nguồn: nytimes
biên dịch: takya đỗ
Trong cuốn “Still Life With Bones” (“Tĩnh vật với xương cốt”), Alexa Hagerty kể lại quá trình chị được đào tạo về khoa học khai quật pháp y tại các ngôi mộ tập thể ở Guatemala và Argentina – và công việc đó có ý nghĩa thế nào đối với gia đình các nạn nhân.
Thật trùng hợp một cách đáng buồn là tôi đang ở Santiago, Chile khi đọc cuốn “Still Life With Bones” của Alexa Hagerty. Đây là thành phố nơi nhiều bạn bè của tôi đã biến mất trong suốt 17 năm chế độ độc tài của tướng Augusto Pinochet. Một số thi thể của họ vẫn không thể được tìm thấy, nhưng những thi thể khác, nhờ khoa học pháp y mà Hagerty khám phá chi tiết trong cuốn sách rất xúc động của chị, đã được xác định danh tính và hoàn trả cho gia đình. Là nhà nhân chủng học người Mỹ, mặc dù Hagerty chú trọng vào Guatemala và Argentina, nơi chị đã trải qua hàng tháng trời được các nhóm pháp y đào tạo, song những câu chuyện chị kể – nỗi đau thương đó, cuộc tìm kiếm công lý đó của những người thân, việc rơi vào vòng xoáy của bạo lực diệt chủng và khủng bố đó – hỡi ôi, đều quá quen thuộc.
Điều ít quen thuộc hơn là tính mới mẻ trong cách tiếp cận chủ đề của Hagerty, cách chị để cho độc giả đồng hành cùng chị trong cuộc hành trình và tìm hiểu, cùng với chị, ý nghĩa của việc khai quật những người đã chết đó và khiến họ từ bên kia thế giới lên tiếng về một ngôi mộ tập thể mà họ bị ném vào, mà người ta cho rằng sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy, không bao giờ được bàn tay con người chạm vào nữa.
Thế nhưng, đôi bàn tay rất con người của Hagerty sẽ chạm vào những người đã chết đó và xương cốt của họ. Đôi tay đó sẽ đào sâu vào lòng đất, chúng sẽ run rẩy vì đau thương và phấn khích khi bất chợt chạm vào một vật gì đó cứng rắn mà có thể thuộc về một người đàn ông, một phụ nữ hay một đứa trẻ, họ sẽ dùng bàn chải đánh răng cẩn thận chải sạch bụi bẩn và phóng thích một cái xương đùi hoặc một hộp sọ, họ sẽ chuyển mảnh xương đó đến phòng thí nghiệm và ghép nó với những mảnh khác, họ sẽ đăng ký phát hiện đó bằng những con số để DNA của nó có thể khớp với nhau và, rất có thể, sẽ được trả về cho một gia đình đã chờ đợi hàng thập kỷ để nhận một mẩu xương về chôn cất, một nghi lễ phải được tổ chức, một vật tượng trưng cho sự khép lại.
Mỗi mẩu xương xuất hiện đều gắn liền với một câu chuyện: một bé gái được xác định danh tính vì con chó của em được chôn theo em; một người tận mắt chứng kiến vụ thảm sát gia đình mình mà lời khai bị một quan chức quan liêu bác bỏ vì anh ta không biết chữ; một người cha trở về với con gái mình trong nhiều tháng trời, từng mảnh xương một; một người phụ nữ có người chồng xuất hiện trong một giấc mơ để nói với chị rằng anh ấy được chôn gần một con mương, và rồi anh được phát hiện trong một con mương thật; một người mẹ khi nhận được hài cốt của con trai mình thì bắt đầu “hôn tất cả xương cốt của con, chạm vào con và vuốt ve con”.
Những đôi tay khác đã đến trước đôi tay của Hagerty. Các nhà khoa học pháp y – những người thầy và bạn bè của chị – đã rà soát các địa điểm chôn cất tập thể trong nhiều năm, trong tình trạng tài chính thiếu hụt và bị đe dọa bởi những thủ phạm vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Các chuyên gia này dạy chị cách diễn giải những gì họ tìm lại được từ những hầm hố, giếng và cánh đồng: “Mịn màng, thô ráp, rỗ, ở dạng hạt, sạn, lởm chởm, có gờ, gợn sóng, có rãnh, sắc nhọn, có nếp gấp, cong – hình dạng và kết cấu của xương mang thông điệp cho những người có thể đọc chúng. Nghệ thuật sờ nắn theo kiểu pháp y được mài giũa qua nhiều năm thực hành”.
