Search This Blog

Sunday, August 18, 2024

Chưa một ai từng đọc Sáng Thế ký theo kiểu này

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Marilynne Robinson – tiểu thuyết gia đoạt giải Pulitzer – đưa ra cách giải thích rất hay về cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh.

Cuốn “Reading Genesis” (“Đọc sách Sáng Thế ký”) của Marilynne Robinson là sách của một nhà văn, không phải của một học giả; nó không có chú thích dưới chân trang. Sức hút của nó nằm ở chỗ nó mang lại cho chúng ta cách kiến giải đặc biệt về một trong những văn bản nền tảng của thế giới, cũng là một trong những nền tảng của tri giác và đức tin của tác giả đoạt giải Pulitzer này. Chúng ta tò mò muốn biết Robinson nghĩ gì về sách Sáng Thế ký cũng cùng một lý do như chúng ta muốn biết Tolstoy nghĩ gì về nó.

Có những nhận định cụ thể mà bà sẽ đưa ra, nhưng cũng có cả sự mê hoặc trong việc chứng kiến những gì xảy ra khi bà trực tiếp áp dụng cái tri giác nhạy bén đã tạo nên các tiểu thuyết “Gilead” và “Housekeeping” vào Kinh thánh, có tuổi đời hàng thiên niên kỷ, bằng một thể loại văn viết rất khác với tiểu thuyết hiện thực, đã khai mở vốn từ vựng về đức tin mà trí tưởng tượng của bà đưa đến ở thời hiện tại.

Một người phụ nữ kẹp tấm ga trải giường để phơi trước gió trong cuốn “Housekeeping” (“Việc nhà”) và “sự quằn quại của vật đó thật hân hoan và sôi nổi cứ như thể linh hồn đang nhảy múa trong tấm vải liệm của nó”. Sự gần gũi của linh hồn với cơn gió, niềm tin rằng có một sự sống đang phập phồng nhịp đập trái tim trên thế gian có thể khiến ngay cả những người đã chết đứng dậy và nhảy múa: về mặt phả hệ mà nói, tất cả những điều đó khởi đầu trong Sáng Thế ký. Thánh Linh của Chúa di chuyển trên mặt nước, và cuối cùng, ở tận Idaho xa xôi, những tấm ga trải giường của tiểu thuyết gia này cũng bị khuấy động.

Song điều gây ngạc nhiên ở “Reading Genesis”, nếu xét đến thực tế nó là tác phẩm của một nhà văn có thể khiến ngay cả những người không có đức tin cũng cảm nhận được sự hiện diện của điều mà họ không tin, là nó hầu như không quan tâm đến vấn đề tâm linh. Tính siêu phàm của câu chuyện Sáng thế, sự kỳ lạ trong việc Jacob đánh vật với một thiên thần (hoặc có thể chính là Thiên Chúa), giấc mơ đáng sợ về bóng tối của Abraham – tất cả những chuyện này đều có ở đây, nhưng vắn tắt, là màn diễn phụ cho tâm điểm chính của bà, cái tâm điểm tụ hội vào Sáng Thế ký như một câu chuyện cận cảnh về một tộc người. Đây là một biên niên sử, được biến thành phi thường bằng sự đảm bảo của những người chép sử “rằng từ sự khẳng định quyền lực phi phàm, mà từ đó mọi thứ đã xuất hiện và sẽ xuất hiện, đã xuất hiện một gia đình nhỏ của những người chăn gia súc, họ là mối quan tâm duy nhất của Đấng Sáng thế”.

Kinh thánh, như Robinson nói trong câu mở đầu cuốn sách của bà, là “biện thần luận” – sự biện minh cho những con đường của Chúa. Và theo quan điểm của bà, vai trò của Sáng Thế ký trong đó là minh chứng cho sự tự do của con người có thể cùng tồn tại với sự tiên tri của thánh thần như thế nào, với một kế hoạch đã được giao ước. Hậu duệ của Adam và Eva lầm đường lạc lối, giết chóc, phạm tội lớn, chè chén say sưa ngay sau những hành động ấn tượng nhất của họ, lừa dối nhau vì các ơn phước, tham gia vào cuộc chung chạ lăng nhăng để rồi sau đó cực kỳ ân hận, gây điều hại lớn trong khi làm việc thiện rất nhỏ. (Robinson chỉ ra, việc mà hầu hết nhà bình luận không làm, rằng Joseph trong lúc hòa giải với các anh trai mình cũng tính cách bắt toàn bộ dân Ai Cập làm nô lệ cho pharaoh.) Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, sự thành tín của Chúa đã thúc đẩy hành động của những người dễ mắc sai lầm này trên con đường hướng tới luật pháp, công bằng và khoan dung.

