Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Nghệ thuật đã mai một của việc chuyển lậu xác ướp

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ

Trong cuốn “Women in the Valley of the Kings” (“Những phụ nữ trong Thung lũng Các vị vua”), Kathleen Sheppard đưa chúng ta đến với một nhóm các nhà khảo cổ học ở thế kỷ 19, những người đã khiến lĩnh vực này đổi thay vĩnh viễn.



Marianne Brocklehurst (ảnh trái) và Amelia B. Edwards đã ghi lại chi tiết những cuộc thám hiểm khảo cổ của họ ở Ai Cập.

Giả dụ bây giờ đang là năm 1873. Bạn là một phụ nữ Anh quốc can đảm đi thuyền trên sông Nile tìm kiếm cuộc phiêu lưu và lịch sử và những món đồ lưu niệm. Bạn đã lén đưa một chiếc quan tài đá sơn màu sắc lên thuyền. Bạn mở nắp quan tài, dỡ vải liệm người nằm bên trong và chiêm ngưỡng thứ mà bạn tuyên bố là “vật thể mang tính lễ hội và hoàn toàn không phải một người ăn mặc lỗi thời già nua tang tóc”.


Ngày hôm sau, khoang thuyền bốc mùi xác ướp và giới chức hải quan sẵn sàng tịch thu vật mà bạn tìm được, bạn có hai lựa chọn: vứt xác ướp ấy xuống sông hoặc gói ghém lại và hy vọng không ai hỏi về cái mùi đó.

Đó chính là tình huống mà nhà thám hiểm Marianne Brocklehurs đã phải đương đầu, câu chuyện của bà được kể trong “Women in the Valley of the Kings” của Kathleen Sheppard, cuốn truyện lịch sử mới về Ai Cập học ưu tiên những phụ nữ mà những đóng góp của họ, vì mục đích tốt và mục đích khác, đã định hình lĩnh vực này. Trong khi đàn ông mở những ngôi mộ và được chú ý rầm rộ, chính những phụ nữ như Brocklehurst, Emma Andrews, Margaret Alice Murray và Caroline Ransom Williams – những người thường xuyên tài trợ cho các chuyến thám hiểm của những người đàn ông đó – mới là những người tổ chức các cuộc khai quật của họ, lần theo dấu vết và lập danh mục những gì mà họ tìm được. Sheppard gọi những người phụ nữ này là “những trụ cột để các đấng nam nhi anh hùng của nền Ai Cập học phương Tây đứng trên đó”.

Không che đậy sự “phá hoại và cướp bóc” gắn liền với công trình của họ, chị đồng thời tôn vinh các nhân vật chủ đề của mình như những nhà tiên phong. Những truyện lịch sử khác có thể khẳng định rằng “đàn ông chịu lấm láp, làm những chuyến phiêu lưu mạo hiểm và khai quật cổ vật” trong khi phụ nữ làm những công việc nhàm chán. Sheppard lập luận ngược lại.

Nhân vật anh hùng đầu tiên của chị là Amelia B. Edwards – người từng có lần đồng hành cùng Brocklehurst – bà đã biến chuyến đi năm 1873 của mình thành cuốn cẩm nang du lịch bán chạy nhất có tên “A Thousand Miles Up the Nile” (“Ngàn dặm ngược Sông Nile”) và sáng lập tổ chức phi lợi nhuận hiện được gọi là Hiệp hội Thám hiểm Ai Cập. Bà tài trợ cho các chuyến thám hiểm do Flinders Petrie chỉ huy, người mà bà đánh giá cao vì khả năng khai quật cẩn thận nhẹ nhàng và tính tiết kiệm của ông ta.

Trong các chuyến thuyết trình ở Mỹ, bà yêu cầu mức phí chỉ đứng sau mức phí của Charles Dickens, và bà đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ các nhà Ai Cập học tương lai vào cái thời mà, theo lời Sheppard, nếu “ai đó có thời gian du hành và có tiền để hỗ trợ các cuộc khai quật hoặc mua cổ vật, hoặc cả hai, chừng đó là đủ để biến họ thành một nhà khảo cổ học tại thời điểm này trong lịch sử khảo cổ học ở Ai Cập”.

