nguồn: nytimes
biên dịch: takya đỗ
Cuốn sách mới của nhà sử học Dan Stone cố gắng thay đổi – và mở rộng – hiểu biết của chúng ta về nạn diệt chủng này.
“Nạn diệt chủng Holocaust chẳng dạy được gì cho chúng ta cả”: Đây là tuyên bố gây kinh ngạc xuất hiện trong những trang đầu của cuốn “The Holocaust: An Uncomplete History” (“Nạn diệt chủng Holocaust: Câu chuyện chưa có hồi kết”), nhất là vì Dan Stone tác giả của nó cũng tình cờ là Giám đốc Viện Nghiên cứu Holocaust tại Đại học London. Nhưng Stone đang làm điều mà một nhà sử học tận tâm thường làm: phản bác những quan điểm nhàm chán bằng cách làm cho câu chuyện hai năm rõ mười.
Một nguyên nhân khiến Holocaust không dạy được gì cho chúng ta là do chúng ta có sự hiểu biết lệch lạc về những gì đã xảy ra trên thực tế. Những miêu tả kiểu văn hóa đại chúng trong sách vở và phim ảnh thường lược bớt đi sự phức tạp khó chịu để thiên vị điều mà một nhà xã hội học đã gọi là “bi kịch tổn thương”. Kết quả là một nghịch lý: “Việc Holocaust ngày càng được nhiều người biết đến đã dẫn đến chỗ nó bị tầm thường hóa và bị lợi dụng”, Stone viết.
Lập luận của ông tình cờ lại đặc biệt đúng lúc. Các nhà sử học nổi tiếng đã chỉ trích các chính trị gia đang lạm dụng “ký ức Holocaust” để biện minh cho việc Israel ném bom Gaza sau các cuộc tấn công Ngày 7/10 của Hamas. Song cuốn sách của Stone được xuất bản lần đầu ở Anh quốc tháng Một năm ngoái – quá sớm để đưa vào nó các sự kiện mới chỉ xảy ra vài tháng qua. Và ngoài chương kết luận về thời hiện tại, cuốn sách chủ yếu là về quá khứ.
Stone muốn giải thoát những sự thật không thể bài bác trong nghiên cứu lịch sử khỏi sự mơ hồ của những lời sáo rỗng thông thường. Ông thách thức sự ám ảnh về “nạn diệt chủng công nghiệp”, thứ đã trở thành tâm điểm của “câu chuyện nổi trội”. Thông tin ông trình bày không có gì mới đối với các nhà sử học, thậm chí đối với những độc giả sành văn chương; cuốn sách của Stone chắc hẳn được nhắm đến những độc giả mà sự hiểu biết của họ về Holocaust chủ yếu bắt nguồn từ những bộ phim như “The Boy in the Striped Pajamas” (“Cậu bé vận bộ đồ Pajamas kẻ sọc”) hay “Schindler’s List” (“Bản danh sách của Schindler”). Hoặc có lẽ dành cho 20% người Mỹ dưới 30 tuổi mà, theo cuộc thăm dò của tuần báo The Economist, tin rằng Holocaust là một “chuyện hoang đường”.
Vì lẽ đó, ông đưa ra một câu chuyện lịch sử ngắn gọn và dễ tiếp cận, câu chuyện mở rộng ra ngoài phạm vi các trại hành quyết kia. Gần một nửa trong số sáu triệu nạn nhân của Holocaust đã chết đói trong các khu ghetto [khu dành riêng cho người Do Thái] hoặc trong các vụ hành quyết bằng súng “mặt-đối-mặt” ở miền đông. Trước sự kiện Kristallnacht xảy ra tháng 11.1938, người Do Thái ở Đức vẫn chưa phải chịu bạo lực thân thể ở quy mô lớn. Stone lưu ý rằng các chỉ thị của Đức Quốc xã đối với cuộc tàn sát này cho thấy “sự gắn bó một cách lạ lùng với thói đạo đức tiểu tư sản”, với một quan chức cấp cao ra lệnh nghiêm ngắn rằng “các địa điểm kinh doanh và những căn hộ thuộc về người Do Thái có thể bị phá hủy nhưng không được cướp bóc”.
Tính quan liêu tủn mủn như vậy là một phần khác của câu chuyện mà Stone kể. Bị tước quyền công dân Đức năm 1935, người Do Thái ở đất nước này bị áp chế bởi rất nhiều đạo luật nhằm hạ nhục họ. Họ bị cấm giữ và sử dụng máy chữ, nhạc cụ, xe đạp và thậm chí cả vật nuôi. Sự ngược đãi đủ loại khiến người ta hoang mang. Nó cũng dối trá một cách lạnh lùng khi thuyết phục một số người Do Thái tuân thủ luật pháp rằng sống được hay không chỉ là vấn đề tuân thủ. Stone trích dẫn bức thư chia ly đau đớn của một người phụ nữ trấn an người thân của mình rằng việc được chuyển đến Theresienstadt ở Tiệp Khắc bị Đức chiếm đóng có thể tốt hơn là sống ở Đức. “Nơi tôi sẽ sống đặc trưng cho một kiểu ghetto,” cô giải thích. “Nó có ưu điểm là nếu người nào tuân thủ mọi quy định thì người đó sẽ sống theo cách nào đó mà không phải chịu những cấm chế mà người ta phải chịu ở đây.”
