nguồn: nytimes
biên dịch: takya đỗ
Trong cuốn “The Mysterious Mrs. Nixon” (“Phu nhân Nixon bí ẩn”), nhà sử học Heath Hardage Lee cố dành sự khen ngợi xứng đáng cho vị đệ nhất phu nhân thường bị gắn cho biệt danh đầy ác ý là “Pat Giả tạo ” này.
Lý do vì sao đệ nhất phu nhân Pat Nixon từng là người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ chẳng có gì là bí ẩn. Lặng lẽ sát cánh bên người chồng yêu quý của mình, Pat đĩnh đạc một cách hoàn hảo là mẫu mực của người phụ nữ da trắng trước thềm cuộc cách mạng nữ quyền.
Kín đáo nhưng dễ gần, Pat rất thích hòa nhập vào đám đông và rất thân thiện với trẻ em. Không ai sánh được với bà về sự bền bỉ. Bà tham dự rất đúng giờ toàn bộ 115 sự kiện chính thức của mình trong năm 1969, ngủ mỗi đêm sáu tiếng và nói với một phóng viên rằng bà “chẳng khi nào thấy mệt”.
Mặc dù các nhà phê bình cho rằng nụ cười của “Pat Giả tạo” cứng nhắc y như mái tóc bồng bềnh của bà và giả tạo y như chiếc áo len polyester đan sợi đúp của bà, song theo một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup, bà có tỷ lệ tán thành 90% trong năm thứ hai nhiệm kỳ tổng thống của chồng.
Một cuốn tiểu sử mới đáng được tán thưởng cho rằng con đường của bà chẳng phải là con đường dễ dàng. Được nuôi dạy trong cảnh nghèo khó và mồ côi từ khi còn niên thiếu, bà đã làm việc để chi trả cho cả bản thân và hai anh trai cho đến hết đại học. Sự tận tụy với sự nghiệp chính trị của chồng đã bắt buộc bà phải xa các con gái những khoảng thời gian dài. Người chồng đó, Richard Nixon, không biết vì sao đã quên tri ân bà trong diễn văn từ chức.
Trong hồi ký của mình, vị cựu tổng thống đó ân hận vì bê bối của ông đã khiến vợ ông phải trả giá bằng “những lời khen ngợi mà bà xứng đáng được nhận”. Theo lời ông, bà đã “cống hiến rất nhiều cho đất nước này và rất nhiều cho thế giới. Bây giờ bà ấy sẽ phải chia sẻ sự trục xuất cùng tôi. Bà ấy xứng đáng được hơn thế nhiều”. Bà bị đột quỵ sau khi đọc những đoạn trong một cuốn sách bán chạy nhất miêu tả bà như một kẻ nghiện rượu ẩn dật, một hình ảnh vô căn cứ được củng cố qua một chương trình hài hước châm biếm gay gắt trên “Saturday Night Live”.
Nhà sử học Heath Hardage Lee cố gắng sửa lại sai lầm này trong cuốn tiểu sử sinh động dựa trên những cuộc phỏng vấn những người quen biết và yêu mến vị đệ nhất phu nhân không được đánh giá đúng mức này. Chị nêu bật những thành tựu đáng kể của Pat Nixon ở nước ngoài, nơi bà đã nêu tấm gương sáng về sự đồng cảm của người Mỹ và những lợi ích cao hơn của người Mỹ.
Bà là vị đệ nhất phu nhân đầu tiên đến thăm châu Phi, hoặc phát biểu trước nghị viện ngoại quốc; bà đã ôm những người mắc bệnh phong, an ủi các nạn nhân động đất ở Peru và khăng khăng đòi – bất chấp sự phản đối của phía Cánh Tây[1] – đi cùng chồng đến cả Trung Quốc và Nga. Pat đặc biệt gây ấn tượng ở cả hai quốc gia đó, kết bạn với các phu nhân của các nhà lãnh đạo Cộng sản và thúc đẩy Thủ tướng Chu Ân Lai gửi những con gấu trúc khổng lồ đến Washington.
