Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Câu chuyện kỳ ​​lạ phi thường về một người đàn ông và thành phố cho loài gặm nhấm của ông

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “Rat City” (“Thành phố Chuột”), Jon Adams và Edmund Ramsden khám phá thân thế, thời đại và tầm ảnh hưởng của nhà khoa học John Bumpass Calhoun, được mệnh danh là Người thổi sáo dụ chuột[1].

Trước đây từng có một anh chàng xuất hiện quanh khu vực New York với kiểu tóc mohawk[2] hai tông màu chói rực, một cặp chuột phối hợp nhịp nhàng vắt vẻo trên vai anh ta. Khách du lịch trố mắt ra nhìn; dân địa phương đa phần hối hả rảo bước. Dù nhiều người trong giới tinh hoa ở Manhattan ưa chuộng những con chó ngày càng nhỏ hơn, nhưng giống Chuột chưa bao giờ thành mốt thời trang đối với xã hội có học thức.

Có lẽ xã hội nên xem xét lại. Như Jon Adams và Edmund Ramsden giải thích rất rõ ràng trong cuốn sách “Rat City” thú vị và kỳ lạ phi thường của họ, có rất nhiều thứ kết nối chúng ta với những kẻ láng giềng lông lá hiện diện khắp nơi, nhiều hơn là chúng ta có thể tưởng tượng được.


Cuốn tiểu sử nằm ở trung tâm mớ hổ lốn đáng ngờ này tập trung vào một người mà bản thân ông đã kết hợp một số đức tính khá là khác nhau. Sinh ra ở vùng nông thôn bang Tennessee năm 1917, John Bumpass Calhoun – được bạn bè và gia đình gọi là Jack – là người say mê thiên nhiên từ khi còn rất bé, một “cậu bé nông thôn với khẩu súng săn nòng nhỏ của riêng cậu”, luôn tò mò về cơ chế hoạt động bên trong của thế giới động vật.

Sự tò mò đã dẫn chàng thanh niên đến với bằng tiến sĩ sinh thái học ở Northwestern, rồi sau đó là một vị trí ở Johns Hopkins, nơi câu chuyện về anh lần đầu tiên động chạm đến những chủ đề lớn hơn, nhiều lông lá hơn của cuốn sách này. Hồi thập kỷ 1940, bị bao vây do nạn chuột hoành hành ở mức độ gần như thị trấn Hamelin, thành phố Baltimore đã nhờ cậy Calhoun và một nhóm đồng nghiệp của anh để tìm ra giải pháp.

Vậy ý tưởng Calhoun là gì? Nhóm nghiên cứu này cần tạo dựng một khoảnh đất của riêng mình trong thành phố, đưa chuột giống vào đó và tập trung quan sát ghi chép.

Những gì phát sinh từ đó là câu chuyện không phải về một Thành phố Chuột duy nhất, mà là sự nối tiếp nhau không ngừng dài hàng thập kỷ của các Thị trấn Chuột và Làng Chuột trên khắp đất nước, xen kẽ với các Thành phố Chuột rải rác.

Trái với việc xóa sổ quần thể loài gặm nhấm ở Baltimore, Calhoun và nhóm nghiên cứu của anh bắt đầu quan tâm đến động lực của những con chuột họ nuôi, nhất là cách chúng phản ứng với những thay đổi của môi trường xung quanh. Kết luận mà các nhà khoa học này đạt được sau nhiều màn kịch tính về học thuật hậu-trường và thực hiện một số thay đổi nhỏ nhằm cải thiện môi trường sống: Không chỉ sức khỏe cộng đồng mà cả sức khỏe tâm lý cá nhân của loài chuột nâu “chắc chắn bị suy sụp dưới áp lực xã hội do dân số tạo ra”.

Hàm ý đối với con người sống ở những thành phố đông đúc dường như rất rõ ràng; Ramsden và Adams (một người là nhà sử học về khoa học và người kia là nhà kinh tế học) từng bước khám phá những bài học này và rồi theo dõi xem chúng phản xạ lại xuyên qua bối cảnh liên ngành từ cấu ​​trúc đến dược lý học ra sao.

Hỡi những người yêu chuột, hãy coi chừng: Hết trang này đến trang khác, đặc biệt là ở các chương đầu, bọn vật hại này bị đầu độc, mổ xẻ và đánh đập; có nhiều “thí nghiệm gây căng thẳng”, tiêm thuốc độc và tập luyện cưỡng bức. Ngoài ra còn có những miêu tả rất dài về “sự tán tỉnh đầy nghi lễ” của các đối tượng, cũng như rất nhiều hành vi bạo lực giữa chuột và chuột.

