nguồn: nytimes
biên dịch: takya đỗ
Một bức hình minh họa thể hiện một con mắt ngoại cỡ với một màn hình TV nhỏ nằm trong đồng tử. Năm con ruồi lớn đang vo ve quanh mắt; toàn bộ cảnh này được đặt trên nền màu hồng.
Thay vì than vãn về thể loại gây chia rẽ nhất của văn hóa đại chúng, Emily Nussbaum dành thời gian với các nhà sáng tạo, các ngôi sao và những nạn nhân của nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để thu hút sự chú ý.
Có những lúc câu chuyện khởi nguyên đầy nhiệt huyết và được kể một cách tinh tế của Emily Nussbaum với tiêu đề “Cue the Sun! The Invention of Reality TV” (“Thắp mặt trời lên! Sự phát minh của truyền hình thực tế”) cho cảm giác giống như con ngựa thành Troy.
Phân tích sâu rộng của chị khởi đầu bằng một vấn đề đơn giản: một luận cứ giải thích vì sao một thể loại bao gồm các loạt chương trình như “The Dating Game” (“Trò chơi hẹn hò”) và “Alien Autopsy” (“Khám nghiệm tử thi người ngoài hành tinh”) trước hết phải xứng đáng có một câu chuyện lịch sử dài cả cuốn sách.
Đối với Nussbaum, những thuật ngữ chuyên ngành như “loạt chương trình không có kịch bản” không hẳn đã bao hàm toàn bộ nền tảng văn hóa đại chúng mà các chương trình này lướt qua. Thay vì chúng, chị quyết định chọn cụm từ “phim tài liệu thô tục” để bao quát một phạm vi rộng, trong khi mô tả quá trình lịch sử mở đầu bằng chương trình chơi khăm “Candid Camera” (“Góc quay tự nhiên”) tiên phong hồi thập niên 1940, tiến triển thành những loạt phim truyền hình chế nhạo như “The Gong Show” (“Chương trình Chiếc cồng”) và “America’s Funniest Home Videos” (“Những Video Gia đình Hài hước nhất nước Mỹ”) và cuối cùng bùng nổ thành những chương trình truyền hình cực kỳ thành công ngày nay như “Survivor” (“Kẻ sống sót”), “Big Brother” (“Anh Lớn”) và “The Bachelor” (“Chàng độc thân”).
Với lối văn xuôi chắc nịch và con mắt tinh tường chú ý đến từng chi tiết, Nussbaum, cây bút chuyên viết cho tạp chí The New Yorker, tóm lược cách những chương trình như vậy hợp nhất nghệ thuật cao cấp và thấp cấp thành thứ hỗn tạp có sức thuyết phục mạnh mẽ, từ những loạt chương trình dài tập sến súa về “đời sống thực tế của người nổi tiếng” đến các thử nghiệm tâm lý xã hội tổng quan nhằm khám phá tình cảm lãng mạn, sự cạnh tranh và đạo đức. Bí quyết làm tăng sự thích thú của những chương trình này: đặt mọi người vào những tình huống giả tạo để kích động hành vi mang tính giải trí, ăn khách, phơi bày – thường do xung đột hoặc luống cuống.
Nussbaum viết: “Chính là việc làm phim điện ảnh sự thật [cinéma vérité] bị làm loãng đi với các thành phần độc hại vì mục đích thương mại, như nạn ma túy đường phố, nhằm giảm giá thành và tăng cường hiệu ứng”. Kết quả là “một cái nhìn liếc sắc như dao vào tính dễ bị tổn thương của con người, phá vỡ những điều cấm kỵ về những gì ta được phép nói hoặc nhìn”.
Cuốn sách kết thúc bằng một trong những người kiên trì phá vỡ quy tắc nhất nước Mỹ là Donald Trump, nó ghi lại chi tiết cách nhà sáng tạo và nhà sản xuất điều hành Mark Burnett đã dàn dựng chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” (“Nhân viên tập sự”) của NBC thành một thành công giúp đánh bóng tên tuổi của nhà tài phiệt ăn chơi nức tiếng đó, dẫn đến “kết quả tai hại nhất kia”.
“Chọn một nhà tài phiệt bị phá sản đang nợ nần chồng chất và quá rủi ro để hầu hết mọi ngân hàng không thể cho vay”, Nussbaum viết, “một kẻ ngu dốt thô thiển, bốc đồng, đầy thành kiến, đã phá sản nhiều lần, một kẻ săn mồi tình dục táo tợn đến mức công khai quấy rối phụ nữ trong chương trình của mình, rồi tìm cách khiến ông ta có mẽ ngoài đủ hấp dẫn để được bầu làm tổng thống Mỹ? Đó chính là một cuộc đảo chính, cho dù không ai có thể khoe khoang về điều đó”.