Những câu chuyện về những người khai quật quá khứ này được kể một cách rất hấp dẫn trong “Still Life With Bones”, cùng với câu chuyện về những người sẵn sàng – bất chấp bị đe dọa giết và bị dọa dẫm – thách thức những thế lực đã bắt cóc và sát hại người thân của họ. Hagerty hiểu rằng xương cốt của những người chết vì bạo lực đó không thì thầm hay hát vào tai chúng ta trừ phi những người sống không ngừng đấu tranh chống lại sự lãng quên, chống lại sự miễn trừng phạt tội ác cho những bàn tay loại khác cũng nhan nhản trong cuốn sách của chị. Những bàn tay bóp cò, ném các hài nhi vào tường và bóp nát hộp sọ của các bé, những bàn tay châm điện vào bộ phận sinh dục và đốt cháy da thịt, những bàn tay ném những thân thể xuống biển, những thân thể bị đánh thuốc mê nhưng vẫn còn sống. Độc giả được mời gọi khảo sát lịch sử của các chế độ đàn áp đã thực hiện những hành động tàn bạo hàng loạt như vậy: 200.000 người bị tàn sát trong Vụ Bạo lực [La Violencia] ở Guatemala, có tới 30.000 người mất tích [desaparecido] trong cuộc “Chiến tranh Bẩn” của Argentina, một cuộc chiến tranh hủy diệt được thực hiện với sự đồng lõa của Mỹ.
Trong suốt quá trình sàng lọc những câu chuyện về những người đã khuất và gia đình họ, về các nhà hoạt động và những kẻ thủ ác, cũng như về lịch sử kinh hoàng của những đất nước này, Hagerty ngày càng nhận thức rõ hơn rằng người ta không thể dấn thân vào xứ sở của những người đã chết mà không phải mạo hiểm. Cái ác mà chị phải đối mặt đã xói mòn niềm tin của chị vào nhân tính và khiến chị phát ốm. Nhân chủng học dường như không thể mang lại trạng thái cân bằng cho chị khi chị thăm dò bí mật của các nạn nhân. Thay vào đó, chị phải đương đầu với hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, những suy ngẫm lãng mạn đan xen với những ám chỉ đến thần thoại Hy Lạp và Freud, đến Hannah Arendt, Roland Barthes và Borges.
Với một dàn những chủ đề và viễn cảnh như vậy, Hagerty sáng suốt lựa chọn cách tháo gỡ manh mối cho cuộc phiêu lưu của mình bằng những miêu tả ngắn gọn mang tính trực giác. Ngoài lợi ích là có thể giải phóng tiếng nói của mình để du hành xuôi ngược thời gian và không gian, câu chuyện kể của chị, bị đứt đoạn như thế, tái hiện lại trải nghiệm đau buồn, bị phân tán khắp nơi của chính những xương cốt đó, và những cuộc sống bị gián đoạn của những người sống sót. Nhưng chiến lược như thế cũng có thể khiến chị kết thúc một số phân đoạn với kịch tính và những ẩn dụ nhiều hơn mức cần thiết: “Một ngôi mộ tập thể là một vụ nổ triệu-tấn của sự đau buồn. Một hố va chạm của sự mất mát.”
Những khoảnh khắc này không làm giảm đi sức mạnh của cuốn sách đầy ám ảnh và thu hút này. Điều đọng lại khi tôi đọc xong cuốn sách tại thành phố Santiago khi tôi thương tiếc những người thân của tôi đã mất mà không thể tìm lại được là những lời an ủi cuối cùng của chị: “Những người đã chết ấy thì thầm với tôi rằng điều đó có thể thay đổi. Những vụ thảm sát, những nhà tù bí mật và những ngôi mộ bị che giấu, tất cả nỗi khiếp sợ và sự mất mát đó. Một thế giới khác là điều khả thể.”
Ariel Dorfman is the author of “Death and the Maiden” and “Voices From the Other Side of Death,” and the forthcoming novel “The Suicide Museum.”
STILL LIFE WITH BONES: Genocide, Forensics, and What Remains | By Alexa Hagerty | 300 pp. | Crown | $28
https://www.nytimes.com/2023/03/16/books/review/still-life-with-bones-alexa-hagerty.html
No comments:
Post a Comment