Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Harriet Tubman là ai? Một nhà sử học đã lần theo các manh mối.

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Một cuốn tiểu sử sắc sảo mới được viết bởi nhà sử học từng đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia là Tiya Miles nhằm đưa biểu tượng người chiến sĩ đấu tranh vì tự do trở về tầm vóc con người thực.

Bức ảnh màu nâu đỏ này chụp một phụ nữ da đen độ tuổi trung tuần mặc một chiếc váy sẫm màu chùng đến đất, choàng chiếc khăn màu sẫm và đội một chiếc khăn trên đầu. Hai tay bà chắp trước bụng và nhìn thẳng vào máy ảnh.


Harriet Tubman, chụp khoảng năm 1885. Sự chú ý kiểu văn hóa đại chúng đối với cuộc đời phi thường của Tubman đã trở thành con dao hai lưỡi: một mặt tôn vinh những thành tựu của bà, một mặt lại khiến người ta càng khó lòng nhận biết con người thực của bà là như nào.

Harriet Tubman đã sống một cuộc đời nhiều biến động – đầy rẫy những khó khăn, hiểm nguy cực độ và những lúc tính mạng ngàn cân treo sợi tóc – đến nỗi thậm chí một người vô thần cũng khó có thể phủ nhận rằng chín thập kỷ bà sống được trên cõi đời này chẳng thể là gì khác ngoài phép màu.

Chính bản thân Tubman cũng tin rằng Chúa đã dẫn dắt bà làm công việc nguy hiểm với vai trò người chỉ đạo Tuyến Hỏa xa ngầm[1] trong thập niên 1850; bà đã thực hiện khoảng 13 chuyến đi bên dưới tuyến đường phân ranh giới Mason-Dixon[2] và đưa được đến 80 người về phía bắc, thường là tới tận Canada. Cuộc đào thoát của chính Tubman năm 1849 là một huyền thoại. Sau lần đầu tiên thử tìm cách trốn cùng các anh trai, những người anh này hoảng sợ đến mức nhất quyết quay trở lại điền trang của chủ nô của họ gần Vịnh Chesapeake, Tubman ngoan cường một mình làm cuộc hành trình 90 dặm đầy nguy hiểm từ Maryland đến Pennsylvania.

“Nơi mà những người khác thấy là những cánh cửa đóng kín và những bức tường gạch không thể trèo qua được thì bà mong ước nơi đó hóa thành những đường hầm và những chiếc thang,” nhà sử học Tiya Miles viết trong “Night Flyer” (“Kẻ bay đêm”), cuốn tiểu sử ngắn về Tubman, là cuốn đầu tiên trong loạt sách mới có tên là Significations ("Những cuộc đời ý nghĩa") và được Henry Louis Gates Jr. biên tập, viết về những nhân vật nổi tiếng người da đen. Nhiều thập kỷ sau khi bà qua đời năm 1913, cuộc đời phi thường của Tubman chủ yếu chỉ được đề cập đến trong những cuốn sách dành cho trẻ em và thanh niên. Những cuốn tiểu sử trọn vẹn, mang tính thăm dò được viết bởi các nhà sử học Catherine Clinton và Kate Clifford Larson mới được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Gần đây hơn, Tubman là chủ đề của một bộ phim tiểu sử của Hollywood và “She Came to Slay” (“Bà đến để tiêu diệt”), tập sách có hình minh họa của nhà sử học Erica Armstrong Dunbar, với hình vẽ Tubman đeo súng lục trên trang bìa.

Có lẽ điều dễ đoán được là mọi sự chú ý của văn hóa đại chúng đã trở thành con dao hai lưỡi: một mặt tôn vinh những thành tích đáng nể của Tubman, một mặt càng khiến người ta khó lòng nhận biết con người thực của bà là như nào. Miles thừa nhận rằng trước khi chị bắt tay vào viết tác phẩm này, Tubman “đã trở thành một nhân vật nguyên mẫu truyền thống trong trí tưởng tượng của tôi, một anh hùng nổi tiếng trong dàn nhân vật mà chúng ta có thể gọi là những kẻ báo thù theo chủ nghĩa bãi nô”. Việc nhận ra những đặc tính và những căn bệnh thể chất của Tubman “đưa Tubman từ biểu tượng văn hóa trở về tầm vóc con người”.

