được, còn ẩn tinh là trái cầu neutron có kích thước bằng một thành phố trôi nổi trong không gian và có khối lượng bằng một nửa của một triệu Trái đất.

“Người ta có thể đọc những con số như thế này và nghĩ: ‘Ồ, thú vị thật’,” nhà thiên văn học C. Renée James viết trong cuốn sách mới “Things That Go Bump in the Universe” của chị. Người ta cũng có thể cảm thấy rằng “nắm bắt được thực tế này là điều bất khả”. Song chị bảo rằng “Bạn vẫn nên thử.”

Các ẩn tinh có vẻ bí ẩn khôn lường, nhưng chúng đáng được nghiên cứu vì chính bản thân chúng thú vị – chúng là một trong những thứ dị thường nhất trong vũ trụ – và vì chúng có thể cho ta những hiểu biết sâu sắc. Chúng có thể giúp ta đo khoảng cách giữa các mặt trời và nâng cao kiến thức về vật lý hạt nhân. Một ẩn tinh giống như ẩn tinh PSR J1748-2446ad đã lập kỷ lục mới, mà James đã đổi tên thành Zippy cho dễ gọi, là công cụ có tính then chốt trong lĩnh vực tương đối mới là thiên văn học nhất thời: nghiên cứu về các hiện tượng xảy ra nhanh chóng, dữ dội và tồn tại trong thời gian ngắn trong cái mà về mặt khác chúng ta thường coi là một vũ trụ phần lớn rỗng không và không lấp lánh.

Kính viễn vọng Không gian James Webb và các anh chị em của nó đã phát lộ những bức chân dung hấp dẫn về một vũ trụ lấp lánh những vì sao, những đám mây bụi, những sợi khí gas và những cánh tay quay tít của các thiên hà. “Things That Go Bump in the Universe” giới thiệu một số nhân vật vũ trụ kỳ lạ nhất trong những lĩnh vực này, bao gồm các hạt cực kỳ phong phú và siêu nhiên được gọi là neutrino, dường như không tương tác với bất kỳ cái gì sau khi chúng được sinh ra, cho dù chúng nảy sinh ra trong cơn quằn quại dữ dội khủng khiếp của những ngôi sao đang chết hoặc trong sự phân hủy tự nhiên của kali trong những quả chuối. Chúng ta cũng gặp các ẩn tinh “góa phụ đen” (hàng triệu năm nay chúng vẫn ăn những ngôi sao kép mờ nhạt hơn của chúng) và chứng kiến các lỗ đen hợp nhất. Một vụ va chạm như vậy cách đây 1,2 tỷ năm đã khiến không-thời gian quanh Trái đất rung chuyển vào năm 2015.

Thiên văn học nghiên cứu về sóng hấp dẫn mở ra mô hình hoàn toàn mới của vật lý thiên văn. Các nhà nghiên cứu hiện có thể khảo sát các lý thuyết về cách thức vũ trụ giãn nở sau Vụ nổ lớn, theo dõi các chấn động giống như người chỉnh đàn piano lắng nghe âm thanh phát ra từ chiếc âm thoa của mình khi nhấn một phím đàn. Bằng cách kết hợp dữ liệu âm thanh từ khắp vũ trụ – các lỗ đen hợp nhất có xu hướng phát ra một nốt trong khóa âm trầm, ẩn tinh Zippy xướng lên 1,5 quãng tám cao hơn nốt Đô trung – với các phương pháp cũ hơn khi quan sát tất cả ánh sáng mà ta có thể và không thể nhìn thấy dọc theo quang phổ điện từ, các nhà thiên văn học có thể phác họa ra lịch sử của vũ trụ.

Hành trình của James xuyên qua công cuộc nghiên cứu những vật thể này rất thú vị, đôi khi khó khăn, nhưng rốt cuộc rất đáng đọc nhờ cách hành văn vui vẻ, dễ chịu; chị giỏi hơn hầu hết các nhà vật lý thiên văn khi giải thích công việc đôi khi khó hiểu của họ. Mặt trời là “một ngôi sao loàng xoàng”. Những thay đổi có thể nhận thấy trong áp suất không khí sau vụ phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883 – mà James sử dụng để giới thiệu quy mô của các vụ nổ sao – “thì thầm những bí mật về nguồn gốc gây tai họa của chúng”. Đài thiên văn vô tuyến Parkes nổi tiếng ở Australia, hiện được gọi là Murriyang, “chỉ bằng một kính viễn vọng đã phát hiện ra” khoảng một nửa số ẩn tinh mà chúng ta đã biết.

Chị cũng sử dụng phép ẩn dụ và phép loại suy; khoảng không giữa các ngôi sao kép nhất định là “ô cửa” dành cho “anh em họ hàng thân thiết hôn nhau” mà hoạt động của chúng “hoàn toàn không giống việc dùng vòi tưới vườn phun đầy một cái xô”.

