Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Đại dịch Covid-19: Anthony Fauci - kẻ tội đồ nước Mỹ

nguồn: new york times

biên dịch: takya đỗ



Anthony Fauci, vị anh hùng đối với một số người và kẻ có tội đối với nhiều người khác, vẫn luôn điềm tĩnh

Trong cuốn hồi ký "On Call " ("Sẵn sàng túc trực") cởi mở chân thành nhưng có chừng mực, vị bác sĩ này điểm lại sự nghiệp được đánh dấu khởi đầu và kết thúc bằng hai cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng: AIDS và Covid-19.

Trong cuốn hồi ký, bác sĩ Anthony Fauci thổ lộ tất thảy. Sau khi ông vô ý mở bức thư đánh máy có chứa loại bột trắng bí ẩn mà có thể là bệnh than (chữa được bằng thuốc kháng sinh Cipro), chất độc ricin (gần như chắc chắn gây tử vong theo cách nhà văn trinh thám Agatha Christie mô tả) hoặc có lẽ là loại đường làm bánh kẹo, những người mặc bộ đồ phòng độc [hazmat] đến và lệnh cho ông lột quần áo ra.

Tiếp theo việc tắm vòi sen khử trùng-khử nhiễm kiểu "Silkwood", Fauci trải qua vài giờ căng thẳng nhưng cam chịu với vợ ông Christine Grady, một y tá và nhà đạo đức y sinh học, cùng các cô con gái đã trưởng thành trước khi được xác nhận tình trạng vô nhiễm. Là người từng giúp nhiều bệnh nhân thanh thản bước sang Thế giới bên kia trong suốt sự nghiệp dài gần sáu thập kỷ của mình, ông viết: "Tôi chẳng sợ gì cái chết".

Ngoài tình tiết này ra, "On Call" là cuốn sách của tác giả mặc bộ complet nỉ xám là lượt phẳng phiu với chiếc áo choàng trắng khoác bên ngoài: câu trả lời điềm tĩnh cho những lời kêu gọi điên loạn đe dọa trừng phạt vị công chức ưu tú này. Các phần của cuốn sách này có mực thước và có phương pháp không? Chắc chắn rồi. Khoa học cũng vậy.

Ngày nay, Fauci được liên tưởng gần gũi nhất với đại dịch Covid-19, là anh hùng hay kẻ lừa đảo tùy thuộc quan điểm chính trị, dưới tác động của sự săm soi đầy giận dữ và lặp đi lặp lại đối với thông điệp của ông về khẩu trang, vaccine và lý thuyết rò-rỉ-từ-phòng-thí-nghiệm. ("Chúng ta phải giữ tâm thế cởi mở với nguồn gốc của Covid," ông viết với vẻ mệt mỏi. "Như tôi đang giữ đây.") Người ta đổ lỗi cho ông vì phải trải qua trận đại dịch tồi tệ, như thể ông là bồi bàn đã phục vụ món ăn tồi tệ cho họ và có thể đang che giấu những gì diễn ra trong bếp.

Rất nhẹ nhàng, "On Call" nhắc chúng ta nhớ rằng Fauci giám sát toàn bộ các loại dịch bệnh từ AIDS đến Zika, trên cương vị giám đốc lâu năm của Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia (NIAID) ở Washington, D.C., ông đã cứu sống hàng triệu sinh mạng trên khắp thế giới trước khi từ chức hồi năm 2022.

Ông lướt nhanh qua lý lịch đầu đời của mình. Ra đời đêm Giáng sinh năm 1940, trong một gia đình Italy nhập cư thế hệ đầu tiên sống ở Bensonhurst, với người chị gái lớn hơn mình ba tuổi, Fauci hồi tưởng lại âm thanh "cực kỳ êm dịu" của tiếng còi báo sương mù ở Vịnh Gravesend và mẹ ông đang khóc trước những bức ảnh đám mây hình nấm trên trang nhất tờ New York Daily News sau vụ thả bom ở Hiroshima và Nagasaki.

Cha ông là dược sĩ làm việc nhiều giờ mỗi ngày; là một học sinh loại xuất sắc nhất, Anthony thỉnh thoảng vẫn đi giao thuốc kê đơn cho cha bằng chiếc xe đạp Schwinn của mình. Ông được nhận vào Regis, trường trung học ưu tú của Dòng Tên ở Manhattan, nơi ông là đội trưởng đội bóng rổ đại diện của trường dù chỉ cao tầm 1m70, và Đại học Holy Cross, nơi ông học tiếng Hy Lạp cổ điển và dành những kỳ nghỉ hè để chữa trị cho một tốp công nhân xây dựng.

Đến trang 21, mẹ ông qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 56 và Fauci đã tốt nghiệp thủ khoa tại Trường Y Cornell. Có vài nét thoáng qua về cuộc đời của ông khi còn là một bác sĩ trẻ: người thầy mời ông món cua lột chiên trên bếp Bunsen và lần ông chữa trị cho một người biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam bị xịt hơi cay vào mắt.

Song câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi Fauci, sau một thập kỷ làm việc trực tiếp tại NIAID, đọc tin về đợt bùng phát bệnh viêm phổi do loại nấm pneumocystis ở những người đồng tính nam tại California và New York. Sự lo lắng ngày càng tăng của ông với loại virus lây lan nhanh chóng và gây suy giảm miễn dịch ở người một cách thảm khốc đã góp phần phá hoại cuộc hôn nhân đầu tiên ngắn ngủi của ông, và năm 1984 ông được bổ nhiệm lãnh đạo NIAID.

Cuốn "On Call" hàm chứa nhiều lời tri ân, không chỉ gửi tới những người bạn và đồng nghiệp đáng kính mà còn tới những bệnh nhân như Ron Rinaldi, người bị mù sau khi nhiễm cytomegalovirus "theo đúng nghĩa đen đã nghiền nát các yếu tố thị giác quan trọng trong võng mạc của anh này kể từ lúc chúng tôi thực hiện vòng thăm khám buổi sáng cho đến lúc chúng tôi bước vào phòng bệnh tối hôm đó". Bất kể sự giúp đỡ của cộng tác viên Linda Kulman, những câu chuyện kiểu này có phần bị nhạt nhẽo đi bởi văn phong quan liêu như "đẩy ra ngoài giới hạn", "phải ăn món pudding mới biết ngon hay dở" và vân vân. Bạn hồ như ước chi các nữ tu dạy ở trường tiểu học của Fauci, những người "đã cho tôi trải nghiệm yêu cho roi cho vọt", đứng bên ông với một cây thước.



Nhưng câu chuyện sắc nhạy hơn khi Fauci đối đầu một chọi một với những đối thủ đáng gờm, như ông đang chơi ở vị trí hậu vệ dẫn bóng trên sân bóng rổ.

Thời đại dịch AIDS bùng phát, chính nhà văn và nhà hoạt động xã hội Larry Kramer trong bức thư ngỏ gửi tờ The San Francisco Examiner đã gọi ông là "kẻ sát nhân" vì không bắt tay vào nghiên cứu bệnh dịch này đủ nhanh. Sự việc này té ra cũng là một loại đường làm bánh kẹo. Cùng lúc với việc họ đấu khẩu trên các phương tiện truyền thông, hai người đàn ông này bắt đầu hình thành một mối quan hệ riêng tư và "hồi tưởng như hai chiến binh lúc về già" khi cùng nhau ăn tối tại căn hộ của Kramer. Fauci đã giúp một diễn viên chuẩn bị đóng vai một phiên bản hầu như không che giấu điều gì của chính ông trong vở kịch năm 1992 "The Destiny of Me" ("Số phận của tôi") của Kramer và rốt cuộc ông đã trông nom ca ghép gan của Kramer. Theo lời ông kể, trong cuộc trò chuyện điện thoại cuối cùng giữa hai người, họ đã trao đổi những lời đầy nước mắt "Tôi yêu mến anh".

Thật kỳ lạ, sự giằng co giữa hai thái cực của ông Kramer nóng nảy đối với ông Fauci điềm tĩnh hơn là điềm báo về sự giằng co giữa hai thái cực của Donald Trump. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, tổng thống sẽ nói với vị bác sĩ này rằng ông ta "yêu mến" bác sĩ, rồi sau đó hăm dọa vị bác sĩ trên Twitter nếu thị trường chứng khoán không nhanh chóng đảo chiều một cách thích đáng sau những tin tức đáng khích lệ. Nói về cái chính quyền hỗn loạn này, mà những người ủng hộ nó đã lăng mạ ông, Fauci rất dè dặt. (Về Jared Kushner: "rất nhiều mặt tích cực", bao gồm cả "biết lẽ phải trái", dù tay con rể này của tổng thống "chẳng mấy hiểu biết về các bệnh truyền nhiễm và không phải lúc nào anh ta cũng hiểu đúng mọi vấn đề.")

Fauci cũng dè dặt không kém khi nói về Barack Obama, người mà ông cũng có khoảnh khắc "Tôi yêu mến bạn, bạn hiền ơi". Nếu có một chiếc khẩu trang KN95 bảo vệ khỏi chính trị đảng phái, Fauci sẽ đeo nó. Cảm giác nồng ấm nhất trong "On Call" diễn ra khi George W. Bush ký Kế hoạch khẩn cấp về cứu trợ bệnh AIDS (Pepfar) của Tổng thống năm 2003.

Trong khoảng thời gian đó, nữ diễn viên Bo Derek xuất hiện ở Cánh Tây [Nhà Trắng], "trông cô lộng lẫy như trong phân cảnh đáng nhớ nhất của bộ phim '10' khi cô và Dudley Moore đang chạy đến với nhau trên bãi biển". Fauci rất vui khi gặp cô: "Nhà Trắng luôn đầy những điều bất ngờ!"

Không giống như nhiều người đã trải qua giai đoạn đó, Fauci đã giành được quyền chạy vòng ăn mừng của người chiến thắng. Ông dễ dàng vượt qua những rào cản do những kẻ gièm pha dựng lên; mắt ông luôn chăm chú vào vạch đích mà không để ý gì đến sự náo động trên khán đài.

ON CALL: A Doctor's Journey in Public Service | Anthony Fauci, M.D. | Viking | 480 pp. | $36

Alexandra Jacobs is a Times book critic and occasional features writer. She joined The Times in 2010. More about Alexandra Jacobs.

https://www.nytimes.com/2024/06/18/books/review/on-call-anthony-fauci.html

Nghệ thuật đã mai một của việc chuyển lậu xác ướp

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ

Trong cuốn “Women in the Valley of the Kings” (“Những phụ nữ trong Thung lũng Các vị vua”), Kathleen Sheppard đưa chúng ta đến với một nhóm các nhà khảo cổ học ở thế kỷ 19, những người đã khiến lĩnh vực này đổi thay vĩnh viễn.



Marianne Brocklehurst (ảnh trái) và Amelia B. Edwards đã ghi lại chi tiết những cuộc thám hiểm khảo cổ của họ ở Ai Cập.

