Search This Blog

Sunday, August 18, 2024

Đối với các nữ họa sĩ, thế giới tâm linh có thể là một nơi tốt đẹp hơn

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “The Other Side” (“Phía bên kia”), nhà phê bình nghệ thuật Jennifer Higgie khám phá những họa sĩ tìm ra sự thể hiện bản thân thông qua các phương tiện truyền đạt khác nhau – và qua các nhà ngoại cảm.

Bất kỳ ai đã sáng tác một tác phẩm mỹ thuật đều biết thế nào là cảm giác du hành sang một cảnh giới khác, bỏ lại thế giới phía sau và bước vào một nơi cách biệt. Họa sĩ hiện tồn nơi đó, lơ lửng và đôi khi gần như nín thở, trong trạng thái nhận thức dâng cao, vừa hồi hộp vừa đau đớn.

Hồi hộp vì, nếu tác phẩm thành công, họa sĩ sẽ khai sinh ra một thứ gì đó trước đây chưa từng có. Đau đớn vì cái từ khó chịu kia, “nếu”. Đó chính là điều khiến các họa sĩ phát điên – cùng với trạng thái cô đơn của họ khi gắng sức nắm bắt những gì họ không thể nhìn thấy và thường là không hiểu.

Họa sĩ và người thầy Hans Hofmann xác định cuộc tìm kiếm đó là cuộc tìm kiếm chính cái “bản chất tự nhiên” của họa sĩ, mà theo ông, luôn là chủ đề đích thực của mỹ thuật. “Sao người ta có thể vẽ được thứ gì khác chứ?” Mặc dù kết luận của Hofmann có thể là một định đề đối với nam giới, nhưng nó chẳng phải thế đối với nhiều nữ họa sĩ. Bị phớt lờ, nản lòng và thậm chí có khi bị cấm vẽ tranh, xuyên suốt chiều dài lịch sử những người phụ nữ khao khát thể hiện nghệ thuật thường buộc phải chuyển hóa bản chất mạnh mẽ của mình thành một thứ được coi là ít nguy hiểm hơn: thế giới tâm linh. Đó là một trong những chủ đề mà nhà phê bình Jennifer Higgie của Australia suy ngẫm trong cuốn sách hấp dẫn của bà: “The Other Side”.

Là tác giả của “The Mirror and the Palette” (“Tấm gương và bảng pha màu”), một quan điểm tinh tế mang phong cách đặc trưng về nghệ thuật chân dung tự họa của các nữ họa sĩ, Higgie khai thác các nhân vật của mình thông qua một loạt tiểu sử thu nhỏ. Một tiểu sử mà bà đưa vào cuốn sách này là của Georgiana Houghton. Họa sĩ người Anh ở thế kỷ 19 ấy đã sáng tác những tác phẩm trừu tượng đi trước thời đại đến mức bà buộc phải tự mình trưng bày chúng với điều kiện: “Đối với những ai không hiểu chủ đề, có thể cần phải giải thích rằng trong quá trình thực hiện các Bức vẽ, bà đã được những linh hồn vô hình dẫn dắt toàn diện.”


Chúng ta hãy xem người cùng thời với Houghton là Anna Mary Howitt, sự nghiệp của Howitt với vai trò một họa sĩ và họa sĩ minh họa nổi tiếng đã sụp đổ năm 1856 khi bà dám vẽ nữ hoàng Boadicea thời cổ đại đang trả thù vụ cưỡng hiếp các cô con gái của mình. Bị một nhà phê bình buộc tội là một “phụ nữ tai hại” và bị John Ruskin đầy quyền lực yêu cầu “hãy để những nhân vật đó được yên”, bà đã phá hủy tác phẩm của mình và bắt đầu vẽ những hình ảnh mà bà tuyên bố đã nhận được từ những linh hồn ở “phía bên kia”.

Mỹ thuật và văn chương đầy rẫy những phụ nữ đã né tránh những trở ngại của chế độ phụ hệ bằng cách tự nhận mình chỉ là người truyền đi những thông điệp từ thế giới bên kia. (Harriet Beecher Stowe nói rằng bà chỉ là người nhận lời phán truyền của Chúa khi viết cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu rộng về chủ nghĩa bãi nô: “Uncle Tom’s Cabin” (“Túp lều bác Tom”).

Houghton và Howitt có thể đã tham gia vào đúng cái kiểu né tránh đó khi họ chỉ ra cho thấy thế giới vô hình là nguồn cảm hứng của họ, để không bị coi là trực tiếp thể hiện bản thân. Hoặc, có lẽ, họ thực sự tin rằng đầu óc và đôi tay của họ được dẫn dắt bởi các thế lực bên ngoài. Higgie kính cẩn cân nhắc khả năng những linh hồn mà các nghệ sĩ này làm trung gian để truyền đạt là có thật – cũng thật như niềm tin tôn giáo đã truyền cảm hứng cho các nam họa sĩ qua nhiều thế kỷ.