Những kẻ nổi loạn bất đắc dĩ, với động cơ rất chính đáng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The Exceptions” (“Những biệt lệ”) của Kate Zernike kể lại câu chuyện đáng phẫn nộ và thú vị về sự phân biệt giới tính mà các nhà khoa học nữ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phải đương đầu – và họ đã chống trả ra sao.

Từ “biệt lệ” hàm ý các quy tắc, và như chúng ta biết, các quy tắc được đặt ra là để bị vi phạm. Nhưng trong đời thực, đó có thể là một việc khó chịu – đặc biệt nếu bạn là phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là trong những thập kỷ trước thềm thế kỷ 21 và đặc biệt là nếu bạn không phải kiểu người vi phạm quy tắc.

Trong khoa ấy của Viện Công nghệ Massachusetts có 16 người vi phạm quy tắc. Và nói một cách chính xác, các phụ nữ này đã phải chịu đựng những gì để được quyền làm công việc của mình là chủ đề trong cuốn sách mới xuất sắc và gây phẫn nộ của Kate Zernike.

Lấy cảm hứng từ một câu chuyện mà Zernike (hiện là phóng viên của tờ The New York Times) tiết lộ cho tờ The Boston Globe hồi năm 1999, “The Exceptions” là câu chuyện hậu trường bí mật về cách các nhà khoa học này tiến hành nghiên cứu kéo dài bốn năm dẫn đến kết quả là MIT phải thừa nhận có lịch sử lâu dài về phân biệt giới tính ra sao.

Người lãnh đạo không ai ngờ tới của nhóm 16 nhà khoa học này là Nancy Hopkins, một người không có căn cốt gây kích động trong mình. Là nhà sinh học phân tử và nhà nghiên cứu ung thư được đào tạo tại Đại học Harvard, Hopkins là mẫu người cực kỳ thông thái – từ một đứa trẻ được nhận học bổng đã nhảy cóc lớp 10, lên học ở Đại học Radcliffe và tin rằng – vì chỉ duy có điều này là hợp lý – chỉ cần cô chuyên tâm với toàn bộ trí tuệ, sự tò mò và niềm đam mê của mình, cô sẽ thành công.

Cầu thủ huyền thoại: Câu chuyện về hậu vệ dẫn bóng vĩ đại nhất trong lịch sử Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ [NBA]

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn tiểu sử lớn về Magic Johnson [Johnson Huyền thoại] của tác giả Roland Lazenby cho ta thấy vô vàn chi tiết, dàn nhân vật khổng lồ và, ở mức độ nhất định, bức tranh phong phú sắc màu của thời đại chúng ta.

Có lần tôi hỏi một nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung rằng vì sao không một ai mỉm cười trong những bức ảnh chị chụp, và chị trả lời: “Nụ cười là một cái mặt nạ”.

Tôi liên tưởng đến câu nói có tính cách ngôn này khi đọc cuốn tiểu sử dày 800 trang về Magic Johnson của Roland Lazenby. Tạp chí Sports Illustrated tuyên bố rằng nụ cười của anh là một trong hai nụ cười đẹp nhất thế kỷ 20. (Nụ cười kia là của Louis Armstrong.) Như Missy Fox, con gái vị huấn luyện viên thời trung học của anh, nói trong cuốn sách: “Đó là cái duy nhất anh ấy luôn mang, nụ cười đó”.

Nụ cười này biểu lộ từ rất sớm ở thành phố Lansing, bang Michigan “Cậu con trai mới sinh của Christine Johnson hay cười khúc khích và toe toét khiến tất cả những ai chứng kiến đều vui thích đến nỗi chẳng thể nào coi những nụ cười ấy chỉ là vu vơ,” Lazenby viết. Ít lâu sau, “hầu hết mọi người đều muốn chào đón cậu bé bằng cách làm mặt cười hoặc gây tiếng động ồn ào hoặc tung cậu lên xuống cho đến khi cậu ré lên và cười khúc kha khúc khích.”

Johnson là đứa trẻ gầy và cao lêu nghêu, có khả năng phối hợp phi thường và bị ám ảnh với bóng rổ. Khi bắt đầu học lớp bảy cậu cao 1,83m, khi bắt đầu học lớp mười cậu cao 1,98m. “Cậu thường có những ngày nghỉ hè say sưa với bóng rổ và cực kỳ phấn khích với môn này.” Tuy vậy, khi lên cấp trung học cơ sở, có điều gì đó sai sai. Cậu đọc kém, và “những người biết cậu lúc đó miêu tả cậu là người nói năng không rành mạch, tình trạng được giảm nhẹ và phần nào được che giấu bằng nụ cười và phong thái của cậu”. Vấn đề khả năng đọc của cậu, “được định nghĩa là chứng đọc khó”, khiến cậu “hết sức lúng túng ngượng ngùng”.