Giả dụ bây giờ đang là năm 1873. Bạn là một phụ nữ Anh quốc can đảm đi thuyền trên sông Nile tìm kiếm cuộc phiêu lưu và lịch sử và những món đồ lưu niệm. Bạn đã lén đưa một chiếc quan tài đá sơn màu sắc lên thuyền. Bạn mở nắp quan tài, dỡ vải liệm người nằm bên trong và chiêm ngưỡng thứ mà bạn tuyên bố là “vật thể mang tính lễ hội và hoàn toàn không phải một người ăn mặc lỗi thời già nua tang tóc”.


Ngày hôm sau, khoang thuyền bốc mùi xác ướp và giới chức hải quan sẵn sàng tịch thu vật mà bạn tìm được, bạn có hai lựa chọn: vứt xác ướp ấy xuống sông hoặc gói ghém lại và hy vọng không ai hỏi về cái mùi đó.

Đó chính là tình huống mà nhà thám hiểm Marianne Brocklehurs đã phải đương đầu, câu chuyện của bà được kể trong “Women in the Valley of the Kings” của Kathleen Sheppard, cuốn truyện lịch sử mới về Ai Cập học ưu tiên những phụ nữ mà những đóng góp của họ, vì mục đích tốt và mục đích khác, đã định hình lĩnh vực này. Trong khi đàn ông mở những ngôi mộ và được chú ý rầm rộ, chính những phụ nữ như Brocklehurst, Emma Andrews, Margaret Alice Murray và Caroline Ransom Williams – những người thường xuyên tài trợ cho các chuyến thám hiểm của những người đàn ông đó – mới là những người tổ chức các cuộc khai quật của họ, lần theo dấu vết và lập danh mục những gì mà họ tìm được. Sheppard gọi những người phụ nữ này là “những trụ cột để các đấng nam nhi anh hùng của nền Ai Cập học phương Tây đứng trên đó”.

Không che đậy sự “phá hoại và cướp bóc” gắn liền với công trình của họ, chị đồng thời tôn vinh các nhân vật chủ đề của mình như những nhà tiên phong. Những truyện lịch sử khác có thể khẳng định rằng “đàn ông chịu lấm láp, làm những chuyến phiêu lưu mạo hiểm và khai quật cổ vật” trong khi phụ nữ làm những công việc nhàm chán. Sheppard lập luận ngược lại.

Nhân vật anh hùng đầu tiên của chị là Amelia B. Edwards – người từng có lần đồng hành cùng Brocklehurst – bà đã biến chuyến đi năm 1873 của mình thành cuốn cẩm nang du lịch bán chạy nhất có tên “A Thousand Miles Up the Nile” (“Ngàn dặm ngược Sông Nile”) và sáng lập tổ chức phi lợi nhuận hiện được gọi là Hiệp hội Thám hiểm Ai Cập. Bà tài trợ cho các chuyến thám hiểm do Flinders Petrie chỉ huy, người mà bà đánh giá cao vì khả năng khai quật cẩn thận nhẹ nhàng và tính tiết kiệm của ông ta.

Trong các chuyến thuyết trình ở Mỹ, bà yêu cầu mức phí chỉ đứng sau mức phí của Charles Dickens, và bà đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ các nhà Ai Cập học tương lai vào cái thời mà, theo lời Sheppard, nếu “ai đó có thời gian du hành và có tiền để hỗ trợ các cuộc khai quật hoặc mua cổ vật, hoặc cả hai, chừng đó là đủ để biến họ thành một nhà khảo cổ học tại thời điểm này trong lịch sử khảo cổ học ở Ai Cập”.

Edwards còn là người đồng tính nữ. Ở Anh quốc, bà chung sống với và chăm sóc Ellen Braysher, một người phụ nữ lớn tuổi mà bà đã yêu bằng tình yêu sâu đậm. Trong một chuyến đi Ai Cập, bà đi cùng Lucy Renshaw, người có bộ ngực mà bà miêu tả trong một bài thơ là “hai bông hoa song sinh” mà “tôi sẽ bán rẻ linh hồn mình chỉ để hôn”. Nhiều phụ nữ trong cuốn sách này là đồng tính nữ, và Sheppard nói rõ ra rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những chuyến phiêu lưu ra nước ngoài luôn hấp dẫn những người bị hạn chế ở nhà, và trong thời đại mà mọi phụ nữ du hành đây đó đều cần phải có người đồng hành, thì những người phụ nữ đồng tính được thoải mái tự do một cách đặc biệt.

“Những mối quan hệ đồng giới lâu bền này thường là điều cần thiết để phụ nữ tham gia vào lĩnh vực đó,” Sheppard viết. “Hai người phụ nữ giàu, có học thức có thể làm việc mà không cần đến một người đàn ông trong thời kỳ mà phụ nữ hầu như không thể một mình làm việc đó”.

Sheppard đã cưỡng lại sự cám dỗ trình bày cuốn truyện lịch sử này như một chiến thắng đơn giản về nữ quyền. Công trình mà những phụ nữ này giúp thực hiện thường có tính chất phá hoại, thậm chí là mang tính tội phạm và được hỗ trợ bởi một cấu trúc thực dân ràng buộc hàng triệu người vào một hệ thống tôn ti cứng nhắc về giai cấp, giới tính và chủng tộc. Nhưng khi đọc câu chuyện về Edwards, đặc biệt là khi đọc cùng cuốn “A Thousand Miles Up the Nile,” ta sẽ thấy phơi bày ra một khía cạnh rất cám dỗ của chủ nghĩa thực dân vẫn còn hấp dẫn một cách khủng khiếp cho đến tận bây giờ.

Đọc câu chuyện Edwards kể lại về lần đầu tiên bà được nhìn cận cảnh thành phố cổ Giza, ta chẳng thể không cảm thấy niềm vui của một người phụ nữ đồng tính khẳng định được vị trí của mình trên thế giới: “Khi cuối cùng cũng đã đến được rìa sa mạc và và leo lên cồn cát dài, và lên tới thềm đá, và kim tự tháp vĩ đại với tất cả những tòa tháp đồ sộ và uy nghi đến kinh ngạc của nó sát gần nhau trên đầu ta, hiệu ứng đó vừa đột ngột vừa choáng ngợp. Nó che khuất bầu trời và đường chân trời. Nó che khuất tất cả các kim tự tháp khác. Nó loại trừ mọi thứ ngoài cảm giác kính sợ và kinh ngạc ra.”

Song sự kính sợ và kinh ngạc đó luôn phải bị giảm bớt bởi thực tại xấu xa. Sau này Edwards kể về chuyến đi băng qua một hiện trường có nhiều ngôi mộ đã bị cướp bóc, và cái cách tất cả các du khách châu Âu nhanh chóng chuyển từ trạng thái căm phẫn sang háo hức ra sao.

“Thoạt đầu bị sốc, họ kinh hoàng lên án toàn bộ hệ thống khai quật lăng mộ, hợp pháp cũng như cướp bóc; thế nhưng, dần tiêm nhiễm sự thích thú đối với những đồ trang sức hình bọ hung và những bức tượng nhỏ dùng trong tang lễ, chẳng mấy chốc họ bắt đầu háo hức mua những đồ vật khai quật được từ người chết; cuối cùng, họ quên hết những đắn đo ngại ngùng trước đó và chẳng cầu mong gì may mắn hơn là phát hiện và chiếm lấy một ngôi mộ cho chính họ.”

Đối với Brocklehurst và xác ướp của bà, như Edwards viết, “vì không thể chịu đựng được mùi dầu thơm đó của người Ai Cập cổ đại”, Brocklehurst “đã nhấn chìm người chết rất quý giá đó xuống sông Nile”.

Song Sheppard lại kể một câu chuyện khác. Xác ướp đó, sau này được nhận dạng là một cô gái có tên là Sheb-nut, đã được chuyển lậu ra khỏi Ai Cập và ngược về Anh quốc. Nếu muốn, bạn có thể đến nơi đó thăm cô ta – trong một viện bảo tàng.

WOMEN IN THE VALLEY OF THE KINGS: The Untold Story of Women Egyptologists in the Gilded Age | By Kathleen Sheppard | St. Martin’s | 307 pp. | $30

The Lost Art of Mummy Smuggling

https://www.nytimes.com/2024/07/17/books/review/kathleen-sheppard-women-in-the-valley-of-the-kings.html

Nhìn nhận sự thật về truyền hình thực tế trong “Cue the Sun!”

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Một bức hình minh họa thể hiện một con mắt ngoại cỡ với một màn hình TV nhỏ nằm trong đồng tử. Năm con ruồi lớn đang vo ve quanh mắt; toàn bộ cảnh này được đặt trên nền màu hồng.

Thay vì than vãn về thể loại gây chia rẽ nhất của văn hóa đại chúng, Emily Nussbaum dành thời gian với các nhà sáng tạo, các ngôi sao và những nạn nhân của nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để thu hút sự chú ý.

Có những lúc câu chuyện khởi nguyên đầy nhiệt huyết và được kể một cách tinh tế của Emily Nussbaum với tiêu đề “Cue the Sun! The Invention of Reality TV” (“Thắp mặt trời lên! Sự phát minh của truyền hình thực tế”) cho cảm giác giống như con ngựa thành Troy.

Phân tích sâu rộng của chị khởi đầu bằng một vấn đề đơn giản: một luận cứ giải thích vì sao một thể loại bao gồm các loạt chương trình như “The Dating Game” (“Trò chơi hẹn hò”) và “Alien Autopsy” (“Khám nghiệm tử thi người ngoài hành tinh”) trước hết phải xứng đáng có một câu chuyện lịch sử dài cả cuốn sách.

Đối với Nussbaum, những thuật ngữ chuyên ngành như “loạt chương trình không có kịch bản” không hẳn đã bao hàm toàn bộ nền tảng văn hóa đại chúng mà các chương trình này lướt qua. Thay vì chúng, chị quyết định chọn cụm từ “phim tài liệu thô tục” để bao quát một phạm vi rộng, trong khi mô tả quá trình lịch sử mở đầu bằng chương trình chơi khăm “Candid Camera” (“Góc quay tự nhiên”) tiên phong hồi thập niên 1940, tiến triển thành những loạt phim truyền hình chế nhạo như “The Gong Show” (“Chương trình Chiếc cồng”) và “America’s Funniest Home Videos” (“Những Video Gia đình Hài hước nhất nước Mỹ”) và cuối cùng bùng nổ thành những chương trình truyền hình cực kỳ thành công ngày nay như “Survivor” (“Kẻ sống sót”), “Big Brother” (“Anh Lớn”) và “The Bachelor” (“Chàng độc thân”).

Với lối văn xuôi chắc nịch và con mắt tinh tường chú ý đến từng chi tiết, Nussbaum, cây bút chuyên viết cho tạp chí The New Yorker, tóm lược cách những chương trình như vậy hợp nhất nghệ thuật cao cấp và thấp cấp thành thứ hỗn tạp có sức thuyết phục mạnh mẽ, từ những loạt chương trình dài tập sến súa về “đời sống thực tế của người nổi tiếng” đến các thử nghiệm tâm lý xã hội tổng quan nhằm khám phá tình cảm lãng mạn, sự cạnh tranh và đạo đức. Bí quyết làm tăng sự thích thú của những chương trình này: đặt mọi người vào những tình huống giả tạo để kích động hành vi mang tính giải trí, ăn khách, phơi bày – thường do xung đột hoặc luống cuống.

