Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Ian McEwan tái xuất với câu chuyện về lòng ham muốn mãnh liệt của tuổi mới lớn và sự mệt mỏi của tuổi trưởng thành

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “Lessons” (“Những bài học”), nhân vật chính bị giáo viên piano của mình cám dỗ khi mới 14 tuổi, rồi bị vợ bỏ rơi trong lúc anh ta thờ ơ quan sát câu chuyện dần mở ra. Những sự kiện này có liên quan với nhau không?

Không ai giỏi hơn Ian McEwan khi viết về sự suy thoái xã hội, sự hạ nhục và sự xuất tinh – và cả các chủ đề khác nữa. Ông chuyên viết về đời sống tinh thần của một típ người cá biệt, đặc hữu về văn hóa: người đàn ông Anh quốc tầng lớp trung lưu thời nay. Các nhân vật của ông đôi khi phóng đãng, thường là gay gắt và luôn là con người trần tục.

Cuốn “Lessons” mở đầu bằng một mẫu người như thế. Roland Baines cùng cha mẹ từ Libya đến London hồi cuối mùa hè năm 1959. Cha Roland là người của quân đội Anh quốc ở Bắc Phi; mẹ cậu làm việc cho Tổ chức Thanh niên Toàn cầu (YMCA) tại Tripoli. Roland lúc bấy giờ 11 tuổi và đã đến lúc cậu bé được giáo dục thỏa đáng: tiếng Latin, tiếng Pháp, bóng gậy, bóng bầu dục, piano. Người dạy piano của cậu là cô Miriam Cornell luôn tỏa ra mùi nước hoa hồng, một kẻ gần như bạo dâm thường véo đùi Roland khi cậu nện mạnh một khúc nhạc của Bach. Sau đó, cô ta đặt một cái hôn lên miệng cậu và mời cậu – đúng hơn là lệnh cho cậu – đến thăm cô ta tại nhà trong kỳ nghỉ tiếp theo ở trường học.

Cậu đã không đi thăm cô ta cho đến ít lâu sau, khi cậu 14 tuổi và Miriam 25 tuổi. Một nỗi ám ảnh tình dục tương liên đã khởi phát. Giao cấu với Roland là biểu hiện kinh tởm nhất nhưng không phải là duy nhất cho thấy tính quái đản của Miriam. Cô ta cất quần áo và tiền của cậu bé trong nhà kho và khóa lại, đồng thời giữ cậu như con tin. Một tối nọ vào bữa ăn, cô ta đẩy nhẹ một chiếc phong bì qua bàn, trong đó là giấy tờ kết hôn. Đó không phải là một lời cầu hôn mà là một mệnh lệnh: Roland phải có mặt tại phòng hộ tịch, bút trong tay và tuân lệnh cô ta.

Sau vô số những giọt nước cuối cùng có khả năng làm tràn ly, lời tuyên bố hôn nhân đã hoàn thành nốt việc đó. Roland bắt đầu hiểu ra rằng Miriam là một kẻ điên, và rằng cái hương vị điên khùng của cô ta không phải là loại có thể rắc lên cuộc đời anh như một hương vị làm tăng niềm thích thú mà là loại dẫn thẳng đến sự bần cùng nhơ nhớp và tuyệt vọng.

Một trong những cái tài của McEwan là hòa trộn sự đáng yêu với sự ô trọc. Hầu hết những hình ảnh đáng yêu-ô trọc mà tôi những muốn trích dẫn đều không thể đăng được ở đây, nhưng tôi muốn chỉ dẫn cho độc giả tới một cảnh trong cuốn tiểu thuyết ngắn “On Chesil Beach” (“Trên bãi biển Chesil”) của ông có liên quan đến cụm từ “anh ta trút hết mình lên cô tung tóe” hoặc toàn bộ cuốn The Cement Garden” (“Khu vườn hàn gắn”) hay phần lớn cuốn “Nutshell” (“Lớp vỏ cứng”), trong đó tác giả tái hiện “Hamlet” dưới góc nhìn của một đứa bé nằm trong bụng mẹ. McEwan có thể khiến độc giả cảm thấy như thể họ đang cúi xuống để ngửi một bông hồng và thay vì thế lại phải ngửi mùi nước cống cũ.


Xen kẽ với những phân cảnh về Miriam là những tiết đoạn diễn ra xuyên suốt tương lai của Roland, khởi đầu từ năm 1986. Miriam đã ra đi. Roland đã lấy Alissa, một phụ nữ người Đức, cô nàng biến mất ngay sau khi đứa con trai của họ chào đời. Việc biến mất này là có chủ ý; bức thư trên gối của Alissa bảo cho Roland biết đừng đi tìm cô: “Em ổn. Đó không phải lỗi của anh. Em yêu anh nhưng điều này là vì anh. Cho đến nay em vẫn đang sống một cuộc đời sai lầm.” Cô để lại bộ chìa khóa nhà trên giường.