Song cậu có những kỹ năng khác, những niềm đam mê và kế hoạch khác. Con cái nhà Johnson chắc mẩm sẽ học tại một trường trung học gần đó, nơi là “trung tâm của cộng đồng này”. Nhưng các trường ở thành phố Lansing đã nghĩ ra một kế hoạch “thúc đẩy sự hòa nhập chủng tộc bằng cách dùng xe bus đưa đón học sinh da đen”. Những anh chị em lớn hơn trong gia đình Johnson được đưa xuyên thành phố đến trường Everett High, nơi chúng nhập vào nhóm khoảng 100 học sinh da đen trong ngôi trường có 2.500 học sinh “mà thời điểm đó 99% là học sinh da trắng”. Những chuyến xe bus đầu tiên đã được chào đón bằng những hòn đá ném.

Khi đến lúc Earvin Johnson phải đi học ở trường Everett, trực giác mách bảo cho cậu biết cách vượt qua vấn đề nhạy cảm là chơi cho một huấn luyện viên mà anh trai cậu (và bạn cùng phòng) rất ghét, cậu đạp xe xuyên suốt thành phố Lansing để tập ném bóng trúng rổ, mà không báo trước, trên đường lái xe vào nhà của huấn luyện viên.

Một nhận xét của Missy Fox về sự nghiệp trung học của Johnson, khi nhớ lại khung cảnh ồn ào trong các trận đấu của cậu, thì bật ra: “Cậu ấy lúc nào cũng vui vẻ. Mọi thứ đều rất hay ho thú vị và việc cậu lôi kéo mọi người tham gia khiến mọi thứ càng thú vị hơn. Cú chuyền bóng không cần nhìn mà cậu ấy sẽ thực hiện, họ gọi đó là cú chuyền bậc thầy vì cậu rất thích sáng tác một số lối chơi hấp dẫn dị thường”.

Có điều gì đó vừa háo hức vừa thân mật khi chị nhấn mạnh vào niềm vui. Giống như nhiều đối tượng được trích dẫn trong cuốn sách, chị đang nhìn lại câu chuyện lịch sử này sau nhiều thập kỷ, khi huyền thoại và lịch sử như tấm lưới dày đặc bao trùm Magic Johnson, Larry Bird và Michael Jordan cũng như sự ra đời của ngành kinh doanh và hiện tượng mang tính văn hóa là NBA. Có lẽ sự nhấn mạnh của chị vào niềm vui là một cách khác để nói rằng đây là lần cuối cùng Magic Johnson là một con người bình thường, một đứa trẻ trong đội bóng trường trung học được thành phố Lansing yêu quý, còn chưa phải là người nổi tiếng thế giới.

Cuốn sách hướng dẫn về rượu vang cho một thế giới đang thay đổi (dù tốt lên hay xấu đi)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The World in a Wineglass” (“Thế giới trong ly rượu vang”) của Ray Isle là công trình khảo sát sâu rộng về những người trồng nho, tập trung vào sự phát triển bền vững và các phương pháp hữu cơ.

Chủ nhân của các nhà máy rượu vang dường như sống cuộc đời đầy ân sủng nhiệm màu. Các nhà văn và nhà phê bình viết về rượu vang cũng vậy, nếu những câu chuyện phiếm và những bài đăng trên Instagram của họ là đáng tin cậy. Có vẻ như chúng liên quan đến rất nhiều những lâu đài, những khung cảnh tráng lệ, những hồ bơi vô cực, những ly cốc tinh xảo và bữa tối dưới ánh nến trong phòng riêng. Những người trong giới rượu vang, vì lý do nghề nghiệp, thường đã ngà ngà từ lúc 11 giờ sáng.

Quay trở lại bàn làm việc mới là phần gian nan. Việc giải mã những ghi chú được ghi lại trong lúc “mệt mỏi và xúc động” – cách dùng uyển ngữ của người Anh để chỉ trạng thái say xỉn – đâu phải chuyện chơi. Gian nan hơn nữa là tìm cho ra những cách độc đáo để diễn đạt nghĩa “thơm ngon”. Ngôn từ viết về rượu vang đã bị nhai đi nhai lại có lẽ kể từ tác gia Pliny the Elder nhưng chắc chắn là từ năm 1937, khi tờ The New Yorker xuất bản bức tranh biếm họa của James Thurber vẽ người đàn ông giơ cao chiếc ly đen như mực trên bàn ăn. Dưới chân bức tranh viết: "Đó là một loại Burgundy thuần khiết chưa gây giống tràn lan, song tôi nghĩ các vị sẽ thích thú với tính ngạo mạn của nó". Nhà thơ Tony Hoagland đã châm chọc tính phô trương của ngôn ngữ rượu vang một cách thâm thúy hơn khi ông viết trong bài thơ đẹp lạ lùng sáng tác năm 2003 “When Dean Young Talks About Wine” (“Khi Dean Young nói về rượu vang”):

Nhưng đâu là rượu Cabernet của hóa đơn thuê nhà và thuốc hen?