Nussbaum viết: “Chính là việc làm phim điện ảnh sự thật [cinéma vérité] bị làm loãng đi với các thành phần độc hại vì mục đích thương mại, như nạn ma túy đường phố, nhằm giảm giá thành và tăng cường hiệu ứng”. Kết quả là “một cái nhìn liếc sắc như dao vào tính dễ bị tổn thương của con người, phá vỡ những điều cấm kỵ về những gì ta được phép nói hoặc nhìn”.

Cuốn sách kết thúc bằng một trong những người kiên trì phá vỡ quy tắc nhất nước Mỹ là Donald Trump, nó ghi lại chi tiết cách nhà sáng tạo và nhà sản xuất điều hành Mark Burnett đã dàn dựng chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” (“Nhân viên tập sự”) của NBC thành một thành công giúp đánh bóng tên tuổi của nhà tài phiệt ăn chơi nức tiếng đó, dẫn đến “kết quả tai hại nhất kia”.

“Chọn một nhà tài phiệt bị phá sản đang nợ nần chồng chất và quá rủi ro để hầu hết mọi ngân hàng không thể cho vay”, Nussbaum viết, “một kẻ ngu dốt thô thiển, bốc đồng, đầy thành kiến, đã phá sản nhiều lần, một kẻ săn mồi tình dục táo tợn đến mức công khai quấy rối phụ nữ trong chương trình của mình, rồi tìm cách khiến ông ta có mẽ ngoài đủ hấp dẫn để được bầu làm tổng thống Mỹ? Đó chính là một cuộc đảo chính, cho dù không ai có thể khoe khoang về điều đó”.

Song “Cue the Sun!” không chỉ thách thức những nhà phê bình bảo thủ về mặt đạo đức, những người quá thường xuyên mắc kẹt giữa việc cư xử như những kẻ hay chỉ trích thiếu hài hước và việc bác bỏ tầm quan trọng của thể loại này một cách bất công. Được củng cố bằng trên 300 cuộc phỏng vấn, Nussbaum miêu tả truyền hình thực tế qua con mắt của những người đã biến nó thành hiện thực, đồng thời đưa ra những lý giải sắc sảo rằng những chương trình như vậy có thể mang tính bóc lột và nguy hiểm đến thế nào – từ việc công khai chỉ trích “sự phân biệt giới tính đến tận xương tủy” trên chương trình “The Bachelor” cho đến việc lưu ý cách nhà sản xuất của chương trình “Survivor” lo sợ rằng họ vô tình cho dàn diễn viên ăn những loại ký sinh trùng có thể gây chết người trong một cuộc thi ăn ấu trùng.


Câu chuyện thu hút sự chú ý nhất chắc hẳn là câu chuyện của Bill Pruitt, nhà cựu sản xuất của chương trình “The Apprentice”, người nói rằng Trump đã dùng lời bóng gió xúc phạm chủng tộc khi đề cập đến Kwame Jackson, người da đen trong số hai người lọt vào vòng chung kết trong mùa đầu tiên của chương trình. (Pruitt mới viết về vụ việc này cho tạp chí Slate cách đây không lâu.) Người phát ngôn của Trump phủ nhận câu chuyện đó, và cuốn sách này trích lời những người khác cho biết họ chưa bao giờ nghe thấy lời bóng gió xúc phạm đó. Rốt cuộc Bill Rancic, một người da trắng ở Chicago, đã được chọn làm người chiến thắng.

Chúng ta cũng gặp những ông bầu ở hậu trường có sức ảnh hưởng lớn như cặp vợ chồng nhà làm phim Alan và Susan Raymond – những người tận tâm với kỹ thuật điện ảnh sự thật đã thúc đẩy loạt phim mang tính đột phá của đài truyền hình PBS năm 1973 “An American Family” (“Một gia đình kiểu Mỹ”) — và nhà sản xuất tham vọng và quyết tâm đầy hoan hỉ[S13] Mike Darnell, người quan sát sự bùng nổ của truyền hình thực tế trên mạng lưới truyền hình Fox với các chương trình bao gồm “World’s Scariest Police Chases” (“Những cuộc săn đuổi đáng sợ nhất của cảnh sát trên thế giới”), “American Idol” (“Thần tượng của nước Mỹ”) và “Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?” (“Ai muốn cưới một đại triệu phú?”) (đó là còn chưa kể đến phần tiếp theo “Joe Millionaire”(“Joe triệu phú”) gần như là bản nhái lại của chương trình này).

Miệt mài nhiều năm trời, Nussbaum chớp được các cuộc phỏng vấn với những nhân vật rất có ảnh hưởng mà sau đó đã qua đời, như John Langley nhà đồng sáng tạo ra chương trình “Cops” (“Cớm”), và Pat Loud, người vợ và người mẹ đóng vai chính trong loạt phim tư liệu “An American Family”. Chị cũng lôi kéo được những người quan trọng, những người ít khi trả lời những cuộc phỏng vấn sâu, chẳng hạn như nhà sáng tạo chương trình “The Bachelor” Mike Fleiss, người coi sự thăng hạng của Trump sau chương trình “The Apprentice” là một vết nhơ cho thể loại này.

“Tất cả những thứ như thế nói về sự suy tàn của nền văn minh phương Tây và dấu hiệu của ngày tận thế ư?” Fleiss nói. “Hóa ra đúng là thế đó.”

Song Nussbaum khám phá ra bằng cách nào những lựa chọn tàn nhẫn và nhu cầu ngày càng tăng nhằm cung cấp những khoảnh khắc mới lạ và hấp dẫn đã ngày càng định hình những gì kết thúc bằng cách lên sóng. Đội ngũ làm chương trình “The Bachelor” đã khai thác những vấn đề sức khỏe tâm thần của những người dự thi yếu đuối. (“Thiếu tự chủ và xinh đẹp ư? Đó là vàng đấy,” một giám đốc tuyển chọn diễn viên reo lên.) Harvey Weinstein đã sử dụng chương trình truyền hình thực tế “Project Runway” làm “nơi săn lùng” các nạn nhân bị quấy rối. Ba trong số các chuyên gia ban đầu của “Queer Eye for the Straight Guy” (“Gu làm đẹp của trai cong dành cho chàng trai thẳng”) đã không hoàn toàn công khai mình là người đồng tính với gia đình của họ trước khi chương trình ra mắt lần đầu.

Một lĩnh vực mà Nussbaum đề cập đến một cách dè dặt là mối quan hệ thất thường của truyền hình thực tế với vấn đề chủng tộc. Chị có đề cập đến những vấn đề mà các diễn viên không phải người da trắng phải đối mặt trong một số chương trình, gồm cả “Survivor” và “The Real World” (“Thế giới thực”), nhưng hiếm khi chi tiết, là điều khiến ta thất vọng. Và bằng việc thực sự kết thúc với thời gian của Trump trên “The Apprentice”, quãng thời gian kết thúc sau khi ông ta thông báo về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2015, cuốn sách bỏ qua việc người dẫn chương trình “The Bachelor” là Chris Harrison rời khỏi chương trình này năm 2021, cũng như thông tin cụ thể về động thái từ chức của Fleiss từ loạt chương trình này hai năm sau đó, sau cuộc điều tra nội bộ về “cáo buộc phân biệt chủng tộc”.

Nussbaum đoạt giải thưởng Pulitzer với tư cách là nhà phê bình các chương trình truyền hình của tạp chí The New Yorker năm 2016; ở cuốn sách này, chị kết hợp chặt chẽ tài năng của mình một cách tài tình vào những phân tích sắc bén và phóng sự mang tính tiết lộ, dù vẫn không hào hứng với việc rút ra kết luận chính thức về tác động tối hậu của thể loại này.

Là người theo dõi để đưa tin về truyền hình thực tế từ cuối thập niên 1990, tôi thấu hiểu rằng giữ cân bằng giữa sự tôn trọng tính đại chúng của nó với việc nói ra sự thật cực-kỳ-cần-thiết về tác động độc hại của nó đối với truyền thông, chính trị và xã hội là điều khó khăn đến mức nào. Nussbaum đã khéo léo cân bằng giữa hai thứ đó, tạo ra một cuốn sách có thể tiếp cận một cách tốt nhất với những người yêu thích truyền hình thực tế và có thể bị thế chỗ bởi một cuốn sách phê phán gay gắt hơn.

Ở một đoạn văn, chị lưu ý rằng rất nhiều người hâm mộ từ lâu đã chấp nhận rằng những gì họ xem trên các chương trình này có thể là bịa đặt. “Đối với những khán giả này, không còn nghi ngờ gì nữa – mọi băn khoăn về kiểu truyền thông này đã biến mất từ lâu rồi,” chị kết luận. “Chương trình thực tế thành công nhất có tất cả mọi thứ tốt đẹp hay ho: ánh chớp lóe kích thích của cái có thật, được lồng khung vào ánh lấp lánh đen tối của cái giả tạo, giống như chút xíu muối trong chocolate đen. Chẳng có mùi vị nào khó cưỡng lại hơn.”

Tiêu đề cuốn sách được lấy từ “The Truman Show” (“Chương trình truyền hình về Truman”), bộ phim ra mắt năm 1998 với sự tham gia của Jim Carrey trong vai một người đàn ông sống trong một chương trình truyền hình mà không hề hay biết; nhà sáng tạo chương trình hét “thắp mặt trời lên” để bật đèn trong thế giới do anh ta ngụy tạo. Cuốn sách của Nussbaum khéo léo vạch ra cách thức các phiên bản đời-thực của chương trình Truman ảnh hưởng đến tiến trình truyền hình và xã hội như thế nào. Trong quá trình đó, tất cả chúng ta bị buộc phải đối mặt với cả sức lôi cuốn lẫn những cái bóng dài đổ xuống từ ánh sáng lóa mắt của chúng.

CUE THE SUN!: The Invention of Reality TV | By Emily Nussbaum | Random House | 464 pp. | $30
_____
From The New York Times:

Getting Real About Reality TV in ‘Cue the Sun!’

Rather than bemoan pop culture’s most divisive genre, Emily Nussbaum spends time with the creators, the stars and the victims of the decades-long effort to generate buzz.

https://www.nytimes.com/2024/06/26/books/review/cue-the-sun-reality-tv-emily-nussbaum.html

Ian McEwan tái xuất với câu chuyện về lòng ham muốn mãnh liệt của tuổi mới lớn và sự mệt mỏi của tuổi trưởng thành

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “Lessons” (“Những bài học”), nhân vật chính bị giáo viên piano của mình cám dỗ khi mới 14 tuổi, rồi bị vợ bỏ rơi trong lúc anh ta thờ ơ quan sát câu chuyện dần mở ra. Những sự kiện này có liên quan với nhau không?

Không ai giỏi hơn Ian McEwan khi viết về sự suy thoái xã hội, sự hạ nhục và sự xuất tinh – và cả các chủ đề khác nữa. Ông chuyên viết về đời sống tinh thần của một típ người cá biệt, đặc hữu về văn hóa: người đàn ông Anh quốc tầng lớp trung lưu thời nay. Các nhân vật của ông đôi khi phóng đãng, thường là gay gắt và luôn là con người trần tục.