Suy ngẫm của Higgie căn cứ vào lịch sử, bà giới thiệu với độc giả những họa sĩ, cả nam và nữ, những họa sĩ mà trong quá trình đi tìm kiếm ý nghĩa đã lạc vào chủ nghĩa tâm linh, chủ nghĩa thần bí hay thậm chí là xứ sở thần thoại của các tiên nữ. Những bước đột phá về mỹ thuật đó hầu như luôn trùng hợp với những thời kỳ có những thay đổi rất ấn tượng về xã hội, công nghiệp hoặc công nghệ, khi những câu trả lời cũ không còn là đủ và tương lai chẳng có gì là chắc chắn.

Lấy ví dụ khoảng thời gian từ năm 1840 đến năm 1870 mà tác giả xác định là thời kỳ hoàng kim của thể loại tranh cổ tích. Những thập kỷ đó chứng kiến ​​sự xuất bản cuốn “On the Origin of Species” (“Nguồn gốc các loài”) của Charles Darwin và “Communist Manifesto” (“Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”) của Karl Marx, những cuộc nổi dậy của người dân ở châu Âu chống lại những kẻ thống trị họ, một cuộc nội chiến ở Mỹ, sự cáo chung chính thức của chế độ nô lệ Mỹ và chế độ nông nô ở Nga, và sự bùng nổ của phong trào nữ quyền ở Mỹ và Anh.

Các nam họa sĩ, những người đã rút lui vào xứ sở thần tiên khi toàn bộ hiện thực đó trở nên quá tải (trong số đó có Richard Dadd điên loạn), vẫn được sưu tầm và ngưỡng mộ. Những nữ họa sĩ cùng thời với họ, đặc biệt là Amy Sawyer đã từng được trưng bày rộng rãi, hầu như đều bị lãng quên. Và tình trạng này cứ thế tiếp diễn sang thế kỷ 20.

Những nữ họa sĩ giao cảm với các linh hồn nhìn chung bị coi là những kẻ lập dị (như trường hợp Hilma af Klint), trong khi các nam họa sĩ (trường hợp giống Klint là Wassily Kandinsky) lại được tuyên bố là thiên tài.


Tuy vậy, mặt mạnh của cuốn sách mà Higgie viết nằm ở chỗ nó không chỉ đơn thuần là một chuyên luận khác về những sự bất công mà các nữ họa sĩ phải chịu đựng trong suốt chiều dài lịch sử. Câu chuyện này là về một thứ gì đó lớn hơn nhiều chứ không chỉ là sự bất bình. Có một mạch nguồn lạc quan và kỳ diệu chạy xuyên suốt văn bản. Những người phụ nữ mà Higgie miêu tả đã tạo ra nó, và họ đã làm như vậy bất chấp sự miệt thị về mặt văn hóa.

Các phong trào tâm linh truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ phần lớn là hậu duệ của những phụ nữ như Bà Helena Petrovna Blavatsky và Annie Besant. Nếu những nhân vật uy lực này cảm thấy bị thế giới vật chất chối bỏ, có lẽ họ đã tìm được nơi trú ẩn trong thế giới siêu hình, giữa những người nổi loạn có cùng chí hướng.

Xuyên suốt cuốn sách, tác giả miêu tả cuộc hành trình nghệ thuật của chính mình với tư cách là một họa sĩ và một nhà văn. Đây là một quyết định táo bạo khi đặt mình bên cạnh những người phụ nữ có tầm quan trọng lịch sử đến vậy và tôi không tin rằng quyết định đó luôn hiệu quả. Nhưng đó có thể là thiên kiến ​​của tôi với tư cách là một nhà văn thích đứng bên ngoài câu chuyện.

Chắc chắn một điều là những thành tích của Higgie sẽ gây được tiếng vang với nhiều độc giả khi bà cá nhân hóa cuộc tranh đấu liên tục của nữ họa sĩ để tìm chỗ đứng trong thế giới mỹ thuật – và cho thấy rằng thế giới khác, tồn tại bên ngoài ý thức của chúng ta tại thời điểm sáng tác, vẫn đang niềm nở đón chào.

THE OTHER SIDE: A Story of Women in Art and the Spirit World | By Jennifer Higgie | Pegasus | 312 pp. | $29.95

Mary Gabriel is the author of “Ninth Street Women: Lee Krasner, Elaine de Kooning, Grace Hartigan, Joan Mitchell, and Helen Frankenthaler, Five Painters and the Movement That Changed Modern Art” and the forthcoming ”Madonna: A Rebel Life.”

https://www.nytimes.com/2024/01/02/books/review/the-other-side-jennifer-higgie.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...