Đâu là rượu Burgundy của những đôi giày chỉnh hình?

Đâu là rượu Chablis của những đầu gối trầy da và bánh mì kẹp mứt?

với dư vị là những huấn luyện viên tàn nhẫn của Little League ?

và âm thanh trầm đục của chiếc xe ô tô wagon rỉ sét?

Người chuyên phục vụ rượu vang hợm hĩnh tại các nhà hàng sẽ trả lời câu hỏi của Hoagland như thế này: Thưa ông, chúng có mặt ở khắp nơi, chính là những chai Chardonnays của Úc trị giá 7,99 đô la với những con kangaroo trên nhãn.

Robert M. Parker Jr. thay đổi kiểu bình phẩm rượu vang và việc kinh doanh rượu vang hồi thập niên 1980 bằng cách bỏ qua mọi ngôn từ. Ông ta sử dụng hệ thống đánh giá bằng số cho mỗi chai. Cái giá cho sự thành công của Parker là trở thành kẻ không sành điệu sánh ngang với Robert Moses (cả hai đều là những người cào bằng và đơn giản hóa) đối với các thế hệ trẻ đam mê rượu vang. Tên ông ta được nhắc đến với một cái nhún vai.

Ở đầu cuốn sách hướng dẫn mới đồ sộ “The World in a Wineglass: The Insider’s Guide to Artisanal, Sustainable, Extraordinary Wines to Drink Now” (“Thế giới trong ly rượu vang: Hướng dẫn của người trong ngành về các loại rượu thủ công, ít gây tác động đến môi trường, rất đặc sắc để uống thời nay”) – cuốn sách khiến người đọc ngồi còng cả lưng của Ray Isle – tác giả dừng lại để phàn nàn về những hương vị nếm thử ăn-theo-trái-cây mà các nhà văn viết về rượu vang thường sử dụng. “Bạn có thực sự tưởng tượng được thứ rượu đó sẽ có hương vị như thế nào trong miệng mình từ một danh sách liệt kê như ‘xoài, dứa, lê, mơ và gỗ sồi’ không?”, anh đặt câu hỏi. Những thứ này khiến anh nhớ đến danh mục đồ uống của một quán sinh tố.

Những từ ngữ miêu tả kiểu đó có thể là tất yếu phải có. Sau lời ta thán ban đầu, Isle hăng hái ủng hộ chúng. Thú vị hơn khi anh gạt ly trái cây kia sang một bên. Theo quan điểm của anh, ai mà không muốn nếm thử loại rượu vang Burgundy sở hữu “một kiểu tính chất nghiêm ngắn của lính tráng” chứ? Thế còn loại rượu có “hệ thống cơ bắp như vũ công” thì sao? Rồi sau đó, có loại rượu vang đỏ phối trộn xuất xứ từ Central Valley của California mà Isle đề cập đến như một thí dụ cho loại rượu vang "làm sao mà ly của tôi lại cạn nhanh đến thế?" Thật kỳ lạ: Hầu như mọi chai tôi mở đều khớp với miêu tả đó.

Một số nhà sản xuất rượu mà anh phỏng vấn giỏi hơn ở trò chơi chữ này. Một người ở Oregon so sánh thứ rượu vang pinot noir của mình với bản ballad đầy nhục dục của Barry White. Một nhà sản xuất rượu ở miền Bắc nước Ý khoe khoang rằng rượu vang gewürztraminer của ông ta không thuộc loại rượu vang “Miami Vice” đáng sợ: “Không có độn vai!” Người sản xuất loại rượu vang Barbera có vị chát vừa phải đề cao loại rượu của mình (và cũng có thể anh ta đang nói về cuốn sách này): “Nó hơi giống với việc ném uỵch bộ bách khoa toàn thư lớn lên bàn.”

Cuốn sách tiết lộ mọi chuyện giật gân về thương hiệu Glossier của Emily Weiss

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “Glossy” (“Óng ả”) của Marisa Meltzer kể lại thời kỳ thăng hoa lóng lánh và thời kỳ chững lại mờ xỉn của công ty mỹ phẩm mà chủ nhân của nó thuộc thế hệ thiên niên kỷ .