Nhà sử học Saul Friedländer miêu tả Chủ nghĩa Quốc xã là “sự sử dụng các biện pháp quan liêu để thực thi những niềm tin vào phép thuật”. Duy có cách thức những niềm tin đó được kết nối với một hệ thống tư tưởng ra sao là một lĩnh vực “chưa được nghiên cứu đầy đủ” – Stone nói, một sự thờ ơ có thể hiểu được nếu căn cứ vào sự điên rồ lố bịch trong những “ý tưởng” của Đức Quốc xã. “Lời lẽ tràng giang đại hải khoa trương và không biết ngượng” trong cuốn “Mein Kampf” (“Cuộc tranh đấu của tôi”) của Hitler là “sản phẩm lòng vòng, thiếu mạch lạc của một trí óc hạng hai”. Song sự ngu dốt có thể rất uy lực. Mặc dù bọn Đức Quốc xã cũng sử dụng biệt ngữ khoa học, nhưng chúng vẫn cứ phải viện đến “thuyết thần bí về chủng tộc” và sự ghê tởm nông cạn đối với trí tuệ. Như tiểu thuyết gia Harry Mulisch của Hà Lan đã nhận xét về Hitler: “Hắn chẳng cần viết hay nghĩ. Hắn đã biết rồi.”
Stone thừa nhận rằng Hội nghị Wannsee diễn ra ngày 20.1.1942, nơi các quan chức Đức Quốc xã vạch ra các kế hoạch của chúng về “giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái ở châu Âu”, đã đánh dấu một bước ngoặt từ những vụ giết người “ngẫu hứng” sang tình trạng “hệ thống hóa” của chúng. Hồi tháng 3.1942, “75 đến 80% nạn nhân Holocaust vẫn còn sống.” Mười một tháng sau, “80% nạn nhân Holocaust đã chết”. (Nhà sử học Christopher Browning đã mở đầu “Ordinary Men” (“Những người bình thường”), cuốn sách nghiên cứu của ông về Cảnh sát Trật tự của Đức ở Ba Lan xuất bản năm 1992, bằng cùng số liệu thống kê đáng kinh ngạc này.) Stone không giảm khinh trách nhiệm của Đức, nhưng ông lập luận rằng do quá chăm chú vào người Đức, chúng ta không thể nhìn thấy một bức tranh lớn hơn. Ông gọi Holocaust là một “tội ác toàn lục địa” liên quan đến “một loạt các vụ diệt chủng địa phương phối hợp với nhau được thực hiện dưới sự bảo trợ của một dự án lớn”.
Lăng kính rộng hơn này cho thấy người ta chẳng cần phải mang danh dòng dõi của Đấng Messiah và chủ nghĩa bài Do Thái thần bí của Đức để tham gia vào Holocaust – thường thì những thói xấu thông thường như “lạm dụng chức quyền” và “chủ nghĩa cơ hội” cũng như mong muốn được nhập hội là đủ. Một trong những vụ thảm sát lớn nhất diễn ra tại trại tập trung Bogdanovka, thuộc lãnh thổ Transnistria do Romania cai trị; trong vòng chưa đầy một tháng, có tới 48.000 người Do Thái bị sát hại.
Nhưng việc dành nhiều sự chú ý hơn cho vai trò của những người không phải người Đức trong Holocaust đã gây ra phản ứng dữ dội ở một số nước châu Âu, nơi các phong trào cực hữu thậm chí bác bỏ cả đề xuất về trách nhiệm. Ở Ba Lan, hình thức phủ nhận mang tính dân tộc chủ nghĩa này đã được trang trọng đưa vào luật. Stone thuật lại rằng hai nhà sử học về Holocaust đã bị kiện vì vi phạm đạo luật năm 2018 quy định việc đưa ra giả thuyết người Ba Lan là đồng lõa trong vụ sát hại người Do Thái là một tội ác.
“Ký ức chọn lọc về Holocaust đang được sử dụng để phục vụ cho việc hình sự hóa học thuật,” Stone viết. Câu đó chỉ cụ thể đến Ba Lan, dù ông cũng thảo luận về cách thức “ký ức chọn lọc về Holocaust” đã bị buộc phải phục vụ ra sao bởi một loạt các chương trình nghị sự khác nhau. Ở Đức, các quy định về cách thức tưởng nhớ nạn diệt chủng Holocaust rất nghiêm ngặt đến mức những lời chỉ trích Israel bị gọi là bài Do Thái (một sự nhầm lẫn thường xảy ra ở những nơi khác, kể cả ở đây tại Mỹ). Stone phàn nàn về ảnh hưởng của quan điểm của Đức. Ngoài việc chấm dứt cuộc tranh luận về cách đối xử của Israel với người Palestine, nó còn có kết quả trái khoáy là đánh đồng người Do Thái với Israel “theo cách tôn sùng cả tư tưởng theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái không khoan nhượng và tư tưởng chống Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”.
Stone cưỡng lại việc suy nghĩ về các bài học, mặc dù ông tin rằng lịch sử Holocaust đưa ra một lời cảnh báo. Theo lời ông, nó rất ít liên quan đến bất kỳ điều gì mơ hồ và phổ biến như “không dung thứ” hay thậm chí là “thù hận”, mà liên quan nhiều hơn đến chính trị và nhà nước. Rốt cuộc, bọn Đức Quốc xã đã được đưa vào chính phủ Đức bởi giới tinh hoa bảo thủ dốc lòng dốc sức một cách vô đạo đức để bám víu vào quyền lực. Khi quan sát sự trỗi dậy của cánh hữu cấp tiến ở châu Âu và các nơi khác, Stone viết rằng ngày nay “chủ nghĩa phát xít vẫn chưa lên nắm quyền. Nhưng nó đang gõ cửa.”
THE HOLOCAUST: An Unfinished History | By Dan Stone | Mariner | 402 pp. | $32.50
Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.
https://www.nytimes.com/2024/01/31/books/review/the-holocaust-dan-stone.html
No comments:
Post a Comment