Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Dân Mỹ đang rất tức giận vì điều gì vậy?

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong “The Age of Grievance” (“Thời đại Bất bình”), nhà văn viết cho chuyên mục quan điểm của tờ New York Times là Frank Bruni ghi lại quá trình cả dân tộc rơi vào tình trạng liên tục oán thán.

Trong khi thừa nhận nhiều người có những phàn nàn ​​chính đáng, Frank Bruni miêu tả nước Mỹ đương đại trong cuốn “The Age of Grievance” đang bị tiêu hao bởi sự oán hận cay độc ở cả hai điểm cực của phổ chính trị, khiến các cực của nó ngày càng phân liệt hơn và tưởng thưởng cho sự cường điệu, cay cú, gay gắt và tự thương thân trách phận.

Tôi thì tôi đổ lỗi một cách bản năng cho phe cánh tả về nền văn hóa đã bão hòa những mối bất bình của chúng ta. Nền chính trị bản sắc hiển nhiên đã đẩy các nhóm đến chỗ chống lại nhau, và “sự phân biệt đối xử liên tầng” đã tạo dựng một hệ thống tôn ti nghiêm ngặt cho những ai có thể tuyên bố rằng mình có quyền yêu sách nhiều hơn về việc đã bị đối xử sai trái. Thế nhưng Bruni lại dứt khoát trao giải thưởng có tính bỡn cợt về sự bất bình đó cho phe cánh hữu. Thực tế là cả tác giả lẫn người viết bài đánh giá này đều cảm thấy buộc phải coi căn bệnh tâm trí ấy như một cuộc cạnh tranh và phải lập tức chọn phe trong trò chơi đổ lỗi đó chỉ giúp minh họa vấn đề mà Bruni cố gắng phân tích.

Cuốn sách của ông hay nhất khi nó công bằng nhất, thể hiện một nỗi tuyệt vọng không-phe-phái. Có vô khối tội lỗi đủ để thỏa mãn mọi người, và việc đầu độc nền chính trị quốc gia bằng sự ghê tởm và thái độ đố kỵ với nhau không nhất thiết phải là một cuộc tranh giành. Đối với mọi phe phái, giới tính, chủng tộc, khuynh hướng tình dục hay giai cấp: “Họ cảm thấy bị lừa dối. Họ cảm thấy không được tôn trọng. Nếu họ không nổi trận lôi đình thì họ cũng cáu kỉnh.” Những người bị đối xử bất công ở cả hai bên “đã mất – hoặc không còn hứng thú với – khả năng nhìn xa hơn những gì họ coi thường để thấy được lợi ích chung trong những thứ mà họ không đạt được tất cả những gì họ muốn. Những người đã trưởng thành được cho là phải có khả năng nhượng bộ như thế. Nhưng thời đại chúng ta là một thời đại mà đại đa số còn chưa trưởng thành.”

Bruni nhận xét “những gì phe cánh tả cảm thấy và những gì phe cánh hữu cảm thấy giống hệt như nhau: bị áp bức. Ở đó có sự ngăn nắp trái ngược với hình ảnh phản chiếu, sự nhân nhượng lẫn nhau thô thiển, thậm chí là sự cộng sinh kỳ quặc.” Ông chỉ trích các chính trị gia kích động quần chúng ở cả hai phe vì chẳng đạt được gì ngoài sự ồn ào hơn: “Họ đánh đổi sự chuyển động lấy bạo động. … Họ là tác nhân gây ngưng trệ trong lực cản cách mạng.” Ông thậm chí còn cho rằng những đảng viên Cộng hòa giận dữ hơn bao giờ hết có thể đã nghe theo gợi ý từ thành công của sự phẫn nộ quá mức đối với phe cánh tả.

Tuy nhiên, do Bruni đã công khai quan điểm chính trị của mình từ nhiều năm nay nên việc ông đóng vai người phân xử trung lập – có lẽ đúng hơn phải là từ “trọng tài” – có vẻ giống như một mưu mẹo. “The Age of Grievance” có giọng điệu ôn hòa rất hấp dẫn, trên thực tế nó mang giọng cầu khẩn tích cực nhưng cũng thiên vị phe phái không che giấu. Cuốn sách nhằm vào những người được gọi là người theo chủ nghĩa tự do cổ điển, những người tin rằng phe cánh tả tiến bộ đôi khi đi quá xa, nhưng mối nguy hiểm thực sự đối với sự hưng thịnh của quốc gia lại xuất phát từ phe cánh hữu của Trump.