Một cửa hiệu truyền thống của Glossier khai trương tại khu vực tôi ở mùa thu năm ngoái, và vì khu vực đó là Williamsburg nên tôi có thể thoải mái tuyên bố rằng nó điểm giờ khai tử cho thương hiệu này. Không còn là sân chơi trải nghiệm phi truyền thống của những thú vui trang điểm như mơ nữa, Glossier đã đi đến kết luận hợp lý của mình: những khách hàng trung thành đang phải chờ đợi một thời gian dài đến mức bực mình giữa các nhóm thanh thiếu niên thoắt vào thoắt ra để mua loại gel chải lông mày giá 18 đô la. Nơi đây yên nghỉ Glossier – tấm bia mộ thiên niên kỷ màu hồng khắc dòng chữ đen sẽ thể hiện – đồ trang điểm cho những người xinh đẹp. Việc cửa hiệu Glossier tại Williamsburg nằm cạnh các cửa hiệu bán lẻ của các thương hiệu Parachute (chăn ga gối đệm), Mejuri (đồ trang sức) và Warby Parker (kính) có vẻ không phải là ngẫu nhiên; tất cả thương hiệu bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà trước kia chỉ bán hàng trên mạng giờ đều được sắp đặt trên Phố North Sixth thành một dãy nhỏ gọn gàng.

Nhưng khi phòng trưng bày cố định đầu tiên của Glossier khai trương tại SoHo hồi năm 2016, nó là điểm đến của các cô gái sành điệu sau giờ làm việc. Hai năm sau, Beyoncé dùng mỹ phẩm của thương hiệu này đến dự lễ trao giải Grammy, khéo léo phối hợp với việc ra mắt một sản phẩm mới. Đến năm 2019, chưa đầy năm năm từ khi trình làng, công ty này được định giá hàng tỷ đô la. Emily Weiss, người sáng lập, vẫn là sinh viên sao sáng trong lớp học gồm những nữ chủ nhân trẻ của các công ty, những người hoặc đã thất bại thảm hại hoặc đã ngừng hoạt động đột ngột. Lúc cô rời khỏi vị trí CEO năm 2022, cô là người cuối cùng trụ được và là người duy nhất xây dựng được một doanh nghiệp có thể tồn tại mà không cần đến cô. (Leandra Medine chủ nhân blog Man Repeller hiện diện trên nền tảng trực tuyến Substack; Audrey Gelman người sáng lập câu lạc bộ The Wing có một cửa hiệu bán ý tưởng về một thị trấn nhỏ – tình thực chủ yếu là chân nến – ở Cobble Hill.)

Nhưng sự thăng hoa của Glossier đã chững lại, và với cuốn “Glossy”, phóng viên Marisa Meltzer chắp nối thành câu chuyện hấp dẫn thôi thúc ta phải đọc về sắc đẹp, ngành kinh doanh, đặc quyền và vị thế của những người quyền lực. Đây là bản phân tích được tường thuật đầy đủ kiểu bí kíp về một công ty mỹ phẩm và nền văn hóa xung quanh nó.

Nếu đem so sánh về mặt thuộc tính, “Glossy” giống cuốn “The Devil Wears Prada” (“Yêu nữ thích hàng hiệu”) thì ít mà giống cuốn “The Social Network” (“Mạng xã hội”) nhiều hơn. Cuốn tiểu thuyết hư cấu dựa trên sự kiện có thực về tạp chí Vogue đó nói về cuộc leo lên đỉnh cao quyền lực rất tàn nhẫn; huyền thoại về sự sáng lập Facebook tập trung duy nhất vào một nhà sáng lập tinh ranh đang cố gắng nắm quyền kiểm soát sự thay đổi văn hóa. (Weiss có lẽ cũng thích cuốn sách thứ hai hơn: Từ buổi bình minh của Glossier, cô đã tự ví mình như một nhà sáng lập công nghệ, và không ngừng động não để cho ra những ý tưởng cho một ứng dụng mạng xã hội tập trung vào làm đẹp.)

Meltzer luôn giữ cho Weiss ở tâm điểm của câu chuyện: Là tác giả viết cho blog Into the Gloss dành cho các cô-gái-sành-điệu của Glossier, ngay từ đầu chị đã là một nhà sáng tạo khó hiểu, sính dùng biệt ngữ và đôi khi gây phiền toái của đế chế này. Trước khi tham gia Into the Gloss, Weiss xuất hiện một thời gian ngắn trên chương trình thực tế “The Hills” của MTV với tư cách là “Superintern” [thực tập sinh ưu tú] của tạp chí Teen Vogue, một nhân vật làm nền cho Lauren Conrad và Whitney Port hãy còn non trẻ.