Miles gọi cuốn “Night Flyer” là cuốn “tiểu sử mang tính đức tin”, nhấn mạnh vào phẩm chất tâm linh của Tubman cùng với nhận thức về sinh thái của bà, được thể hiện bằng sự quan tâm sâu sắc đến thế giới tự nhiên. Miles cũng khai thác những câu chuyện về cuộc đời của “những phụ nữ tương tự”, ví dụ như các nhà truyền giáo Jarena Lee và Zilpha Elaw, nhằm cố gắng làm sáng tỏ một số trải nghiệm có tính nội tâm hơn mà Tubman đã cẩn trọng giữ kín.

Những lỗ hổng như vậy trong ghi chép lịch sử chẳng có gì lạ đối với Miles. Vì đã viết về người dân bản địa và người Mỹ gốc Phi, kể cả cuốn sách “All That She Carried” (“Hành trang của bà”) đoạt giải National Book Award, chị thường xuyên phải đối mặt với điều mà chị gọi là “vấn đề nan giải về tài liệu lưu trữ”. Tubman không biết đọc biết viết: bà đọc câu chuyện cuộc đời mình cho “những phụ nữ da trắng tiêu biểu, trung lưu, chống chế độ nô lệ” viết lại, chẳng hạn như Sarah Bradford người viết tiểu sử đầu tiên về bà. Mặc dù thường là “có ý định tốt”, song những người chép tiểu sử cho Tubman đôi khi đã “hạ thấp” bà, biến bà thành một nhân vật kỳ dị, gần như siêu nhiên.


Đó là còn chưa kể bản thân Tubman là một người trình diễn rất khôn khéo, người đã lập nên những kỳ tích can trường nhờ sự đề phòng và cẩn trọng. “Bà muốn kiểm soát câu chuyện ấy,” Miles viết. Cuối thập kỷ 1850, Tubman tích cực định hình tính cách của mình trong các buổi diễn thuyết uyển chuyển, “bà hiểu rằng nếu không làm như vậy, những kẻ khác sẽ biến bà thành một nhân vật phục vụ cho mục đích riêng của họ”.

“Night Flyer” kể lại vắn tắt những sự kiện quan trọng đầu đời của Tubman. Cô sinh ra với cái tên Araminta “Minty” Ross khoảng năm 1822, là con của cặp vợ chồng Rit Green và Ben Ross ở bờ đông Hạt Dorchester, bang Maryland. Sau khi bị chấn thương sọ não nặng lúc 12 hoặc 13 tuổi, khi cô bước xen vào giữa một cậu bé nô lệ trong một cửa hàng và một quả cân nặng 2 pound do tên giám thị của cậu bé ném vào, cô bắt đầu lên những cơn co giật mà cô liên tưởng đến những ảo ảnh mang tính chất tôn giáo. Cô đổi theo họ của chồng sau khi kết hôn với John Tubman, một người đàn ông da đen tự do, khoảng năm 1844. Lúc đó, khi vừa chứng kiến ​​hai chị gái của mình “bị đem đi” tận Deep South trong một nhóm tù nhân bị xiềng xích lại với nhau, Tubman tự đặt cho mình một câu hỏi sẽ khuấy động cả quãng đời còn lại của cô: “Vì sao những thứ như thế lại tồn tại?”

Vận dụng những sự thật này làm giàn đỡ, Miles cố gắng khai phá tính cách của Tubman. Tubman luôn thích ở bên ngoài hơn ở nhà. Hồi còn bé, để tránh bị ăn đòn vì lấy trộm một cục đường, cô trốn năm ngày trong một chuồng lợn. Hồi thập kỷ 1830, chủ nô đem cô cho thuê làm những công việc nặng nhọc ngoài trời – lùa bò, đốn cây và vận chuyển gỗ súc. Tubman coi loại công việc đó thích hơn công việc gia đình mà cô rất ghét (mặc dù, sau khi đào thoát, cô nhận làm công việc gia đình nhằm tài trợ cho các sứ mệnh giải cứu của mình). Khi tái hiện cảnh Tubman rốt cuộc trốn thoát khỏi kiếp nô lệ, Miles tưởng tượng ra vùng đất than bùn trong khu rừng ngập nước và quả mâm xôi vùng đầm lầy mà có lẽ cô đã ăn.

