Search This Blog

Sunday, August 18, 2024

Những nhân vật ẩn danh truyền bá Phúc âm

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “God’s Ghostwriters” (“Những người chấp bút cho Chúa”), nhà sử học Candida Moss nghiên cứu số đông những người đã viết nên Kinh thánh.

Gần cuối bức Thư gửi các tín hữu ở Galati, Tông đồ Phao-lô [Paul] thêm vào một nhận xét về lối viết thô vụng của mình: “Hãy xem những chữ do chính tay tôi viết cho anh em mới to làm sao”.

Nói một cách hoa mỹ, đây là dấu ấn của tính xác thực. Các văn bản giả mạo rất phổ biến trong thời kỳ đầu đầy biến động của Cơ đốc giáo, vì vậy đây là bằng chứng cho thấy tông đồ Phao-lô (có khả năng ngài bị cận thị) chứng thực thông điệp này. Đây cũng là lời nhắc nhở khiến người ta phải chú ý rằng Thư gửi các tín hữu đó quả thực là một bức thư, và Kinh thánh quả thực là một biblion – cuốn sách được viết bằng mực trên giấy cói, được viết ra (ít nhất là thế) chỉ riêng bởi bàn tay con người.

Trong cuốn “God’s Ghostwriters: Enslaved Christians and the Making of the Bible” (“Những người chấp bút cho Chúa: Các Cơ đốc nhân bị nô lệ và việc sáng tạo Kinh thánh”), Candida Moss nhấn mạnh những hàm ý sâu xa hơn trong nhận xét đó của tông đồ Phao-lô, những hàm ý thường không được lưu ý đến. Chị chỉ ra rằng, giống như hầu hết các tác giả ở thế giới La Mã, tông đồ Phao-lô hầu như chẳng viết gì. Ý nghĩa trong lời nhận xét ngẫu nhiên của ngài bắt nguồn từ việc ngài không thường xuyên cầm bút; ngài đang thực hiện một nỗ lực đặc biệt như một dấu hiệu cho thấy đức tin của ngài. Thay vì thế, ngài đọc chính tả cho những phụ tá lành nghề, những người – mặc dù được gọi một cách văn vẻ là "thư ký" hoặc "trợ lý" – có thể rất giống những kẻ bị nô lệ.

Moss, vị giáo sư thần học tại Đại học Birmingham, lập luận rằng những người làm công việc như vậy đóng vai trò quan trọng hơn những người phát ngôn đơn thuần, họ là “đồng tác giả, người tạo ra ý nghĩa, những nhà truyền giáo và tông đồ vì năng lực của chính họ”.

Tại Rome, cảnh nô lệ ở khắp mọi nơi. Khoảng thời Chúa Giê-su, áng chừng 1/4 dân số ở Ý bị bắt làm nô lệ. Ở nông thôn, người dân bị nô lệ canh tác trên những trang trại được hợp nhất ngày càng lớn. Ở thành phố, họ đảm nhận vô số vai trò được tạo ra bởi sự yêu thích xa hoa, khao khát địa vị và đặc tính nham hiểm trong việc phân loại thứ bậc của người La Mã: đầu bếp, vú em, kế toán viên, colorator (thợ đánh bóng đồ nội thất), tabulis (người bảo quản tranh), ab argento (người trông coi đồ bạc), nomenclator (người ghi nhớ tên khách khứa) và hàng tá loại khác nữa. Trong số đó có những người ghi chép, người đọc và người đưa tin là các đối tượng chính của Moss.

Thật trớ trêu, một người xuất hiện đích danh trong Thư gửi tín hữu Rô-ma của tông đồ Phao-lô: “Tôi, Tertius, người viết thư này, chào mừng anh em trong Chúa”. “Tertius” có hơi hướng vị lợi của một cái tên nô lệ, Moss lưu ý: Nó có nghĩa là “Thứ ba”. Nhưng chúng ta chẳng có thêm được gì ngoài cái nhìn thoáng qua này, mà bản thân nó đã là rất hiếm. Trong xã hội La Mã, nô lệ không phải là con người, họ sống trong tình trạng mà nhà sử học Keith Bradley mô tả là kiểu án tử hình treo tùy thuộc vào ý thích của chủ nhân.

Bằng chứng trực tiếp về cách những người lao động như vậy tạo ra Phúc âm và sự công nhận điều đó rất ít, vì vậy câu chuyện mà Moss kể tất là, và phải thừa nhận là, mang tính suy đoán. Song những diễn giải giàu trí tưởng tượng của chị căn cứ vào việc đọc kỹ các văn bản phi tôn giáo và tôn giáo cũng như những sự thật kinh hoàng về chế độ nô lệ cổ xưa nói chung.

Những người lao động bị nô lệ đã sao chép các bản thảo của Cơ đốc giáo, lập thư mục cho chúng trong các thư viện và giúp biên soạn các chỉ dẫn tham khảo, mục lục và các tài liệu hỗ trợ khác để đọc. Họ âm thầm sửa chữa lỗi trong các văn bản và tìm ra những câu trích dẫn trong những cuộn giấy da cồng kềnh.

Moss lập luận rằng ngay cả khi được đọc chính tả cho viết, họ vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tác. Chị trích dẫn một đoạn khác do tông đồ Phao-lô viết, sách Rô-ma 5:1, một số bản thảo ghi là “chúng ta được bình an bên Đức Chúa Trời” và những bản khác viết “hãy để chúng ta được bình an bên Đức Chúa Trời”. Sự khác biệt nằm ở một ký tự duy nhất trong tiếng Hy Lạp – omega đối lại với omicron. Vấn đề là, theo nhận định của Moss, hai chữ này, trước đó khác nhau, đã được phát âm giống nhau vào thời điểm sách Rô-ma được chép lại. “Cho dù cách diễn giải nào là văn bản viết 'nguyên bản', quyết định vẫn thuộc về thư ký của tông đồ Phao-lô", một phần không được thừa nhận về sự "cộng tác" giữa tác giả được nêu tên và kẻ ghi chép bị nô lệ của ngài.