Song Weiss luôn là người tham vọng và khôn sớm: cô được nhận vào thực tập lần đầu – tại bộ phận thiết kế dành cho phụ nữ tại hãng thời trang Ralph Lauren – khi còn đang làm bảo mẫu cho con người hàng xóm làm việc tại hãng này và chỉ hỏi cầu may xem anh ta có thể cho mình một công việc ở đó hay không. Weiss là cỗ máy hoàn hảo của Glossier, nhưng cô tự miêu tả bản thân là đầu não của công ty này chứ không phải khuôn mặt đại diện cho công ty.

Ngành làm đẹp đã có từ hàng ngàn năm trước Glossier, và sau nó vẫn có. Luận điểm của Glossier là chăm sóc da không phải là một khoa học mà là tổng hòa của những bí mật, bí quyết lưu truyền, những đơn thuốc của bác sĩ da liễu, mùi hương nào đó bạn ngửi thấy ở một cô gái mà bạn gặp trong khi xếp hàng vào nhà vệ sinh. Trong khi các thương hiệu cạnh tranh của nó (Sunday Riley, Tata Harper, Biologique Recherche) là những mặt hàng xa hoa đóng chai thủy tinh, giá đến tiền trăm, Glossier là những mặt hàng nhãn dán plastic và biểu tượng mặt cười. Meltzer đã làm rất tốt việc nắm bắt thời điểm khi một tính năng “Top Shelf” của Into the Gloss là biểu tượng trạng thái, và bao bì Glossier lồng phồng màu hồng là một túi xách thiết kế rất thời trang.

Xuyên suốt màn tường thuật của Meltzer, chị vừa bị mê hoặc vừa bối rối trước Weiss, người mà chị thấy có vẻ tách biệt, có đầu óc tổ chức phi thường và là bậc thầy trong việc lợi dụng tính dễ bị tổn thương để duy trì cuộc phỏng vấn bằng tin nhắn. Meltzer đồng cảm và đôi khi thân thiện với nhân vật chính của mình, nhưng đã hơn một lần cuốn sách trở nên rối rắm khi cố gắng quyết định xem liệu Weiss có quá khiêm tốn không hoặc thành công của Glossier có phải là ý tưởng đúng vào đúng thời điểm không. Chỉ có bấy nhiêu cách để làm kem che khuyết điểm, kem nền hoặc kem chống nắng, và thị trường hiện đã bão hòa những sản phẩm tốt.

Thỉnh thoảng Weiss lại sử dụng blog này để chia sẻ những bộ sưu tập của riêng mình, nhưng với Glossier, chị đã khôn ngoan rút lui. Chị không phù hợp chính xác với mẫu hình cô gái Glossier mà chị đang tiếp thị, như chị vô tình tiết lộ trong thủ tục chuẩn bị cho đám cưới của chính mình đã được lan truyền. Chị đã thực hiện thụt tháo hàng tuần lễ, vài buổi tẩy lông bằng laser và hai kiểu chăm sóc da mặt khác nhau – đây chính xác là kiểu dốc sức ra sùng bái sắc đẹp mà Glossier dường như vẫn né.

Đôi khi sự mê mẩn của Meltzer đối với nhà sáng lập công ty có vẻ hơi bị phóng đại quá mức. Theo lời kể của chính Meltzer, Weiss đã đòi hỏi thứ cô muốn, một cách lịch sự nhưng cương quyết, và thường là đòi gì được nấy. Đôi khi chiến lược của cô hiệu quả, đôi khi thì không. (Nổi bật nhất là khi Weiss gặp hãng Nike và nói với họ rằng họ cần tổ chức trình diễn dòng sản phẩm của riêng mình, rằng khách hàng của họ có quá nhiều lựa chọn.) Meltzer thúc giục Weiss trả lời về việc cô phù hợp ra sao với sự hòa nhập tươi cười của thương hiệu, về việc cô thực sự hiểu biết đến đâu, về người mà cô thực sự cởi mở với; song Weiss không bao giờ nhượng bộ. Có lẽ cô đúng khi không trả lời: Glossier dường như đã làm bản thân cô lu mờ từ lâu. Khi tôi đề cập đến blog Into the Gloss với một số khách hàng của Glossier ở độ tuổi 20, không một ai trong số họ từng nghe nói đến blog này hoặc vị cựu CEO đó.

Người con gái của Veracruz khởi xướng cuộc bàn luận về những hiểm họa và những bóng ma của thành phố này

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong tuyển tập truyện mới của mình, Fernanda Melchor không chỉ xem xét tình trạng bạo lực mà còn xem xét cách người ta đối phó với nó ra sao ở một khu vực bất ổn.