Đặc biệt là trong hai hoạt động sau cùng, Calhoun và “Những kẻ Lập dị” của ông – được gọi như thế vì họ quan tâm đến tác động của môi trường vật lý lên hành vi – đã ghi nhận những trệch hướng nghiêm trọng nhất so với chuẩn mực do mật độ tăng lên, ngay cả khi tài nguyên vẫn còn dồi dào. Chìm dần vào trạng thái rút lui khỏi xã hội một cách bệnh hoạn hoặc trạng thái hòa nhập bắt buộc, những con vật được nghiên cứu “không còn là chuột nữa” và cuối cùng ngừng sinh sản hoàn toàn.

Trong bản báo cáo năm 1962, Calhoun gọi tình trạng này là “vũng chìm của hành vi”. Cụm từ này trở nên nổi tiếng: nhà báo Tom Wolfe thích nó; nhà báo Hunter S. Thompson cũng vậy. Nỗi lo lắng rằng vũng chìm như thế có thể đang chờ đợi (hoặc có thể đã tồn tại) ở các thành phố đang rối ren của Mỹ đã tạo ra tình trạng hoảng loạn lộn xộn nho nhỏ trong một số bộ phận nhất định của giới tinh hoa hoạch định chính sách. (Bản thân Leonard Duhl thuộc nhóm Những kẻ Lập dị sẽ đảm nhận một vị trí có ảnh hưởng tại Bộ Phát triển Nhà và Đô thị mới được thành lập.)

“Mọi thứ dường như đang hợp nhất với nhau,” các tác giả viết. Họ muốn nói đến những dòng tư tưởng khác nhau trong thân thế sự nghiệp của Calhoun – mặc dù cũng có thể đơn giản là họ đang nói về những mạch chuyện của chính họ.

Trên thực tế, cả hai đều không hoàn toàn hợp nhất. Ngoài những thứ khác ra, sự ngưỡng mộ hiển nhiên của Adams và Ramsden đối với nhân vật chính của họ xung đột một cách bối rối với những gì thậm chí họ thừa nhận là “các ẩn ý chủng tộc” và sự mất nhân tính nói chung trong cách Calhoun đánh đồng chuột và các cư dân thành phố có thu nhập thấp hơn.

Hơn nữa, lập luận bênh vực Calhoun như một lực lượng chính yếu trong lý thuyết quy hoạch đô thị ở Mỹ đã trở nên yếu ớt gấp đôi bởi yếu tố thời gian – ngay từ thập kỷ 1930, mật độ giảm thấp từng là mục tiêu được công bố của tất cả mọi người từ kiến trúc sư Frank Lloyd Wright đến Tổng thống Franklin Roosevelt. Và sau đó có những sơ suất nghiêm trọng trong những nhận thức trực giác mà sau này nhà sinh thái học Calhoun đã góp phần vào – mật độ quá thấp là vấn đề hiện đang khiến hầu hết các thành phố ở Mỹ đau đầu, nó đẩy cả giá nhà lẫn sự cô lập xã hội lên cao.

Tất cả những điều đó chẳng làm giảm đi là mấy giá trị của những gì vẫn còn là một câu chuyện sôi động kỳ quái xuôi theo một dòng riêng biệt trong lịch sử trí tuệ, đầy rẫy những vai khách mời lập dị (Aldous Huxley! Buckminster Fuller!) và bài viết khoa học rất sắc sảo nào đó.

Tách ra khỏi những tiếng cộng hưởng khó nghe hơn của nó – những tiếng cộng hưởng mà Calhoun, khá khen cho ông, không bao giờ tìm cách khuếch đại – bài học luân lý cơ bản của “Rat City” cũng rất đáng để suy ngẫm, đặc biệt là bởi những người dân thành thị có khuynh hướng hình thành quan điểm quá tùy tiện về sự ưu trội mà họ tự coi là họ có so với những loại thấp kém hơn. Bọn chuột đó chính là chúng ta.

[1] Nguyên văn “Pied Piper”: nhân vật trong truyện cổ tích Người thổi sáo ở Hamelin của Đức (tiếng Đức: der Rattenfänger von Hameln), nhân vật này được dân Hamelin thuê đến bắt chuột, bằng cây sáo thần anh ta dụ được tất cả chuột ra khỏi thị trấn này.

[2] Mohawk: Kiểu tóc mà da đầu được cạo sạch trừ một dải tóc dựng đứng chạy vắt qua đỉnh đầu từ trán đến gáy.

RAT CITY: Overcrowding and Urban Derangement in the Rodent Universes of John B. Calhoun | By Jon Adams and Edmund Ramsden | Melville House | 358 pp. | $32.50

Ian Volner writes about architecture, design and urbanism. His most recent book is “Jorge Pardo: Public Projects and Commissions.”

A Phenomenally Weird Tale of a Man and His Rodent Metropolis 
https://www.nytimes.com/2024/07/15/books/review/rat-city-jon-adams-edmund-ramsden.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...