Search This Blog

Sunday, August 18, 2024

Một cuốn sách mới coi cuộc khủng hoảng biên giới là vấn đề nghiêm trọng, vì toàn bộ sự phức tạp của nó

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “Everyone Who Is Gone Is Here” (“Những ai đã ra đi đều đến đây”), Jonathan Blitzer tìm ra mối quan hệ giữa chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Mỹ với cuộc khủng hoảng di cư.

Cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía Nam [nước Mỹ] đã trở thành vấn đề mang tính quyết định của cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Đối với những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Mỹ ngày càng lo lắng về làn sóng di cư gia tăng, Tổng thống Biden đã thay đổi đường lối đúng hướng khi cầu xin đảng Cộng hòa ký một thỏa thuận lưỡng đảng, thỏa thuận này sẽ chấp thuận cho họ phần lớn danh sách mong muốn nhập cư, bao gồm cả việc hạn chế quyền tị nạn. Với mong muốn này, ông nói rằng ông định sẽ “đóng cửa biên giới ngay lúc này và nhanh chóng khắc phục nó [hệ thống nhập cư]”. Donald Trump, người biến chính sách chống nhập cư thành xu hướng chủ đạo trong chiến dịch tranh cử lần thứ nhất, hứa hẹn sẽ nắm quyền kiểm soát bằng cách thực hiện “vụ trục xuất lớn nhất trong lịch sử” nếu ông này tái đắc cử.


Như Jonathan Blitzer chỉ ra trong “Everyone Who Is Gone Is Here”, câu chuyện lịch sử kịp thời và mang tính khai sáng của anh về cuộc khủng hoảng nhập cư, tình trạng bất ổn ở biên giới khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều, bởi vì nó là kết quả của tình trạng rối ren lâu ngày và gây nhiều tranh cãi giữa Mỹ và các nước láng giềng phía Nam. Trong thập kỷ vừa qua, thành phần những người vượt biên đã chuyển đổi từ người Mexico tìm việc làm sang người Trung Mỹ và người các nước khác xin tị nạn. Những hệ quả tệ hại bao gồm trẻ em không có người đi kèm, gia đình ly tán và các trại tị nạn.

Khai thác phóng sự của mình với vai trò một phóng viên cơ hữu của tờ The New Yorker, Blitzer miêu tả dàn diễn viên bao gồm những người di cư, các nhà hoạt động và chính trị gia; anh trình bày một cách nghệ thuật câu chuyện của họ qua nửa thế kỷ trong ba hồi: những cuộc phản công chống nổi dậy trong Cuộc Chiến tranh Lạnh ở El Salvador, Guatemala và Honduras khiến hàng triệu người phải di dời và góp phần làm mới chính sách nhập cư của Mỹ; sự phát triển của các băng đảng ở Trung Mỹ, được tăng cường bởi sự trục xuất; và sự gia tăng số người xin tị nạn như một phong trào đại chúng của những kẻ bị hạ bệ.

Juan Romagaoza là một sinh viên y khoa theo cánh tả và là nhân vật chính diện trung tâm của cuốn sách, anh là nhân chứng vụ đàn áp khủng khiếp của quân đội Salvador được Mỹ hậu thuẫn trong thập kỷ 1980. Sau khi bị binh lính tra tấn đến tàn tật, anh trốn sang Mexico và cuối cùng đến Mỹ, nơi anh tham gia vào cuộc đấu tranh của những người Trung Mỹ mưu cầu sự bảo vệ khỏi bị trục xuất. Những làn sóng di cư đầu tiên gồm các nhà hoạt động và những người đào ngũ được nối tiếp bởi những người di cư chạy trốn đói nghèo và bạo lực khi “đường ranh giới giữa Mỹ và Trung Mỹ ngày càng mờ nhạt”. Có thời điểm gần 1/4 dân số El Salvador sống ở Mỹ.

Trong số họ có Eddie Anzora, đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động lớn lên “nửa muốn làm nhà nhân chủng học, nửa muốn làm kẻ côn đồ” ở Nam Los Angeles, nơi văn hóa băng đảng lan truyền một cách nguy hiểm phản ánh phép biện chứng của Mỹ giữa nhà tù và cuộc sống đường phố. Suốt những năm cuối thập kỷ 1980, khi cuộc chiến chống tội phạm băng đảng ngày càng tăng tốc, thành phố của cậu trở thành tâm điểm của cuộc chống nổi dậy trong nước, là “đội quân tiên phong quốc gia về hoạt động cảnh sát chống băng đảng”. Cảnh sát California đi tiên phong trong việc hợp tác với các giới chức quản lý nhập cư để “làm sạch” các nhà tù ở thành phố và tiểu bang, một thực tiễn sau này được nhân rộng trên quy mô toàn quốc: “Trục xuất một người dễ hơn nhiều so với việc kết án anh ta vì phạm tội”.

Tại khu vực Trung Mỹ hậu-xung-đột đang phải chịu sự thống trị tham nhũng của những kẻ từng tham chiến, các băng nhóm tội phạm đã chắc chân. Cuối cùng, bộ máy trục xuất của Mỹ cũng tóm được Anzora sau khi cậu bị bắt giữ vì tàng trữ ma túy, và kết cục cậu quay trở lại El Salvador, nơi cậu phải lẩn lút tránh né các thành viên băng đảng bị trục xuất khỏi đường phố Los Angeles. Chạy trốn khỏi nghèo đói và bạo lực của bọn tội phạm, người Trung Mỹ bắt đầu xin tị nạn với số lượng nhiều hơn bao giờ hết ở biên giới phía nam, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo mà hiện tại chúng ta đang thấy ở nơi đó – bắt đầu từ năm 2014 với làn sóng trẻ em nhập cư không có người đi kèm.