Fernanda Melchor báo cho chúng ta biết ngay từ đầu tuyển tập truyện mới của chị có tựa đề “This Is Not Miami” (“Đây không phải Miami”) rằng “Tôi không viết về những giọt nước mắt, những gã đàn ông vũ khí đầy mình hay những đứa trẻ bị thương tích ở nơi những thứ này chưa từng tồn tại”. Đầy dẫy những giọt nước mắt và những trẻ em bị thương tích, như một lẽ đương nhiên, ở thành phố và bang Veracruz của Mexico, và khu vực này từ lâu đã nhan nhản kẻ vũ khí đầy mình: Đây lại một chiếc xe bán tải nữa đang đến chở đầy binh lính đeo mặt nạ đen và khoác áo màu xanh bộ đội; họ đặt súng máy trên sàn xe tải, sự hiện diện trong chốc lát của họ cũng thường nhật như những đống trái cây, những quả trứng, những con gà, các phụ tùng bằng kim loại ở khu chợ trời; bóng họ khuất dần trên đại lộ ven sông được đặt theo tên của Phó Đề đốc [Comodoro] Manuel Azueta.

Năm 1914, những kẻ được vũ trang là lính Mỹ (chừng 200 lính Mexico đã bị Hải quân Mỹ tiêu diệt); trong những thế kỷ trước, họ là những tên cướp biển và những kẻ thực dân, tính từ tận năm 1519, khi thành phố Villa Rica de Veracruz được lập ra bởi kẻ chinh phục-tra tấn Hernan Cortés trong bộ giáp trụ có mặt nạ kiểu ma-cà-rồng nặng nề với những kẽ hở cho mắt nhìn dài đến tận mang tai. (Và còn chưa kể đến các đại lãnh chúa Aztec thường tế sinh bằng con người.) Về phần những kẻ được vũ trang ngày nay, ghi lại hành động của họ ở đây là Quý cô Melchor, sinh năm 1982 tại “xứ sở này nơi lời nói dối có cơ hội được chứng minh trước tòa là đúng còn hơn cả chính sự thật”.

Thành phố Veracruz luôn oi ả ngột ngạt vì nó tọa lạc ở chỗ chỉ cao hơn mực nước biển nhiệt đới vài mét. Thủy triều lúc xuống có màu nâu xanh và xám xanh, có mùi tanh của bùn. Những con chó chết bốc mùi hôi thối và ai nấy đều vã mồ hôi hột. Một số trận dịch bệnh mang lại cho nơi này biệt danh bỡn cợt: “nghĩa trang của thế giới”. Tầng lớp thượng lưu Tây Ban Nha ẩn náu trong đất liền, để lại người da đen, người lai và những kẻ cựu-xâm-lăng làm công việc bẩn thỉu.

Giờ đây phần lớn Veracruz đang vã mồ hôi hột với vấn nạn tự thực thi công lý, côn đồ và khủng bố ma túy. Trong tuyển tập “This Is Not Miami”, chúng ta gặp một nhân chứng bất lực của vụ đấu súng đã thấy “ngay bên ngoài ngôi trường Montessori, thi thể bị cắt xẻo của một cô gái trẻ… không mảnh vải che thân ngoại trừ tấm bìa cứng mang thông điệp tàn nhẫn nào đó từ những kẻ đã giết cô.” Câu chuyện thậm chí còn thú vị hơn mà tựa đề được lấy làm tựa đề cuốn sách kể về những người đi lậu vé trên con tàu Dominica nghĩ rằng họ đã đến được Miami. Một trong số họ nói với những công nhân ở bến tàu đang che giấu họ rằng cha anh ta có lần nợ tiền một số người. “Anh không biết cảm giác ấy thế nào đâu,” anh ta nói, “khi đứng nhìn cha anh bị chém chết bằng con dao rựa, đứng nhìn mẹ anh bị cưỡng hiếp.” Điểm đến của anh ta là New York, nơi em gái anh đã lần ra dấu vết những kẻ giết người. Ở đó anh sẽ băm vằm chúng ra để rửa hận cho cha mình.

Nếu truyện đó vẫn chưa đủ khiến bạn phấn chấn, hãy đọc về vụ hành quyết kiểu lynch kẻ hiếp dâm-giết người ở một thị trấn nhỏ, hắn bị bắt quả tang đang dìm nạn nhân đã chết của hắn úp mặt xuống sông. Hoảng sợ trước những người dân địa phương đang giận điên lên, vị “quan chức đại diện của thị trấn” nói với họ: “Tôi và các đồng nghiệp của tôi, chúng tôi đã làm phần việc của mình và thị trấn đã đưa ra quyết định của mình, vì vậy chúng tôi không thể phủ quyết quyết định đó của các người. … Vậy các người có định hành quyết hắn ta hay không?” Lẽ đương nhiên (bạn đọc, chả lẽ bạn lại không làm thế?) họ thiêu sống hắn ta.