Cuốn “Lessons” mở đầu bằng một mẫu người như thế. Roland Baines cùng cha mẹ từ Libya đến London hồi cuối mùa hè năm 1959. Cha Roland là người của quân đội Anh quốc ở Bắc Phi; mẹ cậu làm việc cho Tổ chức Thanh niên Toàn cầu (YMCA) tại Tripoli. Roland lúc bấy giờ 11 tuổi và đã đến lúc cậu bé được giáo dục thỏa đáng: tiếng Latin, tiếng Pháp, bóng gậy, bóng bầu dục, piano. Người dạy piano của cậu là cô Miriam Cornell luôn tỏa ra mùi nước hoa hồng, một kẻ gần như bạo dâm thường véo đùi Roland khi cậu nện mạnh một khúc nhạc của Bach. Sau đó, cô ta đặt một cái hôn lên miệng cậu và mời cậu – đúng hơn là lệnh cho cậu – đến thăm cô ta tại nhà trong kỳ nghỉ tiếp theo ở trường học.

Cậu đã không đi thăm cô ta cho đến ít lâu sau, khi cậu 14 tuổi và Miriam 25 tuổi. Một nỗi ám ảnh tình dục tương liên đã khởi phát. Giao cấu với Roland là biểu hiện kinh tởm nhất nhưng không phải là duy nhất cho thấy tính quái đản của Miriam. Cô ta cất quần áo và tiền của cậu bé trong nhà kho và khóa lại, đồng thời giữ cậu như con tin. Một tối nọ vào bữa ăn, cô ta đẩy nhẹ một chiếc phong bì qua bàn, trong đó là giấy tờ kết hôn. Đó không phải là một lời cầu hôn mà là một mệnh lệnh: Roland phải có mặt tại phòng hộ tịch, bút trong tay và tuân lệnh cô ta.

Sau vô số những giọt nước cuối cùng có khả năng làm tràn ly, lời tuyên bố hôn nhân đã hoàn thành nốt việc đó. Roland bắt đầu hiểu ra rằng Miriam là một kẻ điên, và rằng cái hương vị điên khùng của cô ta không phải là loại có thể rắc lên cuộc đời anh như một hương vị làm tăng niềm thích thú mà là loại dẫn thẳng đến sự bần cùng nhơ nhớp và tuyệt vọng.

Một trong những cái tài của McEwan là hòa trộn sự đáng yêu với sự ô trọc. Hầu hết những hình ảnh đáng yêu-ô trọc mà tôi những muốn trích dẫn đều không thể đăng được ở đây, nhưng tôi muốn chỉ dẫn cho độc giả tới một cảnh trong cuốn tiểu thuyết ngắn “On Chesil Beach” (“Trên bãi biển Chesil”) của ông có liên quan đến cụm từ “anh ta trút hết mình lên cô tung tóe” hoặc toàn bộ cuốn The Cement Garden” (“Khu vườn hàn gắn”) hay phần lớn cuốn “Nutshell” (“Lớp vỏ cứng”), trong đó tác giả tái hiện “Hamlet” dưới góc nhìn của một đứa bé nằm trong bụng mẹ. McEwan có thể khiến độc giả cảm thấy như thể họ đang cúi xuống để ngửi một bông hồng và thay vì thế lại phải ngửi mùi nước cống cũ.


Xen kẽ với những phân cảnh về Miriam là những tiết đoạn diễn ra xuyên suốt tương lai của Roland, khởi đầu từ năm 1986. Miriam đã ra đi. Roland đã lấy Alissa, một phụ nữ người Đức, cô nàng biến mất ngay sau khi đứa con trai của họ chào đời. Việc biến mất này là có chủ ý; bức thư trên gối của Alissa bảo cho Roland biết đừng đi tìm cô: “Em ổn. Đó không phải lỗi của anh. Em yêu anh nhưng điều này là vì anh. Cho đến nay em vẫn đang sống một cuộc đời sai lầm.” Cô để lại bộ chìa khóa nhà trên giường.

Roland bước vào trạng thái tự động hóa. Anh chăm sóc đứa bé, ăn, ngủ, mua sắm và dọn dẹp. Những tấm bưu thiếp Alissa gửi đã đến. Việc làm mẹ, cô ta nói với chồng, “đã có thể nhấn chìm em”. (Cụm từ “đã có thể” thể hiện sự thông minh của Alissa; nhờ một xảo thuật ngữ pháp, việc chạy trốn của cô nàng được diễn giải vừa trọn vẹn vừa không thể tránh khỏi.) Nhiều năm sau, Roland tình cờ chạm mặt người vợ ghẻ lạnh của mình trong một quán cà phê và biết rằng cô nàng đã có một cuốn tiểu thuyết được chấp nhận để xuất bản. Cô ta đưa cho anh một bản. Giá mà cuốn tiểu thuyết đó dở tệ, thì Roland có lẽ đã tận hưởng niềm vui nhỏ nhoi là được khinh rẻ. Thật không may, nó lại xuất sắc. Người đàn ông tội nghiệp ấy đã bị văn chương ... cắm sừng. Ngay sau khi xuất bản cuốn sách, Alissa được so sánh với Nabokov và Tolstoy. Là một nhà văn Đức, cô nàng có vị trí cao hơn cả Günter Grass; cô ta “vĩ đại gần bằng Mann”.

Roland chưa bao giờ đoán trước được sẽ xảy ra điều đó. Trái đất vô khối thiên tài thầm lặng; tình trạng được số đông công nhận là tình trạng rất hay thay đổi. Nhưng hầu hết các thiên tài ẩn dật – và nếu may mắn bạn đã gặp được một người như thế! – ít nhất cũng khiến những người biết họ phải kính nể. Vậy việc Roland kết hôn với một trí tuệ phi thường mà không hề hay biết nói lên điều gì? Phải chăng đó là một khiếm khuyết về thẩm mỹ? Một trọng tội về hôn nhân? Hay đơn giản chỉ là một bản cáo trạng về sự tầm thường của anh?

Việc McEwan sử dụng những sự kiện có tính toàn cầu trong tiểu thuyết của mình có khuynh hướng phán đoán sáng suốt và phát lộ. Ông rải rắc lên trên nhân vật Roland quá nhiều những cái tên và ngày tháng: thảm họa Chernobyl, Hitler, Nasser, Khrushchev, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Bắc Ireland, các quốc gia vùng Balkan, Bill Clinton, Tony Blair, John Major, Đạo luật Tự do Thông tin, Ngày 11/9, vụ bê bối Enron, Karl Rove, Gordon Brown, Nigel Farage, đại dịch Covid.

Tất cả những nhân vật và sự kiện này đóng vai trò như lời nhắc nhở rằng lịch sử đang diễn ra. Và trên thực tế, có thể một số độc giả cần đến lời nhắc nhở đó. Nhưng Roland thụ động đến mức người ta có cảm giác rằng anh vẫn là con người như vậy ở bất kỳ thế kỷ nào khác, chỉ khác ở kiểu đầu tóc mà thôi. Về mọi phương diện, anh là người nhận về mà không phải người cho đi – những tấm séc, thư từ, cuộc điện thoại, chuyện tâm sự, lời khuyên, chỉ bảo, mệnh lệnh. Khi không có nhiều miêu tả về thể chất, ta dễ hình dung Roland như một người lai kiểu thần thoại giữa con người và chiếc xe đẩy hàng: một chiếc giỏ lớn đựng hàng trên những bánh xe được đôi tay vô hình đẩy qua đường đời.

Các nhà phê bình nhận xét rằng McEwan thích chia thời gian thành các tiết đoạn “trước” và “sau” bằng cách xây dựng các cốt truyện của mình xung quanh một sự kiện mang tính quyết định. Trong cuốn sách này, ông tế nhị chuyển giao nhiệm vụ đó cho Roland, người luôn vật lộn để nhận ra bước ngoặt của chính mình. Sự thụ động đó, nói thí dụ, phải chăng là kết quả của việc Miriam xen vào đời anh quá sớm? Phải chăng một phụ nữ dã man đã phác thảo kế hoạch chi tiết cho người phụ nữ thứ hai? Là "con gà hay quả trứng" anh không thể nào biết được.

Một trong những cách để đọc cuốn “Lessons” là tự mình chối bỏ kỹ năng mà McEwan đã trở thành bậc thầy. Nhiều tác giả nên chối bỏ nghệ thuật bậc thầy của họ. Kết quả rất thú vị.

Nhiều thập kỷ sau khi Roland nhìn thấy Miriam lần cuối, một sĩ quan cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà anh. “Một thứ văn hóa hoàn toàn mới” vừa nảy sinh, viên cảnh sát này giải thích. Miriam có thể phải ngồi tù vì tội lỗi của cô ta. Nhưng Roland không chắc hình phạt được đề xuất có phù hợp với tội lỗi đó hay không. Tâm trí của anh là “sự hỗn loạn thất thường” của những quan niệm trái ngược nhau: Mối quan hệ đó đã mang lại lạc thú và mục đích tình dục; nó đã khiến anh đồi bại; anh đã là kẻ đồng lõa; không, đâu phải đồng lõa – đồng lõa là cách viết tắt của sự tự trách mình thường thấy ở nạn nhân. Phải chăng Miriam đã hủy diệt anh? Có thể nào bị hủy diệt mà không biết?

Và, nếu nghĩ đến tiêu đề cuốn sách, Roland học được bài học gì? Từ phụ nữ, có lẽ không nhiều. Từ báo chí, sự diễn biến của câu chuyện đó tồn tại độc lập với mong muốn phác dựng cốt truyện và thể hiện của một nhà văn. May mắn thay, trong trường hợp đó, Roland có McEwan đứng về phía mình.

LESSONS

By Ian McEwan

431 pages. Alfred A. Knopf. $30.

Molly Young is a book critic for The Times, a contributing writer to The Times Magazine and the author of the newsletter Read Like the Wind. She was previously the book critic for New York magazine.

Ian McEwan Returns With a Tale of Adolescent Lust and Adult Lassitude https://www.nytimes.com/2022/09/13/books/review/ian-mcewan-lessons.html

Khi trí thông minh của phụ nữ trị vì những salon sang trọng bậc nhất ở London

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Cuốn sách mới của Susannah Gibson hướng mọi sự chú ý vào các nữ văn sĩ Hội Bluestocking ở thế kỷ 18, những người hằng mong muốn tác phẩm và tư tưởng của họ được tôn trọng như của nam giới.

Từ trái sang phải, các hội viên Bluestocking: Elizabeth Montagu, Fanny Burney và Hester Thrale.