Thế rồi Bruni bắt đầu với những bản tin xuyên tạc (còn được gọi là tin rởm) trên Fox News về việc những kệ hàng sữa bột trẻ em được chuyển hướng gửi cho những người nhập cư bất hợp pháp; những lời cáo buộc lố bịch của ứng cử viên Thượng viện lúc bấy giờ là J.D. Vance rằng biên giới phía nam hổng hểnh của Tổng thống Biden là một âm mưu có chủ ý nhằm nhập khẩu fentanyl và bằng cách đó triệt tiêu sự đối lập của Đảng Cộng hòa; và vụ bạo loạn ngày 6/1 [năm 2021]. Mặc dù Trump là hình mẫu tối thượng của Nguyên lý Peter, nhưng ông ta đã tự miêu tả mình như nạn nhân tột cùng: “Ông ta là hiện thân của sự oán hận, là mối bất bình trở thành tổng thống.” Chương mở đầu chỉ trích sự thù oán của Josh Hawley và Tucker Carlson, nhưng chỉ thọc vào sự tự thán của Hollywood và Meghan Markle như một lời giải thích muộn màng.

Thế nhưng Bruni hầu như không cho phe cảnh tả quyền tự tung tự tác. Ông chế giễu nỗi ám ảnh vì những hành vi phân biệt đối xử có vẻ nhỏ nhặt “đã không thấy được sự hài hước và điều vô tình bộc lộ trong tiền tố của từ ngữ mới sáng chế ra đó”, sự thanh lọc rất câu nệ đạo đức của ngôn ngữ và sự mẫn cảm thái quá xung quanh vấn đề chủng tộc. Về việc xứ này bị coi là thờ ơ với vụ Nga giam giữ nữ cầu thủ bóng rổ Brittney Griner, ông trích dẫn dòng tiêu đề đầy phẫn nộ trên HuffPost: “Mỹ căm ghét các nữ vận động viên da đen”, mặc dù chính quyền Biden đã đổi một tay buôn vũ khí người Nga đã bị kết án để cầu thủ bóng rổ này được trả tự do.

“Nếu chúng ta không thể liên kết với những người không giống chúng ta,” Bruni tuyên bố với những người theo chủ nghĩa bản sắc [identitarians], “nếu sự đồng cảm là ảo tưởng và việc cố gắng tập hợp nó là xúc phạm, nếu chúng ta là một mớ hổ lốn đầy bất bình thù địch chứ không phải là một đội ngũ thống nhất đầy khát vọng thì làm sao mà thịnh vượng được và làm sao mà tồn tại được?”

Vậy nhưng trong khi vụ bạo loạn Ngày 6/1 xuất hiện từ đầu đến cuối cuốn sách, một chương về bạo lực chính trị lại rõ ràng là bỏ qua lễ hội bất bình kéo dài hơn kia: những cuộc biểu tình Black Lives Matter theo sau vụ sát hại George Floyd. Các cuộc biểu tình đó kéo dài hàng tháng ròng, và mặc dù đại đa số diễn ra trong hòa bình, tại hơn 200 địa điểm chúng đã gây ra thiệt hại lớn về tài sản và dẫn đến thương vong. Sự chọn lọc của Bruni thể hiện sự thờ ơ kỳ cục trong bản chất tự nhiên của ông.

Việc ông tập trung chú ý vào nỗi bất bình, “cái nằm ở hợp lưu của tính bi quan và tính ái kỷ,” rất hữu ích vì nó nhắc tất cả chúng ta – nói theo cách chơi chữ – nhớ xem lại đặc quyền của mình. Trong khi dòng người đổ vào có thể chọc giận phe cánh hữu, ở một đất nước đáng mơ ước đến nỗi người ngoại quốc đang tràn qua biên giới của chúng ta, thì tất cả chúng ta lại đang tức giận nỗi gì?

Bruni vẫn luôn là một giọng nói xoa dịu của lý trí, và thật đáng tiếc là những người cực đoan rất cần được dỗ dành để quay trở lại mục đích chung lại là những người ít khả năng đã đọc sách của ông nhất, trong khi độc giả của ông sẽ là những người đã đồng quan điểm với ông. Đáng buồn là, như thường thấy trong các cuốn sách viết về những gì khiến chúng ta đau khổ, phần yếu kém nhất, ít thỏa mãn nhất lại cho ta phương thuốc chữa lành: sự khiêm tốn.

By Lionel Shriver

Lionel Shriver’s new novel, “Mania,” was published earlier this month.

THE AGE OF GRIEVANCE | By Frank Bruni | Avid Reader Press | 269 pp. | $28

https://www.nytimes.com/2024/04/29/books/review/age-of-grievance-frank-bruni.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...