Search This Blog

Sunday, August 18, 2024

Săn Quái vật Chân to như thế nào?

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “The Secret History of Bigfoot” (“Lịch sử bí ẩn về Quái vật Chân to”), John O’Connor nghiên cứu một huyền thoại không chịu tàn – và vị trí của chính anh trong một thế giới bị tan vỡ ảo tưởng.

Vì sao người Mỹ lại cần đến Quái vật Chân to (Bigfoot)?

Câu hỏi này là động lực cho cuốn “Secret History of Bigfoot” của John O’Connor, món tả pí lù gồm báo chí công dân, sự suy đoán nhân chủng học, những diễn ngôn lê thê kiểu văn hóa đại chúng và những cuộc tấn công ồ ạt chống lại Donald Trump mà dường như thường kết dính với nhau bằng nhựa cây và hắc ín. Và nó không tệ chút nào.

O'Connor, giáo sư ngành báo chí đã viết về Nam Cực và cuộc thi ăn nhiều, đã khởi cuộc hành trình tìm kiếm ảo ảnh của anh năm 2020, khi những lời dối trá ganh đua với vi khuẩn trong việc khiến người Mỹ bị hủy diệt. Chính thức thì O'Connor đang tìm kiếm Bigfoot – hoặc chí ít là nguồn gốc lâu đời của niềm tin vào sự tồn tại của Bigfoot, điều anh cho là thật khó nắm bắt.

Nhưng chạy trốn khỏi Covid đã nhân đôi cơ hội để O’Connor chạy trốn khỏi “những kẻ thính nhạy với các vấn đề chính trị-xã hội”, là cách anh gọi những kẻ tư sản thành thị trong thời đại đại dịch. Sự tôn sùng của họ đối với những chiếc khẩu trang và chính trị, đi đôi với thái độ khinh thường của họ đối với hiện tượng siêu nhiên, khiến anh khó chịu mà không hiểu vì sao. Giống như một kẻ đã đến California trong cơn sốt vàng năm 1849 đã cắt đứt quan hệ với những kẻ điển hình cho thói đạo đức giả thời Victoria cứng nhắc, thay vì thế O'Connor tìm kiếm "những nơi hoang dã", nơi đàn ông ra đàn ông, đi đâu không cần mang khẩu trang và hy vọng được cứu rỗi về mặt đạo đức bởi Bigfoot.

Khi O'Connor thám hiểm quanh những nơi mà người ta cho rằng Bigfoot sống ở đó, anh cũng đang chạy trốn khỏi gia đình mình. Là một ông bố ở-nhà-trông-con tại thành phố Cambridge bang Massachusett, trong thời gian phong tỏa vì đại dịch anh đã trở thành một ông bố ô-sin theo đúng nghĩa đen. Bản tụng ca bá đạo của anh về tình trạng ở một mình không có trẻ con là một hơi thở phào nhẹ nhõm và khoan khoái. “Đây là những gì đã trôi qua trong một buổi chiều ở Washington: uống bia ở hiên nhà. Những con nghêu tươi rói. Bướm bay trong gió thoảng mùi quả lý. Ngay lúc đó tôi cảm thấy căm ghét Boston.”

Anh lặp lại Karl Ove Knausgaard: Làm cha mẹ là một chế độ toàn trị, mà theo lời O'Connor nó hoạt động “bằng cách đẩy ta vào tình thế nan giải đối lập buộc ta phải coi con cái mình như những điều kì diệu bé nhỏ theo cái cách chúng được miêu tả trong nền văn hóa mở rộng hơn, và như những thảm họa đang diễn ra với riêng ta.”

Cuộc đấu tranh của chính O'Connor là cuộc đấu tranh giữa sự miêu tả văn hóa về những điều kỳ diệu và sự thật phũ phàng về những thảm họa của riêng anh. Song dù rất thành thạo trong việc quan sát, anh vẫn chỉ thu thập được chút ít phân tích văn hóa liên quan đến nỗi thống khổ của chính mình. O'Connor tự chỉ trích mình là một người da trắng có những vấn đề xa xỉ, thậm chí còn lôi kéo Bigfoot tội nghiệp vào như một thứ "giả khoa học tự gán giá trị cho chính mình của một người da trắng", cái thứ giả khoa học đại diện cho "sự biến hóa trong các truyền thuyết bản địa". Điều này thật đáng buồn, và khiến ta chán nản: Ta muốn thấy tác giả tưởng tượng ra những con quỷ của chính mình sinh động như cách anh tưởng tượng ra những con quỷ của xã hội.

Anh rất có sức thuyết phục khi lập luận rằng nền văn hóa mở rộng hơn đó đã coi Bigfoot như một đối tượng xứng đáng để chiêm ngưỡng, một thứ đáng khao khát để xoa dịu tính nhẹ dạ của dân tộc. Tham chiếu những nhà tư tưởng cả những người quen thuộc lẫn những người ít được biết đến, O'Connor khéo léo xây dựng một câu chuyện lịch sử đại chúng toàn diện mà không bị sa lầy trong khi thực hiện những trò mạo hiểm kỳ quái. Anh đặc biệt tự tin và thành thạo trong địa hạt của các nhà văn, trích dẫn Thomas Bernhard, Peter Matthiessen và Henry David Thoreau.