Năm 1790, Mary Wollstonecraft ngồi viết một lá thư với tư cách người hâm mộ. “Chị là nữ văn sĩ duy nhất tôi có đồng quan điểm về thứ hạng mà giới tính của chúng ta phải giành được trên thế giới,” bà viết với lòng phấn khích cho Catharine Macaulay. Macaulay lúc bấy giờ mới xuất bản chuyên luận “Letters on Education” (“Những bức thư về giáo dục”), trong đó bà lập luận rằng nam sinh và nữ sinh phải được dạy cùng một chương trình giảng dạy, vì “sự hiểu biết đích thực… cũng hữu ích cho phụ nữ không khác gì cho nam giới” – nguyên lý mà hai năm sau đã hình thành nên nền tảng cho tác phẩm thành công vang dội của Wollstonecraft có tên “A Vindication of the Rights of Woman” (“Sự minh chứng cho các quyền của phụ nữ”).

Hơn một thế kỷ sau, trong cuốn “A Room of One’s Own” (“Không gian của riêng mình”), Virginia Woolf khẳng định một số người gần như đương thời với Macaulay là những tấm gương, những người mà khả năng kiếm sống từ việc viết lách, bất chấp vô số trở ngại, đã giúp các thế hệ nữ văn sĩ tương lai hình thành quan niệm về tự do trí tuệ của chính mình. “Khoảng cuối thế kỷ 18,” Woolf kết luận, “một sự thay đổi đã xảy ra, sự thay đổi mà nếu tôi được viết lại lịch sử, tôi sẽ phải miêu tả về nó một cách đầy đủ hơn và coi tầm quan trọng của nó lớn hơn các cuộc Thập tự chinh hoặc các cuộc Chiến tranh Hoa hồng”.

Cả hai nữ văn sĩ Woolf và Wollstonecraft đều tranh luận về quyền của phụ nữ gay gắt hơn nhiều so với Macaulay hoặc những người đồng chí hướng với bà, một nhóm có mối liên hệ lỏng lẻo gồm các nữ văn sĩ và nhà tư tưởng người Anh ở thế kỷ 18 được gọi là – đôi khi theo cách xúc phạm, đôi khi theo cách trìu mến – các hội viên Bluestocking. Nhưng như Susannah Gibson tranh luận trong nghiên cứu sâu rộng và có tiết tấu nhanh của mình về nhóm này, cuộc cách mạng nữ quyền của các hội viên Bluestocking khởi phát từ sự xác quyết của họ về tư duy, viết lách và rèn dũa bản thân, bất chấp “những mưu mô độc ác” của xã hội Anh bắt người phụ nữ độc thân phải phụ thuộc cha, và những người phụ nữ đã lập gia đình phải phụ thuộc chồng.

Cuốn sách của Gibson mở đầu bằng một London phát triển nhanh chóng đang phải vật lộn với những thứ mới mẻ như thời trang, ý tưởng và các dự án xây dựng, đồng thời tạo dựng mối liên hệ với châu Âu và thế giới rộng lớn hơn. Tại đây, trong dinh thự Mayfair, Elizabeth Montagu, nhà phê bình văn học đồng thời là nhà văn kết hôn với điền chủ người Anh giàu có, đã mời những người phụ nữ đồng chí hướng đến những cuộc hội họp salon đèn nến sáng trưng, nơi cuộc trò chuyện được nâng tầm lên một hình thức nghệ thuật, nơi trí thông minh và sự uyên bác được trọng vọng, nơi đàn ông và phụ nữ có thể thảo luận về chính trị, văn học, khoa học và lịch sử một cách bình đẳng.

Cuốn sách mỏng xuất bản năm 1739, với tiêu đề “Man Superior to Woman” (“Đàn ông ưu trội hơn phụ nữ”), lên án những phụ nữ có học thức rập theo khuôn mẫu “quý cô phóng đãng ham đọc sách”: nham hiểm, thiếu nữ tính, xấu xa và chắc chắn không phù hợp để làm vợ. “Một người phụ nữ”, một cuốn cẩm nang ứng xử từ thập niên 1770 khẳng định, “là chỗ dựa mềm mại mà Người đàn ông phải được tựa vào sau những nghĩa vụ nghiêm ngặt và cao quý hơn của cuộc sống”. Cha của Montagu, thật khác người, khuyến khích bà học hành từ sớm, song bà nhanh chóng thấy rằng một cuộc hôn nhân có lợi thế sẽ là cơ hội tốt nhất để bà có được sự độc lập. Salon tạo dựng nên danh tiếng cho bà – như một người bạn miêu tả là “lấp lánh trong kim cương, đanh thép trong phán đoán, phê phán trong trò chuyện” – được hiện thực hóa nhờ sự giàu có và thái độ ủng hộ của chồng bà.


Duy trì tư cách đáng tôn trọng là vấn đề then chốt: Fanny Burney, tác giả cuốn tiểu thuyết “Evelina” gây xúc động mạnh trong đại chúng, hạn chế nói chuyện trước công chúng vì e rằng mình “bị coi là mọt sách hoặc giả tạo”. Elizabeth Carter đảm bảo rằng bản dịch các tác phẩm của triết gia Epictetus của bà phải ở sau lời giới thiệu dung hòa tư tưởng của triết gia này với các tiêu chuẩn Cơ đốc giáo. Thậm chí là giữa họ với nhau, các hội viên Bluestocking cũng không được miễn trừ khỏi các tiêu chuẩn mang tính hai-mặt mà theo các tiêu chuẩn này phụ nữ bị phán xét khắc nghiệt hơn nhiều so với nam giới vì những vi phạm xã hội: Hội viên của hội này mà bị vướng vào bê bối có nguy cơ trở thành kẻ bị tẩy chay. Hester Thrale, bạn thân của nhà văn Samuel Johnson, đồng thời là chủ nhân một salon có ảnh hưởng rộng tại nhà bà ở Streatham, bị bạn bè cũ xa lánh vì vừa mới góa chồng bà đã phải lòng giáo viên dạy hát cho cô con gái cả (người sau đó bà lấy làm chồng).

Không vì thế mà nao núng, Thrale tiếp tục viết lách, ghi lại những chi tiết dù là nhỏ nhặt trong cuộc sống riêng tư – những ứng đối hóm hỉnh của Samuel Johnson, những trò cười của các con bà, nỗi buồn thương của bà sau khi người chồng đầu tiên mất và tình cảm ngày càng lớn của bà với người chồng thứ hai – trong một cuốn nhật ký (được xuất bản sau khi bà qua đời) được bà đặt tên là “Thraliana.”

Là một nhà sử học người Ireland, Gibson hướng sự chú ý đến những thế lực chống lại các hội viên Bluestocking không kém gì sự chú ý đến những thế lực giúp họ thành công – tài sản, những người chồng ủng hộ, tình bạn khích lệ. Sự tương tác phức tạp giữa tiền bạc, đẳng cấp và tham vọng tri thức đặc biệt hấp dẫn. Trong khi những phụ nữ quý tộc thậm chí phải đối mặt với tình trạng tài chính bấp bênh nếu họ không theo con đường truyền thống, các nhà văn thuộc tầng lớp lao động lại được đón nhận theo cách khác hẳn.

Câu chuyện về Ann Yearsley, một phụ nữ giao sữa ở Bristol có tác phẩm thơ được hội viên Bluestocking là Hannah More ủng hộ, là một trong những câu chuyện gây sốc nhất trong cuốn sách: More nắm quyền kiểm soát hình ảnh và các vấn đề tài chính của nhà thơ này, bà ta ngăn cản Yearsley – người tiếp tục thành lập thư viện cho thuê sách và một mạng lưới các trường từ thiện – không cho nhà thơ tiếp cận nguồn thu nhập của mình, đồng thời đẩy bà ra trước mắt công chúng theo cách mà những hội viên Bluestocking thuộc tầng lớp trung lưu cố gắng né tránh.

Câu chuyện lịch sử Gibson kể chủ yếu mang tính xã hội hơn là tri thức. Cuộc sống cá nhân của các hội viên Bluestocking được ghi lại bằng những chi tiết sống động: việc Hester Thrale mang thai đến hơn 15 lần (kể cả một số lần bị sẩy thai) và những cái chết bi thảm của một số con cái nối tiếp nhau gây ấn tượng kinh hoàng ám ảnh; câu chuyện về Thomas Wilson, giáo sĩ ở Bath, kẻ dẫn đầu chiến dịch hủy hoại danh tiếng chống lại Catharine Macaulay sau khi bà này khước từ tình cảm của gã, là tư liệu tốt cho một câu chuyện hấp dẫn.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn biết nhiều hơn nữa về những tư tưởng nảy sinh từ các salon này: các tác phẩm của những phụ nữ này có mối liên quan thế nào đến các tác phẩm văn chương và văn hóa khác thời đó; những cách tiếp cận nào đã thúc đẩy số lượng tác phẩm dồi dào của họ (những cuốn tiểu sử viết về Shakespeare và Johnson, văn thơ châm biếm chính trị, lịch sử của các hoàng gia Thụy Điển và Đức, những tiểu luận về tôn giáo); họ tán thành những quan điểm chính trị nào, dù khó nhận ra đến đâu, trong cuộc đời và sự nghiệp của họ. Song Gibson hiển nhiên đã gợi lên cái thành tựu quá phù du của các hội viên Bluestocking: cuộc trò chuyện sinh động của họ, thoảng đưa qua những khung cửa sổ cao, được làn gió nhẹ London cuốn đi qua những thế kỷ đó.

[1] Salon: Phòng khách sang trọng trong dinh thự của những người nổi tiếng, nơi những người có đẳng cấp trong xã hội, trí thức hoặc văn nghệ sĩ thường tụ họp.

[2] Bluestocking trong nguyên văn (“Bít tất xanh”): là thuật ngữ chỉ một phụ nữ trí thức, ban đầu dùng để chỉ thành viên của Hội Blue Stocking, một hội văn chương ở Anh quốc hồi thế kỷ 18 do nhà văn-nhà phê bình Elizabeth Montagu và một số phụ nữ khác đứng đầu.

THE BLUESTOCKINGS: A History of the First Women’s Movement | By Susannah Gibson | Norton | 338 pp. | $29.99

When Women Wits Ruled London’s Swankiest Salons https://www.nytimes.com/2024/07/22/books/review/the-bluestockings-susannah-gibson.html

Câu chuyện kỳ ​​lạ phi thường về một người đàn ông và thành phố cho loài gặm nhấm của ông

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “Rat City” (“Thành phố Chuột”), Jon Adams và Edmund Ramsden khám phá thân thế, thời đại và tầm ảnh hưởng của nhà khoa học John Bumpass Calhoun, được mệnh danh là Người thổi sáo dụ chuột[1].

Trước đây từng có một anh chàng xuất hiện quanh khu vực New York với kiểu tóc mohawk[2] hai tông màu chói rực, một cặp chuột phối hợp nhịp nhàng vắt vẻo trên vai anh ta. Khách du lịch trố mắt ra nhìn; dân địa phương đa phần hối hả rảo bước. Dù nhiều người trong giới tinh hoa ở Manhattan ưa chuộng những con chó ngày càng nhỏ hơn, nhưng giống Chuột chưa bao giờ thành mốt thời trang đối với xã hội có học thức.

Có lẽ xã hội nên xem xét lại. Như Jon Adams và Edmund Ramsden giải thích rất rõ ràng trong cuốn sách “Rat City” thú vị và kỳ lạ phi thường của họ, có rất nhiều thứ kết nối chúng ta với những kẻ láng giềng lông lá hiện diện khắp nơi, nhiều hơn là chúng ta có thể tưởng tượng được.