Edwards còn là người đồng tính nữ. Ở Anh quốc, bà chung sống với và chăm sóc Ellen Braysher, một người phụ nữ lớn tuổi mà bà đã yêu bằng tình yêu sâu đậm. Trong một chuyến đi Ai Cập, bà đi cùng Lucy Renshaw, người có bộ ngực mà bà miêu tả trong một bài thơ là “hai bông hoa song sinh” mà “tôi sẽ bán rẻ linh hồn mình chỉ để hôn”. Nhiều phụ nữ trong cuốn sách này là đồng tính nữ, và Sheppard nói rõ ra rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những chuyến phiêu lưu ra nước ngoài luôn hấp dẫn những người bị hạn chế ở nhà, và trong thời đại mà mọi phụ nữ du hành đây đó đều cần phải có người đồng hành, thì những người phụ nữ đồng tính được thoải mái tự do một cách đặc biệt.

“Những mối quan hệ đồng giới lâu bền này thường là điều cần thiết để phụ nữ tham gia vào lĩnh vực đó,” Sheppard viết. “Hai người phụ nữ giàu, có học thức có thể làm việc mà không cần đến một người đàn ông trong thời kỳ mà phụ nữ hầu như không thể một mình làm việc đó”.

Sheppard đã cưỡng lại sự cám dỗ trình bày cuốn truyện lịch sử này như một chiến thắng đơn giản về nữ quyền. Công trình mà những phụ nữ này giúp thực hiện thường có tính chất phá hoại, thậm chí là mang tính tội phạm và được hỗ trợ bởi một cấu trúc thực dân ràng buộc hàng triệu người vào một hệ thống tôn ti cứng nhắc về giai cấp, giới tính và chủng tộc. Nhưng khi đọc câu chuyện về Edwards, đặc biệt là khi đọc cùng cuốn “A Thousand Miles Up the Nile,” ta sẽ thấy phơi bày ra một khía cạnh rất cám dỗ của chủ nghĩa thực dân vẫn còn hấp dẫn một cách khủng khiếp cho đến tận bây giờ.

Đọc câu chuyện Edwards kể lại về lần đầu tiên bà được nhìn cận cảnh thành phố cổ Giza, ta chẳng thể không cảm thấy niềm vui của một người phụ nữ đồng tính khẳng định được vị trí của mình trên thế giới: “Khi cuối cùng cũng đã đến được rìa sa mạc và và leo lên cồn cát dài, và lên tới thềm đá, và kim tự tháp vĩ đại với tất cả những tòa tháp đồ sộ và uy nghi đến kinh ngạc của nó sát gần nhau trên đầu ta, hiệu ứng đó vừa đột ngột vừa choáng ngợp. Nó che khuất bầu trời và đường chân trời. Nó che khuất tất cả các kim tự tháp khác. Nó loại trừ mọi thứ ngoài cảm giác kính sợ và kinh ngạc ra.”

Song sự kính sợ và kinh ngạc đó luôn phải bị giảm bớt bởi thực tại xấu xa. Sau này Edwards kể về chuyến đi băng qua một hiện trường có nhiều ngôi mộ đã bị cướp bóc, và cái cách tất cả các du khách châu Âu nhanh chóng chuyển từ trạng thái căm phẫn sang háo hức ra sao.

“Thoạt đầu bị sốc, họ kinh hoàng lên án toàn bộ hệ thống khai quật lăng mộ, hợp pháp cũng như cướp bóc; thế nhưng, dần tiêm nhiễm sự thích thú đối với những đồ trang sức hình bọ hung và những bức tượng nhỏ dùng trong tang lễ, chẳng mấy chốc họ bắt đầu háo hức mua những đồ vật khai quật được từ người chết; cuối cùng, họ quên hết những đắn đo ngại ngùng trước đó và chẳng cầu mong gì may mắn hơn là phát hiện và chiếm lấy một ngôi mộ cho chính họ.”

Đối với Brocklehurst và xác ướp của bà, như Edwards viết, “vì không thể chịu đựng được mùi dầu thơm đó của người Ai Cập cổ đại”, Brocklehurst “đã nhấn chìm người chết rất quý giá đó xuống sông Nile”.

Song Sheppard lại kể một câu chuyện khác. Xác ướp đó, sau này được nhận dạng là một cô gái có tên là Sheb-nut, đã được chuyển lậu ra khỏi Ai Cập và ngược về Anh quốc. Nếu muốn, bạn có thể đến nơi đó thăm cô ta – trong một viện bảo tàng.

WOMEN IN THE VALLEY OF THE KINGS: The Untold Story of Women Egyptologists in the Gilded Age | By Kathleen Sheppard | St. Martin’s | 307 pp. | $30

The Lost Art of Mummy Smuggling

https://www.nytimes.com/2024/07/17/books/review/kathleen-sheppard-women-in-the-valley-of-the-kings.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...