Lee cũng lập luận, một cách kém thuyết phục hơn, rằng Pat Nixon là một anh hùng không được vinh danh của phong trào nữ quyền. Là người đề xuất quyền lựa chọn trước vụ án Roe kiện Wade [2], bà đã thuyết phục chồng đưa Tu chính án về Quyền bình đẳng vào Hiến pháp trong cương lĩnh năm 1972 của Đảng Cộng hòa. Bà cũng thúc đẩy việc bổ nhiệm một phụ nữ vào Tòa án Tối cao. Vị Tổng thống này có lẽ đã bổ nhiệm người đó nếu không có sự phản đối của Hiệp hội Luật sư Mỹ.
Song câu chuyện này tiết lộ về học thuyết tiến bộ của Pat thì ít mà phần nhiều là về động thái đột ngột chuyển sang cánh hữu của Đảng Cộng hòa. Khi Nixon đắc cử tổng thống, phụ nữ là nền tảng của liên minh Cộng hòa, ủng hộ việc phá thai không phù hợp với đảng phái chính trị, hầu hết người Mỹ hy vọng được thấy những cơ hội mở rộng cho phụ nữ trong lực lượng lao động và phong trào chống lại quyền bình đẳng của phụ nữ (mà Phyllis Schlafly là hiện thân và lãnh đạo của nó) còn chưa hình thành.
Tu chính án về Quyền bình đẳng được cả lưỡng viện Quốc hội thông qua năm 1972 với sự ủng hộ áp đảo đến mức nếu một trong hai đảng chính trị không chấp nhận nó sẽ là hành động tự sát. Chính quyền Nixon đã mở rộng đáng kể cơ hội cho phụ nữ trong chính phủ liên bang, nhưng các chính quyền trước và sau nó cũng vậy. Quan điểm của Pat đại diện cho xu hướng đang thịnh hành. Bà cho rằng phụ nữ bình đẳng với nam giới nhưng cũng đuổi một nhân viên trẻ về nhà khi cô này đến làm việc trong bộ âu phục với quần tây.
Những hồi tưởng đầy trìu mến từ các con gái, con rể và con gái người bạn thân nhất của Pat đã làm cuốn tiểu sử này sinh động sắc màu – nhưng đó là màu đỏ của Đảng Cộng hòa. Lee nhanh trí giảm nhẹ những tin tức tiêu cực mà Pat phải chịu đựng và hạ uy tín của những kẻ cản đường Pat vì phân biệt giới tính hoặc ghen tị.
Trong số này trước tiên phải kể đến Chánh văn phòng Nhà Trắng H.R. Haldeman, một nhân vật phản diện quen thuộc trong toàn bộ quá trình lịch sử ủng hộ Nixon. Haldeman đã cố sa thải nhân viên bên Cánh Đông [3] của Pat, quản lý đến từng chi tiết các hoạt động của bà và hạn chế đưa tin về bà trên báo chí vì e rằng bà sẽ làm lu mờ chồng. Lee ám chỉ rằng nếu chẳng phải vì sự can thiệp của Haldeman thì Pat đã có thể hành động nhiều hơn cho chương trình nghị sự của Nixon và ngày nay lẽ ra đã nổi tiếng hơn.
Mặc dù “The Mysterious Mrs. Nixon” nhằm mục đích bộc lộ con người thật của Pat Nixon, song những yếu tố quan trọng trong cuộc đời bà vẫn rất mơ hồ. Tuy trọng tâm của cuốn sách là những năm tháng ở Nhà Trắng nhưng mối quan hệ của Pat và Dick thời kỳ này vẫn không hiện rõ. Đôi vợ chồng đó dường như chủ yếu liên lạc thông qua nhân viên; trợ lý điều hành của Nixon đã báo tin dữ cho Pat rằng chồng bà sắp từ chức. Có vẻ như Lee chấp nhận mà không nghi ngờ gì lời khẳng định của cô con gái Julie Nixon rằng vợ chồng bà vẫn ổn.
