Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Trở lại thời phụ nữ được lệnh phải “viết như nam giới”

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Ronnie Grinberg viết trong một cuốn sách mới rằng có một kiểu trọng nam khinh nữ đặc biệt từng là yêu cầu nghiêm ngặt đối với những người trí thức hồi giữa thế kỷ trước ở New York – thậm chí đối với cả phụ nữ.

Ban biên tập tạp chí Partisan Review hồi năm 1937, vắng mặt Mary McCarthy, người phụ nữ duy nhất trong ban. Giới trí thức New York thời bấy giờ ca ngợi những ưu điểm của sự khiêu khích trí tuệ và tranh đấu bằng bút chiến; vài phụ nữ hiếm hoi được chấp nhận vào giới này bị yêu cầu phải “viết như nam giới”.

“Write Like a Man” (“Viết như nam giới”): Tiêu đề cuốn sách miêu tả chân dung nhóm trí thức New York hồi giữa thế kỷ trước của Ronnie Grinberg nghe như vừa công kích lại vừa hài hước, vừa hung hăng lại vừa lỗi thời. Điều từng được coi là một lời khen ngợi (dù mang tính sô-vanh cố hữu) giờ đây nghe lố bịch đến mức chỉ có thể là một câu đùa mỉa mai. Sự chuyển biến này là dấu hiệu cho thấy có biết bao thay đổi kể từ thời điểm Grinberg viết về điều đó, thời điểm mà một nhóm nhà văn xúm quanh các tạp chí nhỏ nhưng nhiều ảnh hưởng như Partisan Review và Dissent ca ngợi những ưu điểm của sự khiêu khích trí tuệ và tranh đấu bằng bút chiến.

Những người trí thức đó hầu hết là đàn ông, và hầu hết là người Do Thái. Họ cũng từng là chủ đề được viết đến rất nhiều, đặc biệt là do chính những người đàn ông đó viết, trong hồi ký của họ. Nhưng điều khiến “Write Like a Man” nổi bật lên là cốt truyện – thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng hóa ra lại đủ sâu rộng để chứa đựng mọi kiểu mâu thuẫn cuốn hút người đọc. Grinberg, giáo sư ngành lịch sử tại Đại học Oklahoma, lập luận rằng căn tính Do Thái thấm nhuần một cách hiểu cụ thể về nam tính: “Đàn ông và phụ nữ, người Do Thái và không-Do-Thái trong nhóm đó tất cả đều đi đến chỗ tán thành một sự trọng nam khinh nữ kiểu Do Thái muôn thuở”.

Đây không phải là một lập luận theo kiểu bản chất luận; điều mà Grinberg gọi là “hệ tư tưởng về nam tính kiểu Do Thái muôn thuở” được hình thành từ kinh nghiệm cụ thể khi sinh trưởng bên ngoài xu hướng chủ đạo của Mỹ. Những lý tưởng về nam tính của đạo Tin lành sùng bái tinh thần thể thao và sức mạnh vượt trội về thể chất – một sự cảm tính thậm chí còn trở nên rõ rệt hơn trong phản ứng của những người theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại trước làn sóng người nhập cư mới cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Những khuôn mẫu bài Do Thái “từ lâu đã đóng khuôn đàn ông Do Thái thành những người yếu đuối, thụ động và nhu nhược”, Grinberg viết. Sau Thế chiến I, một thế hệ trẻ đàn ông Do Thái được sinh ra ở Mỹ đã tìm ra cách tạo dựng chỗ đứng cho mình bằng cách kết hợp sự chú trọng của người Do Thái vào học tập và học bổng với sự chú trọng của người Mỹ vào vẻ vênh vang. “Điều đó thật là mới mẻ,” Grinberg viết, “vừa độc đáo theo kiểu Mỹ vừa độc đáo theo kiểu Do Thái”.