Cuốn tiểu sử nằm ở trung tâm mớ hổ lốn đáng ngờ này tập trung vào một người mà bản thân ông đã kết hợp một số đức tính khá là khác nhau. Sinh ra ở vùng nông thôn bang Tennessee năm 1917, John Bumpass Calhoun – được bạn bè và gia đình gọi là Jack – là người say mê thiên nhiên từ khi còn rất bé, một “cậu bé nông thôn với khẩu súng săn nòng nhỏ của riêng cậu”, luôn tò mò về cơ chế hoạt động bên trong của thế giới động vật.

Sự tò mò đã dẫn chàng thanh niên đến với bằng tiến sĩ sinh thái học ở Northwestern, rồi sau đó là một vị trí ở Johns Hopkins, nơi câu chuyện về anh lần đầu tiên động chạm đến những chủ đề lớn hơn, nhiều lông lá hơn của cuốn sách này. Hồi thập kỷ 1940, bị bao vây do nạn chuột hoành hành ở mức độ gần như thị trấn Hamelin, thành phố Baltimore đã nhờ cậy Calhoun và một nhóm đồng nghiệp của anh để tìm ra giải pháp.

Vậy ý tưởng Calhoun là gì? Nhóm nghiên cứu này cần tạo dựng một khoảnh đất của riêng mình trong thành phố, đưa chuột giống vào đó và tập trung quan sát ghi chép.

Những gì phát sinh từ đó là câu chuyện không phải về một Thành phố Chuột duy nhất, mà là sự nối tiếp nhau không ngừng dài hàng thập kỷ của các Thị trấn Chuột và Làng Chuột trên khắp đất nước, xen kẽ với các Thành phố Chuột rải rác.

Trái với việc xóa sổ quần thể loài gặm nhấm ở Baltimore, Calhoun và nhóm nghiên cứu của anh bắt đầu quan tâm đến động lực của những con chuột họ nuôi, nhất là cách chúng phản ứng với những thay đổi của môi trường xung quanh. Kết luận mà các nhà khoa học này đạt được sau nhiều màn kịch tính về học thuật hậu-trường và thực hiện một số thay đổi nhỏ nhằm cải thiện môi trường sống: Không chỉ sức khỏe cộng đồng mà cả sức khỏe tâm lý cá nhân của loài chuột nâu “chắc chắn bị suy sụp dưới áp lực xã hội do dân số tạo ra”.

Hàm ý đối với con người sống ở những thành phố đông đúc dường như rất rõ ràng; Ramsden và Adams (một người là nhà sử học về khoa học và người kia là nhà kinh tế học) từng bước khám phá những bài học này và rồi theo dõi xem chúng phản xạ lại xuyên qua bối cảnh liên ngành từ cấu ​​trúc đến dược lý học ra sao.

Hỡi những người yêu chuột, hãy coi chừng: Hết trang này đến trang khác, đặc biệt là ở các chương đầu, bọn vật hại này bị đầu độc, mổ xẻ và đánh đập; có nhiều “thí nghiệm gây căng thẳng”, tiêm thuốc độc và tập luyện cưỡng bức. Ngoài ra còn có những miêu tả rất dài về “sự tán tỉnh đầy nghi lễ” của các đối tượng, cũng như rất nhiều hành vi bạo lực giữa chuột và chuột.

Đặc biệt là trong hai hoạt động sau cùng, Calhoun và “Những kẻ Lập dị” của ông – được gọi như thế vì họ quan tâm đến tác động của môi trường vật lý lên hành vi – đã ghi nhận những trệch hướng nghiêm trọng nhất so với chuẩn mực do mật độ tăng lên, ngay cả khi tài nguyên vẫn còn dồi dào. Chìm dần vào trạng thái rút lui khỏi xã hội một cách bệnh hoạn hoặc trạng thái hòa nhập bắt buộc, những con vật được nghiên cứu “không còn là chuột nữa” và cuối cùng ngừng sinh sản hoàn toàn.

Trong bản báo cáo năm 1962, Calhoun gọi tình trạng này là “vũng chìm của hành vi”. Cụm từ này trở nên nổi tiếng: nhà báo Tom Wolfe thích nó; nhà báo Hunter S. Thompson cũng vậy. Nỗi lo lắng rằng vũng chìm như thế có thể đang chờ đợi (hoặc có thể đã tồn tại) ở các thành phố đang rối ren của Mỹ đã tạo ra tình trạng hoảng loạn lộn xộn nho nhỏ trong một số bộ phận nhất định của giới tinh hoa hoạch định chính sách. (Bản thân Leonard Duhl thuộc nhóm Những kẻ Lập dị sẽ đảm nhận một vị trí có ảnh hưởng tại Bộ Phát triển Nhà và Đô thị mới được thành lập.)

“Mọi thứ dường như đang hợp nhất với nhau,” các tác giả viết. Họ muốn nói đến những dòng tư tưởng khác nhau trong thân thế sự nghiệp của Calhoun – mặc dù cũng có thể đơn giản là họ đang nói về những mạch chuyện của chính họ.

Trên thực tế, cả hai đều không hoàn toàn hợp nhất. Ngoài những thứ khác ra, sự ngưỡng mộ hiển nhiên của Adams và Ramsden đối với nhân vật chính của họ xung đột một cách bối rối với những gì thậm chí họ thừa nhận là “các ẩn ý chủng tộc” và sự mất nhân tính nói chung trong cách Calhoun đánh đồng chuột và các cư dân thành phố có thu nhập thấp hơn.

Hơn nữa, lập luận bênh vực Calhoun như một lực lượng chính yếu trong lý thuyết quy hoạch đô thị ở Mỹ đã trở nên yếu ớt gấp đôi bởi yếu tố thời gian – ngay từ thập kỷ 1930, mật độ giảm thấp từng là mục tiêu được công bố của tất cả mọi người từ kiến trúc sư Frank Lloyd Wright đến Tổng thống Franklin Roosevelt. Và sau đó có những sơ suất nghiêm trọng trong những nhận thức trực giác mà sau này nhà sinh thái học Calhoun đã góp phần vào – mật độ quá thấp là vấn đề hiện đang khiến hầu hết các thành phố ở Mỹ đau đầu, nó đẩy cả giá nhà lẫn sự cô lập xã hội lên cao.

Tất cả những điều đó chẳng làm giảm đi là mấy giá trị của những gì vẫn còn là một câu chuyện sôi động kỳ quái xuôi theo một dòng riêng biệt trong lịch sử trí tuệ, đầy rẫy những vai khách mời lập dị (Aldous Huxley! Buckminster Fuller!) và bài viết khoa học rất sắc sảo nào đó.

Tách ra khỏi những tiếng cộng hưởng khó nghe hơn của nó – những tiếng cộng hưởng mà Calhoun, khá khen cho ông, không bao giờ tìm cách khuếch đại – bài học luân lý cơ bản của “Rat City” cũng rất đáng để suy ngẫm, đặc biệt là bởi những người dân thành thị có khuynh hướng hình thành quan điểm quá tùy tiện về sự ưu trội mà họ tự coi là họ có so với những loại thấp kém hơn. Bọn chuột đó chính là chúng ta.

[1] Nguyên văn “Pied Piper”: nhân vật trong truyện cổ tích Người thổi sáo ở Hamelin của Đức (tiếng Đức: der Rattenfänger von Hameln), nhân vật này được dân Hamelin thuê đến bắt chuột, bằng cây sáo thần anh ta dụ được tất cả chuột ra khỏi thị trấn này.

[2] Mohawk: Kiểu tóc mà da đầu được cạo sạch trừ một dải tóc dựng đứng chạy vắt qua đỉnh đầu từ trán đến gáy.

RAT CITY: Overcrowding and Urban Derangement in the Rodent Universes of John B. Calhoun | By Jon Adams and Edmund Ramsden | Melville House | 358 pp. | $32.50

Ian Volner writes about architecture, design and urbanism. His most recent book is “Jorge Pardo: Public Projects and Commissions.”

A Phenomenally Weird Tale of a Man and His Rodent Metropolis 
https://www.nytimes.com/2024/07/15/books/review/rat-city-jon-adams-edmund-ramsden.html

Harriet Tubman là ai? Một nhà sử học đã lần theo các manh mối.

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Một cuốn tiểu sử sắc sảo mới được viết bởi nhà sử học từng đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia là Tiya Miles nhằm đưa biểu tượng người chiến sĩ đấu tranh vì tự do trở về tầm vóc con người thực.

Bức ảnh màu nâu đỏ này chụp một phụ nữ da đen độ tuổi trung tuần mặc một chiếc váy sẫm màu chùng đến đất, choàng chiếc khăn màu sẫm và đội một chiếc khăn trên đầu. Hai tay bà chắp trước bụng và nhìn thẳng vào máy ảnh.


Harriet Tubman, chụp khoảng năm 1885. Sự chú ý kiểu văn hóa đại chúng đối với cuộc đời phi thường của Tubman đã trở thành con dao hai lưỡi: một mặt tôn vinh những thành tựu của bà, một mặt lại khiến người ta càng khó lòng nhận biết con người thực của bà là như nào.

Harriet Tubman đã sống một cuộc đời nhiều biến động – đầy rẫy những khó khăn, hiểm nguy cực độ và những lúc tính mạng ngàn cân treo sợi tóc – đến nỗi thậm chí một người vô thần cũng khó có thể phủ nhận rằng chín thập kỷ bà sống được trên cõi đời này chẳng thể là gì khác ngoài phép màu.

Chính bản thân Tubman cũng tin rằng Chúa đã dẫn dắt bà làm công việc nguy hiểm với vai trò người chỉ đạo Tuyến Hỏa xa ngầm[1] trong thập niên 1850; bà đã thực hiện khoảng 13 chuyến đi bên dưới tuyến đường phân ranh giới Mason-Dixon[2] và đưa được đến 80 người về phía bắc, thường là tới tận Canada. Cuộc đào thoát của chính Tubman năm 1849 là một huyền thoại. Sau lần đầu tiên thử tìm cách trốn cùng các anh trai, những người anh này hoảng sợ đến mức nhất quyết quay trở lại điền trang của chủ nô của họ gần Vịnh Chesapeake, Tubman ngoan cường một mình làm cuộc hành trình 90 dặm đầy nguy hiểm từ Maryland đến Pennsylvania.

“Nơi mà những người khác thấy là những cánh cửa đóng kín và những bức tường gạch không thể trèo qua được thì bà mong ước nơi đó hóa thành những đường hầm và những chiếc thang,” nhà sử học Tiya Miles viết trong “Night Flyer” (“Kẻ bay đêm”), cuốn tiểu sử ngắn về Tubman, là cuốn đầu tiên trong loạt sách mới có tên là Significations ("Những cuộc đời ý nghĩa") và được Henry Louis Gates Jr. biên tập, viết về những nhân vật nổi tiếng người da đen. Nhiều thập kỷ sau khi bà qua đời năm 1913, cuộc đời phi thường của Tubman chủ yếu chỉ được đề cập đến trong những cuốn sách dành cho trẻ em và thanh niên. Những cuốn tiểu sử trọn vẹn, mang tính thăm dò được viết bởi các nhà sử học Catherine Clinton và Kate Clifford Larson mới được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Gần đây hơn, Tubman là chủ đề của một bộ phim tiểu sử của Hollywood và “She Came to Slay” (“Bà đến để tiêu diệt”), tập sách có hình minh họa của nhà sử học Erica Armstrong Dunbar, với hình vẽ Tubman đeo súng lục trên trang bìa.