Quan điểm chính trị của Pat, ngoại trừ sự ủng hộ của bà đối với tiến bộ của phụ nữ, cũng vẫn là điều bí ẩn. Chúng ta đọc được rằng khi nghe những cuốn băng mà Nixon bí mật ghi âm trong Nhà Trắng, Pat và các con gái của bà đã bị sốc bởi ông ta dùng những lời tục tĩu, nhưng chẳng có dòng nào nói về quan điểm của họ đối với nội dung phân biệt chủng tộc và bài Do Thái xấu xa trong băng ghi âm. Mặc dù những cáo buộc về chủ nghĩa bài Do Thái đã có từ những năm đầu trong sự nghiệp chính trị của Dick, song Lee lảng tránh vấn đề này và nhiều vấn đề khác có thể nhắc nhở độc giả rằng Dick Nixon hoàn toàn chẳng phải vị tổng thống có tư tưởng tiên phong chẳng may bị phát hiện có hành vi sai trái.
Lee quả quyết rằng Pat và Dick tích cực ủng hộ quyền dân sự cả ở nước ngoài và trong nước, nêu bằng chứng là chuyến đi của họ đến châu Phi mà không viết gì về tầm quan trọng địa chính trị của lục địa này trong Chiến tranh Lạnh. Chúng ta đọc được rằng với tư cách tổng thống Dick đã ủng hộ quyền bầu cử, nhưng chẳng đọc được gì về ghi chép lẫn lộn của ông ta liên quan đến sự phân biệt chủng tộc và xe đưa đón học sinh hoặc sự khuyến khích những kẻ theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng.
Lee khẳng định, mà không đưa ra bằng chứng nào, rằng Pat thấy cả trại tạm giam người Nhật [trong Thế chiến II] và những hạn chế về chủng tộc trong cộng đồng ngoại ô của bà đều phản cảm vì bà sinh trưởng tại một khu vực đa dạng của California. Điều đó có lẽ đúng; Pat cố tình nói năng dè dặt về quan điểm của bà, bà khẳng định “một con người là những gì mà người ấy làm. Đó mới là điều thú vị, chứ đâu phải sự phân tích tính cách hay đánh giá nhân phẩm”.
Người ta ngỡ rằng bà có thể hoàn toàn tán thành cả bức chân dung được lý tưởng hóa của mình ở đây cũng như việc Lee không muốn nhìn quá sâu vào bên dưới bề mặt.
[1] Nguyên văn: “West Wing”: Cánh Tây Nhà Trắng nơi các văn phòng của Tổng thống Mỹ tọa lạc, gồm Phòng Bầu dục, Phòng Nội các, Phòng Tình huống và Phòng Roosevelt.
[2] Nguyên văn: “Roe vs. Wade”, là vụ án pháp lý mà vào ngày 22.1.1973 Tòa án Tối cao Mỹ, đã ra phán quyết rằng quy định hạn chế quá mức ở cấp tiểu bang đối với việc phá thai là vi hiến.
[3] Nguyên văn: “East Wing”: Cánh Đông Nhà Trắng, nơi đặt các văn phòng của Đệ nhất phu nhân và các nhân viên của bà.
THE MYSTERIOUS MRS. NIXON: The Life and Times of Washington’s Most Private First Lady | By Heath Hardage Lee | St. Martin’s | 407 pp. | $32
Amy S. Greenberg is the head of the history department at Penn State University and the author of “Lady First: The World of First Lady Sarah Polk.”
A New Biography Attempts to Complicate an Elliptical First Lady
https://www.nytimes.com/2024/08/09/books/review/pat-nixon-biography-heath-hardage-lee.html
No comments:
Post a Comment