nguồn: nytimes
biên dịch: takya đỗ
Cuốn tiểu sử mới nghiên cứu sự nghiệp tiên phong và nhiều thành quả của nhà làm phim Agnès Varda.
Nhà làm phim người Pháp Agnès Varda, qua đời năm 2019 ở tuổi 90, được tôn sùng đến đỗi thập kỷ cuối cùng trong đời bà là chuỗi chiến thắng dài dằng dặc với những giải thưởng danh dự, những cuộc triển lãm tác phẩm hồi tưởng quá khứ và các cuộc phỏng vấn. Thậm chí bà cũng dần cảm thấy mệt mỏi khi nghe nói về bản thân mình. "Thôi. Thôi! Thế đủ rồi! Tôi đâu phải là một thánh tích. Tôi vẫn đang sống đây,” bà nói trên sân khấu, sau lời giới thiệu cực kỳ tâng bốc.
Varda rất ghét phải làm một huyền thoại sống, ngoại trừ những lúc bà yêu thích nó, mà những lúc đó lại thường xuyên hơn. Ai mà chẳng cảm thấy như thế chứ? Sự nghiệp dài dằng dặc của bà phần nào giải thích cho sự tôn sùng kia.
Những bộ phim bà đạo diễn bao gồm tác phẩm kinh điển thuộc trào lưu French New Wave “Cléo From 5 to 7” (“Cleo từ 5 giờ đến 7 giờ”, trình chiếu năm 1962), và kiệt tác “Vagabond” (“Kẻ phiêu bạt”, trình chiếu năm 1985), bộ phim là sự hồi tưởng lại cuộc đời của một phụ nữ trẻ, một người ngoài cuộc vẫy xe quá giang, người được tìm thấy đã chết trong một con mương ngay khi bộ phim mở đầu.
Bộ phim tài liệu được tôn vinh đúng mức của bà, “The Gleaners and I” (“Những người mót lúa và tôi”, trình chiếu năm 2000), nói về những người nghèo ở nông thôn ở Pháp và những người lục lọi kiếm lương thực thuộc nhiều thành phần khác nhau. Varda dẫn chuyện và xuất hiện trong bộ phim ấn tượng không phai mờ đó, chính là cách mà Michael Moore đã thực hiện trong phim “Roger and Me” (“Roger và tôi”).
Với kiểu tóc ngắn đến gáy, khổ người bé nhỏ (Varda chỉ cao tầm 1,5m), dáng vẻ ranh mãnh và cách tương tác không trịch thượng với nhân vật chủ đề của mình – tác phong mà tất cả những người làm phỏng vấn nên nghiên cứu – bà đã gây ấn tượng rất mạnh. Khá nhiều người rời rạp ra về đã rất yêu thích bà.
Trong cuốn tiểu sử mới rất cô đọng “A Complicated Passion” (“Niềm đam mê phức tạp”), nhà phê bình điện ảnh Carrie Rickey bày tỏ những hiểu biết sâu rộng về những bộ phim của Varda, và bà miêu tả Varda phải vật lộn thế nào trong thế giới phim ảnh bị nam giới thống trị để những bộ phim đó được thực hiện.
“Những thứ tốt đẹp dù không dài nhưng lại tốt gấp đôi,” kịch tác gia Tom Stoppard đã nói. Ông không nói về Varda. Nhưng có lẽ ông đã nói về cuốn tiểu sử này. Cuốn sách sinh động có tiết tấu nhanh của Rickey có 224 trang. Nên có nhiều hơn những cuốn tiểu sử với độ dài thế này thôi.
Rời máy quay ra, Varda có cuộc sống bận rộn và tự do phóng túng. Bà tự may quần áo; ngủ với cả đàn bà và đàn ông; miệng luôn phì phèo điếu thuốc. Bà không chịu được những kẻ ngu xuẩn.
Với “đôi mắt kiểu Picasso và mái tóc kiểu tu sĩ”, theo lời Rickey, Varda giống một nhân vật trong nhật ký của nữ văn sĩ Anaïs Nin, và trên thực tế bà biết rõ Nin và nhà văn Henry Miller. Ngôi nhà Varda mua năm 1951 ở quận 14 mà lúc bấy giờ còn nhếch nhác bao gồm hai bất động sản mà bà đã hợp nhất. Một bên để làm việc, một bên để sống. Đó là một salon phản văn hóa, và nó có chiều hướng rất thu hút người khác. Bà đã sống ở đó cho đến khi qua đời, và như cách người chủ phòng trưng bày của bà diễn đạt, ngôi nhà đó luôn là “một công trình đang thi công”.
Varda dường như quen biết hết thảy mọi người. Ví dụ, bà rất thân với Jim Morrison, cựu sinh viên điện ảnh và là ca sĩ chính của nhóm The Doors mà bà đã gặp ở Los Angeles. Khi anh qua đời vì quá liều ma túy ở Paris năm 1971, bà là một trong những người đầu tiên đến căn hộ của anh. Bà sử dụng những mối quan hệ của mình để giữ kín cái chết của anh với báo giới cho đến khi có thời gian tổ chức lễ tang trọng thể.