Suy đoán xa hơn, chị lưu ý đến “ngôn ngữ sách vở thấm nhuần” trong bức thư gửi các tín hữu ở Galati, trong đó những người bị nô lệ được đề cập đến hai lần bằng một từ cũng có thể có nghĩa là các chữ cái trong bảng chữ cái. Chị gợi ý rằng đây có thể là một cách để người ghi chép cho tông đồ Phao-lô “đưa chính bản thân họ vào bức thư”, một kiểu đùa riêng trong bọn họ. “Có lẽ họ đã hé một nụ cười giễu cợt khi viết những chữ đó.”

Những người bị nô lệ đã góp sức vào việc truyền bá Phúc âm cũng như diễn đạt nó bằng từ ngữ. Những người chuyên giảng đạo đã đọc – trình diễn – các đoạn Kinh thánh cho những người theo đạo Cơ đốc tập hợp lại để nghiên cứu và thờ phụng. Moss đưa ra giả thuyết rằng sự ứng biến tài tình của người giảng thậm chí có thể giải thích phần kết thay thế cho sách Phúc âm Máccô đã được ghi lại trong một số bản thảo.

Những người đưa tin đã mang tin từ các tông đồ để giữ cho các cộng đồng Cơ đốc nhân non trẻ ở xa cùng thống nhất quan điểm, nói theo Kinh thánh. Moss viết rằng giống như các mục sư trên bục giảng, những sứ giả này là “người hướng dẫn diễn giải”, những tông đồ không chính thức, họ sử dụng cử chỉ và ngữ điệu để bổ sung và giải thích văn bản họ mang đi.

Các nghệ nhân, phụ nữ và những người bị nô lệ cũng truyền bá thông điệp Cơ đốc giáo qua những câu chuyện phiếm; không phải vô cớ mà những người ngoại đạo đã chê bai Cơ đốc giáo là “sự mê tín của 'đàn bà và nô lệ'”. Moss tiếp tục trích dẫn một cảnh trong sách Công vụ Tông đồ, trong đó hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống các tông đồ gợi lại những câu chuyện phúng dụ cổ điển kiểu ngồi lê đôi mách lan truyền như cơn gió không thể kiểm soát.

Những đoạn như thế không phải là tình cờ, chị viết, mà phản ánh “nguồn gốc nhất quán của căn tính Cơ đốc giáo thời kỳ đầu trong các cơ cấu nô lệ”. Là một Cơ-đốc nhân trung thành tức là làm “nô lệ cho Đấng Christ” giống như tông đồ Phao-lô. Thậm chí những hình ảnh địa ngục trong Kinh thánh, theo cách hiểu của Moss, là chịu ảnh hưởng bởi điều kiện làm việc tàn khốc dành cho những người lao động bị nô lệ trong hầm mỏ.

Quan trọng hơn hết, có thể thấy những phương diện “nô lệ” nơi Chúa Giêsu, từ thói quen nói bằng ngụ ngôn (một hình thức văn học tầm thường giống những truyện ngụ ngôn của người nô lệ Aesop) cho đến nguồn gốc cha mẹ mơ hồ của Ngài (đã được nhấn rất mạnh bởi thánh Mark, chính vị thánh này đôi khi cũng bị coi là nô lệ). Người Philippi đi xa hơn, họ mô tả rõ ràng Chúa Giê-su “mang thân phận nô lệ” từ khi giáng sinh. Moss cho thấy kể từ đó các Cơ đốc nhân đã áp dụng những biện pháp tu từ như vậy một cách có chọn lọc, nhẹ nhàng biến tình trạng nô lệ thành một phép ẩn dụ ra sao.

Quan điểm của Moss về sự dễ dàng đến mức đáng ngại khi một số người sử dụng các cụm từ như “người đầy tớ trung thành”, mà không chú ý đến sự phức tạp về ý thức hệ của Cơ đốc giáo và tình trạng nô lệ làm nền tảng cho những cụm từ đó, được diễn đạt rất hay. Nhưng đôi khi chị có thể quá háo hức muốn đem quá khứ buộc vào hiện tại. Mở đầu cuốn sách chị đã tuyên bố rằng chị không ngại gì sự sai lầm niên đại, vì cớ “lịch sử không thiên vị đôi khi cũng lơ đễnh về mặt đạo đức”.

Tuy vậy, những lời hùng biện hiện đại xen vào của chị (“những người lao động thiết yếu”, “người lao động tình cảm”, “tình trạng bấp bênh”) cho cảm giác kém tinh tế hơn so với những phân tích xung quanh chúng. “God’s Ghostwriters” cũng chẳng phải là một lập luận tích lũy mà đúng hơn là một chuỗi các nghiên cứu điển hình.

Song cuốn sách này làm cho thế giới nô lệ cổ xưa trở nên sống động một cách nghiệt ngã, và kết nối các vấn đề lớn hơn về sự cộng tác và sự công nhận đối với các dữ kiện quan trọng của tác phẩm cổ điển, khiến ta không thể không để ý đến sự nỗ lực ẩn giữa các dòng.

By Timothy Farrington

Timothy Farrington is a former editor at Harper’s Magazine and The Wall Street Journal.

GOD’S GHOSTWRITERS: Enslaved Christians and the Making of the Bible | By Candida Moss | Little, Brown | 336 pp. | $30

https://www.nytimes.com/2024/03/24/books/review/candida-moss-gods-ghostwriters.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...