Cuộc cải cách nhập cư lớn mới nhất được Quốc hội thông qua là vào năm 1990; kể từ đó, vùng biên giới này chủ yếu được quản lý bởi sắc lệnh hành pháp đặc biệt và các tòa án liên bang. Như Blitzer minh họa, hệ thống nhập cư của Mỹ là nạn nhân của sự rối loạn chức năng của chính nó. Số đơn xin tị nạn chưa được giải quyết ngày càng nhiều lên khuyến khích số người lợi dụng tình trạng đó để ở lại đất nước này càng nhiều hơn; luật pháp hà khắc và sự kiểm soát biên giới nghiêm ngặt làm tăng số lượng người nhập cư không có giấy tờ “bị kẹt lại”; các quy định nhằm bảo vệ trẻ em ở biên giới đó khuyến khích các bậc cha mẹ gửi chúng đi một mình.

Với những chi tiết đôi khi rất toàn diện, Blitzer kể về cơ quan ban hành chính sách được ví với nhà máy sản xuất xúc xích ở Washington, D.C., so sánh để làm nổi bật sư tương phản giữa những nhân vật như Cecilia Muñoz, người trước kia từng là nhà hoạt động đã miễn cưỡng gia nhập chính quyền Obama, với vị cố vấn về vấn đề nhập cư có ảnh hưởng nhất của Trump là Stephen Miller, người “giữ vai phản diện chính.”

Thế nhưng ngay cả khi Blitzer kịch tính hóa những trận chiến phe phái này và hậu quả của chúng đối với cuộc sống của người dân – chẳng hạn như hồi năm 1998 khi Muñoz và những nhà tổ chức khác vận động hành lang cho “175.000 trẻ em nhập cư” được có lại phiếu thực phẩm – ông đã vạch trần những mối quan hệ qua lại bí ẩn giữa chính quyền Dân chủ và chính quyền Cộng hòa. Chắc chắn và khó phá vỡ nhất là sự ám ảnh về việc “răn đe” những người nhập cư trái phép với những hậu quả ngày càng khắc nghiệt, được thể hiện bằng những chiến lược mang những cái tên như Hệ thống Phân phát Hậu quả, “ngăn ngừa bằng cách răn đe” và Sáng kiến ​​Hậu quả Hình sự.

Hiển nhiên là những người di cư càng liều lĩnh thì sự răn đe mà họ phải chịu càng khắc nghiệt hơn. Trên thực tế, việc này chung quy là làm tăng thêm mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi vượt biên trái phép, rất có thể bị giam giữ nếu bị bắt, và khó khăn trong cuộc sống sau này nếu không bị trục xuất. Một số người thực thi các chính sách này một cách miễn cưỡng, số khác lại rất sốt sắng.

Trong khi dưới thời Tổng thống Barack Obama, một đề xuất của các viên chức nhập cư đòi tách cha mẹ khỏi con cái – biện pháp răn đe "đau đớn" nhưng "chẳng chết ai" – bị bác bỏ vì "vô nhân đạo", thì chính quyền Trump, với sự hăm hở của mình, dò dẫm thực hiện việc chia tách một cách hỗn loạn hàng nghìn người trước khi một cuộc phản đối kịch liệt trên toàn quốc buộc họ phải lùi bước. Blitzer trích dẫn một cuộc thảo luận về hậu quả do Miller triệu tập: “Chúng ta cần phải thông minh hơn nếu muốn thực hiện điều gì đó ở quy mô này một lần nữa”.

Các cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ thường là đáng để ý vì tính chất địa phương hẹp hòi của chúng, và vì vậy có lẽ chẳng ngạc nhiên gì khi Blitzer chỉ đề cập loáng thoáng đến kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, nơi các cuộc tranh luận về người xin tị nạn, các thử nghiệm răn đe “nhân đạo” và sự bùng nổ của chủ nghĩa dân túy chống-nhập-cư đã diễn ra trước Mỹ. Những nhà tù trên đảo dành cho người tị nạn ở Australia, hay các hệ thống tương đối khoan dung và hào phóng của Nam Mỹ đều không được nhắc đến.

Tuy nhiên, bất chấp những câu thần chú của các chính trị gia hứa hẹn phục hồi sự toàn vẹn của biên giới và quốc gia có chủ quyền, di cư là một hiện tượng ngày càng mang tính toàn cầu, và những người di cư từ châu Á và châu Phi chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong số những người bị bắt ở biên giới kia. Giống như biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng di cư ở các nước giàu có không được hiểu đúng nghĩa ở quy mô quốc gia. Thay vì thế, nó đặt ra những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của việc làm một công dân có đạo đức.

Những xung đột về vấn đề nhập cư thường nảy sinh từ sự giống nhau hơn là từ sự khác nhau, và những người ngoại quốc ở biên giới của chúng ta có một câu chuyện quen thuộc đã đi vào lịch sử được Blitzer kể lại bằng những chi tiết tỉ mỉ và sinh động. Nó là câu chuyện của chính chúng ta.

By Matthieu Aikins

Matthieu Aikins is the author of the “The Naked Don’t Fear the Water: An Underground Journey With Afghan Refugees.” He is a fellow at the Harvard Radcliffe Institute and Type Media Center.

EVERYONE WHO IS GONE IS HERE: The United States, Central America, and the Making of a Crisis | By Jonathan Blitzer | Penguin | 523 pp. | $32

https://www.nytimes.com/2024/02/05/books/review/jonathan-blitzer-everyone-who-is-gone-is-here.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...