Có lẽ điều dễ đoán được là mọi sự chú ý của văn hóa đại chúng đã trở thành con dao hai lưỡi: một mặt tôn vinh những thành tích đáng nể của Tubman, một mặt càng khiến người ta khó lòng nhận biết con người thực của bà là như nào. Miles thừa nhận rằng trước khi chị bắt tay vào viết tác phẩm này, Tubman “đã trở thành một nhân vật nguyên mẫu truyền thống trong trí tưởng tượng của tôi, một anh hùng nổi tiếng trong dàn nhân vật mà chúng ta có thể gọi là những kẻ báo thù theo chủ nghĩa bãi nô”. Việc nhận ra những đặc tính và những căn bệnh thể chất của Tubman “đưa Tubman từ biểu tượng văn hóa trở về tầm vóc con người”.

Miles gọi cuốn “Night Flyer” là cuốn “tiểu sử mang tính đức tin”, nhấn mạnh vào phẩm chất tâm linh của Tubman cùng với nhận thức về sinh thái của bà, được thể hiện bằng sự quan tâm sâu sắc đến thế giới tự nhiên. Miles cũng khai thác những câu chuyện về cuộc đời của “những phụ nữ tương tự”, ví dụ như các nhà truyền giáo Jarena Lee và Zilpha Elaw, nhằm cố gắng làm sáng tỏ một số trải nghiệm có tính nội tâm hơn mà Tubman đã cẩn trọng giữ kín.

Những lỗ hổng như vậy trong ghi chép lịch sử chẳng có gì lạ đối với Miles. Vì đã viết về người dân bản địa và người Mỹ gốc Phi, kể cả cuốn sách “All That She Carried” (“Hành trang của bà”) đoạt giải National Book Award, chị thường xuyên phải đối mặt với điều mà chị gọi là “vấn đề nan giải về tài liệu lưu trữ”. Tubman không biết đọc biết viết: bà đọc câu chuyện cuộc đời mình cho “những phụ nữ da trắng tiêu biểu, trung lưu, chống chế độ nô lệ” viết lại, chẳng hạn như Sarah Bradford người viết tiểu sử đầu tiên về bà. Mặc dù thường là “có ý định tốt”, song những người chép tiểu sử cho Tubman đôi khi đã “hạ thấp” bà, biến bà thành một nhân vật kỳ dị, gần như siêu nhiên.


Đó là còn chưa kể bản thân Tubman là một người trình diễn rất khôn khéo, người đã lập nên những kỳ tích can trường nhờ sự đề phòng và cẩn trọng. “Bà muốn kiểm soát câu chuyện ấy,” Miles viết. Cuối thập kỷ 1850, Tubman tích cực định hình tính cách của mình trong các buổi diễn thuyết uyển chuyển, “bà hiểu rằng nếu không làm như vậy, những kẻ khác sẽ biến bà thành một nhân vật phục vụ cho mục đích riêng của họ”.

“Night Flyer” kể lại vắn tắt những sự kiện quan trọng đầu đời của Tubman. Cô sinh ra với cái tên Araminta “Minty” Ross khoảng năm 1822, là con của cặp vợ chồng Rit Green và Ben Ross ở bờ đông Hạt Dorchester, bang Maryland. Sau khi bị chấn thương sọ não nặng lúc 12 hoặc 13 tuổi, khi cô bước xen vào giữa một cậu bé nô lệ trong một cửa hàng và một quả cân nặng 2 pound do tên giám thị của cậu bé ném vào, cô bắt đầu lên những cơn co giật mà cô liên tưởng đến những ảo ảnh mang tính chất tôn giáo. Cô đổi theo họ của chồng sau khi kết hôn với John Tubman, một người đàn ông da đen tự do, khoảng năm 1844. Lúc đó, khi vừa chứng kiến ​​hai chị gái của mình “bị đem đi” tận Deep South trong một nhóm tù nhân bị xiềng xích lại với nhau, Tubman tự đặt cho mình một câu hỏi sẽ khuấy động cả quãng đời còn lại của cô: “Vì sao những thứ như thế lại tồn tại?”

Vận dụng những sự thật này làm giàn đỡ, Miles cố gắng khai phá tính cách của Tubman. Tubman luôn thích ở bên ngoài hơn ở nhà. Hồi còn bé, để tránh bị ăn đòn vì lấy trộm một cục đường, cô trốn năm ngày trong một chuồng lợn. Hồi thập kỷ 1830, chủ nô đem cô cho thuê làm những công việc nặng nhọc ngoài trời – lùa bò, đốn cây và vận chuyển gỗ súc. Tubman coi loại công việc đó thích hơn công việc gia đình mà cô rất ghét (mặc dù, sau khi đào thoát, cô nhận làm công việc gia đình nhằm tài trợ cho các sứ mệnh giải cứu của mình). Khi tái hiện cảnh Tubman rốt cuộc trốn thoát khỏi kiếp nô lệ, Miles tưởng tượng ra vùng đất than bùn trong khu rừng ngập nước và quả mâm xôi vùng đầm lầy mà có lẽ cô đã ăn.

Song đó đâu phải chỉ là câu chuyện về sự sống sót được trong rừng. Tubman còn có ý thức tinh tế về phong cách, theo lời Miles kể, và cả khiếu hài hước về nó nữa. Trong thời Nội chiến, chị làm công tác trinh sát và do thám quân sự, và đã đi cùng một trung đoàn trong Trận đột kích Sông Combahee ở Nam Carolina. Tubman kể lại trang phục lịch sự của chị chẳng mấy phù hợp với sự kiện đặc biệt này ra sao: “Tôi bắt đầu chạy, chân giẫm lên chiếc váy của mình, nó khá dài, rồi ngã xuống và gần như xé nó toác toạc ra, đến nỗi khi tôi lên thuyền thì hầu như chẳng còn gì sót lại ngoài những mảnh vải vụn. Khi ấy tôi đã quyết chí rằng mình sẽ không bao giờ mặc váy dài trong những chuyến viễn chinh kiểu này mà sẽ mặc một chiếc quần ống túm ngay khi tôi kiếm được.”

“Night Flyer” bao gồm một phụ trương ảnh màu của Amani Willett chụp các địa điểm được kết nối với Tuyến Hỏa xa ngầm. Bức ảnh cuối cùng cho thấy điểm đánh dấu tuyến đường phân ranh giới Mason-Dixon. Điều đặc biệt ấn tượng là trông nó rất bình thường – một tảng đá mòn, được bao quanh bởi cây cỏ um tùm, tảng đá đã có thời đánh dấu sự phân chia hiện hữu giữa chế độ nô lệ và tự do.

Tubman sống thêm gần nửa thế kỷ sau khi cuộc Nội chiến kết thúc, bà cung cấp nơi nương tựa cho mọi người tại ngôi nhà của bà ở Auburn, bang New York, và thành lập trung tâm chăm sóc người già và người khuyết tật. Đến cuối cuốn sách “Night Flyer”, Miles thừa nhận đã phải chật vật với tác phẩm của mình – cố gắng đến gần hơn với một người đã để lại “dấu vết mù mịt trên giấy tờ” như thế. Chị chế giễu những cuốn tiểu sử ghi-lại-y-như-được-kể, giải thích rằng những người phụ nữ da trắng viết chúng, bất chấp ý định tốt của họ, “đã không thể kể câu chuyện của Tubman với sự trọn vẹn, rõ ràng và sự sâu sắc đầy triết lý mà Tubman đáng lẽ đã kể nếu bà tự tay viết nó. ”

Một mặt, lời tuyên bố này thật tầm phào, và mặt khác là không có căn cứ. Miles cho chúng ta biết rằng Tubman luôn cẩn trọng không bộc lộ “cảm xúc riêng của mình”; có rất ít lý do để nghĩ rằng nhẽ ra bà đã muốn tiết lộ nhiều hơn về bản thân mình trước công chúng đang đói thông tin. Người phụ nữ mang tên Tubman hiện lên từ cuốn “Night Flyer” vẫn phi thường và bí ẩn. Như một đồng nghiệp đã nói với Miles: “Hồi đó đã chẳng ai có thể nắm bắt được bà. Bây giờ sẽ rất khó có thể nắm bắt được bà.”

[1] Nguyên tác: “Underground Railroad”: mạng lưới tuyến đường bí mật và những ngôi nhà an toàn được lập ra ở Mỹ trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thế kỷ 19. Mạng lưới này được những người nô lệ Mỹ gốc Phi sử dụng chủ yếu để trốn sang các bang tự do và từ đó đến Canada.

[2] Nguyên tác: “Mason–Dixon line”: đường phân giới phân chia bốn tiểu bang của Mỹ, tạo thành các phần biên giới của Pennsylvania, Maryland, Delaware và Tây Virginia (một phần của Virginia cho đến năm 1863).

NIGHT FLYER: Harriet Tubman and the Faith Dreams of a Free People | By Tiya Miles | Penguin Press | 304 pp. | $30

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.
_____
From The New York Times:

Who Was Harriet Tubman? A Historian Sifts the Clues.

A brisk new biography by the National Book Award-winning historian Tiya Miles aims to restore the iconic freedom fighter to human scale.

https://www.nytimes.com/2024/06/26/books/review/night-flyer-tiya-miles.html

Trở lại thời phụ nữ được lệnh phải “viết như nam giới”

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Ronnie Grinberg viết trong một cuốn sách mới rằng có một kiểu trọng nam khinh nữ đặc biệt từng là yêu cầu nghiêm ngặt đối với những người trí thức hồi giữa thế kỷ trước ở New York – thậm chí đối với cả phụ nữ.

Ban biên tập tạp chí Partisan Review hồi năm 1937, vắng mặt Mary McCarthy, người phụ nữ duy nhất trong ban. Giới trí thức New York thời bấy giờ ca ngợi những ưu điểm của sự khiêu khích trí tuệ và tranh đấu bằng bút chiến; vài phụ nữ hiếm hoi được chấp nhận vào giới này bị yêu cầu phải “viết như nam giới”.

“Write Like a Man” (“Viết như nam giới”): Tiêu đề cuốn sách miêu tả chân dung nhóm trí thức New York hồi giữa thế kỷ trước của Ronnie Grinberg nghe như vừa công kích lại vừa hài hước, vừa hung hăng lại vừa lỗi thời. Điều từng được coi là một lời khen ngợi (dù mang tính sô-vanh cố hữu) giờ đây nghe lố bịch đến mức chỉ có thể là một câu đùa mỉa mai. Sự chuyển biến này là dấu hiệu cho thấy có biết bao thay đổi kể từ thời điểm Grinberg viết về điều đó, thời điểm mà một nhóm nhà văn xúm quanh các tạp chí nhỏ nhưng nhiều ảnh hưởng như Partisan Review và Dissent ca ngợi những ưu điểm của sự khiêu khích trí tuệ và tranh đấu bằng bút chiến.

