Search This Blog

Sunday, August 18, 2024

Đã xảy ra điều gì khi Thuyền trưởng Cook nổi khùng?

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “The Wide Wide Sea” (“Mênh mông biển cả”), Hampton Sides cho ta bức tranh đầy đủ hơn về chuyến hải hành cuối cùng của nhà thám hiểm người Anh đến những hải đảo trên Thái Bình Dương.

Tháng 1.1779, khi nhà thám hiểm James Cook người Anh cho thuyền bơi vào một vịnh do núi lửa tạo thành được người dân Hawaii gọi là “Lối đi của Thần linh”, ông trông thấy hàng ngàn người có vẻ như đang đợi ông trên bờ. Khi ông cập bến, mọi người phủ phục xuống đất và hô vang “Lono”, là tên một vị thần Hawaii. Cook ngạc nhiên bối rối.

Cứ như thể nhà hàng hải từ châu Âu này “bước vào một kịch bản cổ điển của hoạt cảnh mang tính vũ trụ mà ông không hay biết gì về nó”, Hampton Sides viết trong “The Wide Wide Sea”, câu chuyện lịch sử có tiết tấu nhanh, hấp dẫn và sinh động về chuyến hải hành vòng quanh địa cầu lần thứ ba và cũng là lần cuối của Cook.

Như Sides miêu tả về cuộc chạm trán bất thình lình này, Cook tình cờ đến đó trong thời gian diễn ra một lễ hội tôn vinh thần Lono, ông bơi thuyền quanh hòn đảo theo chiều kim đồng hồ là điều mà vị thần này ưa thích, việc này có lẽ khiến ông bị nhận nhầm là vị thần kia.

Là tác giả của một số cuốn sách về chiến tranh và thám hiểm, bản thân Sides đã dàn dựng hoạt cảnh mang tính biểu tượng về chuyến hải hành cuối cùng của Cook, ông tìm thấy trong đó “câu chuyện phức tạp về mặt đạo đức để lại rất nhiều điều để những tri giác hiện đại làm sáng tỏ và phê bình”, bao gồm cả “những mầm mống lịch sử” của các cuộc tranh luận về “thuyết Âu tâm luận”, “nam tính độc hại” và “chiếm dụng văn hóa”.

Hai chuyến thám hiểm địa cầu trước đó của Cook tập trung vào các mục tiêu khoa học – đầu tiên là để quan sát đường đi của Sao Kim băng qua Thái Bình Dương và sau đó là để chắc chắn không có thêm lục địa nào ở giữa đại dương này. Tuy nhiên, chuyến hải hành cuối cùng của ông có mối liên quan mật thiết với chủ nghĩa thực dân: Trong chuyến thám hiểm thứ hai của nhà thám hiểm này, một thanh niên người Polynesia tên Mai đã thuyết phục vị thuyền trưởng trên một trong những con tàu của Cook đưa anh ta đến London với hy vọng kiếm súng ống để giết những kẻ thù của anh ta trên các hải đảo Thái Bình Dương.

Vài năm sau đó, vua George III ủy thác cho Cook đưa Mai trở lại Polynesia trên đường tìm kiếm tuyến đường thông Bắc Cực nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Mai mang theo một lô cây cối và bầy vật nuôi được nhà vua ban tặng, ngài hy vọng rằng Mai sẽ biến những hòn đảo bản địa thành những nơi mô phỏng vùng nông thôn nước Anh.


“The Wide Wide Sea” không hẳn là một câu chuyện về “lần tiếp xúc đầu tiên” mà đúng hơn là câu chuyện về Cook có tính đến hệ quả của những gì ông và những người khác gây ra khi mở rộng bản đồ quyền lực của châu Âu. Quay lại những vùng trong những chuyến hải hành trước đây trong lúc chở Mai đi, Cook buộc phải đối mặt với sự thật rằng ảnh hưởng của ông đối với các nhóm mà ông giúp “đi khám phá” nhìn chung không phải là tích cực. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục do các thủy thủ của ông đem về trong những chuyến thám hiểm trước đó đã lây lan rộng. Một số nhóm dân bản địa từng chào đón ông trở thành những người mặc cả mặc lẽ keo cú chi li, dường như chỉ quan tâm đến người châu Âu vì súng ống và đồ trang sức rẻ tiền.

Sides viết rằng Cook “tự xem mình là nhà thám hiểm kiêm nhà khoa học”, người “cố gắng noi theo đạo lý quan sát khách quan bắt nguồn từ thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Khoa học” và là người có “những miêu tả về người bản địa rất khoan dung và thường là khá đồng cảm” theo “tiêu chuẩn của thời đại mà ông đang sống”.

Ở Hawaii, ông đi vòng quanh hòn đảo này với nỗ lực vô ích để giữ cho thủy thủ đoàn của ông không lên bờ, tìm nhân tình và làm lây lan thêm bệnh lậu. Và bất chấp thực tế là tàu của ông đang chở Mai và những khẩu súng của anh này quay trở lại Thái Bình Dương, Cook vẫn nghĩ rằng nhìn chung tránh được “những cuộc tranh cãi chính trị” giữa các nền văn minh mà ông tình cờ đụng phải thì hay hơn.

Song những hành động của Cook trong chuyến hải hành cuối cùng này đã làm dấy lên những nghi ngờ về việc ông giữ vững nguyên tắc quan sát khách quan. Ông trả đũa vụ trộm một con dê bằng cách phái các thủy thủ của mình trong cơn cuồng nộ phá phách nhiều ngày đốt cháy cả ngôi làng để buộc họ trả lại nó. Những người của ông e rằng “khả năng phán đoán – và cả sự điềm tĩnh đã đi vào huyền thoại – của vị thuyền trưởng của họ đã bắt đầu chùn nhụt, nao núng”, Sides viết. Khi chuyến hải hành tiếp tục, Cook trở nên hào phóng đến mức kinh ngạc về việc sử dụng roi đòn kỷ luật đối với thủy thủ đoàn của mình.