Song “Cue the Sun!” không chỉ thách thức những nhà phê bình bảo thủ về mặt đạo đức, những người quá thường xuyên mắc kẹt giữa việc cư xử như những kẻ hay chỉ trích thiếu hài hước và việc bác bỏ tầm quan trọng của thể loại này một cách bất công. Được củng cố bằng trên 300 cuộc phỏng vấn, Nussbaum miêu tả truyền hình thực tế qua con mắt của những người đã biến nó thành hiện thực, đồng thời đưa ra những lý giải sắc sảo rằng những chương trình như vậy có thể mang tính bóc lột và nguy hiểm đến thế nào – từ việc công khai chỉ trích “sự phân biệt giới tính đến tận xương tủy” trên chương trình “The Bachelor” cho đến việc lưu ý cách nhà sản xuất của chương trình “Survivor” lo sợ rằng họ vô tình cho dàn diễn viên ăn những loại ký sinh trùng có thể gây chết người trong một cuộc thi ăn ấu trùng.
Câu chuyện thu hút sự chú ý nhất chắc hẳn là câu chuyện của Bill Pruitt, nhà cựu sản xuất của chương trình “The Apprentice”, người nói rằng Trump đã dùng lời bóng gió xúc phạm chủng tộc khi đề cập đến Kwame Jackson, người da đen trong số hai người lọt vào vòng chung kết trong mùa đầu tiên của chương trình. (Pruitt mới viết về vụ việc này cho tạp chí Slate cách đây không lâu.) Người phát ngôn của Trump phủ nhận câu chuyện đó, và cuốn sách này trích lời những người khác cho biết họ chưa bao giờ nghe thấy lời bóng gió xúc phạm đó. Rốt cuộc Bill Rancic, một người da trắng ở Chicago, đã được chọn làm người chiến thắng.
Chúng ta cũng gặp những ông bầu ở hậu trường có sức ảnh hưởng lớn như cặp vợ chồng nhà làm phim Alan và Susan Raymond – những người tận tâm với kỹ thuật điện ảnh sự thật đã thúc đẩy loạt phim mang tính đột phá của đài truyền hình PBS năm 1973 “An American Family” (“Một gia đình kiểu Mỹ”) — và nhà sản xuất tham vọng và quyết tâm đầy hoan hỉ[S13] Mike Darnell, người quan sát sự bùng nổ của truyền hình thực tế trên mạng lưới truyền hình Fox với các chương trình bao gồm “World’s Scariest Police Chases” (“Những cuộc săn đuổi đáng sợ nhất của cảnh sát trên thế giới”), “American Idol” (“Thần tượng của nước Mỹ”) và “Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?” (“Ai muốn cưới một đại triệu phú?”) (đó là còn chưa kể đến phần tiếp theo “Joe Millionaire”(“Joe triệu phú”) gần như là bản nhái lại của chương trình này).
Miệt mài nhiều năm trời, Nussbaum chớp được các cuộc phỏng vấn với những nhân vật rất có ảnh hưởng mà sau đó đã qua đời, như John Langley nhà đồng sáng tạo ra chương trình “Cops” (“Cớm”), và Pat Loud, người vợ và người mẹ đóng vai chính trong loạt phim tư liệu “An American Family”. Chị cũng lôi kéo được những người quan trọng, những người ít khi trả lời những cuộc phỏng vấn sâu, chẳng hạn như nhà sáng tạo chương trình “The Bachelor” Mike Fleiss, người coi sự thăng hạng của Trump sau chương trình “The Apprentice” là một vết nhơ cho thể loại này.
“Tất cả những thứ như thế nói về sự suy tàn của nền văn minh phương Tây và dấu hiệu của ngày tận thế ư?” Fleiss nói. “Hóa ra đúng là thế đó.”
Song Nussbaum khám phá ra bằng cách nào những lựa chọn tàn nhẫn và nhu cầu ngày càng tăng nhằm cung cấp những khoảnh khắc mới lạ và hấp dẫn đã ngày càng định hình những gì kết thúc bằng cách lên sóng. Đội ngũ làm chương trình “The Bachelor” đã khai thác những vấn đề sức khỏe tâm thần của những người dự thi yếu đuối. (“Thiếu tự chủ và xinh đẹp ư? Đó là vàng đấy,” một giám đốc tuyển chọn diễn viên reo lên.) Harvey Weinstein đã sử dụng chương trình truyền hình thực tế “Project Runway” làm “nơi săn lùng” các nạn nhân bị quấy rối. Ba trong số các chuyên gia ban đầu của “Queer Eye for the Straight Guy” (“Gu làm đẹp của trai cong dành cho chàng trai thẳng”) đã không hoàn toàn công khai mình là người đồng tính với gia đình của họ trước khi chương trình ra mắt lần đầu.
