nguồn: nytimes
biên dịch: takya đỗ
Cuốn sách mới của Susannah Gibson hướng mọi sự chú ý vào các nữ văn sĩ Hội Bluestocking ở thế kỷ 18, những người hằng mong muốn tác phẩm và tư tưởng của họ được tôn trọng như của nam giới.
Từ trái sang phải, các hội viên Bluestocking: Elizabeth Montagu, Fanny Burney và Hester Thrale.
Năm 1790, Mary Wollstonecraft ngồi viết một lá thư với tư cách người hâm mộ. “Chị là nữ văn sĩ duy nhất tôi có đồng quan điểm về thứ hạng mà giới tính của chúng ta phải giành được trên thế giới,” bà viết với lòng phấn khích cho Catharine Macaulay. Macaulay lúc bấy giờ mới xuất bản chuyên luận “Letters on Education” (“Những bức thư về giáo dục”), trong đó bà lập luận rằng nam sinh và nữ sinh phải được dạy cùng một chương trình giảng dạy, vì “sự hiểu biết đích thực… cũng hữu ích cho phụ nữ không khác gì cho nam giới” – nguyên lý mà hai năm sau đã hình thành nên nền tảng cho tác phẩm thành công vang dội của Wollstonecraft có tên “A Vindication of the Rights of Woman” (“Sự minh chứng cho các quyền của phụ nữ”).
Hơn một thế kỷ sau, trong cuốn “A Room of One’s Own” (“Không gian của riêng mình”), Virginia Woolf khẳng định một số người gần như đương thời với Macaulay là những tấm gương, những người mà khả năng kiếm sống từ việc viết lách, bất chấp vô số trở ngại, đã giúp các thế hệ nữ văn sĩ tương lai hình thành quan niệm về tự do trí tuệ của chính mình. “Khoảng cuối thế kỷ 18,” Woolf kết luận, “một sự thay đổi đã xảy ra, sự thay đổi mà nếu tôi được viết lại lịch sử, tôi sẽ phải miêu tả về nó một cách đầy đủ hơn và coi tầm quan trọng của nó lớn hơn các cuộc Thập tự chinh hoặc các cuộc Chiến tranh Hoa hồng”.
Cả hai nữ văn sĩ Woolf và Wollstonecraft đều tranh luận về quyền của phụ nữ gay gắt hơn nhiều so với Macaulay hoặc những người đồng chí hướng với bà, một nhóm có mối liên hệ lỏng lẻo gồm các nữ văn sĩ và nhà tư tưởng người Anh ở thế kỷ 18 được gọi là – đôi khi theo cách xúc phạm, đôi khi theo cách trìu mến – các hội viên Bluestocking. Nhưng như Susannah Gibson tranh luận trong nghiên cứu sâu rộng và có tiết tấu nhanh của mình về nhóm này, cuộc cách mạng nữ quyền của các hội viên Bluestocking khởi phát từ sự xác quyết của họ về tư duy, viết lách và rèn dũa bản thân, bất chấp “những mưu mô độc ác” của xã hội Anh bắt người phụ nữ độc thân phải phụ thuộc cha, và những người phụ nữ đã lập gia đình phải phụ thuộc chồng.
Cuốn sách của Gibson mở đầu bằng một London phát triển nhanh chóng đang phải vật lộn với những thứ mới mẻ như thời trang, ý tưởng và các dự án xây dựng, đồng thời tạo dựng mối liên hệ với châu Âu và thế giới rộng lớn hơn. Tại đây, trong dinh thự Mayfair, Elizabeth Montagu, nhà phê bình văn học đồng thời là nhà văn kết hôn với điền chủ người Anh giàu có, đã mời những người phụ nữ đồng chí hướng đến những cuộc hội họp salon đèn nến sáng trưng, nơi cuộc trò chuyện được nâng tầm lên một hình thức nghệ thuật, nơi trí thông minh và sự uyên bác được trọng vọng, nơi đàn ông và phụ nữ có thể thảo luận về chính trị, văn học, khoa học và lịch sử một cách bình đẳng.
Cuốn sách mỏng xuất bản năm 1739, với tiêu đề “Man Superior to Woman” (“Đàn ông ưu trội hơn phụ nữ”), lên án những phụ nữ có học thức rập theo khuôn mẫu “quý cô phóng đãng ham đọc sách”: nham hiểm, thiếu nữ tính, xấu xa và chắc chắn không phù hợp để làm vợ. “Một người phụ nữ”, một cuốn cẩm nang ứng xử từ thập niên 1770 khẳng định, “là chỗ dựa mềm mại mà Người đàn ông phải được tựa vào sau những nghĩa vụ nghiêm ngặt và cao quý hơn của cuộc sống”. Cha của Montagu, thật khác người, khuyến khích bà học hành từ sớm, song bà nhanh chóng thấy rằng một cuộc hôn nhân có lợi thế sẽ là cơ hội tốt nhất để bà có được sự độc lập. Salon tạo dựng nên danh tiếng cho bà – như một người bạn miêu tả là “lấp lánh trong kim cương, đanh thép trong phán đoán, phê phán trong trò chuyện” – được hiện thực hóa nhờ sự giàu có và thái độ ủng hộ của chồng bà.