Vì Varda làm rất nhiều phim – bà đã làm hơn 40 bộ phim truyện và phim ngắn – nên cách kể chuyện của Rickey đôi khi có nguy cơ biến thành một tác phẩm điện ảnh có chú thích. Song tôi đã nghiến ngấu cuốn “A Complicated Passion” một cách sung sướng và tôi cho rằng độc giả cũng sẽ thế. Nó khiến tôi phải lao ngay ra bật kênh Criterion Channel để xem lại phim của Varda.
Những phần hay nhất của cuốn sách này là các chương từ đầu đến giữa, giống như hầu hết các cuốn tiểu sử khác. Chúng ta chứng kiến Varda đã trở thành Varda như thế nào.
Bà được sinh ra ở Belgium, là con thứ ba trong gia đình có năm con. Không một ai trong số những người con khác có thiên hướng nghệ thuật. Gia đình bà chạy khỏi Belgium trước cuộc xâm lược của Đức Quốc xã, họ trốn đi bằng ô tô và sau đó bằng thuyền. Họ chuyển đến Paris trước khi thành phố này được giải phóng hồi năm 1944, lúc đó bà 16 tuổi.
Cha bà đăng ký được bằng sáng chế cho một loại cần cẩu công nghiệp và trở nên giàu có. Ông và Varda chưa bao giờ nhìn thẳng vào mắt nhau, họ đã thất vọng vì nhau. Tuy nhiên, mẹ Varda đã khích lệ sự sáng tạo của Varda. Khi Agnès bày tỏ sự quan tâm đến nhiếp ảnh, mẹ bà đã đem cầm cố một món trang sức để mua cho bà một chiếc máy ảnh Rolleiflex cực xịn.
Nhờ vào cha mẹ của một người bạn thời thơ ấu mà Varda kiếm được việc làm nhiếp ảnh gia cho một công ty độc lập tổ chức biểu diễn tại rạp rất quan trọng ở Paris. Bà thực hiện bộ phim đầu tiên “La Pointe Courte” của mình năm 1955. Bộ phim này là tiền thân của trào lưu French New Wave, nói về một cặp vợ chồng đang trục trặc đến thăm một làng chài nhỏ.
Alain Resnais, người bạn và đôi khi là người tình của bà, người mà vài năm sau đó sẽ đạo diễn phim “Hiroshima, Mon Amour” (“Hiroshima tình yêu của tôi”), đã cho bà mượn thiết bị và giúp bà biên tập “La Pointe Courte”. Bộ phim chưa bao giờ được phát hành một cách hợp thức, nhưng các buổi chiếu đã trở thành một thứ cực kỳ hấp dẫn đối với các nghệ sĩ và trí thức Pháp. Nói cách khác, không phải ai cũng xem bộ phim đó, nhưng những người xem lại rất đúng người đúng việc.
Một số đoạn nổi bật trong cuốn sách của Rickey miêu tả mối quan hệ thân ái nhưng rất cạnh tranh của Varda với các nhà làm phim mà bà gọi theo tên tạp chí điện ảnh Cahiers du Cinéma là “Các cậu con cưng của Cahiers”. Các nhà làm phim này gồm Resnais, Jean-Luc Godard và Francois Truffaut. Phải mất hàng thập kỷ thế giới điện ảnh mới nhận ra rằng Varda đã đi tiên phong trước họ về mặt tạo ra thể loại phim mới mẻ, sinh động, kinh phí thấp, thể loại phim đã định hình trào lưu French New Wave.
Varda kết hôn với đạo diễn Jacques Demy năm 1962; nhan đề cuốn sách này bắt nguồn từ miêu tả của Varda về khoảng thời gian họ bên nhau. Năm 1964 ông phát hành bộ phim nổi tiếng nhất của mình là “The Umbrellas of Cherbourg” (“Những chiếc ô ở Cherbourg”). Bà và Demy có một con trai. (Varda đã có một con gái từ một mối quan hệ trước đó.) Năm 1979, ông bỏ bà để chung sống với một người đàn ông khác, tuy vậy Varda và Demy vẫn thân thiết với nhau. Sau khi ông qua đời vì bệnh AIDS, bà đã làm một bộ phim về thân thế và sự nghiệp của ông.
Phong cách riêng của Varda là không có phong cách lộ liễu. Các bộ phim của bà đều có kịch bản nhẹ nhàng nếu chúng có chút kịch bản nào. Bà tin tưởng vào những sự may mắn ngẫu nhiên và biết cách tận dụng chúng. Bà đã tuyển dụng rất nhiều phụ nữ để cùng bà thực hiện những bộ phim, và nhiều người trong số này sau đó đã có được sự nghiệp quan trọng của riêng họ.
Bà kiên quyết đưa những người phụ nữ có sắc thái riêng chứ không phải những hình mẫu tiêu biểu lên màn ảnh. “Bạn có biết người phụ nữ thông minh nào không?” bà hỏi trong một cuộc phỏng vấn năm 1977 với The Times. “Họ có thật, phải không? Vì sao họ chẳng bao giờ xuất hiện trong phim ảnh?”
A COMPLICATED PASSION: The Life and Work of Agnès Varda | By Carrie Rickey | Norton | 272 pp. | $27.99
Dwight Garner has been a book critic for The Times since 2008, and before that was an editor at the Book Review for a decade.
The Woman Who Beat the Boys of the French New Wave to the Punch
https://www.nytimes.com/2024/07/29/books/review/carrie-rickey-complicated-passion.html
No comments:
Post a Comment