Những hiểu biết sâu sắc mà anh lượm lặt được từ các cuộc khảo sát văn chương và địa hình của mình thường độc đáo một cách ấn tượng. Anh đặc biệt hấp dẫn khi so sánh những người đi săn Bigfoot với những loại thợ săn khác; xét cho cùng, việc rón rén xuyên qua rừng, thường là đeo súng bên mình, chính là điều phân biệt những người đi săn Bigfoot với những người tổ chức gọi hồn hoặc những môn đồ của phái QAnon.

Khi O'Connor kể lại cuộc truy lùng gian nan để tìm loài chim gõ kiến ​​mỏ ngà, được nhìn thấy lần cuối hồi năm 1944, anh đã đưa ra lời giải thích rất không thỏa đáng về niềm tin vào Bigfoot. Thậm chí các nhà điểu học hàn lâm cũng có thể là nạn nhân của những thành kiến liên quan đến ​​nhận thức; thật đau lòng khi đọc miêu tả của O'Connor rằng họ có khuynh hướng tưởng tượng ra một con chim sâm cầm khi thấy một con chim gõ kiến ​​mào đỏ thông thường. Những phép màu của ánh sáng mặt trời và những con chim đang bay là chưa đủ; chúng ta muốn các thiên thần nữa kia.

O'Connor nhanh chóng phát hiện ra rằng việc mắt thấy tai nghe cuộc đụng độ với Bigfoot có tác động rất mạnh. Trong một chuyến thám hiểm ở Berkshires, trưởng nhóm này kể về một lần nhìn thấy Bigfoot sợ đến chết điếng năm 1992: theo lời anh ta thì anh ta không bao giờ còn là con người như trước nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy yêu thích những câu chuyện mê ly về những lần nhìn thấy Bigfoot trên khắp nước Mỹ. Chính cách kể chuyện này – đôi mắt trợn tròn, mặt tái nhợt, những lời thì thầm kinh ngạc – đã giữ cho Bigfoot tồn tại, một kiểu tiểu văn hóa của-nhà-trồng-được nồng nhiệt khác.

O'Connor chỉ sa vào lười biếng khi so sánh sự ám ảnh về Bigfoot với Chủ nghĩa Trump. Theo lời anh, cả hai đều là “biểu hiện của sự lo lắng và sợ hãi của người da trắng xen lẫn nỗi hoài nhớ quá khứ tưởng tượng của nước Mỹ”. Một cú đánh mạnh của tư tưởng chủ bại giáng vào văn xuôi: Điều tương tự có thể và đã được nói về mọi nền văn hóa tại thời điểm nó bị thuộc địa hóa.

Và bất chấp sự sáng tạo khéo léo đáng kể của cuốn sách, chẳng phải lúc nào người ta cũng dễ dàng quan tâm đến một kẻ bất mãn rời bỏ gia đình mình trong thời kỳ đại dịch và chạy vào rừng để tham gia vào những cuộc chiến văn hóa nhỏ nhặt nhất. Và cho dù danh sách đọc của O’Connor có tinh lọc đến đâu, cho dù cách tiếp cận của anh có châm biếm đến đâu chăng nữa, cũng chẳng thể quên rằng sự thách thức không phải lúc nào cũng là niềm vui và trò chơi; nếu đi quá xa, nó có thể kết thúc bằng âm mưu bắt cóc các vị thống đốc hoặc treo cổ các vị phó tổng thống.

Song O'Connor cực kỳ hòa nhã, và hài hước, và anh đã tìm thấy ở Bigfoot một đối tượng của lòng khao khát, nó hợp nhất trong tình thân đích thực những nhà bảo tồn hết lòng mong muốn bảo vệ sự hoang dã và những người tìm kiếm hết lòng mong mỏi tìm được sự siêu phàm. Những cảnh bọn đàn ông nói chuyện với nhau, khoa trương khả năng dễ bị tổn thương và đau buồn của họ, là cực kỳ thú vị.

Trong những dàn người chơi trống không có trống này, chính những người cho phép bản thân tạm thời tin vào môn giả khoa học tìm kiếm và nghiên cứu các loài động vật mà sự tồn tại của chúng còn bị tranh cãi hoặc không có căn cứ lại coi xung đột chính trị như thể nó không tồn tại. Bản thân điều đó đã là ám ảnh – và gần như siêu nhiên.

THE SECRET HISTORY OF BIGFOOT: Field Notes on a North American Monster | By John O’Connor | Sourcebooks | 294 pp. | $26.99

Virginia Heffernan writes features for Wired. Her most recent book is “Magic and Loss: The Internet as Art.”

https://www.nytimes.com/2024/02/06/books/review/the-secret-history-of-bigfoot-john-oconnor.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...