Song đó đâu phải chỉ là câu chuyện về sự sống sót được trong rừng. Tubman còn có ý thức tinh tế về phong cách, theo lời Miles kể, và cả khiếu hài hước về nó nữa. Trong thời Nội chiến, chị làm công tác trinh sát và do thám quân sự, và đã đi cùng một trung đoàn trong Trận đột kích Sông Combahee ở Nam Carolina. Tubman kể lại trang phục lịch sự của chị chẳng mấy phù hợp với sự kiện đặc biệt này ra sao: “Tôi bắt đầu chạy, chân giẫm lên chiếc váy của mình, nó khá dài, rồi ngã xuống và gần như xé nó toác toạc ra, đến nỗi khi tôi lên thuyền thì hầu như chẳng còn gì sót lại ngoài những mảnh vải vụn. Khi ấy tôi đã quyết chí rằng mình sẽ không bao giờ mặc váy dài trong những chuyến viễn chinh kiểu này mà sẽ mặc một chiếc quần ống túm ngay khi tôi kiếm được.”

“Night Flyer” bao gồm một phụ trương ảnh màu của Amani Willett chụp các địa điểm được kết nối với Tuyến Hỏa xa ngầm. Bức ảnh cuối cùng cho thấy điểm đánh dấu tuyến đường phân ranh giới Mason-Dixon. Điều đặc biệt ấn tượng là trông nó rất bình thường – một tảng đá mòn, được bao quanh bởi cây cỏ um tùm, tảng đá đã có thời đánh dấu sự phân chia hiện hữu giữa chế độ nô lệ và tự do.

Tubman sống thêm gần nửa thế kỷ sau khi cuộc Nội chiến kết thúc, bà cung cấp nơi nương tựa cho mọi người tại ngôi nhà của bà ở Auburn, bang New York, và thành lập trung tâm chăm sóc người già và người khuyết tật. Đến cuối cuốn sách “Night Flyer”, Miles thừa nhận đã phải chật vật với tác phẩm của mình – cố gắng đến gần hơn với một người đã để lại “dấu vết mù mịt trên giấy tờ” như thế. Chị chế giễu những cuốn tiểu sử ghi-lại-y-như-được-kể, giải thích rằng những người phụ nữ da trắng viết chúng, bất chấp ý định tốt của họ, “đã không thể kể câu chuyện của Tubman với sự trọn vẹn, rõ ràng và sự sâu sắc đầy triết lý mà Tubman đáng lẽ đã kể nếu bà tự tay viết nó. ”

Một mặt, lời tuyên bố này thật tầm phào, và mặt khác là không có căn cứ. Miles cho chúng ta biết rằng Tubman luôn cẩn trọng không bộc lộ “cảm xúc riêng của mình”; có rất ít lý do để nghĩ rằng nhẽ ra bà đã muốn tiết lộ nhiều hơn về bản thân mình trước công chúng đang đói thông tin. Người phụ nữ mang tên Tubman hiện lên từ cuốn “Night Flyer” vẫn phi thường và bí ẩn. Như một đồng nghiệp đã nói với Miles: “Hồi đó đã chẳng ai có thể nắm bắt được bà. Bây giờ sẽ rất khó có thể nắm bắt được bà.”

[1] Nguyên tác: “Underground Railroad”: mạng lưới tuyến đường bí mật và những ngôi nhà an toàn được lập ra ở Mỹ trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thế kỷ 19. Mạng lưới này được những người nô lệ Mỹ gốc Phi sử dụng chủ yếu để trốn sang các bang tự do và từ đó đến Canada.

[2] Nguyên tác: “Mason–Dixon line”: đường phân giới phân chia bốn tiểu bang của Mỹ, tạo thành các phần biên giới của Pennsylvania, Maryland, Delaware và Tây Virginia (một phần của Virginia cho đến năm 1863).

NIGHT FLYER: Harriet Tubman and the Faith Dreams of a Free People | By Tiya Miles | Penguin Press | 304 pp. | $30

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.
_____
From The New York Times:

Who Was Harriet Tubman? A Historian Sifts the Clues.

A brisk new biography by the National Book Award-winning historian Tiya Miles aims to restore the iconic freedom fighter to human scale.

https://www.nytimes.com/2024/06/26/books/review/night-flyer-tiya-miles.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...