Xuất phát điểm của nền văn hóa nhóm bắt đầu nảy nở này là City College of New York (trường Đại học Thành phố New York), được miễn học phí và không có hạn ngạch, với số lượng sinh viên Do Thái chiếm tỷ lệ đa số, chẳng hạn như hồi thập kỷ 1930 là 80 – 90%. Trong số những sinh viên tốt nghiệp có nhà xã hội học Daniel Bell, nhà triết học Sidney Hook và hai nhà phê bình văn học Alfred Kazin và Irving Howe. Với những người theo học trường này lúc bấy giờ, vị giáo sư triết học Morris Cohen, như một sinh viên diễn tả, là “Paul Bunyan của giới trí thức Do Thái”, với phong cách sư phạm phải gọi là búa rìu mới đúng. “Ta đến lớp học của Cohen để bị xé toạc,” Howe hồi tưởng, sau đó nói thêm: “Đó là phương pháp giảng dạy kinh hoàng, đôi khi thậm chí tàn ác”. Howe hiển nhiên nói câu này như một lời khen.


Trang bìa cuốn “Write Like a Man” của Ronnie Grinberg có màu kem với tên sách in chữ đen bên trên bức tranh vẽ nửa tá đàn ông mặc complet đeo cà vạt, cùng vài phụ nữ, đang hút thuốc lá và uống cà phê bên một chiếc bàn dài màu vàng có hình dạng như bản đồ Manhattan.

Howe là nhân vật trung tâm trong cuốn sách của Grinberg, là người rốt cuộc cũng thừa nhận có “thói quen trịch thượng” đối với phụ nữ và vẫn luôn kiên định với lý tưởng cánh tả của mình. Những cuộc tranh cãi của ông với thế hệ trẻ hơn theo chủ nghĩa Cánh tả Mới cho thấy cả hai bên đều sử dụng ngôn từ nam tính ra sao, dù rằng họ bất đồng với nhau về những gì nam tính đích thực đòi hỏi. “Sự thô hào lỗ mãng,” Howe viết, “đã trở thành một ngọn giáo để chọc thủng lớp vỏ tự mãn”. Nhưng ngọn giáo đó bị hạn chế trong ý tưởng và lập luận chứ không phải tích cực hành động. Thập niên 1960, những người phe Cánh tả Mới đề cao sự phản đối và hành động; họ chế nhạo những người phe cánh tả trung niên như Howe là “các nhà trí thức lý thuyết suông”.

Đến lượt mình, Howe chế giễu phe Cánh tả Mới chỉ giỡn chơi, học đòi làm “một thứ pha tạp kỳ cục giữa ảo tưởng Che Guevara, tàn dư của chủ nghĩa Stalin, tính khoác lác vô chính phủ và những biện pháp cục bộ dữ dằn”. Mỗi bên đều coi mình là hiện thân đích thực của nam tính. Có lần, khi Howe bị “bọn trẻ ranh phe Cánh tả Mới châm chọc”, ông ta quát vào mặt một đứa – một “cậu trai rất sáng láng tên là Cohen” – lời xúc phạm tồi tệ nhất mà một trong hai bên có thể nghĩ ra: “Khi cậu lớn lên… hóa ra cậu sẽ chỉ là một nha sĩ!”

Cuốn sách của Grinberg đầy rẫy những giai thoại sinh động kiểu ấy, nó chăm chút đến cả khả năng tiềm tàng lẫn sự phi lý phát sinh từ một phe phái gồm những nhà trí thức lỗi lạc được coi như những kẻ to mồm chẳng biết sợ là gì. Năm 1971, Norman Mailer (người tốt nghiệp Harvard nhưng cứ tự cho mình là một võ sĩ quyền Anh) than thở rằng phụ nữ không còn tôn kính đàn ông khi “việc mang thai không còn nguy hiểm nữa” – nhờ tỷ lệ tử vong vì chửa đẻ đang giảm. Do “được cách ly khỏi khả năng kịch tính về một kết cục chết người”, ông này viết, phụ nữ không còn lo sợ rằng một người đàn ông sẽ “đưa vào cô ta một tạo vật mà có thể sẽ là sự diệt vong của cô ta”. Đây thật là một cách nói hoa mĩ kì cục rằng phụ nữ chỉ có thể tôn kính người đàn ông có thể giết họ. Mailer, người đã đâm vợ mình tại một bữa tiệc, đã luôn cố gắng hết sức để làm một đấng nam nhi. Tiểu thuyết gia Ann Birstein, người kết hôn với Kazin, gọi Mailer là “thằng bé con của một bà mẹ Do Thái, kẻ khao khát được coi là một người đàn ông Ireland dữ dằn”.