“The Wide Wide Sea” miêu tả sự suy biến đạo đức của Cook như một điều bí ẩn. Sides trích dẫn lập luận của các nhà sử học khác cho rằng những căn bệnh thể chất kéo dài – một nhà sử học cho rằng ông đã nhiễm một loại ký sinh trùng từ một con cá ươn nào đó – có thể đã khiến tâm trạng của Cook trở nên u ám. Nhưng những ghi chép hằng ngày và nhật ký hải trình của ông, những thứ đã dành hàng trăm ngàn từ cho dữ liệu đại dương, lại chẳng giúp được là mấy trong việc làm sáng tỏ bí ẩn đó. “Trong tất cả những trang đó, chúng ta hiếm khi nhìn thấy dù chỉ là thoáng qua cái thế giới cảm xúc của Cook,” Sides lưu ý trong lúc miêu tả nhà thám hiểm này là “một nhà chuyên môn, một cyborg [nửa người nửa máy], một cái máy điều hướng”.

Những khoảng trống trong hành trình nội tâm của Cook nổi bật lên nhờ công việc đáng kinh ngạc mà Sides đã làm khi ông miêu tả rất sinh động hành trình thực tế của Cook. New Zealand, Tahiti, Kamchatka, Hawaii và London trở nên sống động với những miêu tả như-thể-bạn-đang-ở-đó về những cơn gió bão, những tảng băng trôi như muốn đè bẹp và khói súng, những cảnh ấn tượng về cuộc thám hiểm và sức chịu đựng đã khiến những câu chuyện này như thôi miên khi chúng xuất hiện lần đầu. Câu chuyện then chốt ra mắt sớm nhất về chuyến thám hiểm Thái Bình Dương đầu tiên của Cook là một trong những ấn phẩm nổi tiếng nhất của thế kỷ 18.

Song Sides không chỉ quan tâm đến việc kể lại một câu chuyện phiêu lưu. Ông còn muốn trình bày nó dưới góc nhìn của thế kỷ 21. “The Wide Wide Sea” hoàn toàn phù hợp với một thể loại đang phát triển bao gồm cuốn “The Wager” (“Con tàu Wager”) của David Grann và “River of the Gods” (“Dòng sông của các vị thần”) của Candice Millard, trong đó những chuyến thám hiểm nổi tiếng, từng có thời được kể lại như những câu chuyện phiêu lưu ly kỳ hấp dẫn, đang được tái hiện trong lịch sử bi thảm về chủ nghĩa thực dân. Sides thêu dệt những câu chuyện lịch sử truyền miệng để cho thấy người dân Hawaii và các nhóm dân bản địa khác nhìn nhận thế nào về Cook, và cố gắng làm sống lại nền văn hóa Polynesia cổ đại cũng hệt như đế quốc Anh.

Thế nhưng, những dị bản mới hiện đại như thế cũng buộc chúng ta phải đặt câu hỏi rằng chúng thực sự khác biệt như thế nào so với những bản có trước, đặc biệt nếu phần lớn sức hấp dẫn của chúng nằm chính xác ở những hành động táo bạo y như vậy đã mê hoặc các khán giả hồi trước. Các phần của “The Wide Wide Sea” chắc chắn lặp lại cách kể chuyện của các câu chuyện thêu dệt trước đó, dù rằng Sides tự phê bình chúng một cách đầy chủ ý. Cũng giống như Cook, khi hồi tưởng những chuyến hải trình trước đó đã bị mắc míu vào những hậu quả đáng ngờ của những chuyến thám hiểm trước đó của ông, sự hồi tưởng mới nhất này về câu chuyện của ông cũng bị mắc míu với những điều trớ trêu trong lịch sử mà nó tìm cách vượt qua.

Kết cục, Mai đem được súng ống về quê nhà và bắn chết kẻ thù, và người Hawaii rốt cuộc đã nhận ra Cook không phải là một vị thần. Sau khi đòi hỏi một cách quá đáng nguồn lực của họ để trang bị cho những con tàu, Cook đã cố gắng bắt cóc vua Hawaii để buộc trả lại một chiếc thuyền bị đánh cắp. Sau đó xảy ra cuộc đối đầu và nhà thám hiểm bị nện bằng gậy và bị đâm chết, có lẽ bằng một con dao găm được chế từ mỏ cá kiếm.

Người Anh đã dùng súng tàn sát nhiều người Hawaii, bêu đầu lên cọc và đốt nhà. Khi những câu chuyện về những chiến công này đến được Anh quốc, chúng được nhân lên nhờ các máy in và lan truyền khắp đế chế trải dài trên toàn thế giới của họ. Người Hawaii khắc cốt ghi xương những tổn thất của mình. Và dù phiên bản mới nhất này của câu chuyện về Cook bao gồm cả câu chuyện về họ, đó vẫn là câu chuyện về Cook mà chúng ta sẽ kể lại với mỗi thời đại mới.

By Doug Bock Clark

Doug Bock Clark is the author of “The Last Whalers: Three Years in the Far Pacific with a Courageous Tribe and a Vanishing Way of Life.”

THE WIDE WIDE SEA: Imperial Ambition, First Contact and the Fateful Final Voyage of Captain James Cook, | By Hampton Sides | Doubleday | 408 pp. | $35

https://www.nytimes.com/2024/04/09/books/review/the-wide-wide-sea-hampton-sides.html

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...