Roland bước vào trạng thái tự động hóa. Anh chăm sóc đứa bé, ăn, ngủ, mua sắm và dọn dẹp. Những tấm bưu thiếp Alissa gửi đã đến. Việc làm mẹ, cô ta nói với chồng, “đã có thể nhấn chìm em”. (Cụm từ “đã có thể” thể hiện sự thông minh của Alissa; nhờ một xảo thuật ngữ pháp, việc chạy trốn của cô nàng được diễn giải vừa trọn vẹn vừa không thể tránh khỏi.) Nhiều năm sau, Roland tình cờ chạm mặt người vợ ghẻ lạnh của mình trong một quán cà phê và biết rằng cô nàng đã có một cuốn tiểu thuyết được chấp nhận để xuất bản. Cô ta đưa cho anh một bản. Giá mà cuốn tiểu thuyết đó dở tệ, thì Roland có lẽ đã tận hưởng niềm vui nhỏ nhoi là được khinh rẻ. Thật không may, nó lại xuất sắc. Người đàn ông tội nghiệp ấy đã bị văn chương ... cắm sừng. Ngay sau khi xuất bản cuốn sách, Alissa được so sánh với Nabokov và Tolstoy. Là một nhà văn Đức, cô nàng có vị trí cao hơn cả Günter Grass; cô ta “vĩ đại gần bằng Mann”.

Roland chưa bao giờ đoán trước được sẽ xảy ra điều đó. Trái đất vô khối thiên tài thầm lặng; tình trạng được số đông công nhận là tình trạng rất hay thay đổi. Nhưng hầu hết các thiên tài ẩn dật – và nếu may mắn bạn đã gặp được một người như thế! – ít nhất cũng khiến những người biết họ phải kính nể. Vậy việc Roland kết hôn với một trí tuệ phi thường mà không hề hay biết nói lên điều gì? Phải chăng đó là một khiếm khuyết về thẩm mỹ? Một trọng tội về hôn nhân? Hay đơn giản chỉ là một bản cáo trạng về sự tầm thường của anh?

Việc McEwan sử dụng những sự kiện có tính toàn cầu trong tiểu thuyết của mình có khuynh hướng phán đoán sáng suốt và phát lộ. Ông rải rắc lên trên nhân vật Roland quá nhiều những cái tên và ngày tháng: thảm họa Chernobyl, Hitler, Nasser, Khrushchev, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Bắc Ireland, các quốc gia vùng Balkan, Bill Clinton, Tony Blair, John Major, Đạo luật Tự do Thông tin, Ngày 11/9, vụ bê bối Enron, Karl Rove, Gordon Brown, Nigel Farage, đại dịch Covid.

Tất cả những nhân vật và sự kiện này đóng vai trò như lời nhắc nhở rằng lịch sử đang diễn ra. Và trên thực tế, có thể một số độc giả cần đến lời nhắc nhở đó. Nhưng Roland thụ động đến mức người ta có cảm giác rằng anh vẫn là con người như vậy ở bất kỳ thế kỷ nào khác, chỉ khác ở kiểu đầu tóc mà thôi. Về mọi phương diện, anh là người nhận về mà không phải người cho đi – những tấm séc, thư từ, cuộc điện thoại, chuyện tâm sự, lời khuyên, chỉ bảo, mệnh lệnh. Khi không có nhiều miêu tả về thể chất, ta dễ hình dung Roland như một người lai kiểu thần thoại giữa con người và chiếc xe đẩy hàng: một chiếc giỏ lớn đựng hàng trên những bánh xe được đôi tay vô hình đẩy qua đường đời.

Các nhà phê bình nhận xét rằng McEwan thích chia thời gian thành các tiết đoạn “trước” và “sau” bằng cách xây dựng các cốt truyện của mình xung quanh một sự kiện mang tính quyết định. Trong cuốn sách này, ông tế nhị chuyển giao nhiệm vụ đó cho Roland, người luôn vật lộn để nhận ra bước ngoặt của chính mình. Sự thụ động đó, nói thí dụ, phải chăng là kết quả của việc Miriam xen vào đời anh quá sớm? Phải chăng một phụ nữ dã man đã phác thảo kế hoạch chi tiết cho người phụ nữ thứ hai? Là "con gà hay quả trứng" anh không thể nào biết được.

Một trong những cách để đọc cuốn “Lessons” là tự mình chối bỏ kỹ năng mà McEwan đã trở thành bậc thầy. Nhiều tác giả nên chối bỏ nghệ thuật bậc thầy của họ. Kết quả rất thú vị.

Nhiều thập kỷ sau khi Roland nhìn thấy Miriam lần cuối, một sĩ quan cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà anh. “Một thứ văn hóa hoàn toàn mới” vừa nảy sinh, viên cảnh sát này giải thích. Miriam có thể phải ngồi tù vì tội lỗi của cô ta. Nhưng Roland không chắc hình phạt được đề xuất có phù hợp với tội lỗi đó hay không. Tâm trí của anh là “sự hỗn loạn thất thường” của những quan niệm trái ngược nhau: Mối quan hệ đó đã mang lại lạc thú và mục đích tình dục; nó đã khiến anh đồi bại; anh đã là kẻ đồng lõa; không, đâu phải đồng lõa – đồng lõa là cách viết tắt của sự tự trách mình thường thấy ở nạn nhân. Phải chăng Miriam đã hủy diệt anh? Có thể nào bị hủy diệt mà không biết?

Và, nếu nghĩ đến tiêu đề cuốn sách, Roland học được bài học gì? Từ phụ nữ, có lẽ không nhiều. Từ báo chí, sự diễn biến của câu chuyện đó tồn tại độc lập với mong muốn phác dựng cốt truyện và thể hiện của một nhà văn. May mắn thay, trong trường hợp đó, Roland có McEwan đứng về phía mình.

LESSONS

By Ian McEwan

431 pages. Alfred A. Knopf. $30.

Molly Young is a book critic for The Times, a contributing writer to The Times Magazine and the author of the newsletter Read Like the Wind. She was previously the book critic for New York magazine.

Ian McEwan Returns With a Tale of Adolescent Lust and Adult Lassitude https://www.nytimes.com/2022/09/13/books/review/ian-mcewan-lessons.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...