Đối với Robinson, không có xung đột ở quy mô lớn. “Sự náo loạn vừa phải trong gia đình”, những chi tiết kiểu “chuyện thường ngày ở huyện”, song song tồn tại với cái nhìn của Chúa mà chúng ta không thể chia sẻ cảm nhận song lại không ngừng chứng kiến hệ quả của nó. Đối với bà, Sáng Thế ký là một câu chuyện phơi bày sự thật này: không phải là một lập luận, mà là một câu chuyện tinh tế về mặt tâm lý nhưng có cùng ý nghĩa, sử dụng hoàn toàn có chủ ý sự lặp lại, biến thể, dàn dựng và tiếng vang.

Trong tuyên bố này bà được hỗ trợ bởi một niềm tin mạnh mẽ rằng Sáng Thế ký như chúng ta hiện có đã được viết, được soạn thảo từ đầu đến cuối như một tài liệu chứ không phải được thu thập từ các tài liệu rời rạc được chắp vá lại với nhau. “Tôi tưởng tượng một nhóm các giáo sĩ Do Thái ngoan đạo uyên bác, đứng trước sự mặc khải, cùng nhau nhớ lại những điều mà bà của họ đã nói với họ, tìm thấy vẻ đẹp của ký ức cũ trong một cách diễn đạt kỳ quặc,” bà viết, và hình dung họ có thể – nhờ ơn Chúa Thánh Linh – cùng nhau hành động như một kiểu tập thể nghệ sĩ, kể một câu chuyện, cho đến một kết thúc.

Bà đánh giá toàn bộ Kinh thánh theo cách này, mỗi cuốn sách mới, cho đến sách Luật pháp và các sách Tiên tri và bao gồm cả Tân Ước nữa, bà phát triển câu chuyện “với đầy đủ nhận thức về văn bản đó như nó vẫn tồn tại đến thời điểm đó” và có khả năng, nhờ ơn Chúa, tiếp tục tồn tại trong sự hòa hợp với nó. Đây là một học thuyết về Kinh thánh coi nguồn gốc tác giả là con người như một điều hiển nhiên, như một người diễn giải [Kinh thánh] có tư tưởng tự do thường coi là thế, và cho rằng từ “ta biblia”, tức là “những cuốn kinh sách”, thực tế chỉ là một cuốn kinh sách – một món quà cho nhân loại với một mục đích cứu rỗi duy nhất – là cách mà một người diễn giải bảo thủ sẽ coi là thế. Nếu ta liên kết cách đọc kiểu đọc tiểu thuyết của Robinson với kiến thức đương thời về Kinh thánh, ta sẽ thấy bà đồng thời thuộc nhiều phe phái. Ơn trên có lẽ cũng vậy.

Vậy thì vì sao chúng ta lấy lại giờ trên đồng hồ?

Có một số điểm đáng phải tranh luận. Cách Robinson miêu tả luật pháp như một cơ cấu hướng dẫn mà chúng ta tùy ý giữ gìn hay phá hủy là cực kỳ hiện đại và mang tính cá nhân, và không phù hợp với hành vi mang tính bộ lạc bắt buộc theo Luật Moses. Tương tự như vậy, niềm tin của bà rằng “với Chúa, con người là vị quan tòa duy nhất có quyền phán xét trạng thái tinh thần của chính mình” có vẻ như đã làm cho sa mạc cổ đại đông đúc những cư dân theo chủ nghĩa Calvin khá lỗi thời. Và đôi khi, trong việc chứng minh những ý định tốt đẹp của Chúa, bà rất quả quyết không để bất kỳ yếu tố ngoại đạo hoặc nguyên thủy nào lọt vào miêu tả của bà về Ngài đến nỗi bạn nghe thấy có mùi của một trong những bài thuyết giáo phóng khoáng mà trong đó cái hồ lửa không thể dập tắt ngọt ngào biến thành một hồ sữa và mật ong trong vòng hơn năm phút.

Đây là những chi tiết ngẫu nhiên mang phong cách riêng của một cách đọc mang phong cách riêng đích thực. Đối lại với chúng là sự chú ý kiên cường và liên tục của Robinson đến các nhân vật của Sáng Thế ký trong bối cảnh đó. Và có lời đoan quyết của bà rằng cái tiền cảnh, nơi những con cừu kêu be be quanh những cái lều trại rách nát và đám đàn ông đàn bà đang lẩn quẩn tìm đường đến Miền Đất Hứa, xây lưng lại với sự bao la vĩ đại [của Thiên Chúa], sự bao la vĩ đại đã biến vũ trụ thành nơi có sự sống.

READING GENESIS | By Marilynne Robinson | Farrar, Straus & Giroux | 344 pp. | $29

Francis Spufford’s most recent novel is “Cahokia Jazz.”

https://www.nytimes.com/2024/03/06/books/review/reading-genesis-marilynne-robinson.html

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...