Vài phụ nữ hiếm hoi được chấp nhận vào giới này phải có ngòi bút rất đáng gờm – theo cách diễn đạt của Jason Epstein, đồng sáng lập tạp chí The New York Review of Books, họ phải “viết như một đàn ông”. Song theo lời Grinberg, họ cũng bị đòi hỏi phải là người “hấp dẫn và quyến rũ”. Elizabeth Hardwick, Mary McCarthy và Hannah Arendt phù hợp với tiêu chí đó; Diana Trilling, người kết hôn với nhà phê bình nổi tiếng Lionel Trilling, đã có lúc phải chật vật hơn.

Diana Trilling nổi tiếng là người cực kỳ “khó ưa”, Grinberg viết. Tất nhiên, người ta cũng có thể nói như thế về hầu hết đàn ông trong nhóm. Song tiếng tăm của Trilling bị đeo theo tính khó chịu của bà theo cách mà danh tiếng của những người kia không bị. Những bài phê bình văn học đầu tiên của bà bao hàm thứ ngôn ngữ thiên vị giới tính mà thời bấy giờ vẫn được coi là thứ đương nhiên. Bà phàn nàn rằng Virginia Woolf "ẩn náu trong sự nhạy cảm của nữ giới”, điều “khiến cho việc đối mặt trực tiếp với bà ấy như một người đàn ông là bất khả”. Trilling cho rằng các nữ văn sĩ không đủ “can trường”. Song việc bà sẵn lòng sử dụng những câu phân biệt giới tính bóng bẩy lại không đủ để bù trừ cho sự không “được coi là quyến rũ hoặc dễ tán tỉnh”, Greenberg viết. Rốt cuộc Trilling khẳng định lập trường của bà bằng sự chống cộng “dữ dằn” của mình. Trong một bữa tiệc tối, bà ta đứng dậy và hét vào mặt những trí thức khác trong bàn: “Chẳng một ai trong số các người đủ DỮ DẰN với tôi cả!”

Cuốn sách thu hút những người thích chọn phe phái, song Grinberg vẫn đứng ngoài cuộc xung đột. Chị điềm tĩnh kể lại chi tiết về những đường lối chính trị khác nhau rất xa của các nhân vật mà chị viết về, từ lòng tận trung với chủ nghĩa cánh tả của Irving Howe đến xu hướng thiên về cánh hữu của Norman Podhoretz, nhà cựu biên tập của tạp chí Commentary, người đã trở thành một thành viên của phe tân bảo thủ. Podhoretz, hiện 94 tuổi, cho biết ban đầu ông không thích Donald Trump, nhưng dần dà bắt đầu có thiện cảm với ông ta, rồi trở thành người “chống-lại-bọn-chống-Trump”, trước khi đi đến quyết định rằng xét cho cùng thì ông thích Trump, vì Trump “đánh trả” và không phải là một kẻ có tính "đàn bà". “Đức hạnh” của Trump là những “đức tính của bọn trẻ vô gia cư ở Brooklyn”.

Kiểu lý luận này, nếu ta thậm chí có thể gọi nó như thế, cho thấy sự ưa thích đánh nhau có thể biến thành sự tôn sùng như thế nào. Việc nhớ lại thời thơ ấu, chỉ riêng nó, đã là hành động bộc lộ vô thức. Grinberg chỉ ra cảm giác xấu hổ và thiếu tự tin thời còn là một cậu bé là nền tảng củng cố cho vẻ vênh vang được miêu tả trong cuốn sách của chị. Như chị viết về Podhoretz, trong lúc cố gắng làm lành vết thương lòng [S17] của ông này sau khi một trong những cuốn sách của ông bị bạn bè chỉ trích rất nhiều: “Họ đã cười nhạo ông ấy, bỏ mặc ông ấy cảm thấy bị bóc trần.”

WRITE LIKE A MAN: Jewish Masculinity and the New York Intellectuals | By Ronnie A. Grinberg | Princeton University Press | 367 pp. | $35

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.
_____
From The New York Times:

Back When Women Were Told to ‘Write Like a Man’

For the midcentury New York intellectuals, Ronnie Grinberg writes in a new book, a particular kind of machismo was de rigueur — even for women.

https://www.nytimes.com/2024/07/03/books/review/write-like-a-man-ronnie-grinberg.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...