Những người trí thức đó hầu hết là đàn ông, và hầu hết là người Do Thái. Họ cũng từng là chủ đề được viết đến rất nhiều, đặc biệt là do chính những người đàn ông đó viết, trong hồi ký của họ. Nhưng điều khiến “Write Like a Man” nổi bật lên là cốt truyện – thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng hóa ra lại đủ sâu rộng để chứa đựng mọi kiểu mâu thuẫn cuốn hút người đọc. Grinberg, giáo sư ngành lịch sử tại Đại học Oklahoma, lập luận rằng căn tính Do Thái thấm nhuần một cách hiểu cụ thể về nam tính: “Đàn ông và phụ nữ, người Do Thái và không-Do-Thái trong nhóm đó tất cả đều đi đến chỗ tán thành một sự trọng nam khinh nữ kiểu Do Thái muôn thuở”.

Đây không phải là một lập luận theo kiểu bản chất luận; điều mà Grinberg gọi là “hệ tư tưởng về nam tính kiểu Do Thái muôn thuở” được hình thành từ kinh nghiệm cụ thể khi sinh trưởng bên ngoài xu hướng chủ đạo của Mỹ. Những lý tưởng về nam tính của đạo Tin lành sùng bái tinh thần thể thao và sức mạnh vượt trội về thể chất – một sự cảm tính thậm chí còn trở nên rõ rệt hơn trong phản ứng của những người theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại trước làn sóng người nhập cư mới cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Những khuôn mẫu bài Do Thái “từ lâu đã đóng khuôn đàn ông Do Thái thành những người yếu đuối, thụ động và nhu nhược”, Grinberg viết. Sau Thế chiến I, một thế hệ trẻ đàn ông Do Thái được sinh ra ở Mỹ đã tìm ra cách tạo dựng chỗ đứng cho mình bằng cách kết hợp sự chú trọng của người Do Thái vào học tập và học bổng với sự chú trọng của người Mỹ vào vẻ vênh vang. “Điều đó thật là mới mẻ,” Grinberg viết, “vừa độc đáo theo kiểu Mỹ vừa độc đáo theo kiểu Do Thái”.

Xuất phát điểm của nền văn hóa nhóm bắt đầu nảy nở này là City College of New York (trường Đại học Thành phố New York), được miễn học phí và không có hạn ngạch, với số lượng sinh viên Do Thái chiếm tỷ lệ đa số, chẳng hạn như hồi thập kỷ 1930 là 80 – 90%. Trong số những sinh viên tốt nghiệp có nhà xã hội học Daniel Bell, nhà triết học Sidney Hook và hai nhà phê bình văn học Alfred Kazin và Irving Howe. Với những người theo học trường này lúc bấy giờ, vị giáo sư triết học Morris Cohen, như một sinh viên diễn tả, là “Paul Bunyan của giới trí thức Do Thái”, với phong cách sư phạm phải gọi là búa rìu mới đúng. “Ta đến lớp học của Cohen để bị xé toạc,” Howe hồi tưởng, sau đó nói thêm: “Đó là phương pháp giảng dạy kinh hoàng, đôi khi thậm chí tàn ác”. Howe hiển nhiên nói câu này như một lời khen.


Trang bìa cuốn “Write Like a Man” của Ronnie Grinberg có màu kem với tên sách in chữ đen bên trên bức tranh vẽ nửa tá đàn ông mặc complet đeo cà vạt, cùng vài phụ nữ, đang hút thuốc lá và uống cà phê bên một chiếc bàn dài màu vàng có hình dạng như bản đồ Manhattan.

Howe là nhân vật trung tâm trong cuốn sách của Grinberg, là người rốt cuộc cũng thừa nhận có “thói quen trịch thượng” đối với phụ nữ và vẫn luôn kiên định với lý tưởng cánh tả của mình. Những cuộc tranh cãi của ông với thế hệ trẻ hơn theo chủ nghĩa Cánh tả Mới cho thấy cả hai bên đều sử dụng ngôn từ nam tính ra sao, dù rằng họ bất đồng với nhau về những gì nam tính đích thực đòi hỏi. “Sự thô hào lỗ mãng,” Howe viết, “đã trở thành một ngọn giáo để chọc thủng lớp vỏ tự mãn”. Nhưng ngọn giáo đó bị hạn chế trong ý tưởng và lập luận chứ không phải tích cực hành động. Thập niên 1960, những người phe Cánh tả Mới đề cao sự phản đối và hành động; họ chế nhạo những người phe cánh tả trung niên như Howe là “các nhà trí thức lý thuyết suông”.

Đến lượt mình, Howe chế giễu phe Cánh tả Mới chỉ giỡn chơi, học đòi làm “một thứ pha tạp kỳ cục giữa ảo tưởng Che Guevara, tàn dư của chủ nghĩa Stalin, tính khoác lác vô chính phủ và những biện pháp cục bộ dữ dằn”. Mỗi bên đều coi mình là hiện thân đích thực của nam tính. Có lần, khi Howe bị “bọn trẻ ranh phe Cánh tả Mới châm chọc”, ông ta quát vào mặt một đứa – một “cậu trai rất sáng láng tên là Cohen” – lời xúc phạm tồi tệ nhất mà một trong hai bên có thể nghĩ ra: “Khi cậu lớn lên… hóa ra cậu sẽ chỉ là một nha sĩ!”

Cuốn sách của Grinberg đầy rẫy những giai thoại sinh động kiểu ấy, nó chăm chút đến cả khả năng tiềm tàng lẫn sự phi lý phát sinh từ một phe phái gồm những nhà trí thức lỗi lạc được coi như những kẻ to mồm chẳng biết sợ là gì. Năm 1971, Norman Mailer (người tốt nghiệp Harvard nhưng cứ tự cho mình là một võ sĩ quyền Anh) than thở rằng phụ nữ không còn tôn kính đàn ông khi “việc mang thai không còn nguy hiểm nữa” – nhờ tỷ lệ tử vong vì chửa đẻ đang giảm. Do “được cách ly khỏi khả năng kịch tính về một kết cục chết người”, ông này viết, phụ nữ không còn lo sợ rằng một người đàn ông sẽ “đưa vào cô ta một tạo vật mà có thể sẽ là sự diệt vong của cô ta”. Đây thật là một cách nói hoa mĩ kì cục rằng phụ nữ chỉ có thể tôn kính người đàn ông có thể giết họ. Mailer, người đã đâm vợ mình tại một bữa tiệc, đã luôn cố gắng hết sức để làm một đấng nam nhi. Tiểu thuyết gia Ann Birstein, người kết hôn với Kazin, gọi Mailer là “thằng bé con của một bà mẹ Do Thái, kẻ khao khát được coi là một người đàn ông Ireland dữ dằn”.

Vài phụ nữ hiếm hoi được chấp nhận vào giới này phải có ngòi bút rất đáng gờm – theo cách diễn đạt của Jason Epstein, đồng sáng lập tạp chí The New York Review of Books, họ phải “viết như một đàn ông”. Song theo lời Grinberg, họ cũng bị đòi hỏi phải là người “hấp dẫn và quyến rũ”. Elizabeth Hardwick, Mary McCarthy và Hannah Arendt phù hợp với tiêu chí đó; Diana Trilling, người kết hôn với nhà phê bình nổi tiếng Lionel Trilling, đã có lúc phải chật vật hơn.

Diana Trilling nổi tiếng là người cực kỳ “khó ưa”, Grinberg viết. Tất nhiên, người ta cũng có thể nói như thế về hầu hết đàn ông trong nhóm. Song tiếng tăm của Trilling bị đeo theo tính khó chịu của bà theo cách mà danh tiếng của những người kia không bị. Những bài phê bình văn học đầu tiên của bà bao hàm thứ ngôn ngữ thiên vị giới tính mà thời bấy giờ vẫn được coi là thứ đương nhiên. Bà phàn nàn rằng Virginia Woolf "ẩn náu trong sự nhạy cảm của nữ giới”, điều “khiến cho việc đối mặt trực tiếp với bà ấy như một người đàn ông là bất khả”. Trilling cho rằng các nữ văn sĩ không đủ “can trường”. Song việc bà sẵn lòng sử dụng những câu phân biệt giới tính bóng bẩy lại không đủ để bù trừ cho sự không “được coi là quyến rũ hoặc dễ tán tỉnh”, Greenberg viết. Rốt cuộc Trilling khẳng định lập trường của bà bằng sự chống cộng “dữ dằn” của mình. Trong một bữa tiệc tối, bà ta đứng dậy và hét vào mặt những trí thức khác trong bàn: “Chẳng một ai trong số các người đủ DỮ DẰN với tôi cả!”

Cuốn sách thu hút những người thích chọn phe phái, song Grinberg vẫn đứng ngoài cuộc xung đột. Chị điềm tĩnh kể lại chi tiết về những đường lối chính trị khác nhau rất xa của các nhân vật mà chị viết về, từ lòng tận trung với chủ nghĩa cánh tả của Irving Howe đến xu hướng thiên về cánh hữu của Norman Podhoretz, nhà cựu biên tập của tạp chí Commentary, người đã trở thành một thành viên của phe tân bảo thủ. Podhoretz, hiện 94 tuổi, cho biết ban đầu ông không thích Donald Trump, nhưng dần dà bắt đầu có thiện cảm với ông ta, rồi trở thành người “chống-lại-bọn-chống-Trump”, trước khi đi đến quyết định rằng xét cho cùng thì ông thích Trump, vì Trump “đánh trả” và không phải là một kẻ có tính "đàn bà". “Đức hạnh” của Trump là những “đức tính của bọn trẻ vô gia cư ở Brooklyn”.

Kiểu lý luận này, nếu ta thậm chí có thể gọi nó như thế, cho thấy sự ưa thích đánh nhau có thể biến thành sự tôn sùng như thế nào. Việc nhớ lại thời thơ ấu, chỉ riêng nó, đã là hành động bộc lộ vô thức. Grinberg chỉ ra cảm giác xấu hổ và thiếu tự tin thời còn là một cậu bé là nền tảng củng cố cho vẻ vênh vang được miêu tả trong cuốn sách của chị. Như chị viết về Podhoretz, trong lúc cố gắng làm lành vết thương lòng [S17] của ông này sau khi một trong những cuốn sách của ông bị bạn bè chỉ trích rất nhiều: “Họ đã cười nhạo ông ấy, bỏ mặc ông ấy cảm thấy bị bóc trần.”

WRITE LIKE A MAN: Jewish Masculinity and the New York Intellectuals | By Ronnie A. Grinberg | Princeton University Press | 367 pp. | $35

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.
_____
From The New York Times:

Back When Women Were Told to ‘Write Like a Man’

For the midcentury New York intellectuals, Ronnie Grinberg writes in a new book, a particular kind of machismo was de rigueur — even for women.

https://www.nytimes.com/2024/07/03/books/review/write-like-a-man-ronnie-grinberg.html

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...