Nhiều năm sau, khi Quý cô Melchor đến thăm nơi này, “chẳng ai muốn đưa chúng tôi xuống dòng sông đó,” nơi mà hành động hung tàn – hoặc việc thực thi công lý, nếu bạn sính dùng từ này hơn – vẫn in hằn trong ký ức chẳng khác gì những cái đầu được điêu khắc bằng đá của nền văn minh Olmec ở thành phố này: những hộp sọ hình cầu khổng lồ được đục đẽo từ nham thạch thô tối màu, nhìn chằm chằm xuống chúng ta trên con đường cao tốc cạnh sân bay hoặc trong sân bảo tàng, ám ảnh chúng ta bằng sự xa lạ lạnh lùng của chúng.

Những câu chuyện này chính xác đến mức nào, những câu chuyện mà tác giả thích gọi bằng tiếng Tây Ban Nha là relatos ấy? Chúng “dựa trên những sự kiện xảy ra trên thực tế,” cô viết trong lời giới thiệu. Khi tôi yêu cầu thêm thông tin, cô trả lời qua đại diện báo chí: “Chúng hoặc là những lời khai trước tòa của cá nhân… hoặc là kết quả của những cuộc phỏng vấn dài với nhân chứng và người cung cấp thông tin, tất cả đều được ghi vào hồ sơ.” Không có chi tiết khủng khiếp nào được bịa ra. Tuy vậy, lời giới thiệu của cô bổ sung thêm: “tâm điểm của những văn bản này không phải là bản thân các sự việc đó mà là tác động của chúng lên những người đã chứng kiến chúng”. Sự dè dặt này là khôn ngoan, thứ nhất, vì trong hầu hết trường hợp, tác giả không phải là nhân chứng mà là người lắng nghe nhân chứng một cách thận trọng và kiên nhẫn, và hai là, vì một số sự việc xảy ra có tính siêu nhiên.

“Trung tâm thành phố Veracruz đầy những hồn ma,” cha Melchor thường nói với cô, và chắc chắn ở đó có rất nhiều ngôi nhà cổ đầy cây cối, dây leo, nấm mốc và những kẻ chiếm dụng nhà sinh sống. Khám phá vài tàn tích như vậy đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện ma quỷ của chính tôi – sau khi những nhà hàng xóm kể cho nghe rất nhiều giai thoại rõ rành là rợn tóc gáy (chẳng chuyện nào giống chuyện nào) về thế lực ma quỷ bên trong những ngôi nhà đó. Theo Melchor, văn hóa dân gian Veracruz “liên tưởng tất cả cái chết vì bạo lực với sự xuất hiện của những linh hồn 'không an nghỉ'". Trong truyện dài “The House on El Estero” (“Ngôi nhà ở El Estero”) có phần trữ tình, một trong những truyện mà tôi rất thích trong tuyển tập này, cô kể lại trải nghiệm siêu nhiên kinh dị của người chồng đầu tiên. Theo lời cô, anh này là “một gã trai Veracruz điển hình… được đào tạo trong một nền văn hóa nhạo báng văn viết và coi thường văn thư lưu trữ, thích… việc trò chuyện vui vẻ hơn”.

Tác giả, mặc dù giờ đây là người theo chủ nghĩa hoài nghi đầy thông cảm, nhưng cũng là người con gái đích thực của Veracruz. Chúng ta đọc được rằng ngày 07.11.1991, khi cô mới chín tuổi, Tiểu đoàn bộ binh 13 bắn chết bảy thành viên của Cảnh sát Tư pháp Liên bang, có lẽ (chúng ta chả bao giờ biết nguyên nhân thực sự) là để ngăn chặn việc bắt giữ hai kẻ buôn lậu cocaine người Colombia trên một chiếc máy bay Cessna – mà đèn hiệu hạ cánh của nó khiến cô bé Fernanda Melchor những mong đó là UFO. Tại sao không? Nó chắc chắn sẽ đẹp hơn sự thật.

Thêm vào việc dũng cảm phơi bày những sự thật đen tối, Melchor còn viết với tấm lòng nhân hậu. Tôi ngưỡng mộ sự tôn trọng đầy trắc ẩn của cô đối với những người như El Fito, nhân viên hải quan mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính. Sau khi đậu cuộc phỏng vấn tuyển dụng của băng đảng Zetas (bao gồm cả một cú đánh bằng súng lục), anh trở thành người pha trộn cocaine để có thể chu cấp cho gia đình; thỉnh thoảng, anh gửi những tin nhắn thận trọng cho những người bạn cũ để họ biết “rằng đầu anh vẫn ở đúng nơi đúng chỗ, không nằm trên bàn của nhà điều tra án mạng hay thối rữa trong đám cỏ dại”.

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...