Một lĩnh vực mà Nussbaum đề cập đến một cách dè dặt là mối quan hệ thất thường của truyền hình thực tế với vấn đề chủng tộc. Chị có đề cập đến những vấn đề mà các diễn viên không phải người da trắng phải đối mặt trong một số chương trình, gồm cả “Survivor” và “The Real World” (“Thế giới thực”), nhưng hiếm khi chi tiết, là điều khiến ta thất vọng. Và bằng việc thực sự kết thúc với thời gian của Trump trên “The Apprentice”, quãng thời gian kết thúc sau khi ông ta thông báo về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2015, cuốn sách bỏ qua việc người dẫn chương trình “The Bachelor” là Chris Harrison rời khỏi chương trình này năm 2021, cũng như thông tin cụ thể về động thái từ chức của Fleiss từ loạt chương trình này hai năm sau đó, sau cuộc điều tra nội bộ về “cáo buộc phân biệt chủng tộc”.
Nussbaum đoạt giải thưởng Pulitzer với tư cách là nhà phê bình các chương trình truyền hình của tạp chí The New Yorker năm 2016; ở cuốn sách này, chị kết hợp chặt chẽ tài năng của mình một cách tài tình vào những phân tích sắc bén và phóng sự mang tính tiết lộ, dù vẫn không hào hứng với việc rút ra kết luận chính thức về tác động tối hậu của thể loại này.
Là người theo dõi để đưa tin về truyền hình thực tế từ cuối thập niên 1990, tôi thấu hiểu rằng giữ cân bằng giữa sự tôn trọng tính đại chúng của nó với việc nói ra sự thật cực-kỳ-cần-thiết về tác động độc hại của nó đối với truyền thông, chính trị và xã hội là điều khó khăn đến mức nào. Nussbaum đã khéo léo cân bằng giữa hai thứ đó, tạo ra một cuốn sách có thể tiếp cận một cách tốt nhất với những người yêu thích truyền hình thực tế và có thể bị thế chỗ bởi một cuốn sách phê phán gay gắt hơn.
Ở một đoạn văn, chị lưu ý rằng rất nhiều người hâm mộ từ lâu đã chấp nhận rằng những gì họ xem trên các chương trình này có thể là bịa đặt. “Đối với những khán giả này, không còn nghi ngờ gì nữa – mọi băn khoăn về kiểu truyền thông này đã biến mất từ lâu rồi,” chị kết luận. “Chương trình thực tế thành công nhất có tất cả mọi thứ tốt đẹp hay ho: ánh chớp lóe kích thích của cái có thật, được lồng khung vào ánh lấp lánh đen tối của cái giả tạo, giống như chút xíu muối trong chocolate đen. Chẳng có mùi vị nào khó cưỡng lại hơn.”
Tiêu đề cuốn sách được lấy từ “The Truman Show” (“Chương trình truyền hình về Truman”), bộ phim ra mắt năm 1998 với sự tham gia của Jim Carrey trong vai một người đàn ông sống trong một chương trình truyền hình mà không hề hay biết; nhà sáng tạo chương trình hét “thắp mặt trời lên” để bật đèn trong thế giới do anh ta ngụy tạo. Cuốn sách của Nussbaum khéo léo vạch ra cách thức các phiên bản đời-thực của chương trình Truman ảnh hưởng đến tiến trình truyền hình và xã hội như thế nào. Trong quá trình đó, tất cả chúng ta bị buộc phải đối mặt với cả sức lôi cuốn lẫn những cái bóng dài đổ xuống từ ánh sáng lóa mắt của chúng.
CUE THE SUN!: The Invention of Reality TV | By Emily Nussbaum | Random House | 464 pp. | $30
_____
From The New York Times:
Getting Real About Reality TV in ‘Cue the Sun!’
Rather than bemoan pop culture’s most divisive genre, Emily Nussbaum spends time with the creators, the stars and the victims of the decades-long effort to generate buzz.
https://www.nytimes.com/2024/06/26/books/review/cue-the-sun-reality-tv-emily-nussbaum.html
No comments:
Post a Comment