Duy trì tư cách đáng tôn trọng là vấn đề then chốt: Fanny Burney, tác giả cuốn tiểu thuyết “Evelina” gây xúc động mạnh trong đại chúng, hạn chế nói chuyện trước công chúng vì e rằng mình “bị coi là mọt sách hoặc giả tạo”. Elizabeth Carter đảm bảo rằng bản dịch các tác phẩm của triết gia Epictetus của bà phải ở sau lời giới thiệu dung hòa tư tưởng của triết gia này với các tiêu chuẩn Cơ đốc giáo. Thậm chí là giữa họ với nhau, các hội viên Bluestocking cũng không được miễn trừ khỏi các tiêu chuẩn mang tính hai-mặt mà theo các tiêu chuẩn này phụ nữ bị phán xét khắc nghiệt hơn nhiều so với nam giới vì những vi phạm xã hội: Hội viên của hội này mà bị vướng vào bê bối có nguy cơ trở thành kẻ bị tẩy chay. Hester Thrale, bạn thân của nhà văn Samuel Johnson, đồng thời là chủ nhân một salon có ảnh hưởng rộng tại nhà bà ở Streatham, bị bạn bè cũ xa lánh vì vừa mới góa chồng bà đã phải lòng giáo viên dạy hát cho cô con gái cả (người sau đó bà lấy làm chồng).
Không vì thế mà nao núng, Thrale tiếp tục viết lách, ghi lại những chi tiết dù là nhỏ nhặt trong cuộc sống riêng tư – những ứng đối hóm hỉnh của Samuel Johnson, những trò cười của các con bà, nỗi buồn thương của bà sau khi người chồng đầu tiên mất và tình cảm ngày càng lớn của bà với người chồng thứ hai – trong một cuốn nhật ký (được xuất bản sau khi bà qua đời) được bà đặt tên là “Thraliana.”
Là một nhà sử học người Ireland, Gibson hướng sự chú ý đến những thế lực chống lại các hội viên Bluestocking không kém gì sự chú ý đến những thế lực giúp họ thành công – tài sản, những người chồng ủng hộ, tình bạn khích lệ. Sự tương tác phức tạp giữa tiền bạc, đẳng cấp và tham vọng tri thức đặc biệt hấp dẫn. Trong khi những phụ nữ quý tộc thậm chí phải đối mặt với tình trạng tài chính bấp bênh nếu họ không theo con đường truyền thống, các nhà văn thuộc tầng lớp lao động lại được đón nhận theo cách khác hẳn.
Câu chuyện về Ann Yearsley, một phụ nữ giao sữa ở Bristol có tác phẩm thơ được hội viên Bluestocking là Hannah More ủng hộ, là một trong những câu chuyện gây sốc nhất trong cuốn sách: More nắm quyền kiểm soát hình ảnh và các vấn đề tài chính của nhà thơ này, bà ta ngăn cản Yearsley – người tiếp tục thành lập thư viện cho thuê sách và một mạng lưới các trường từ thiện – không cho nhà thơ tiếp cận nguồn thu nhập của mình, đồng thời đẩy bà ra trước mắt công chúng theo cách mà những hội viên Bluestocking thuộc tầng lớp trung lưu cố gắng né tránh.
Câu chuyện lịch sử Gibson kể chủ yếu mang tính xã hội hơn là tri thức. Cuộc sống cá nhân của các hội viên Bluestocking được ghi lại bằng những chi tiết sống động: việc Hester Thrale mang thai đến hơn 15 lần (kể cả một số lần bị sẩy thai) và những cái chết bi thảm của một số con cái nối tiếp nhau gây ấn tượng kinh hoàng ám ảnh; câu chuyện về Thomas Wilson, giáo sĩ ở Bath, kẻ dẫn đầu chiến dịch hủy hoại danh tiếng chống lại Catharine Macaulay sau khi bà này khước từ tình cảm của gã, là tư liệu tốt cho một câu chuyện hấp dẫn.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn biết nhiều hơn nữa về những tư tưởng nảy sinh từ các salon này: các tác phẩm của những phụ nữ này có mối liên quan thế nào đến các tác phẩm văn chương và văn hóa khác thời đó; những cách tiếp cận nào đã thúc đẩy số lượng tác phẩm dồi dào của họ (những cuốn tiểu sử viết về Shakespeare và Johnson, văn thơ châm biếm chính trị, lịch sử của các hoàng gia Thụy Điển và Đức, những tiểu luận về tôn giáo); họ tán thành những quan điểm chính trị nào, dù khó nhận ra đến đâu, trong cuộc đời và sự nghiệp của họ. Song Gibson hiển nhiên đã gợi lên cái thành tựu quá phù du của các hội viên Bluestocking: cuộc trò chuyện sinh động của họ, thoảng đưa qua những khung cửa sổ cao, được làn gió nhẹ London cuốn đi qua những thế kỷ đó.
[1] Salon: Phòng khách sang trọng trong dinh thự của những người nổi tiếng, nơi những người có đẳng cấp trong xã hội, trí thức hoặc văn nghệ sĩ thường tụ họp.
[2] Bluestocking trong nguyên văn (“Bít tất xanh”): là thuật ngữ chỉ một phụ nữ trí thức, ban đầu dùng để chỉ thành viên của Hội Blue Stocking, một hội văn chương ở Anh quốc hồi thế kỷ 18 do nhà văn-nhà phê bình Elizabeth Montagu và một số phụ nữ khác đứng đầu.
THE BLUESTOCKINGS: A History of the First Women’s Movement | By Susannah Gibson | Norton | 338 pp. | $29.99
When Women Wits Ruled London’s Swankiest Salons https://www.nytimes.com/2024/07/22/books/review/the-bluestockings-susannah-gibson.html
No comments:
Post a Comment